Phố cổ trong tranh

Một tình yêu Hà Nội hiện hữu trên mỗi góc nhìn, từng mảng màu, từng nét vẽ của ba họa sĩ sinh ra trên đất Hà Thành. Ba họa sĩ, đại diện ba thế hệ: Bùi Xuân Phái - Dương Việt Nam - Phạm Bình Chương, mỗi người mỗi vẻ, hội đủ “mười phân vẹn mười” cái đẹp phố và người Hà Nội

Những con phố cổ rêu phong, tĩnh lặng và mộc mạc trong tranh phố Phái; những ký ức êm đềm của một Hà Nội xưa trong tranh của Dương Việt Nam; một Hà Nội lãng mạn trong từng ban công, từng cửa sổ, từng nhịp cầu thang, từng tán lá, từng hương hoa trong tranh tả thực của Phạm Bình Chương... những bức tranh về 36 phố phường Hà Nội đã lưu giữ những kí ức sâu thẳm, sống động của người Hà Nội.

Qua từng thế hệ, tình yêu Hà Nội trong tranh vẽ ngày càng phong phú, đa dạng nhưng luôn khiến người xem cảm nhận sâu sắc về một Thủ đô nghìn năm tuổi trong dòng chảy đời sống đương đại.

Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội

Bộ phim "Hà Nội trong mắt ai" do đạo diễn Trần Văn Thủy sản xuất năm 1982 nói lên mảng đề tài chính trong sự nghiệp hội họa của danh họa Bùi Xuân Phái. Những bức tranh về phố của ông độc đáo đến mức người ta gọi riêng đó là tranh phố Phái.

Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, tranh phố Phái đã tái hiện vẻ đẹp xưa của những ngôi nhà cổ kính, những mái ngói thâm nâu xô lệch, xếp thẳng hàng nối liền nhau. Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực được thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những năm 60,70, 80.

Những bức tranh phố Phái thể hiện hồn cốt Hà Nội.

Các mảng màu trong tranh Phái thường có đường viền đậm nét. Phố không trở thành chính nó mà còn gần hơn với con người. Từ bề mặt đến cảnh quan đều có chiều sâu bên trong. Đối với ông, Hà Nội đã quá thân thuộc, ông vẽ phố như đang tâm sự với người bạn tri kỉ của mình. Ngắm tranh phố cổ của ông, ta thấy họa sĩ đã gửi gắm những hoài cảm cùng những nỗi buồn man mác, tiếc nuối, bâng khuâng.

Trên từng nét vẽ như điềm báo về sự đổi thay và biến mất về từng mái nhà, từng con người mang hồn phách xưa cũ. Danh họa Bùi Xuân Phái đã trở thành một nhà lưu trữ về hình ảnh và nét đẹp của Hà Nội. Từ Hà Nội trong tranh của ông đã có những Hà Nội trong âm nhạc, trong thi ca, trong từng chi tiết của tranh phố Phái.

Bùi Xuân Phái đã gửi gắm những hoài cảm cùng những nỗi buồn man mác của Hà Nội.

Phố phường Hà Nội trong tranh của Dương Việt Nam

Lớn lên trong lòng phố cổ, hoạ sĩ Dương Việt Nam gắn bó rồi yêu từng góc phố con đường và con người nơi đây. Để rồi một cách tự nhiên, Hà Nội trở thành một đề tài chủ đạo trong hội họa của ông.

Tranh của Dương Việt Nam được vẽ trên giấy dó truyền thống được sử dụng màu acrylic. Không dễ dàng gì để thực hiện vẽ tranh trên giấy dó, tái hiện lại những ký ức chưa nhạt nhòa về Hà Nội 36 phố phường trong từng bức tranh, thật sống động và đầy cảm xúc.

Phố phường Hà Nội trong tranh Dương Việt Nam.

Ai đã từng gắn bó hoặc yêu mến những phố cổ Hà Nội hẳn sẽ phải dừng lại lâu trước những hình ảnh thân thuộc hàng ngày, như góc chợ Hàng Bè, phố Hàng Bạc, phố Hàng Da, phố Hàng Thiếc, chợ Đồng Xuân, chợ Hàng Chiếu… hay những khoảnh khắc du lịch trên phố cổ Hà Nội, mùa thu vàng, chợ hoa xuân… Những hình ảnh trong tranh của Dương Việt Nam gợi lên sự gần gũi, thân thương, những tình cảm êm đềm của Hà Nội một thời.

Hoạ sĩ Dương Việt Nam chia sẻ: "Tôi vẽ tranh bằng ký ức của mình. Có những kỷ niệm, ký ức chẳng bao giờ có thể phai nhạt được. Những con phố hiện đại dần thay thế phố cổ nhưng ở đâu đó vẫn phảng phất nét lãng mạn của Hà Nội xưa".

