Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sẽ hoạt động trước ngày 10/10/2024| Hà Nội tin mỗi chiều

Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sẽ hoạt động trước ngày 10/10/2024; Công an Hà Nội sẵn sàng đảm bảo tuyệt đối an toàn kỳ thi tuyển sinh THPT; Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp để đào tạo kỹ năng mềm cho thanh niên... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sẽ hoạt động trước ngày 10/10/2024

Theo đề xuất của UBND quận Ba Đình (Hà Nội), khu vực hồ Ngọc Khánh sẽ được triển khai làm phố đi bộ vào cuối tuần nhằm phục vụ người dân, khách du lịch. Dự kiến phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sẽ bắt đầu hoạt động vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Đây là công trình chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động trước ngày 10/10/2024.

Phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh và phụ cận. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Quận Ba Đình sẽ thực hiện dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị để thực hiện đề án tổ chức khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh và phụ cận tại phố Phạm Huy Thông, phường Ngọc Khánh với giá trị tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách quận.

Việc cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực hồ Ngọc Khánh và phụ cận sẽ góp phần tăng cường năng lực tiêu thoát nước mưa; bảo đảm mỹ quan đô thị; tạo thêm tuyến phố gắn với các dịch vụ phục vụ người dân nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong khu vực phát triển; tạo cảnh quan đẹp, văn minh, đưa khu vực này trở thành nơi người dân và khách du lịch vui chơi, thư giãn.

Phối cảnh phố đi bộ - dịch vụ hồ Ngọc Khánh. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Với mong muốn gìn giữ giá trị lịch sử của vùng đất xưa, công tác cải tạo, chỉnh trang hạ tầng, kiến trúc đô thị được quận Ba Đình quan tâm đến những chi tiết gợi nhớ về Giảng Võ trường.

Giảng Võ trường là khu vực luyện tập võ thuật, giảng dạy binh pháp, thao diễn quân sự cao cấp của các triều đại phong kiến tại kinh thành Thăng Long xưa. Di tích Giảng Võ trường thời Hậu Lê được xác định nằm trên địa bàn các phường Giảng Võ, Kim Mã, Ngọc Khánh thuộc quận Ba Đình ngày nay.

Phố đi bộ - dịch vụ hồ Ngọc Khánh với những chi tiết gợi nhớ về Giảng Võ trường. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.

Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh và phụ cận đưa vào hoạt động sẽ là phố đi bộ thứ hai được tổ chức trên địa bàn quận Ba Đình và là tuyến phố đi bộ thứ 7 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trước đó, vào cuối năm 2022, quận Ba Đình đã đưa vào hoạt động tuyến phố ẩm thực kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã vào dịp cuối tuần.

Có thể nói, với các thành phố du lịch, nhất là với Hà Nội - trái tim của cả nước, việc có nhiều không gian đi bộ cũng đồng nghĩa với việc người dân, du khách có thêm nhiều điểm đến thú vị để vui chơi, giải trí, khám phá và trải nghiệm.

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày khu phố đi bộ Hồ Gươm đón khoảng 20.000 lượt du khách, khoảng 600 cơ sở kinh doanh đã chuyển sang hoạt động dịch vụ du lịch. Đây cũng là nơi tổ chức hàng trăm sự kiện quy mô lớn, nhiều hoạt động trải nghiệm văn hóa, dịch vụ mới mẻ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải phố đi bộ nào cũng hấp dẫn người dân, du khách được như phố đi bộ Hồ Gươm, khi Hồ Gươm có những lợi thế đặc biệt không nơi nào có được. Vấn đề đặt ra với các tuyến phố đi bộ đã và sắp hoạt động khác là: Đó có thực sự là không gian văn hóa, tạo được nét khác biệt.

Mỗi ngày khu phố đi bộ Hồ Gươm đón khoảng 20.000 lượt du khách. Ảnh: VnExpress.

Ủng hộ chủ trương mở thêm nhiều tuyến phố và không gian văn hóa mới của thành phố, kiến trúc sư Trần Huy Ánh kỳ vọng, phố đi bộ là nơi con người đô thị đi lại, giao tiếp với nhau. Thông thường các mô hình phố đi bộ ở Việt Nam sẽ được thiết kế để kết nối, đi kèm tốt với các không gian mở chính và quan trọng của thành phố. Điểm đến có thể là không gian xanh, thương mại điểm nhấn, hay công trình có giá trị văn hóa lịch sử. Ai cũng có quyền tiếp cận không gian xanh và không gian mở này, vì thế việc quan trọng là thiết kế phố đi bộ như thế nào để kết nối với nhau và khiến cho người dân có trải nghiệm tốt nhất, đồng thời khai thác hiệu quả về thương mại và các lợi ích kinh tế. Tiếp đó là những trải nghiệm khám phá điểm đến mới. Vì thế cần thiết kế để phố đi bộ là nơi kết nối các điểm đến ấy. Đây cũng là cách tận dụng các giá trị văn hóa – kinh tế - không gian chưa được khai phá hết của đô thị hiện hữu. Bởi sự thành công của không gian công cộng nằm ở việc lắng nghe nhu cầu của người dân và thiết kế phù hợp với nó.

Công an Hà Nội sẵn sàng đảm bảo tuyệt đối an toàn kỳ thi tuyển sinh THPT

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 thành phố Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 8/6 đến 12/6. Trong đó, ngày 8 và 9/6 thi các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ và Toán; ngày 10/6 thi các môn chuyên đối với thí sinh đăng ký vào các lớp chuyên; ngày 11 và 12/6 thi vào các lớp song bằng. Lực lượng Công an Thủ đô đã chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng đảm bảo tuyệt đối an toàn kỳ thi tuyển sinh quan trọng này.

