'Phù thủy' của những bức phù điêu
Tôi chìm đắm trong không gian yên tĩnh và cổ kính, nơi những bức phù điêu trên tường và phù điêu linh vật trang trí như kể lại câu chuyện của một thời đã qua. Đứng trước những tác phẩm nghệ thuật đó, tôi chợt nghĩ đến người đã sáng tạo và bảo tồn chúng. Ai sẽ là người giữ gìn những giá trị nghệ thuật này khi thời gian làm chúng phai mờ, hư hỏng? Tôi quyết định tìm hiểu về nghệ nhân làm phù điêu - những người thầm lặng đứng sau tác phẩm tuyệt đẹp này.
Nghệ nhân Nguyễn Đức Thủy đưa chúng tôi đến một ngôi đình ở địa phương nơi anh vừa tạo tác những bức phù điêu trên tường. Dù ở đây là một ngôi đình mới được trùng tu nhưng sự uy nghi của những bức tranh, bức tượng phù điêu vẫn khiến tôi có cảm giác cổ kính, trang nghiêm. Bức phù điêu Long Cuốn Thủy (Rồng hút nước) là bức mà tôi cảm thấy ấn tượng nhất.
“Trong cảnh Long Cuốn Thủy này, con rồng mà tôi đắp là con rồng thời nhà Nguyễn. Đây có thể được coi là rồng cận đại. Rồng thời Nguyễn nó thừa kế được nhiều nét uy nghiêm, trang trọng của các rồng thời trước cũng như có thêm nhiều chi tiết như mắt to, mũi sư tử, miệng há có răng nanh, đây là những đặc điểm mà rồng thời trước không có. Tuy nhiên những nét này đều được làm mềm mại, mộc mạc nên không cho người xem cảm giác dữ tợn. Hơn nữa rồng thời Nguyễn đều có những câu chuyện liên quan đến đời thường nhưng rồng con rồng mẹ, rồng có lứa đôi nên rồng thời Nguyễn càng đến gần với con người. Cốt yếu của linh vật rồng đối với người dân Việt Nam là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu” - anh Thủy cho biết.
Điểm độc đáo hơn những bức phù điêu khác mà tôi từng được thấy đó chính là sự hợp lý ở những chi tiết khảm sành sứ, nó không hề mang tính phô trương hay màu mè. Những vị trí được khảm sành sứ quả thật rất hợp lý, đưa những chi tiết vốn ít nổi bật như phần thân, phần bụng rồng trở nên hài hòa hơn với tổng thể.
Điều mà tôi nghĩ rằng nó khó có thể được diễn đạt bằng bất cứ văn viết nào hay hình ảnh nào đó chính là sự mềm mại của những đường nét. Có những chỗ tôi phải chạm vào mới cảm nhận được sự tinh tế và nó khác xa với việc chỉ cảm nhận bằng mắt. Khi nhìn bằng mắt tôi chỉ có thể cảm nhận được sự thanh thoát của những chi tiết trên bức phủ điêu nhưng khi cảm nhận những chi tiết bằng tay tôi thấy các cạnh viền của những chi tiết không hề sắc cạnh, cảm giác nhẵn mịn đó đã mang đến một nét đẹp ngay cả về mặt xúc giác. Cảm giác này thấy rõ nhất ở phần nhông trên đầu rồng, bằng mắt thường nó là những chiếc nhông sắc lẹm để tăng thêm cho rồng vẻ uy nghi nhưng khi sờ vào nó lại mềm mại đến lạ thường.
Anh Thủy đưa tôi đến với một ngôi miếu làng, nơi anh đang thực hiện những tác phẩm phù điêu. Tôi có thể thấy các nguyên liệu như giấy dó, mật mía, tro, sợi đay cũng với vôi và nước được bày ngay ngắn trong sân miếu,... anh và các đồng nghiệp đang chuẩn bị nguyên liệu cho buổi làm việc.
