Phẫu thuật nội soi hoàn toàn điều trị ung thư dạ dày
Bệnh nhân H.T.K (91 tuổi) phát hiện bị ung thư dạ dày cách đây không lâu. Do sức khỏe của bà không được tốt nên các con bà dự định chọn giải pháp chăm sóc giảm nhẹ chứ không phẫu thuật. Tuy nhiên, qua các phương tiện truyền thông, biết Bệnh viện Bạch Mai đang áp dụng nhiều kĩ thuật tiên tiến trong phẫu thuật và đã cứu sống được rất nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, ông N.T.S (con trai bệnh nhân) đã đưa bà đến khám tại Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật.
Sau khi nội soi, chụp chiếu và làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, bà được chuyển sang Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy. Tại đây, các bác sĩ nhận định bệnh nhân K có chỉ định phẫu thuật nội soi cắt đoạn dạ dày, nạo vét hạch. Với sự giúp sức của Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, qua 5 lỗ nhỏ trên thành bụng (kích thước từ 0,5 đến 1 cm), các phẫu thuật viên đã đưa camera và các dụng cụ nội soi tiếp cận, phẫu tích, bóc tách dạ dày và các mạch máu, hạch liên quan.
Sau khi đoạn dạ dày bị ung thư được cắt đi cả khối, mỏm dạ dày được nối với hỗng tràng cũng qua nội soi. Ca mổ kéo dài trong khoảng 3 tiếng và thành công đúng như dự kiến.
Chỉ 2 ngày sau phẫu thuật, bà K đã có thể ăn cháo và đi lại nhẹ nhàng. Sau 5 ngày, sức khỏe của bà K khôi phục gần như bình thường.
“Tôi cũng rất ngạc nhiên, mẹ tôi đã 91 tuổi lại trải qua một cuộc đại phẫu như vậy, nhưng nhờ áp dụng phương pháp phẫu thuật tiên tiến mà mẹ tôi phục hồi rất nhanh. Tôi thực sự rất biết ơn các y, bác sĩ và nhân viên tại Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy”. Đó là lời cảm ơn của con trai bà K gửi tới bác sĩ trước khi mẹ mình xuất viện.
TS. Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết: "Phẫu thuật nội soi ngày nay được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh lành tính và ác tính. Phẫu thuật nội soi hoàn toàn (nghĩa là toàn bộ các thao tác, kể cả các miệng nối đều được thực hiện qua nội soi) để điều trị ung thư dạ dày và đại tràng tuy là kỹ thuật khó, phức tạp nhưng đã trở thành kỹ thuật thường quy của Khoa và đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân so với mổ mở nói chung và phẫu thuật nội soi hỗ trợ với miệng nối ngoài cơ thể nói riêng. Với những phương pháp này, sau khi nội soi cắt dạ dày hay đại tràng xong vẫn phải mở nhỏ thành bụng để đưa dạ dày, ruột ra ngoài ổ bụng thực hiện miệng nối."
Phẫu thuật nội soi hoàn toàn điều trị ung thư dạ dày và đại tràng khi được thực hiện thành thạo sẽ là phương pháp can thiệp ít xâm lấn, an toàn với vết mổ nhỏ, tỷ lệ biến chứng thấp (tỷ lệ biến chứng miệng nối; tắc ruột, thoát vị sau mổ thấp; hiệu quả hồi phục sau mổ cao). Miệng nối được thực hiện trong cơ thể nên phần ruột lành được giữ ổn định tại chỗ, không bị co kéo làm tổn thương thành dạ dày, ruột và mạch máu nuôi miệng nối; không kéo bệnh phẩm qua vết mổ, có thể thực hiện đường mở nhỏ vừa đủ để lấy bệnh phẩm ở vị trí thẩm mỹ, ít nguy cơ thoát vị và nhiễm trùng, nếu kết hợp với phương pháp lấy bệnh phẩm qua đường lỗ tự nhiên thì sau mổ người bệnh gần như không có sẹo mổ, đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của người bệnh, nhất là với bệnh nhân trẻ tuổi, là nữ giới.
Cũng do phần ruột lành ít bị sang chấn, co kéo, thành bụng ít bị tổn thương sau phẫu thuật nội soi hoàn toàn mà người bệnh phục hồi rất nhanh sau mổ, lưu thông ruột trở lại rất sớm ngay sau mổ, đau rất ít nên hô hấp không bị hạn chế, người bệnh có thể tập vận động sớm ngay sau mổ.
Tuy nhiên, theo các phẫu thuật viên của Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy, làm miệng nối trong cơ thể trong phẫu thuật nội soi là kĩ thuật khó, phức tạp, nhiều nguy cơ, chỉ sơ xuất nhỏ có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh. Vì vậy, để thực hiện kỹ thuật này, đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo từ cơ bản đến nâng cao, có kỹ năng tốt (có thể thao tác khâu nối nội soi như mổ mở) và bề dày kinh nghiệm cùng đầy đủ vật tư trang thiết bị phẫu thuật. Do vậy, hiện nay phẫu thuật nội soi hoàn toàn điều trị các bệnh lý ung thư dạ dày, đại tràng mới chỉ được thực hiện ở một số trung tâm lớn đáp ứng được các yêu cầu trên, kể cả ở nước ngoài.
Cùng với các chương trình giảm đau, tăng cường hồi phục sớm sau mổ (ERAS), phẫu thuật nội soi hoàn toàn đã và đang góp phần tăng hiệu quả điều trị ung thư tiêu hóa - một trong những căn bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất hiện nay.
Việt Nam có hơn 5.000 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật, cùng 75 loại khoáng vật có công dụng trong y dược, trong đó có nhiều loài dược liệu quý hiếm và đặc hữu, nhưng việc khai thác và ứng dụng nguồn dược liệu còn nhiều hạn chế.
Hôm nay 21/12, tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Thủ đô Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Hội Nghệ sĩ trẻ Việt Nam tổ chức Lễ mít tinh "Tiếp cận y tế toàn diện - Vì một Việt Nam khỏe mạnh", với sự tham gia của hơn 3.000 thanh niên và người dân Thủ đô.
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 3 ở phụ nữ từ 15-44 tuổi. Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị “Nghiên cứu khoa học và chỉ đạo tuyến chuyên ngành Sản - phụ khoa Hà Nội lần thứ 12 năm 2024” do Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tổ chức sáng 20/12.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận vừa thông tin về tiến độ của 2 bệnh viện "nghìn tỷ" là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam).
Bốn nạn nhân nặng trong vụ phóng hoả vừa xảy ra ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được điều trị chuyên sâu tại Bệnh viện Bạch Mai, sức khoẻ đang tiến triển tốt.
Bệnh viện đa khoa Thanh Trì và Bệnh viện Thanh Nhàn vừa ký kết hợp tác toàn diện trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.
0