Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong: Thực hiện giãn cách xã hội đạt 5 kết quả quan trọng
Công tác phòng, chống dịch của thành phố đang đi đúng hướng
- Khi đợt dịch thứ 4 bắt đầu bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn Hà Nội rất cao, nhưng đến nay sau hơn 3 tháng, Hà Nội cơ bản vẫn kiểm soát được tình hình, không để vượt tầm kiểm soát. Xin đồng chí cho biết những giải pháp quan trọng mà thành phố đã triển khai?
Đợt bùng phát dịch thứ 4 xảy ra từ ngày 27-4, lúc đó Hà Nội có nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Ở bên trong đã phát sinh những ổ dịch rất phức tạp, trong khi 8 tỉnh xung quanh đều có dịch. Với vị trí là Thủ đô, trung tâm kinh tế, đầu mối giao thông, trung tâm giao dịch, hằng ngày, có hàng chục nghìn lượt phương tiện, hàng vạn người qua lại thành phố, chưa kể cả chuyến bay giải cứu, lượng người nhập cảnh vào thành phố cũng rất lớn...
Nhưng với ý thức trách nhiệm cao và luôn chủ động có phương án, kế hoạch phòng, chống dịch ở mức cao hơn, Hà Nội đã áp dụng các biện pháp mạnh để đối phó với dịch, trong đó từ 6h ngày 24-7, thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố. Đến nay, thành phố đã qua 3 đợt giãn cách xã hội; từ ngày 6-9, áp dụng phương án chia 3 vùng với mức độ phòng, chống dịch khác nhau, trong đó tiếp tục giãn cách xã hội ở Vùng 1.
Mục tiêu của việc thực hiện giãn cách xã hội là nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh; đồng thời rà soát, truy vết các trường hợp F0, F1 để đưa cách ly, F2 để cách ly tại nhà; tạo điều kiện nâng cao năng lực hệ thống y tế trên địa bàn thành phố; chuẩn bị các phương án, kịch bản ứng phó với dịch bệnh ở mức độ cao hơn.
Việc áp dụng biện pháp giãn cách và phải kéo dài là tình thế bắt buộc nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân, nhất là khi nguy cơ dịch bệnh còn cao, trong khi lượng vắc xin được phân bổ không đủ để tạo miễn dịch cộng đồng. Cho đến trước ngày 2-9, Hà Nội mới được phân bổ 2,9 triệu liều và thực tế số vắc xin về kho của thành phố mới có 2,4 triệu liều; số người trong độ tuổi được tiêm vắc xin cũng mới chỉ đạt 26,5%, chủ yếu là tiêm mũi 1.
Trong tình thế ấy, biện pháp giãn cách xã hội mặc dù rất khó khăn, nhưng đã phát huy, đem lại hiệu quả, được lãnh đạo Trung ương, các chuyên gia, dư luận và người dân ghi nhận đánh giá cao.
- Có thể khẳng định, công tác phòng, chống dịch của thành phố đang đi đúng hướng. Vậy, chúng ta đã được những kết quả gì, thưa đồng chí?
Có thể điểm ra 5 kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay như sau:
Thứ nhất, cho đến hôm nay (10-9), số ca mắc trên địa bàn Hà Nội đang có chiều hướng giảm, số ca mắc trong cộng đồng cũng giảm dần. Nếu như ở giai đoạn 1 giãn cách xã hội, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng 50%; trong giai đoạn 2 và nửa đầu giai đoạn 3, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng 30%; thì đến cuối giai đoạn 3 đến nay, số ca mắc trong cộng đồng đã giảm xuống 8,7%. Những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày có 30-40 ca, nhưng chủ yếu là các ca mắc trong khu cách ly, phong tỏa.
Về công tác điều trị, với quan điểm nhất quán của Hà Nội ngay từ đầu chống dịch, đó là không để F1, F0 phải cách ly, điều trị tại nhà. Quan điểm này sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Tất cả các F0 đều được chữa trị tại bệnh viện. Tất cả F1 đều được cách ly tập trung.