Niềm yêu nghề của anh Thủy đã được thể hiện qua cách anh làm việc. Trong công đoạn trộn nguyên liệu tôi thấy có vẻ như các anh làm việc theo cảm tính nên tôi đã hỏi anh, anh nói: “Công đoạn trộn nguyên liệu này mới là bước đầu sự lành nghề của một người thợ đắp phù điêu vì nó chẳng có một công thức cụ thể nào cả. Mọi thứ đều từ kinh nghiệm mà ra, ví dụ có nên cho thêm vôi không hay vôi phải lọc qua lưới thế nào để vôi mịn và dẻo… Tất cả đều đến từ kinh nghiệm”. Sau đó tôi có hỏi anh rằng nếu chúng ta đắp phù điêu bằng xi măng thì có bền hơn đắp vôi giấy không? Anh cười nói “Tưởng thì có vẻ bền hơn đấy nhưng lại không đâu. Cái xi măng này thì đường nét nó cứng, không mềm mại uyển chuyển như vôi giấy thế cho nên về mặt thẩm mỹ là nó đã kém hơn rồi. Còn về độ bền thì xi măng thường bị nứt sau một thời gian, cái tỉ lệ bị nứt vỡ của xi măng là cao hơn so với vôi giấy truyền thống”.
“Lớp trẻ bây giờ khó theo nghề này rồi bởi vì học nghề này cũng mất thời gian mà công việc nó cũng nặng. Suốt ngày leo trèo dàn giáo rồi bê đầu rồng con nghê nặng vài chục cân, khoản này thì mình phải tự làm với đội thợ của mình thôi vì bê những cái đó là phải biết bê, đặt cũng phải có cách đặt sao cho chuẩn” - anh Thủy nói. Có lẽ để trở thành một nghệ nhân phù điêu, thì ngoài sự sáng tạo chúng ta còn cần một đôi tay khỏe khoắn nhưng phải khéo léo.
Anh Nguyễn Văn Bình - một nghệ nhân thế hệ sau có chia sẻ với tôi: Anh Thủy anh ấy sống tốt tính lắm. Anh ấy sẵn sàng truyền nghề, chia sẻ kinh nghiệm cho tôi. Sự tỉ mỉ chi tiết khi làm việc của anh Thủy đã ngấm vào trong tôi trong thời gian trước khi tôi làm việc với anh thường xuyên.
Để góp phần tạo nên một nghệ nhân thì sự hiểu biết về lịch sử là điều không thể thiếu. Anh thường hay tham khảo ý kiến của những nhà nghiên cứu, nhà sử học để củng cố thêm kiến thức của anh về các linh vật cũng như về những bức phù điêu cổ.
“Dù mình có làm nghề 20 hay 30 năm việc tiếp thu học hỏi thêm kiến thức từ những bậc tiền bối là không bao giờ thừa” - anh cười nói với tôi. Cách anh quan sát và nghiên cứu phần nào đã phản ánh phong cách làm việc của anh. Anh tỉ mẩn nhìn sát, chạm tay vào những chi tiết phù điêu mà thế hệ trước đã làm, anh vẽ phác lại những đường nét đó vào cuốn sổ ghi chép.
Lúc ở chùa Bối Khê tôi có quan sát được rằng hai linh vật ở hai phía bên cổng chùa nó không thực sự có sự đồng nhất trong đường nét, ý tôi là có vẻ như nó được làm bởi hai người khác nhau, tôi đưa vấn đề này ra hỏi anh Thủy. Anh nói: “Ngày trước khi làm những công trình chùa đình thì họ thường thuê hai đội làm phù điêu khác nhau. Hai đội sẽ giăng bạt, dựng lều làm ngày làm đêm, họ sẽ thi với nhau xem bên nào làm đẹp hơn. Rồi sẽ có những người ra chấm và nhận xét. Bên nào làm đẹp hơn sẽ được nhận thưởng. Vì là mỗi đội thợ, mỗi người làm họ sẽ có con mắt nghệ thuật khác nhau, nên sản phẩm của họ sẽ không thể giống nhau.”
