Phố 'ngọt nhất' Hà Nội

Đặc trưng nổi tiếng nhất của khu phố cổ Hà Nội là các phố nghề. Chính sản phẩm được buôn bán trên mỗi con phố đã trở thành tên phố đi với chữ 'Hàng' đằng trước. Hà Nội có một con phố vô cùng 'ngọt ngào' có nguồn gốc từ các mặt hàng kẹo bánh cùng các sản phẩm làm từ đường, mật chính là phố Hàng Đường.

Phố Hàng Đường là một phố trong khu phố cổ Hà Nội, chạy theo hướng bắc - nam, đầu phía bắc nối với phố Đồng Xuân, cuối phố phía nam nối vào phố Hàng Ngang. Cắt ngang Hàng Đường có phố Hàng Cá và phố Ngõ Gạch. Từ ngã tư Hàng Đường - Hàng Cá - Ngõ Gạch đổ về phía Đồng Xuân, dân sở tại trước đây hay gọi là "Hàng Đường trên", từ ngã tư này đổ về phía dưới phía đầu Hàng Ngang thì gọi là "Hàng Đường dưới". "Hàng Đường dưới" phải dài gần gấp đôi "Hàng Đường trên".

Thực ra phố Hàng Đường không dài lắm, chỉ vẻn vẹn có 180m, và bề rộng lòng đường cũng chỉ 8m. Từ đầu phố đến chợ Đồng Xuân chỉ tầm 150m. Từ cuối phố đến Bờ hồ Hoàn Kiếm không đầy 500m. Tên phố "Hàng Đường" có nguồn gốc từ các mặt hàng kẹo bánh và các sản phẩm làm từ đường, mật.

Cửa hàng bánh kẹo ở Hàng Đường trước năm 1960. Ảnh: Nhan's Blog

Thời xa xưa, từ thế kỷ XV, phố Hàng Đường là một con đê của sông Tô Lịch. Cho đến tận thế kỷ XIX, sông Tô Lịch từ cửa sông ở chỗ Chợ Gạo chảy qua phố Nguyễn Siêu, Ngõ Gạch, cắt ngang phố Hàng Đường rồi đi chéo sang phố Hàng Lược mà lên Bưởi. Để đi qua khúc sông Tô Lịch ở chỗ Hàng Đường này có một cái cầu đá, gọi là Cầu Đông. Nay cầu đã mất nhưng kỷ niệm về cây cầu đá ấy vẫn còn với tên gọi ngôi chùa trên phố là chùa Cầu Đông.

Chùa Cầu Đông ngoài thờ tượng Phật còn có tượng Trần Thủ Độ, vị Thái sư thời nhà Trần và tượng bà Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, vợ của Thái sư Trần Thủ Độ. Nay chùa Cầu Đông tọa lạc ở số 38 Hàng Đường.

Cũng gắn với cây cầu đá bắc qua sông Tô Lịch khi xưa ở phố Hàng Đường có chợ Cầu Đông. Sau này chợ Cầu Đông rời đến phố Đồng Xuân nên gọi là chợ Đồng Xuân. Có thể nói chợ Đồng Xuân chính là "hậu duệ" của chợ Cầu Đông trên phố Hàng Đường xưa kia.

Trên phố Hàng Đường, ngay cạnh chùa Cầu Đông còn có đình Đức Môn. Đình Đức Môn thờ ngài Ngô Văn Long, một vị tướng thời Vua Hùng Vương thứ 18. Ở phố Hàng Đường khi xưa còn có một ngôi đình nữa là đình Vĩnh Hanh (tọa lạc ở số nhà số 19B bây giờ). Ngày xưa tầng dưới của đình là nơi buôn bán, bên trên để thờ. Ngày nay dấu tích về ngôi đình hầu như không còn. Sau khi người Pháp đặt sự cai trị ở xứ Bắc Kỳ và Hà Nội, cùng với sự thay đổi của phố phường thì phố Hàng Đường cũng có nhiều thay đổi.

Thời Pháp thuộc, phố có tên là Rue du Sucre, cũng dịch từ "hàng Đường" mà ra. Tuyến xe điện từ Bờ Hồ chạy qua phố Hàng Đường để lên Đồng Xuân và Thụy Khuê là tuyến xe điện có sớm nhất ở Hà Nội, từ năm 1900.

