Phố tôi đẹp nhất Hà thành

Đó là con phố được coi là đẹp nhất Thủ đô. Phố đẹp, cổ xưa mà lãng mạn. Phố đẹp, hiện đại mà hào hoa. Phố đẹp, ồn ã mà lắng đọng. Phố đẹp, hối hả mà trầm tư.

1. Phố bắt đầu từ bốt nước có từ thời Pháp, chỗ nối với phố Hàng Đậu. Người nơi xa đến với Hà Nội, sau khi xuống cầu Long Biên thì theo phố Hàng Đậu đi chừng 500 mét là tới phố Phan Đình Phùng.

Phố Phan Đình Phùng dài 1,5km, thẳng tắp theo hướng Đông - Tây, xưa vốn là đường hào giáp bức tường phía Bắc của Hoàng thành Thăng Long. Điểm cuối của phố giáp với phố Hoàng Hoa Thám và phố Mai Xuân Thưởng đoạn vườn hoa Lý Tự Trọng. Đầu phố chính là từ bốt nước cũ mà người Hà thành quen gọi là “bốt Hàng Đậu”.

Phố có nhiều tên gọi khác nhau, tùy theo cảm nhận của mỗi người, tùy theo mùa trong năm và cũng tùy vào đặc điểm thấy được trên phố. Có nhiều tên gọi như thế là bởi phố đẹp hàng ngày, đẹp hàng tuần, đẹp hàng tháng, đẹp hàng năm và mùa nào cũng đẹp. Và như người ta nói “phố đẹp từng chi tiết nhỏ”.

Có người gọi là “phố 2 hàng cây”. Gọi như thế cũng thấy hay hay bởi đây là phố duy nhất ở Hà Nội có vỉa hè bên chẵn rất rộng. Rộng đến mức trên vỉa hè ấy người đã đã trồng những 2 hàng cây, mà toàn là những cây dạng cổ thụ. Vỉa hè thoáng rộng, 2 hàng cây quanh năm xanh tốt che rợp những ngôi biệt thự kiểu Pháp. Vào giờ tan học, nam thanh nữ tú của trường THPT Phan Đình Phùng ùa ra cổng rộn tiếng cười, áo trắng học trò nổi bật giữa màu xanh cây lá.

Hàng sấu cổ thụ hai bên hè phố Phan Đình Phùng.

Có người gọi đó là “phố cây sấu”. Gọi như thế vì đa phần cây được trồng hai bên hè phố là những cây sấu cổ thụ. Đầu hè nắng vàng rực rỡ, hoa sấu nở trắng vòm cây, gặp gió ùa về rụng rơi. Hoa sấu phơi trắng vỉa hè, hoa sấu phơi thơm từng bước chân qua. Có đêm không ngủ, tôi ra đứng ở ban công nghe tiếng ve sôi cồn cào, tiếng ve nhắc nhắc, tiếng ve thúc giục.

Nhưng thích nhất mỗi độ lá vàng rơi, trên hè phố Phan Đình Phùng lại rộn rã những bước chân thiếu nữ. Các cô gái Hà thành từ khắp các phố phường khác đổ về “phố lá vàng rơi” để lưu lại khoảnh khắc áo dài lướt trên thảm vàng, lưu lại những bàn chân đi nhẹ cánh tiên mà chợt vọng tới hình ảnh thú vị của “Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng thu”.

Có người lại bảo đây là “phố hàng hoa”. Còn nhớ khoảng mươi mười lăm năm về trước. Hồi đó cứ sáng sớm bước ra phố đã thấy những cô, những chị bán hoa. Họ từ Bưởi xuôi theo phố Hoàng Hoa Thám xuống. Những gánh hoa tung tẩy theo mỗi bước chân làm dậy lên mùi thơm khó tả. Giờ thì những chiếc quang gánh buổi sớm nhường chỗ cho những chiếc xe đạp đầy nặng hoa với hoa. Nhộn nhịp nhất là vào buổi chiều, các cô bán hoa đạp xe tới phố Phan Đình Phùng thì xuống xe dắt bộ.