Họa sĩ Dương Việt Nam, người vẽ tranh bằng kí ức.

Với họa sĩ Dương Việt Nam, Hà Nội của ngày hôm nay đã thay đổi nhiều nhưng vẫn thấp thoáng đâu đó những kiến trúc cổ kính. Và một điều không thể thiếu, một yếu tố đặc trưng khác của Hà Nội không hề khác đi đó là cây xanh bốn mùa thay lá. Và dù trong con mắt của tác giả vẽ những phố xá hôm nay kín đặc người và xe cộ nhưng tranh ông vẫn đem đến cho người xem một cảm giác thật êm đềm. Bởi Hà Nội trong ông là Hà Nội của ký ức, Hà Nội của hoài niệm không bao giờ đổi thay.

Những góc phố cổ Hà Nội qua tranh Phạm Bình Chương

Có một người hoạ sĩ đã từng 3 lần mở triển lãm Xuống Phố, tranh phố của anh là một hiện thực tái hiện những góc phố, những mái nhà, những góc cầu thang, những chiếc xe đạp, gốc cây bàng thanh vắng nhưng không cô liêu. Đó chính là hoạ sĩ Phạm Bình Chương.

Phố trong tranh của Bình Chương rất đời, rất thật, rất gần gũi. Những góc cảnh, mỗi khung hình được chọn lựa đặt vào tranh, ở đó có văn hoá, có lớp lớp thời gian của Hà Nội, có hiện tại và quá khứ, có cái đã qua và cái đang tiếp diễn, lớp văn hóa, lớp thời gian chồng phủ lên nhau như một thể thống nhất, không tách rời và đó là Hà Nội.

Họa sĩ Phạm Bình Chương được thừa hưởng bút pháp từ người cha của mình.

Có lẽ họa sĩ Phạm Bình Chương được thừa hưởng bút pháp hiện thực từ người thầy, người cha của mình là cố họa sĩ, nhà giáo Phạm Công Thành nên ông coi nghệ thuật là đời sống, là một cuốn phim tài liệu, nghệ thuật, là quá khứ, sự hoài niệm, tình yêu, cái nhìn chân thực trong tâm hồn người họa sĩ.

Những bức tường, ô cửa sổ hay vỉa hè Hà Nội trong tranh của họa sĩ Phạm Bình Chương kết nối với ký ức, kỷ niệm và cảm xúc rất riêng của mỗi chúng ta về Hà Nội, không ai giống ai.

Những bức tranh của Phạm Bình Chương đưa người xem ngược dòng về quá khứ giữa không gian náo nhiệt của đời sống thế kỷ 21, như bức tranh Hiệu sách số 2 Thi Sách gắn với tuổi thơ của nhiều người ở thế hệ trước.

Lời tự sự qua tranh của họa sĩ Phạm Bình Chương về một tình yêu Hà Nội được truyền lại từ người cha để rồi anh lại kế tục làm đẹp thêm những con phố Hà Nội qua từng nét vẽ của một thế hệ trẻ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Nói đến nhiếp ảnh về Hà Nội thì không thể không nói tới nhà nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo. Ông đã tạo dựng được tên tuổi bằng một phong cách chụp riêng về Hà Nội mà thời gian càng trôi qua, người xem càng thấy giá trị của từng khung hình.

Giáng Sinh đang đến gần, không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi, đặc biệt tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, nơi đây đã được trang hoàng lộng lẫy, thu hút du người dân và du khách đến tham quan, thưởng thức không khí đặc biệt mùa lễ hội.

Với nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, giò chả Ước Lễ không chỉ là một món ăn mà còn chứa đựng trong đó tinh hoa văn hóa. Hơn 40 năm qua, ông đã góp phần gìn giữ, lưu truyền nét tinh hoa ẩm thực này một cách vừa khoa học lại đầy chất nghệ thuật.

Với nhiều người, việc dạy và học ngoại ngữ là một cách để nhìn cuộc sống và thế giới rộng mở hơn. Bên cạnh đó, ngoại ngữ còn giúp mỗi người hiểu chính mình, hiểu mọi người một cách sâu sắc hơn.

Không phải vô cớ mà nhiều người lại mong ngóng Noel đến vậy. Có người nói, đó là bởi Giáng sinh có nhiều hoa và đèn rực rỡ, hay tại bởi không khí vui vẻ, sum vầy mà Giáng sinh đem lại…

Với múa rối nước, người nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật trong môi trường đặc biệt, có yêu cầu khắt khe hơn so với những hình thức biểu diễn nghệ thuật khác. Để theo đuổi được bộ môn nghệ thuật này, NSƯT Bạch Quốc Khanh - Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, không chỉ có hành trình dài học hỏi, trau dồi kiến thức mà còn là cả sự khổ luyện, cùng một tình yêu cháy bỏng với văn hóa truyền thống.