Phố cổ Hà Nội
Phố cổ Hà Nội tọa lạc ở phía Tây Bắc quận Hoàn Kiếm, sở hữu vị trí trung tâm đắc địa của Thủ đô. Nhắc tới phố cổ Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến 36 phố phường. Mỗi con phố lưu giữ những nét đặc trưng riêng của đất kinh kỳ, những ký ức về lịch sử, con người và đất nước.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, những con phố ấy vẫn hiện diện đến tận bây giờ. Và những con người nơi phố cổ ấy vẫn hàng ngày gìn giữ nếp nhà phố cổ, vẫn gắn bó máu thịt với mảnh đất này.
Từ xa xưa, phố cổ là tên gọi của một khu đô thị, được hình thành từ đời Lý - Trần, nằm ở phía đông ở Hoàng thành Thăng Long ra đến sát sông Hồng. Trước đây, các làng nghề bao quanh Thăng Long, tập trung buôn bán, mỗi con phố là một làng nghề khác nhau mang dấu ấn riêng biệt của cư dân thành thị và cùng trao đổi lẫn nhau trong cuộc sống đời thường. Chính vì vậy, ngày nay chúng ta thấy những con đường trong khu phố cổ đều có chữ “Hàng” đặt ở đầu.
Khu phố cổ không quá rộng, nhưng nếu muốn đi hết trong ngày phải tận dụng thời gian mới khám phá trọn vẹn. Đi qua con phố Hàng Mã, du khách sẽ thấy những cửa hàng chuyên bán các mặt hàng thờ cúng, vàng mã hoặc các đồ trang trí theo mùa, hay Hàng Thiếc bày bán những đồ gia dụng được làm từ vật liệu thiếc.
Trước đây, hầu như tất cả những con phố đều chuyên bán một loại mặt hàng mang thương hiệu riêng nhưng hiện tại cũng có một số tuyến phố xuất hiện những mặt hàng mới ngoại lai không theo nguyên tắc xưa. Ví dụ như tuyến phố Hàng Quạt, nếu như trước đây buôn bán quạt và đàn, nay được kinh doanh thêm mặt hàng như tranh thêu, câu đối.
Đến phố cổ, du khách không khó để bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà rêu phong theo thời gian, giờ đây vẫn hiên ngang trước bao đổi thay. Những ngôi nhà ống, mái ngói được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, với những lối đi nhỏ bên trong cùng những bức tường gạch đã trở nên cũ kỹ là khung cảnh quen thuộc chẳng lẫn vào đâu giữa lòng Thủ đô. Chẳng thế mà không chỉ có người dân phố cổ mới thấy yêu mảnh đất này mà những ai đã từng biết, từng đặt chân đến nơi đây đều có chung cảm nhận.
Đến thăm phố cổ, du khách không nên bỏ qua những ngôi đền, chùa cổ kính như đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, đền Bạch Mã, đền Mã Mây, chùa Cầu Đông, chùa Bà Đá… Lữ khách còn có cơ hội tham quan cửa ô Quan Chưởng - dấu mốc của một thời kỳ lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Nếu hỏi có hình ảnh nào gắn liền với phố cổ để người ta cảm nhận rõ rệt nhất một Hà Nội đơn sơ, bình dị và đẹp đẽ thì chỉ đơn giản là gánh hàng rong trên phố, là mái rêu lô xô, là những ngôi nhà san sát...
Phố cổ Hà Nội không chỉ lưu giữ mà còn là linh hồn của Thủ đô. Đối lập với vẻ hào nhoáng xa hoa, rực rỡ cùng những công trình kiến trúc hiện đại là phố cổ giản dị và bình yên đến lạ. Một chút lặng lẽ, một chút thanh tao đã thôi thúc bao lữ khách dừng chân lưu luyến mỗi độ về với Thủ đô yêu thương.
Hơn 40ha trồng đào ở Nhật Tân, làng đào nổi tiếng của Hà Nội, gần như bị cơn bão số 3 (Yagi) phá hủy hoàn toàn.
Nối huyện Đông Anh với quận Long Biên, cầu Đông Trù không chỉ nổi bật bởi vai trò giao thông quan trọng mà còn gây ấn tượng mạnh với thiết kế độc đáo.
Với mục tiêu thay đổi diện mạo của Thủ đô, thời gian qua thành phố đã đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị và cải tạo cảnh quan môi trường, mang đến cho người dân một không gian sống chất lượng.
Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 vừa qua, hoa giấy ở làng nghề Phù Đổng, huyện Gia Lâm, đã khoe sắc trở lại. Thời điểm này, người trồng hoa đang tất bận chuẩn bị cho Lễ hội 'Sắc hoa trên miền di sản' được tổ chức thường niên vào tháng 11 hàng năm.
Mỗi khi chiều buông nắng, nếu có dịp đến ngã ba sông Hồng - sông Đuống, bạn sẽ được chứng kiến khung cảnh thiên nhiên thơ mộng.
Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.
0