Quái xế đường phố, nỗi ám ảnh với người dân Hà Nội | Hà Nội tin mỗi chiều

Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc những 'hung thần' xuất hiện trên đường phố. Những tiếng nẹt pô, gầm rú của động cơ và cả tiếng hò hét từ các chủ nhân “đầu đội trời” chứ không đội mũ khiến người đi đường kinh hồn, bạt vía…

Mấy hôm nay, dư luận cả nước đều bàng hoàng trước vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Hà Nội khiến một phụ nữ tử vong. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, rạng sáng 3/11, camera giám sát ghi lại cảnh một đoàn xe gồm hàng chục xe máy di chuyển tốc độ cao, lạng lách, hò hét, nẹt pô ầm ĩ trên các tuyến phố tại Hà Nội. Tới khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), nhóm thanh niên tông vào một cô gái đang dừng chờ đèn đỏ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Chỉ ngay sáng hôm sau (4/11), Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tạm giữ 10 đối tượng trú tại Hà Nội, liên quan đến vụ việc trên; đồng thời mở rộng điều tra, xử lý các đối tượng liên quan.

Thật rùng mình khi xem đoạn clip được chia sẻ trên báo chí và mạng xã hội hai hôm nay. Một câu hỏi được đặt ra là vì sao các cô cậu tuổi hãy còn rất nhỏ kia lại liều lĩnh, manh động và coi thường mạng sống của người khác đến vậy? và chỉ đến khi được người thân báo tin mới biết mình là “hung thần” gây chết người.

Vụ việc diễn ra chỉ trong 16 giây, một cô gái trẻ với bao ước mơ, hoài bão đã mãi mãi ra đi, để lại cho người thân, bạn bè và xã hội sự đau xót, bàng hoàng. Khi nhìn thấy hình ảnh người thân của nạn nhân đau đớn, chắp tay cầu nguyện tại góc đường nơi cô tử vong, nhiều người đã rơi nước mắt. Họ đặt một chiếc tượng Phật lên trên bốt điện cạnh hiện trường rồi chắp tay cầu nguyện cho cô gái xấu số.

"Cần mạnh tay với loại tội phạm này. Thật không thể chấp nhận, giữa lòng Thủ đô lại có những kẻ coi thường pháp luật" - người dùng Trần Huyền My bình luận như vậy bên dưới thông tin trên một diễn đàn.

Ở bên dưới các bình luận, nhiều người còn phản ánh thế này: "Nhất là những đêm cuối tuần, trên phố, hàng đoàn xe cả nam lẫn nữ phóng tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, nẹt pô náo loạn đường phố, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tôi ngồi trong ô tô mà còn cảm thấy kinh hãi. Phải có chế tài mạnh tay, kiên quyết xử lý những trường hợp này, tịch thu phương tiện và xử lý hình sự thì mới giảm được tình trạng trên. Không thể nhân nhượng với những kẻ coi thường pháp luật, tính mạng và sức khỏe của người khác".

Và cũng có kiến nghị được cộng đồng đồng tình như: "Nếu gia đình không làm được thì để xã hội quản lý. Nạn đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông đang diễn ra rất phức tạp, cần có ngay chế tài đủ mạnh để chấm dứt triệt để tình trạng này, giống như việc quản lý nồng độ cồn đã và đang có những hiệu quả to lớn thấy rõ".

Vậy liệu cha mẹ của các quái xế kia, họ nghĩ gì? Liệu các “hung thần” gây nên tội ác kia, trong lòng mấy phần ân hận. Mà ân hận thì cũng đâu còn cứu vãn được gì nữa. Thật buồn!

Đây không phải là vụ việc đầu tiên gây nên làn sóng phẫn nộ của dư luận về các quái xế tung hoành gây hậu quả nghiêm trọng nhưng nó khiến chúng ta phải ngẫm lại vài điều.

Thứ nhất, có phải việc giao xe cho con cái của mỗi gia đình đang trở nên dễ dãi hơn chăng? Cách đây ít hôm, Hà Nội tin mỗi chiều đã nói về việc học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện nhưng vẫn vô tư sử dụng hằng ngày và nhiều trường hợp đã bị lực lượng chức năng xử lý. Thậm chí có gia đình vô tư giao hẳn xe máy cho các em trong khi không biết rằng, ra đường các em đầu không mũ, pô nẹt bụi mù một góc phố.

Thứ hai, người lớn chúng ta có thể đang bỏ quên việc giáo dục con trẻ. Cha mẹ phó mặc con cái cho nhà trường dạy dỗ, trong khi trường học thì không thể vượt qua khỏi ranh giới của những tiết học để vun bồi, xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh cho các em một cách gần gũi. Để rồi khi sự việc không hay xảy ra, con em sa ngã, tất cả lại quanh co. Một thực tế vô cùng nhức nhối trong xã hội hiện đại mà chúng ta buộc phải nhìn thẳng để thay đổi.