Dắt đến giữa phố, chỗ trước cổng Bắc môn thì dừng xe sát vỉa hè. Các cô thong thả rẩy nước tưới cho hoa tươi, cho hoa thêm phần mời gọi. Mùa nào hoa nấy. Mùa xuân hoa hồng, hoa đào... Mùa hè hoa sen, hoa loa kèn... Mùa thu hoa cúc họa mi... Đến mùa đông thì thầm kín màu hoa cúc tím bên những bó hoa thạch thảo…

Hoa vào phố cũng là lúc áo dài trắng, áo dài đỏ, áo dài xanh ríu rít bên nhau, xúm xít chụp ảnh.

2. Hoa vào phố cũng là lúc áo dài trắng, áo dài đỏ, áo dài xanh ríu rít bên nhau, xúm xít chụp ảnh. Dường như ngày nào, dường như mùa nào, gái Hà thành cũng rủ nhau về đây chụp ảnh. Họ muốn lưu giữ vẻ đẹp của hoa bên những tà áo thướt tha. Vui và đông nhất là dịp cuối mùa thu. Tầm ấy, nắng vàng nhẹ, tiết trời hanh hanh, một chút se se và thế là đủ để các chị các em khoe những chiếc áo đẹp nhất, những màu áo ưa thích nhất của mình. Và “mình đẹp, mình có quyền” được khoe với hàng phố, được khoe với thiên hạ.

Các chị các em đến đây chụp ảnh hẳn không thể thiếu trên tay mình những bó hoa xinh xinh. Tiếc gì chút tiền nhỏ để mình thêm đẹp. Họ sà vào những chiếc xe đạp chở nặng hoa đợi bên hè phố, vừa làm đạo cụ, vừa đem về nhà cắm cho sang thêm căn phòng sau buổi đi làm mệt mỏi.

Những cô, những chị bán hoa hình như đã chiều khách hơn. Họ không chỉ đơn thuần là chở hoa vào phố bán kiếm chút tiền nhỏ mà còn chở hoa để góp vào “bữa tiệc” chụp ảnh những màu sắc quê hương. Hoa Hà Nội thật nhiều, thật đẹp và cũng thật phong phú. Trên giá chiếc xe đạp, những bông hoa được bao gọn gàng và xếp thành bó lớn.

Nếu chưa biết chọn hoa nào thì cứ đứng mà chọn lựa. Kiểu gì thì đứa bạn đi cùng cũng giơ smatphone lên bấm cho vài kiểu. Vậy là bên những kiểu ảnh có sắp đặt thì gái Hà thành còn có cái để khoe, đó là những kiểu ảnh rất tự nhiên, rất ưa nhìn bên những chiếc xe bán hoa bên phố.

Cùng với hàng sấu cổ thụ thân già thâm nghiêm, phố Phan Đình Phùng còn có rất nhiều hoa sưa.

Có người gọi đây là “phố hoa sưa”. Cùng với hàng sấu cổ thụ thân già thâm nghiêm, phố Phan Đình Phùng còn khiến người tới đây, dù chỉ là vô tình đi qua cũng phải thốt lên “Hoa sưa trắng ngỡ ngàng/ Trắng đến say mê”. Hoa sưa lạ lắm, vào dịp trổ hoa chỉ thấy vòm cây rực sáng một màu trắng.

Hoa sưa như nở ra từ những cành khô, như mọc ra từ những se sắt. Vòm cây như lời thảng thốt của người con trai thầm tiếc mối tình đầu thuở học trò: “Nhớ bữa ấy/ Chớm em/ Mười sáu tuổi/ Hay nắng xuân vô ý nỡ gieo bùa/ Nhớ bữa ấy/ Ngày nói lời hò hẹn/ Hoa sưa trắng hết mình làm thông điệp tiễn mùa đi”.