Để nâng cao năng lực y tế, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trung ương, huy động các bệnh viện tư nhân cùng vào cuộc; nâng cao năng lực của tất cả các cơ sở y tế của thành phố, từ các bệnh viện đến các trạm y tế.
Hà Nội cũng xây dựng phương án cao, dự kiến có tới 40 nghìn F0, đã giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế chuẩn bị phương án này. Hiện nay, thành phố đang kích hoạt và vận hành cơ chế có 10.000 F0, nhưng đã có 14.600 giường bệnh để thu dung, điều trị thể nhẹ (tầng 1). Còn tầng 2, tầng 3 đã kích hoạt 2.000 giường. Chưa kể số giường bệnh của Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ Hà Nội 2.500 giường ở tầng 3. Hà Nội cũng cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống oxy của tất cả các bệnh viện thuộc thành phố, bảo đảm đáp ứng yêu cầu điều trị cho 40.000 người bệnh.
Đáng chú ý, tất cả các cơ sở thu dung, điều trị F0 thể nhẹ đều vận hành trên cơ sở sử dụng các nhà tái định cư, chung cư thương mại, các cơ quan doanh nghiệp trên địa bàn, không phải xây mới. Duy nhất chỉ có bệnh viện dã chiến của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (tại quận Hoàng Mai) là phải xây mới.
Thành phố cũng đã nâng cấp hệ thống y tế tuyến cơ sở, trung tâm y tế, trạm y tế phường, xã, thị trấn; kích hoạt đội ngũ bác sĩ tình nguyện đang công tác tại các bệnh viện của thành phố và các tỉnh, thành phố xung quanh, cũng như các y, bác sĩ về hưu... với hơn 1.000 người tham gia mạng lưới Thầy thuốc đồng hành; đã đào tạo, tập huấn cho hơn 300 y, bác sĩ để tư vấn, hỗ trợ người bệnh.
Về cơ sở cách ly, Hà Nội đang chuẩn bị ở mức 118.000 chỗ cho cách ly F1; đã có quyết định thành lập, đang vận hành trên 40.000 chỗ... và toàn bộ các khu cách ly tập trung cũng không phải xây mới, mà tận dụng các khu nhà ở chưa đưa vào sử dụng, trường học, ký túc xá... Hiện nay, thành phố mới sử dụng chưa đến 9% công suất. Thành phố cũng giao các quận, huyện, thị xã (trừ 4 quận nội đô) phải chủ động xây dựng các khu cách ly tập trung của mình, với công suất từ 1.000-5.000 chỗ.
Cái được lớn nhất trong thời gian vừa qua là thành phố đã khống chế cơ bản dịch bệnh. Nâng cao năng lực, chuẩn bị ở mức cao của ngành Y tế để sẵn sàng đối phó với dịch bệnh ở mức cao hơn.
Thứ hai, Hà Nội khác với các địa phương khác, mặc dù thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, chỉ đóng cửa các chợ cóc và điều chỉnh lại hoạt động của các chợ dân sinh, các siêu thị và cửa hàng tiện ích, đảm bảo yêu cầu giãn cách phòng, chống dịch. Chính vì thế, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh trong 50 ngày giãn cách vừa qua không bị đứt gãy. Qua đó, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì. Các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cung cấp cho người dân, không có hiện tượng tăng giá, ép giá, khan hiếm diện rộng.
Thứ ba, về đảm bảo an sinh xã hội, bên cạnh việc thực hiện các chính sách của Trung ương, thành phố Hà Nội đã ban hành chính sách riêng để bao phủ thêm các nhóm đối tượng chưa được Trung ương quy định (với 10 nhóm đối tượng, 12 nhóm chính sách). Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cũng quan tâm, chăm lo hỗ trợ nhiều lần, cho nhiều đối tượng chính sách trong suốt đợt dịch vừa qua. Thành phố cũng giao Mặt trận Tổ quốc là đầu mối tiếp nhận và phân phối các mặt hàng hỗ trợ, để bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thứ tư, về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Mặc dù là địa bàn rất phức tạp, nhưng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được đảm bảo.