Do vậy, muốn cải thiện tình hình, giảm số lượng thanh thiếu niên đua xe, bốc đầu, gây mất trật tự, an ninh xã hội, trước tiên cần sự thay đổi quyết liệt từ nhận thức của những người lớn, mà cụ thể là gia đình và nhà trường. Nếu không có người định hướng từ sớm, việc các em dễ dàng chệch đường, trở thành thành phần bất hảo cũng là điều tất yếu.

Bên cạnh đó, cũng cần những chế tài pháp luật mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn để răn đe thế hệ trẻ không vi phạm luật pháp. Hiện nay, mức phạt dành cho các thanh, thiếu niên vi phạm Luật Giao thông vẫn còn khá nhẹ, chủ yếu dừng lại ở việc xử phạt hành chính vài trăm đến vài triệu đồng, tạm giữ phương tiện một thời gian ngắn. Mọi chuyện hầu như được giải quyết nhanh gọn khi các em có cha mẹ, người thân đến bảo lãnh, nộp phạt hộ. Chính điều này càng khiến các bạn trẻ thêm thờ ơ, lì lợm, không biết sợ, không nhận thức được sai phạm của mình và dễ dàng tái phạm sau đó.

Để đảm bảo tính răn đe, đem lại hiệu quả giáo dục nhận thức cho giới trẻ, chúng ta cần những chế tài xử lý mạnh hơn nữa không chỉ là tăng mức phạt hành chính mà còn phải kết hợp tịch thu phương tiện với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần; áp dụng hình thức lao động công ích cho trẻ vị thành niên; yêu cầu gia đình phải ký cam kết quản thúc, giáo dục lại con em mình, nếu không làm được sẽ phải chịu xử lý chung; đề nghị các trường học phải có hình thức kỷ luật khi học sinh vi phạm giao thông (hạ hạnh kiểm, không cho lên lớp), đồng thời giao cho giáo viên phụ trách phải có biện pháp giáo dục lại học sinh của mình.

Nói tóm lại, để chấn chỉnh lại nhận thức và hành vi của giới trẻ, cần sự chung tay vào cuộc từ cả ba phía: gia đình, nhà trường và pháp luật. Có như vậy mới không còn những đám trẻ đầu trần "đi bão" vì nghĩ thế là hơn người, trả lại sự bình yên cho xã hội và sự an toàn cho người tham gia giao thông.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong suốt chiều dài lịch sử, vai trò của người thầy luôn được đề cao và kính trọng như một “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. Nghề gieo những hạt mầm yêu thương lên mảnh đất tâm hồn học trò, để nó nảy mầm thành cây xanh của lòng nhân ái, là một điều thiêng liêng mà không phải ai cũng biết cách làm.

Vốn không hài lòng về chuyện con dâu thuê người giúp việc, Hồng Hà và mẹ chồng lại tiếp tục căng thẳng. Mục đích cuối cùng của mẹ chồng Hồng Hà vẫn là muốn con dâu ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình. Không ép được con dâu thay đổi, mẹ của Tuấn lại đến tìm con trai vừa thuyết phục vừa nói xấu con dâu, nhưng khi Tuấn tỏ rõ thái độ, bà vô cùng thất vọng.

Nhiều năm về trước, khi Internet mới xuất hiện, blog không phải là một khái niệm quá xa lạ với người dùng. Qua thời gian, Internet phát triển bùng nổ hơn, kéo theo đó là sự ra đời của hàng loạt các trang mạng xã hội khiến xu hướng xem blog dần thoái trào. Thế nhưng đến nay, vẫn có những người trẻ tìm đến blog như một nơi để lưu giữ kỉ niệm về một thành phố mà họ yêu.

Lừa đảo tài chính trực tuyến gia tăng tại Việt Nam; Bà Đỗ Thị Nhàn mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ tội; Làm rõ 1.400 tỷ đồng do Xuyên Việt Oil chiếm đoạt;... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin hôm nay.

Để giữ thể diện trước Ngân, Long mua kẹo giúp Hải, một người bán kẹo dạo tỏ ra nghèo khổ. Sau đó, Ngân bất ngờ phát hiện Hải lành lặn, sống trong cùng chung cư và thực chất chỉ giả vờ để lừa gạt người khác. Cuối cùng, Ngân quyết định báo cáo sự việc cho cơ quan công an.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khép lại tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil), với nhiều cam kết mạnh mẽ về chống đói nghèo, đánh thuế tỷ phú và tài chính khí hậu. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất vẫn là liệu những cam kết này có được hiện thực hóa hay không?