Phiên tòa hình sự đầu tiên xét xử ông Donald Trump
Ông Donald Trump bị cáo buộc 34 tội danh
Phiên tòa hình sự đầu tiên xét xử cựu Tổng thống Donald Trump bắt đầu từ ngày 15/4, nhưng phải mất một tuần để tìm kiếm bồi thẩm đoàn. Đến ngày 22/4, phiên tòa mới chính thức diễn ra. Trong phiên tòa này, ông Trump phải đối mặt với 34 cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để che đậy khoản thanh toán 130.000 USD cho ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels để đảm bảo cuộc hẹn hò ngoài hôn nhân năm 2006 của họ không bị lộ ra ngoài ngay trước cuộc bầu cử năm 2016.
Các công tố viên cho rằng khoản tiền "bịt miệng" là một nỗ lực nhằm đánh lừa cử tri vào thời điểm ông Trump đang phải đối mặt với những cáo buộc khác về hành vi quấy rối tình dục.
Luật sư Matthew Colangelo, Văn phòng công tố viên Manhattan, Mỹ, nhận định: "đây là một âm mưu được lên kế hoạch, phối hợp và kéo dài nhằm tác động đến cuộc bầu cử năm 2016, nhằm giúp ông Donald Trump đắc cử thông qua các khoản chi tiêu bất hợp pháp nhằm bịt miệng những người có điều gì đó không hay để nói về hành vi của ông ấy. Đây là hành vi gian lận bầu cử".
Ông Trump đã không nhận tội và phủ nhận cuộc gặp gỡ đã diễn ra. Luật sư của Trump cũng nói với bồi thẩm đoàn rằng cựu tổng thống không phạm tội và vụ án lẽ ra không nên bị đưa ra xét xử.
Không có gì sai khi cố gắng gây ảnh hưởng đến một cuộc bầu cử. Đó được gọi là dân chủ.
Luật sư Todd Blanche – Luật sư của ông Trump.
Quy trình xét xử vụ án này bắt đầu từ ngày 15/4, do thẩm phán tòa tối cao New York Juan Merchan làm chủ tọa. Ông Merchan đã thiết lập bồi thẩm đoàn 12 thành viên và bắt đầu luận tội ông Trump. Mặc dù làm giả hồ sơ kinh doanh là tội nhẹ, nhưng bị coi là trọng tội cấp E nếu được thực hiện để che giấu tội khác. Cấp E là mức trọng tội thấp nhất ở New York, có thể bị phạt tới 4 năm tù.
Nếu bị kết án, ông có khả năng phải đối mặt với án tù, nhưng các nhà quan sát pháp lý cho rằng điều này khó xảy ra.
Ông Trump còn bị cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 dẫn đến vụ bạo loạn Đồi Capitol, can thiệp bầu cử tổng thống năm 2020 ở bang Georgia và giữ trái phép tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng. Cựu tổng thống bác bỏ các cáo buộc, cho rằng đây là nỗ lực từ phe Dân chủ nhằm phá hoại chiến dịch tranh cử của ông.
Đây là lý do khiến tôi phải rời bỏ chiến dịch tranh cử. Lẽ ra bây giờ tôi nên ở Gieogia, ở Florida. Đáng lẽ tôi đang ở nhiều nơi khác để vận động tranh cử. Nhưng tôi lại đang ngồi đây và điều này sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài. Thật là không công bằng. Đáng lẽ tôi phải được phép đi vận động.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Quá trình xét xử sẽ kéo dài ít nhất 6 tuần và Trump phải có mặt tại tòa 4 ngày làm việc mỗi tuần, trừ các thứ Tư.
Mặc dù khó có khả năng phải ngồi tù, nhưng vụ án này vẫn là đòn giáng mạnh vào nỗ lực tranh cử của vị cựu tổng thống Đảng Cộng hoà.
Bồi thẩm đoàn đặc biệt tại phiên tòa xét xử ông Trump
Phiên tòa xét xử hình sự ông Donald Trump chi tiền bịt miệng ở New York là phiên tòa hình sự đầu tiên trong lịch sử nhằm vào một cựu tổng thống Mỹ. Bồi thẩm đoàn 12 người, do tòa New York tuyển chọn, sẽ xem xét lời khai, bằng chứng để quyết định ông Trump có tội hay không. Điểm đặc biệt của phiên tòa là việc tìm kiếm bồi thẩm đoàn mất nhiều thời gian hơn thông thường, và bồi thẩm đoàn bị buộc phải cách ly khỏi các nền tảng xã hội.
Bồi thẩm đoàn sẽ có nhiệm vụ xác định xem ông Trump có phạm tội hay không với cáo buộc chi tiền bịt miệng.
Joshua Steinglass - Cố vấn cấp cao về xử án, Văn phòng công tố viên quận Manhattan, cho biết "chọn bồi thẩm đoàn trong vụ kiện liên quan đến một người nổi tiếng như cựu tổng thống Trump tạo ra những thách thức đặc biệt".
