Phố hoa và nỗi nhớ

Phố bắt đầu ngày mới bằng muôn màu hoa trong chợ hoa Quảng Bá. Đường Âu Cơ tươi màu sắc trong tia nắng dịu nhẹ chưa vương bụi khói. Tâm thức anh chợt lạc về câu chuyện em nói với anh ngày xưa khi anh cùng em ngang qua đoạn đường này.

Em nhắc về truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ rời xa nhau bởi nỗi nhớ non cao, biển sâu nhưng đôi mắt, trái tim vẫn dõi theo nhau. Em hứa chúng mình sẽ mãi mãi bên nhau dẫu điệp trùng non cao hay thẳm sâu biển cả. Con đường xưa, kỷ niệm cũ, lời em nói như vẫn còn đây chỉ có em là không trở về bên anh. Những ngày Hà Nội chuyển mùa, một mình anh lẻ bước ngắm phố hoa.

Ngày ấy, anh từ miền cao nguyên đá về Hà Nội trọ học. Chiếc ba lô bạc màu kỷ vật từ đời lính làm hành trang. Khi ấy, em đã là cô sinh viên khoác chiếc áo xanh tình nguyện.

Cánh cổng trường thênh thang khiến một người từng rèn luyện trong quân ngũ như anh cũng cảm thấy đôi chút e dè. Nhưng nhìn vào đôi mắt em anh thấy vững niềm tin theo đuổi ước mơ.

Em là con gái gốc Hà Nội giản dị trong tà áo dài trắng tinh khôi, chiếc cặp da, mái tóc đen buông ngang vai mỗi ngày tới giảng đường. Còn anh đến lớp giản dị trong bộ quần áo lính.

Chúng mình thường gặp nhau trong thư viện nên cảm mến nhau từ những trang sách. Buổi chiều anh đưa em về nhà trên con đường nồng nàn hương hoa sữa. Em nói về những trang sách viết về những địa danh lịch sử. Chính vì em yêu những địa danh lịch sử nên em đã đưa anh đi thăm những luỹ thành ngàn năm không phai dấu của kinh đô.

Ngày chúng mình đến Hoàng Thành Thăng Long. Em nhắc về những triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn... Đất nước từng trải qua biến cố thăng trầm, ngai vàng bao lần đổi chủ nhưng dòng máu lạc hồng vẫn bừng trong mạch rồng tiên. Gươm báu đã trả Đức Long Quân nhưng hai chữ "thuận thiên" vẫn khắc trong tâm thức dòng máu lạc hồng để tiếp nối những cuộc "trường kỳ kháng chiến".

Một lần đến thăm nhà tù Hoả Lò em đã khóc ướt vai áo anh khi nhìn những bức tượng mô phỏng sự giam cầm hà khắc trong buồng giam lạnh lẽo. Cố nội em và những chiến sĩ cách mạng kiên trung đã hy sinh tại đây, tên tuổi họ vẫn lưu trong sử sách. Anh muốn nói một điều gì đó nhưng đôi khi sự im lặng là cách sâu thẳm nhất để chúng mình sẻ chia cùng nhau những đau thương.

Những cánh hoa nhỏ bé mang đến cho lòng người những nỗi nhớ chênh chao.

Một buổi chiều trên cầu Long Biên, hoàng hôn buông, sông Hồng màu tím biếc như những cánh hoa lưu ly. Anh đan bàn tay chai sạn của anh vào bàn tay nhỏ bé của em. Anh nói về sông Hồng trên quê hương anh. Nơi đó, sông Hồng e ấp bên những dãy núi cao nhưng dòng chảy nơi thượng nguồn chẳng đủ sức níu giữ phù sa cho mạch đá xanh màu diệp lục. Đôi tay cha anh chai sần vì khuân vác những tảng đá, đôi vai mẹ gùi đất lấp đầy những mạch đá. Sông Hồng ưu ái vùng kinh đô hơn bằng những dòng phù sa đỏ nặng bồi lấp bến bờ. Nên ven sông những vườn hoa mùa nối mùa điểm tô sắc màu cho Hà Nội xinh tươi bằng những phố hoa.

Từ những vườn hoa ven sông, những bông hoa toả đi khắp những phố phường. Những cánh hoa nhỏ bé mang đến cho lòng người những nỗi nhớ chênh chao!

Anh dừng bên một sạp hoa lựa chọn những bông lưu ly đẹp nhất. Ngày mai, tròn một năm em rời xa anh. Cô sinh viên y khoa vào miền Nam chống đại dịch và mãi mãi không trở về bên anh.

Anh nhớ có lần bên giếng Ngọc trong thành Cổ Loa. Anh đùa rằng sẽ may tặng em chiếc áo lông ngỗng để khi mình xa nhau anh sẽ luôn tìm thấy em.

Năm tháng trôi qua, anh vẫn đi tìm hình bóng em trên những phố hoa. Nhưng chỉ thấy những bông hoa sữa vương vấn trên vai.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong ký ức của một người xa Thủ đô, Hà Nội là những hàng cây xanh mát hai bên đường, những sạp báo, những bác xích lô ngồi đợi khách. Và nỗi nhớ Hà Nội đọng lại trong một ly trà ấm nóng, phảng phất khói bay trong một chiều hoàng hôn.

Đối với những người xa Hà Nội, hương hoa sữa của mùa thu là mùi hương của tình yêu, là ký ức yêu dấu mà họ sẽ mang theo suốt cuộc đời. Người đi xa nhớ da diết mùa thu Hà Nội, bởi mùa thu gọi họ sống chậm lại để yêu thương.

Có những bức ảnh lưu lại một khoảnh khắc khiến bạn bỗng thấy phố thật gần, thật thân thiết.

Cả ngàn năm người dân nước Việt lắng nghe tiếng gà trong đêm để biết nhịp thời gian, chia tiếng gà trong đêm thành những canh gà, để rồi dựa vào đó giữ thói quen thức sớm dậy khuya, bán buôn, đồng áng. Và ngay cả những mối tình thấm đẫm nước mắt, đẫm màu lãng mạn, cũng lấy canh gà làm thời khắc hò hẹn cùng nhau.

Gần 20 tên phố Hàng của Thăng Long - Hà Nội những trăm năm xưa đã biến mất trong biến thiên thời cuộc.

Đâu đó có những góc nhỏ mơ hồ thời gian, lâu lâu lại rộn lên câu chuyện cũ. Có thể là xa xôi với những người vội bước qua không kịp để ý. Nhưng vẫn là đau đáu trong những ai còn nặng lòng trước nhịp đổi thay phố phường.