Sau năm 1945, phố lại trở lại tên cũ là "phố Hàng Đường". Như đã nói ở trên, tên phố "Hàng Đường" có nguồn gốc từ các mặt hàng kẹo bánh và các sản phẩm làm từ đường, mật. Ngày ấy hàng hóa đặc trưng của phố là các loại bánh kẹo, hàng làm từ mật, đường mía, đường phèn. Đường phèn từ Quảng Ngãi mang ra, đường mật mía từ các vùng xung quanh, qua tay lái buôn rồi đem đến phố bán lẻ hoặc chế biến thành các loại bánh kẹo. Những tháng tấp nập nhất là trước tết và rằm Trung thu. Đi trên con phố vào những ngày giáp lễ, tết ấy là bao âm thanh rộn rã của tiếng khuôn dập bánh và ngào ngạt mùi thơm thanh mát của các loại bánh mứt kẹo.

Người ở Hà Nội trước năm 1954 và sau đó một vài năm chắc chưa quên một số thương hiệu bánh mứt kẹo nổi tiếng đất Hà thành khi đó như Tùng Hiên, Ngọc Anh, Bích Lan…Tất cả các hiệu đó đều ở phố Hàng Đường. Nhưng ít người biết chủ của hiệu Bích Lan khi đó là đôi vợ chồng còn rất trẻ: Ông bà Nguyễn Hữu Lễ và Nguyễn Thị Nga. Cả hai người khi đó mới ngoài 20 tuổi.

Hiệu bánh mứt kẹo Bích Lan ở số 73 Hàng Đường. Tuy nhiên đây chỉ là nơi bán hàng, vì ngôi nhà này tuy mặt tiền rộng nhưng hơi nông. Vì thế xưởng sản xuất khá lớn phải nằm ở bên trong số nhà 43 cùng phố. Mặt hàng chính của hiệu Bích Lan là mứt Tết và bánh Trung Thu. Xưởng sản xuất phải thuê nhiều công nhân. Sau năm 1954 "Bánh mứt kẹo Bích Lan" còn tồn tại vài năm nữa, chủ yếu dựa vào các nguyên liệu như đường, sữa. sôcôla… còn từ thời Pháp để lại.

Nhãn hàng “Bánh mứt kẹo Bích Lan” trước năm 1954. Ảnh tư liệu: Danviet

Cuối năm 1959, đầu 1960 với việc "cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh thì "Bánh mứt kẹo Bích Lan" phải đóng cửa, giải tán thợ. Ông bà chủ phải "hiến" nhà 73 Hàng Đường và chuyển làm nghề khác. Chủ hiệu bánh mứt kẹo Bích Lan cụ Nguyễn Hữu Lễ và cụ Nguyễn Thị Nga là thân sinh ra nhà tôi. Nay các Cụ đã là "người thiên cổ". Bây giờ phố Hàng Đường thuộc Phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm.

Con phố vẫn mang tên Hàng Đường nhưng người dân chuyển sang kinh doanh nhiều thứ mặt hàng khác như quần áo, giày dép, túi ví…; tuy nhiên vẫn còn một vài cửa hàng bán mứt kẹo và ô mai. Hiện nay phố là đường một chiều theo chiều từ Hàng Ngang đến Đồng Xuân. Phố nằm trong tuyến phố đi bộ vào các buổi tối cuối tuần. Một địa danh du khách nếu tham quan Hà Nội không nên bỏ qua./.

Tác giả: Nguyễn Văn Ất

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ai đi qua Phố Bà Triệu, cũng cảm nhận được sắc đẹp của những chiếc lá rụng rải dày trên đường phố. Đây là thời điểm giao mùa hiếm có cuối Xuân đầu Hè, mà nhiều người gọi đó là mùa thay lá.

Mỗi độ tháng Tư về, là thời điểm những cây bún cổ thụ bắt đầu nở hoa, tạo một quang cảnh riêng có và độc đáo. Khi hoa bún nở, gần như toàn bộ tán lá đều nhuộm chung một mầu. Một bức tranh tự nhiên đẹp mắt, cuốn hút người dân và du khách.

Sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trên những thân cây khẳng khiu trụi lá, sẽ khiến nhiều người mê mẩn. Nét đẹp gợi nhớ những kỷ niệm xưa, mà không ít người cảm thấy quyến luyến.

Ai đi trên tuyến đường Văn Khê cũng muốn dừng chầm chậm để ngắm những màu sắc Phong Linh đang vào mùa nở rộ…

Giữa không gian ồn ào, náo nhiệt của đô thị hiện đại, công viên Bách thảo được ví như “lá phổi xanh” của Thủ đô, mang đến một không gian xanh mát, trong lành, thu hút nhiều người dân đến vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe.

Vào những ngày đầu tháng Tư này, trên các con phố của Thủ đô như sáng hơn bởi sắc trắng của những bó hoa loa kèn, trên những xe hoa đầy ăm ắp. Và dường như sắc trắng tinh khôi, dịu dàng, giản dị của những bông hoa loa kèn khiến cho sự vội vã, hối hả của ngày thường trở nên lãng mạn, nên thơ hơn trong tiết trời chuyển mùa của Hà Nội.