Bồi thẩm đoàn là những người có thể định đoạt số phận pháp lý của ông Trump tại phiên tòa, nhưng họ không phải là các chuyên gia về luật hay những người có chuyên môn về xử án. Họ là những công dân Mỹ bình thường, chỉ cần thỏa mãn điều kiện trên 18 tuổi, nói tiếng Anh và chưa có tiền án. Vì vậy, quá trình lựa chọn bồi thẩm đoàn diễn ra khó khăn hơn so với một vụ án thông thường vì cần phải tìm bồi thẩm đoàn công bằng.
Luật sư Neama Rahmani - Chủ tịch Hội Luật sư xét xử Bờ Tây , cho biết: "việc lựa chọn bồi thẩm đoàn sẽ không dễ dàng trong trường hợp này. Thẩm phán (Juan) Mercan có lẽ sẽ phải xem qua hàng trăm, có thể hàng trăm bồi thẩm đoàn để tìm ra 12 người có thể công bằng và vô tư. Mọi người ở đất nước này đều có quan điểm riêng về cựu tổng thống (Donald Trump). Một số người cho rằng ông là tội phạm và một kẻ nổi loạn. Những người khác cho rằng ông là một anh hùng đang bị hệ thống tư pháp hình sự đối xử bất công và trừng phạt. Vụ việc chỉ dựa trên sự thật và bằng chứng trong vụ án này không phải là việc dễ dàng”.
Sự hiện diện quá mức trước công chúng của ông Trump đã tạo ra những vấn đề đặc biệt trong quá trình lựa chọn bồi thẩm đoàn. Khoảng một nửa trong số 196 bồi thẩm đoàn đầu tiên được triệu tập có nhiều người theo Đảng Dân chủ, đã bị loại sau khi nói rằng họ không thể đánh giá bằng chứng một cách khách quan.
Theo hãng tin Reuters, để giữ cho phiên tòa xét xử công bằng và các bồi thẩm viên được an toàn trước các âm mưu đe dọa hoặc tác động từ việc đưa tin và bình luận trên mạng xã hội, danh tính của 12 thành viên bồi thẩm đoàn, gồm 5 phụ nữ và 7 người đàn ông, được giữ bí mật để bảo vệ chính họ. Chỉ có một số ít người được biết đến tên họ, bao gồm ông Trump, các luật sư và công tố viên.
Trong quá trình diễn ra phiên toà xét xử, các bồi thẩm viên phải tuân thủ yêu cầu của tòa án tránh tiết lộ thông tin về vụ án, kể cả trên mạng xã hội và thiết bị di động. Họ cũng buộc phải cách ly với mạng xã hội.
Christina Marinakis, Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn xét xử Immersion Legal, cho biết hàng loạt tiêu đề và thông báo trên mạng xã hội của các bồi thẩm viên là một vấn đề lớn trong các vụ án của bà.
Thẩm phán Juan Mercan cũng cấm các hãng tin truyền thông đưa tin về nghề nghiệp của những bồi thẩm viên tiềm năng. Trước đó, một bồi thẩm viên chia sẻ cô cảm thấy bị đe doạ sau khi một số thông tin cá nhân của mình được công khai.
Mặc dù có thể kiểm soát được bồi thẩm đoàn nhưng Thẩm phán Juan Mercan gần như không có khả năng kiểm soát được phần lớn những gì người dùng đăng trên mạng xã hội. Dựa theo nghiên cứu của Pew Research vào năm 2023, 90% người trưởng thành ở Mỹ sở hữu điện thoại thông minh và trực tuyến hàng ngày.
Xét trên một khía cạnh nào đó, sự lan toả truyền thông xã hội của vụ án khiến những lo ngại về bồi thẩm đoàn càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Luật sư bào chữa Michael Bachner tại Manhattan.
Cựu Tổng thống Trump là người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Ông sở hữu hàng triệu người theo dõi trực tuyến. Ông Trump cũng rất cố gắng tận dụng giới truyền thông để thu hút sự ủng hộ của mình bằng cách thường xuyên đưa ra những tuyên bố bên ngoài phòng xử án.
Sau khi ông thất bại trong cuộc bầu cử 2020 trước Tổng thống Biden, trên mạng xã hội đã xuất hiện những lời đe doạ tấn công những người làm công tác bầu cử.
Có nhiều ý kiến khác nhau về phiên tòa xét xử ông Trump, trong đó có những nhà hoạt động bày tỏ tin tưởng vào sự công tâm của thẩm phán và bồi thẩm đoàn.
An ninh bên ngoài phòng xét xử đã được thắt chặt vào ngày khai mạc phiên tòa sau khi một người đàn ông tự thiêu vào tuần trước bên ngoài tòa án trong một vụ việc không liên quan. Theo hãng tin Reuters, các nhân chứng cho biết người đàn ông này đã lôi các tờ rơi ra khỏi ba lô và ném lên không trung trước khi tưới chất lỏng lên người và tự thiêu. Một trong những cuốn sách nhỏ đó có tựa đề "Lịch sử thực sự của thế giới (Phiên bản lễ hội ma ám)" trong đó đề cập đến "tỷ phú độc ác". Tuy nhiên, những phần mà các nhân chứng có thể nhìn thấy không đề cập đến ông Trump. Các quan chức cho biết người đàn ông này dường như không nhắm vào ông Trump hoặc những người khác có liên quan đến phiên tòa.