Thứ năm, hệ thống chính trị ở cơ sở đã vào cuộc rất hiệu quả, đặc biệt là sự tham gia trực tiếp, tự nguyện, hiệu quả của người dân trong công tác phòng, chống dịch trên rất nhiều nội dung. Từ việc hỗ trợ, nhường cơm sẻ áo, chia sẻ với người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn của mình; đến quyên góp ủng hộ Quỹ Vắc xin, Quỹ Phòng chống Covid-19; tham gia trực tiếp vào công tác phòng, chống dịch, bảo vệ “vùng xanh”. Ngay từ đầu, khi dịch bệnh bùng phát thì vai trò của người dân đã thể hiện rất rõ, người dân thực sự là chủ thể, là chiến sĩ trong phòng, chống dịch... Nhờ đó, các “vùng đỏ” dần được thu hẹp, "vùng xanh" được mở rộng. Cho đến nay, Hà Nội chỉ còn 66 điểm cách ly.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã tích cực ứng dụng công nghệ vào công tác phòng, chống dịch. Từ quận, huyện, thị xã xuống chi bộ, thôn, tổ dân phố đều khai thác các nhóm Zalo, Facebook để phục vụ công tác thông tin liên lạc, lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Thành phố cũng thiết lập Sở Chỉ huy kết nối từ thành phố đến cơ sở giao ban trực tuyến hằng ngày để lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; xây dựng phần mềm quản lý, phân loại F0, F1; thiết lập tổng đài 1022 với 6 nhánh; nâng cấp Trung tâm cấp cứu 115 kết nối liên thông với các bệnh viện trung ương, bệnh viện tư nhân với khoảng 150 xe...
Có thể khẳng định, tất cả các công việc thành phố triển khai theo chỉ đạo của Trung ương và sự chủ động của mình, hiện nay công tác phòng, chống dịch của thành phố đang đi đúng hướng, nhận được sự vào cuộc của đông đảo nhân dân; nhân dân đồng tình hưởng ứng; đặt niềm tin đối với chính quyền. Trên cơ sở đó cho lãnh đạo thành phố cũng tự tin, kiên định và quyết tâm cao hơn nữa.
Không thể và không nên giãn cách mãi
- Đồng chí có thể cho biết những vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch của thành phố?
Qua quá trình tổ chức phòng, chống dịch nhận thấy một số mục tiêu chưa đạt, vẫn còn hiện tượng chưa đồng đều, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả ở một số nơi, để xảy ra hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”. Lượng người ra đường ở nơi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg vẫn còn đông, chưa bảo đảm mục tiêu giãn cách xã hội, còn hiện tượng chủ quan, lơ là.
Nhằm hạn chế tối đa những tồn tại, hạn chế, tất cả các biện pháp phòng, chống dịch liên quan đến chuyên môn y tế vừa qua, thành phố đều xin tư vấn của các chuyên gia y tế, dịch tế học; có căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn mới áp dụng.
Mặc dù đã qua hơn 3 đợt giãn cách và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch rất quyết liệt, hiệu quả; kết quả xét nghiệm đến nay cũng tạm yên tâm. Nhưng tình hình dịch bệnh còn rất phức tạp, vì một số lý do như: Mật độ dân cư trong khu vực nội thành rất cao, không gian chật hẹp, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn. Bên cạnh đó, dịch bệnh đã tấn công vào các chuỗi cung ứng như chợ, siêu thị, chợ đầu mối, người giao hàng (shipper), các khu công nghiệp, chợ dân sinh, từ những người đi từ vùng dịch về bằng đường bộ, ngay cả lái xe “luồng xanh” đến Hà Nội cũng có trường hợp F0 gây ra ổ dịch ở quận Hoàng Mai. Vì thế, nguy cơ dịch bệnh còn rất lớn. Khả năng quét sạch, không còn F0 ngoài cộng đồng là rất khó.