Tôi lại gọi đấy là “phố tình yêu”, cũng bởi từ chính con phố này tôi đã có một tình yêu. “Phố mãi đẹp như ngày xưa ta đến/ Vẫn mãi yêu giàn hoa tím trước nhà/ Ngày ấy/ Tóc em dài lắm/ Cho ta thấy gió về, bữa ấy sang thu”. Nhớ những buổi tối tôi dắt tay em đi trên hè phố. Hai đứa lặng im, thỉnh thoảng lại như tình cờ dừng chân ngước mắt nhìn lên. Dưới ánh sáng của ngọn đèn đường, vòm lá xanh chập chờn những khoảng sáng. Có vô vàn những khoảng sáng nhỏ biến ảo kỳ diệu khi vòm cây lao xao theo gió. Có lần em đã bảo: “Hoa nở từ ánh sáng”. Tôi gật đầu xác nhận. Mà không gật đầu sao được khi những khoảng sáng nho nhỏ cứ lung linh dưới trời đêm.

Phố đẹp mãi trong tôi, trong ký ức, trong hiện tại và trong tương lại. Những buổi chiều đi bộ dọc phố, lòng lại thầm mong Hà Nội sẽ có thêm những đường phố đẹp, những đường phố sẽ không thể không tới một lần để nhớ.

Nhà văn Nguyễn Trọng Văn

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo dòng hồi ức về một thời xưa cũ, tìm về vùng ánh sáng của những chiếc đèn dầu một thuở đã gắn liền cùng nếp sống sinh hoạt và văn hóa của bà con. Điện xưa rất yếu, ban ngày gần như không có điện, ngoài đường rất tối, không sáng như ngày nay, trong nhà lúc nào cũng phải có chiếc đèn dầu.

Với khán giả của Hà Nội thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, Tuyết Nhung là cái tên không hề xa lạ. Trong ký ức của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực ẩm thực, căn bếp của gia đình khi bà con nhỏ ngoài một bóng đèn dây tóc leo lét chỉ đủ soi sáng để gia đình dọn mâm bát, còn lại không có bất cứ đồ dùng nào chạy bằng điện.

Nếu bạn đã thấy hơi lạnh tràn về trên phố mỗi sớm mai, đã thấy cuốn lịch trên tường mỏng dần đi theo ngày tháng... thì cho dù có bận rộn để hoàn thành kế hoạch của năm, cho dù có đang mải miết chinh chiến vì áo vì cơm, cũng có đôi lần lòng chùng xuống. Vì ngoài kia, tháng 12 đã về, đã lấp ló đâu đó, trên vệt nắng vàng nhạt đầu ngày, trong cơn gió se se mỗi sáng, trong những đêm lành lạnh một mình.

Đầu đông, những cây phượng bắt đầu trút lá. Trên vòm cây lá vẫn xanh đó mà dưới gốc cây xác lá đã trải vàng một đoạn đường. Một cơn gió nhẹ lay. Lòng người cũng say say với những chiếc lá phượng bay bay trong gió, vương vào mái tóc, vương trên vai áo. Vậy là cũng sắp hết một năm!

Chớm đông, ấy là khi những ngày cuối cùng của tháng 10 dần đi qua và tháng 11 bắt đầu kéo về. Ta chẳng còn mấy khi có dịp được ngắm bầu trời trong vắt với ánh nắng vàng ruộm trải dài mênh mang mỗi buổi chiều tà mà thay vào đó là một màu trời xám xịt với những cơn mưa phùn lê thê ướt rượt.

Thời bao cấp đi đã qua hơn 40 năm nhưng với nhiều người, những hình ảnh về dòng người chen chúc xếp hàng chờ mua thực phẩm với tờ tem phiếu trên tay thật khó quên. Trong những năm tháng ấy, cơm độn - một món ăn giản dị nhưng chứa đựng biết bao cảm xúc và kỷ niệm của người Hà Nội xưa - luôn khiến ta bồi hồi nhớ về những năm tháng khó khăn nhưng cũng đầy tình thương yêu.