Ông Trump đối mặt khủng hoảng chi phí pháp lý
Theo hồ sơ tài chính của chiến dịch tranh cử, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ còn 6,8 triệu USD (khoảng 137 tỉ đồng) trong tài khoản ông vốn sử dụng để trả cho các luật sư, khiến ông có nguy cơ bị rơi vào khủng hoảng chi phí pháp lý cho các vụ án. Điều này buộc cựu tổng thống Mỹ phải tìm các nguồn tiền khác để thanh toán chi phí ngày càng tăng của vụ xét xử, sau khi đã chi 4,9 triệu USD chi phí pháp lý chỉ trong tháng 3.
Ông Trump có thể tìm cách huy động thêm tiền từ các nhà tài trợ, đề nghị Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa trang trải chi phí hoặc trả phí từ tài sản của chính mình. Tuy nhiên, Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa cho biết họ sẽ không thanh toán các hóa đơn pháp lý của ông Trump.
Lâu nay ông Trump lấy tiền trả cho các luật sư từ Save America, một ủy ban hành động chính trị có thể nhận tiền từ các nhà tài trợ chính trị. Mặc dù Save America chưa tiết lộ chi tiết số tiền họ đã chi cho từng vụ kiện pháp lý của cựu tổng thống, hồ sơ của tổ chức này cho thấy kể từ đầu năm 2023, họ đã phải chi hơn 62 triệu USD chi phí pháp lý từ tháng 1/2023. Trong 3 tháng đầu năm nay, tổ chức Save America đã phải xoay xở thu hồi 5 triệu USD mà trước đó họ đã cấp cho chiến dịch tranh cử của ông Trump do ủy ban hành động chính trị làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại (còn gọi là ủy ban MAGA) thực hiện.
Theo hãng tin Reuters, tính đến thời điểm hiện tại, Save America đã thu hồi được hơn 52 triệu USD trong số 60 triệu USD trước đó đã trao cho MAGA. Điều này làm giảm đáng kể số tiền mà MAGA có sẵn cho các quảng cáo truyền hình ủng hộ ông Trump.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết đã huy động được 15 triệu USD trong tháng 3, tăng so với mức 11 triệu USD trong tháng 2. Tuy nhiên, nó không thể so sánh với nguồn hậu thuẫn tài chính của Tổng thống Biden.
Cựu Tổng thống Donald Trump còn phải đối mặt với ba phiên tòa hình sự khác liên quan đến âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 dẫn đến vụ bạo loạn Đồi Capitol, can thiệp bầu cử tổng thống năm 2020 ở bang Georgia và giữ trái phép tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng. Những rắc rối pháp lý liên tục bủa vây khiến ông Trump không giống bất kỳ ứng cử viên Tổng thống Mỹ nào trước đây. Mặc dù ông Trump nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri, nhưng những phiên tòa này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả tranh cử của ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.
Tập đoàn McDonald's sở hữu chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh đa quốc gia lớn nhất thế giới đang phải đối mặt với vụ bê bối tồi tệ sau vụ viêc một món ăn phổ biến nhất trong thực đơn của McDonald's nhiễm vi khuẩn E.coli khiến 1 người thiệt mạng, 90 người nhiễm khuẩn.
Một trong những điểm yếu lớn nhất của Tổng thống thứ 46 của Mỹ là "không có khả năng quảng bá những thành tựu của mình". Nhưng các nhà sử học "có thể vẫn công tâm và đánh giá cao ông về sự phục hồi kinh tế hậu Covid".
Báo chí Mỹ mới đây đưa tin Iran đang chuẩn bị tấn công Israel, có thể là trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, nhằm trả đũa vụ Israel tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào hàng loạt mục tiêu quân sự của Iran hôm 26/10.
Vài ngày trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc so găng giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris vẫn hết sức gay cấn. Hầu hết, các chuyên gia nhận định đây là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất lịch sử nước Mỹ, mọi kịch bản sẽ không loại trừ trong cuộc bỏ phiếu ngày 5/11 tới.
Gần 200 người đã thiệt mạng trong trận lũ quét ở vùng Valencia, miền Đông Tây Ban Nha. Trận lũ lụt chết người nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ là một lời nhắc nhở đau thương rằng châu Âu chưa chuẩn bị đối phó với hậu quả của bầu khí quyển quá nóng.
Cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia đã kết thúc với chiến thắng thuyết phục thuộc về đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền. Phe đối lập dựa vào sự ủng hộ của bên ngoài, không công nhận kết quả bầu cử và cố gắng tìm cách lật ngược kết quả thông qua các cuộc biểu tình và khiêu khích sử dụng vũ lực. Những diễn biến này giống với những cuộc cách mạng màu của những năm trước.
0