- Đồng chí cho biết khả năng hoàn thành mục tiêu xét nghiệm và tiêm vắc xin như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ra sao? Hà Nội sẽ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch như thế nào sau ngày 15-9?
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội tập trung quyết liệt, thần tốc xét nghiệm và tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân đến ngày 15-9 là chỉ đạo rất đúng đắn.
Ngoài 7 tỉnh, thành phố theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã đề nghị 4 tỉnh khác hỗ trợ thêm. Trước đây và trong các đợt dịch vừa qua, Hà Nội chi viện cho các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, vừa qua là thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; nay trong bối cảnh với mục tiêu rất quan trọng, gấp rút về xét nghiệm và tiêm vắc xin đến ngày 15-9, các tỉnh, thành phố đã có sự hỗ trợ chưa từng có đối với Hà Nội. Thành phố rất trân trọng và biết ơn tình cảm, sự hỗ trợ này và sẽ nỗ lực hết sức cùng các đoàn y, bác sĩ địa phương bạn quyết tâm hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Với năng lực hiện có và sự hỗ trợ của 11 tỉnh, thành phố, Hà Nội có thể tiêm được hơn 300.000 mũi tiêm/ngày, nên dự kiến số vắc xin được phân bổ hiện tại sẽ được tiêm hết trong ngày 11-9. Nếu được phân bổ đủ vắc xin, thành phố hoàn toàn có thể tiêm xong 100% người dân từ 18 tuổi trở lên như mục tiêu đề ra. Mục tiêu xét nghiệm diện rộng cũng có thể được hoàn thành đúng thời hạn ngày 12-9.
Như các đồng chí đã biết, Hà Nội đã tận dụng các con sông để chia thành 3 vùng với các mức độ kiểm soát dịch bệnh khác nhau, trong đó tập trung kiểm soát chặt Vùng 1- nơi được coi là “vùng đỏ” nguy cơ cao nhất. Thực tế với cách phân vùng này, các quận, huyện, thị xã thuộc Vùng 2 và Vùng 3 đã nới lỏng rất nhiều hoạt động. Như tại huyện Quốc Oai tôi đi kiểm tra sáng nay, các cửa hàng vật liệu xây dựng, kim khí đã mở cửa trở lại. Nhiều địa phương cũng đã cho phép các công trình xây dựng hoạt động trở lại. Người dân ngoại thành cũng chuẩn bị thu hoạch nông sản.
Còn nhiệm vụ sau ngày 15-9, quan điểm của thành phố cũng như thực tiễn đặt ra là không thể và không nên giãn cách mãi. Chính vì vậy thành phố mới phải quyết liệt thực hiện các biện pháp giãn cách để tranh thủ từng ngày để kiểm soát dịch theo từng khu vực. Việc nới lỏng giãn cách hay không, hay nới lỏng tới đâu thành phố sẽ căn cứ vào tình hình dịch tễ và nguy cơ của từng vùng. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Chiều 7/1, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã tổ chức gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, bí thư, hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025.
Hà Nội đang nổi lên như một trung tâm sáng tạo văn hóa đầy tiềm năng trong khu vực và trên thế giới. Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thể hiện rõ vai trò và ngày càng định hình rõ nét ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Năm 2024, hoạt động thu ngân sách Nhà nước của Hà Nội lập kỷ lục với tổng thu đạt 509.300 tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán pháp lệnh năm và tăng 23,8% so với năm 2023.
Sáng 7/1, Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc gặp mặt Ban Chủ nhiệm, Hội đồng CLB Thăng Long nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025.
Chiều 7/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn dự Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2025 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội.
Sáng 7/1, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiểm tra việc đảm bảo nguồn cung thực phẩm nông - lâm - thủy sản chất lượng, an toàn dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tiếp và làm việc với đoàn.
0