Phiên họp đầu tiên Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng

Ngày 23/2, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã tiến hành phiên họp lần thứ nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban chủ trì Phiên họp.

Tham dự phiên họp có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư – Trưởng Ban tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Lãnh đạo thành phố Hà Nội dự hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng.

Toàn cảnh phiên họp.

Để chuẩn bị cho Đại hội 14 của Đảng, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khoá 13 đã quyết định thành lập 5 tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện. Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo chính trị và báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới trình Đại hội 14 của Đảng. Để giúp việc cho Tiểu ban Văn kiện, Ban Bí thư cũng đã quyết định thành lập Tổ Biên tập Văn kiện. Thường trực Tiểu ban đã thảo luận, cho ý kiến, cơ bản nhất trí với nội dung quy chế, chương trình, kế hoạch hoạt động và sự phân công công việc của tổ biên tập.

Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là một sự kiện chính trị cực kỳ quan trọng. Đại hội 14 sẽ lại là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước ta, có ý nghĩa định hướng tương lai; khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định đây là sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng một nước Việt Nam "giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội 14, đặc biệt báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác của Đại hội phải được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, có đổi mới trong cách làm, phải bảo đảm thật sự có chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước. Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm sự thành công của Đại hội. Tổng Bí thư yêu cầu quán triệt sâu sắc và thống nhất cao hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, cần gắn kết nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn; giữa nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn với định hướng chính sách.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu

Tổng Bí thư chỉ rõ, văn kiện Đại hội, trong đó có báo cáo chính trị của Đại hội 14 là sản phẩm của trí tuệ tập thể, là một công trình tập thể của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho nên phải phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, phải có sự tham gia đóng góp của các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; tranh thủ sự tham gia đóng góp của các đồng chí nguyên lãnh đạo, của giới trí thức, các nhà nghiên cứu, quản lý. Đặc biệt, phải chú trọng khai thác kết quả nghiên cứu khoa học ở trong nước và quốc tế, chắt lọc kết quả nghiên cứu của các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học lý luận chính trị đặc biệt cấp quốc gia nhằm cung cấp một cách có hệ thống các luận cứ khoa học và thực tiễn, góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trực tiếp phục vụ việc xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tại phiên thảo luận sáng 29/5, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị khẩn trương đưa chính sách mới ban hành vào cuộc sống giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật điều chỉnh, tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Hôm nay (29/5), Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Chiều 28/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), nhất là văn hóa, giáo dục chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia.

Đại tướng Phan Văn Giang đề nghị Cục Đối ngoại tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Luật Thủ đô (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ hội cho Hà Nội phát triển toàn diện, trong đó điểm nhấn là sự phát triển đột phá của các giá trị văn hóa trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Đoàn đại biểu cấp cao thành phố Hà Nội đã khảo sát, làm việc với nhiều cơ quan của Bắc Kinh để cùng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển công nghiệp văn hóa, quản lý báo chí tại địa phương.