Tôi có hỏi về những bức tượng phù điêu, điều quan tâm của tôi là về cốt tượng. Tôi có biết cốt tượng cổ được làm từ những cây tre đực già hoặc thời gian sau đó là làm bằng gạch nung. Nhưng với phù điêu hiện đại thì sao? “Còn bây giờ công nghệ phát triển thì làm cốt bằng xi măng cốt thép, như thế thì nó sẽ cứng và cũng nhanh hơn”.
Gặp gỡ nghệ nhân Nguyễn Đức Thủy và chứng kiến sự tận tâm của anh đối với nghề đắp phù điêu đã giúp tôi hiểu rõ hơn về ý nghĩa của việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống. Qua câu chuyện của anh, tôi nhận thấy rằng, dù thời gian có trôi qua, nhưng nhờ những người nghệ nhân như anh Thủy, những tác phẩm nghệ thuật này sẽ luôn được gìn giữ và tiếp nối. Chúng không chỉ là những linh vật trang trí, mà còn mang trong mình hồn cốt và tinh hoa của dân tộc, lan tỏa giá trị văn hóa từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
Đón xem Nghệ nhân Hà Nội: Giữ hồn xưa trên phù điêu cổ, phát sóng lúc 10h00 thứ bảy, ngày 10/08/2024 trên Kênh H1, Đài Phát Thanh và Truyền hình Hà Nội.
Minh Tú - Ngọc Trâm
Là một người công tác trong ngành xây dựng, nhưng với tình yêu và sự đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh, gần 30 năm qua, nghệ sĩ nhiếp ảnh Kim Mạnh đã kiên trì theo đuổi và chinh phục bộ môn nghệ thuật này. Với thế mạnh về chụp ảnh đời thường, các bức ảnh của anh không cầu kỳ, hoa mỹ nhưng giàu tính nghệ thuật và mang đậm hơi thở cuộc sống.
Những bề bộn của cuộc sống có thể làm cái 'chất' Hà Nội bị pha loãng hơn. Tuy nhiên, trong sự thay đổi ấy, vẫn có những giá trị cốt lõi được giữ gìn và tiếp nối qua các thế hệ. 'Chất' người Hà Nội, dù có biến chuyển, vẫn là thứ không thể mất đi, chỉ cần thời gian và sự bồi đắp đúng cách để trở lại mạnh mẽ hơn trong một Hà Nội hiện đại và năng động.
Nói đến nhiếp ảnh về Hà Nội thì không thể không nói tới nhà nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo. Ông đã tạo dựng được tên tuổi bằng một phong cách chụp riêng về Hà Nội mà thời gian càng trôi qua, người xem càng thấy giá trị của từng khung hình.
Với nghệ nhân Nguyễn Đức Bình, giò chả Ước Lễ không chỉ là một món ăn mà còn chứa đựng trong đó tinh hoa văn hóa. Hơn 40 năm qua, ông đã góp phần gìn giữ, lưu truyền nét tinh hoa ẩm thực này một cách vừa khoa học lại đầy chất nghệ thuật.
Với múa rối nước, người nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật trong môi trường đặc biệt, có yêu cầu khắt khe hơn so với những hình thức biểu diễn nghệ thuật khác. Để theo đuổi được bộ môn nghệ thuật này, NSƯT Bạch Quốc Khanh - Nhà hát Múa rối nước Thăng Long, không chỉ có hành trình dài học hỏi, trau dồi kiến thức mà còn là cả sự khổ luyện, cùng một tình yêu cháy bỏng với văn hóa truyền thống.
Xuất phát từ tình yêu với những họa tiết cổ truyền và ký ức về những chiếc áo bông thời thơ ấu, nhà thiết kế Trịnh Bích Thuỷ đã đem câu chuyện của mình vào các thiết kế áo bông mang âm hưởng đương đại.
0