Chỉ còn ít ngày nữa, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 - Trung học phổ thông năm học 2024-2025 sẽ chính thức diễn ra. Ảnh minh hoạ: Báo Lao động.

Đại tá Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an thành phố Hà Nội nhìn nhận, kỳ thi tuyển sinh THPT được đánh giá là một trong những kỳ thi quan trọng của ngành giáo dục Thủ đô. Do vậy, các đơn vị chức năng Công an thành phố đã và đang chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, quyết tâm tổ chức kỳ thi bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh. Trong ngày 5/6, dù Hà Nội xảy ra trận mưa giông lớn, gây ngập lụt nhiều tuyến đường, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông nhưng nhiều quận, huyện, thị xã đã tổ chức các đoàn kiểm tra gồm lực lượng công an, giáo dục thị sát các địa điểm tổ chức thi trên địa bàn.

Trước đó, Công an thành phố đã có công văn gửi công an quận, huyện, thị xã về việc phân công lực lượng bảo vệ các khâu: Ra đề và in sao đề thi; áp tải vận chuyển đề thi, bài thi; coi thi; làm phách; chấm thi.

Các đơn vị trong Công an thành phố đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Ảnh: Báo Lao động.

Theo kế hoạch bảo vệ các kỳ thi, công an quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và phòng chống cháy, nổ tại các địa điểm thi trên địa bàn; chủ động phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên nắm tình hình công tác tổ chức các kỳ thi; xây dựng kế hoạch và phương án bảo vệ kỳ thi báo cáo UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt; phân công cán bộ làm nhiệm vụ tại các điểm thi đủ quân số, đúng quy chế thi theo đề nghị của trưởng điểm thi; phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã có đặt điểm thi kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi: Lắp đặt camera giám sát phòng bảo quản đề thi, bài thi; bố trí tủ chứa đề thi, bài thi đảm bảo an ninh, an toàn; phát hiện xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật như gây rối trật tự công cộng, cướp đề thi, bài thi, đe dọa hành hung giám thị, thí sinh, cán bộ phục vụ thi và người nhà của thí sinh; tăng cường công tác quản lý các cơ sở lưu trú, ăn uống xung quanh các điểm thi. Ngoài ra, các đơn vị khác trong Công an thành phố cũng đã sẵn sàng bắt tay thực hiện nhiệm vụ.

Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp để đào tạo kỹ năng mềm cho thanh niên

UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 123 ngày 31/1/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt Đề án “Đào tạo phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” trên địa bàn thành phố đến năm 2030.

Kế hoạch gồm hai giai đoạn nhằm đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Qua đó trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết giúp cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên có khả năng giải quyết tốt hơn các vấn đề trong quá trình làm việc, nghiên cứu, học tập; nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo tiền đề cho việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực có kỹ năng nghề, từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Các bạn trẻ cần được rèn luyện và trang bị cho mình những kỹ năng mềm cần thiết.
Ảnh minh hoạ: Người Hà Nội.

Theo đó, giai đoạn 2024 - 2026, thành phố phấn đấu 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn được tuyên truyền nâng cao nhận thức về đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, tổ chức hoặc cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức, kỹ năng mềm cho 100 - 300 lượt cán bộ quản lý, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao năng lực và hình thành đội ngũ nhà giáo, chuyên gia đào tạo và phát triển kỹ năng mềm.

Giai đoạn 2026 - 2030, thành phố nghiên cứu mô hình và tổ chức thí điểm đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên, học sinh, sinh viên tại ba cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Phấn đấu đến hết năm 2030, 100% trường cao đẳng, 80% trường trung cấp, 50% trung tâm giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo, lồng ghép đào tạo, phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Đáng chú ý, thành phố sẽ hình thành mạng lưới, liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc đào tạo và phát triển kỹ năng mềm cho thanh niên và học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Hiện nay, Hà Nội có khoảng gần 3 triệu thanh niên (từ 16 - 30 tuổi), chiếm khoảng 35% dân số của Thủ đô. Công tác giáo dục, đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên trong những năm qua luôn được các cấp quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực. Kết quả tuyển sinh đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên tục tăng lên, từ trên 176.000 lượt người năm 2013 lên trên 252.000 lượt người năm 2023 (tăng 43,27% trên cả giai đoạn). Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%.

Để thực hiện các mục tiêu như đề án đề ra, thì thành phố, các trường học và đơn vị liên qua sẽ cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên và học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ, nhà giáo về đào tạo và phát triển kỹ năng mềm; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhà giáo, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tăng cường vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo và phát triển kỹ năng mềm.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hiện nay, tình trạng vỉa hè tại nhiều tuyến đường đang bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Lối đi dành riêng cho người đi bộ giờ lại hoá thành nơi buôn bán.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, khi có những tiêu chí thế nào là mê tín dị đoan, Bộ sẽ phát triển các công cụ mà nhìn vào hình ảnh có thể đánh giá được hành vi và báo sang Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để xử lý.

Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu liên quan đến thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 đã chính thức khai mạc tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Sự kiện do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc phối hợp với các đơn vị tổ chức là nơi kết nối và đánh thức tinh thần sáng tạo của người Thủ đô.

Thành phố Hà Nội vừa có dự thảo nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện xác định vùng phát thải thấp để hạn chế phương tiện gây ô nhiễm môi trường và dự kiến sẽ được thí điểm vào đầu năm sau. Khu vực thí điểm đầu tiên là tại hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận của quận Hoàn Kiếm.

Nhiều người Hà Nội và du khách giờ đây đã dần quen với việc sử dụng các phương tiện vận tải công cộng, trong đó có đường sắt trên cao. Sáng 9/11, Lễ vận hành thương mại đoạn trên cao dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã diễn ra.