Quán chè truyền thống của người Hà Nội

Chè là món quà quen thuộc của bao thế hệ người Hà Nội. Cùng với sự đổi thay của nhịp sống hiện đại, món ăn này đã đa dạng hơn với nhiều loại chè khác nhau nhưng những quán chè truyền thống mang đậm hương vị Hà Nội xưa vẫn được rất nhiều người yêu mến.

Bao thập kỷ trôi qua, quán chè 16 vẫn là điểm hẹn yêu thích của những người yêu cái ngọt của một thức quà Hà Nội.

Chính thức mở cửa chào đón những vị khách khắp nẻo đường gần xa từ năm 1978, trải qua nhiều thập kỷ, quán chè 16 vẫn giữ được những nét hoài cổ, mặc cho bao căn cao ốc hiện đại đua nhau mọc lên san sát.

Chủ quán chè 16 là ông Phạm Xuân Thanh. Trước đây, quán chè do mẹ ông Thanh làm chủ. Vốn là người Hà Nội gốc nên bà nấu chè cầu kỳ, từng món đều do một tay bà làm và đến nay vẫn được ông Thanh giữ nguyên cách làm và hương vị thân quen đó.

Ông Phạm Xuân Thanh, chủ quán chè. (Ảnh: Báo Lao động)

"Khởi đầu khi mẹ tôi mở bán, đầu tiên là cụ chỉ bán chè đỗ đen, giải khát. Hồi đó thực phẩm còn hiếm, chè đỗ đen là một món giải khát chung của tất cả mọi người. Bà là người Hà Nội nên hiểu được cái nét ẩm thực của người Hà Nội. Mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước thì mở bán tại nhà với cái tên 16 được lấy bởi số nhà và thường thì khi đó khách ăn chè chủ yếu là những người tuổi 16. Cho đến bây giờ, quán đã đông người đến ăn với nhiều lứa tuổi khác nhau hơn." ông Thanh chia sẻ.

Quán chè 16 mở cửa từ 6 giờ 30 sáng đến 18 giờ tối. Nhiều năm gắn bó với địa chỉ 16 Ngô Thì Nhậm, đến nay quán đã chuyển sang địa chỉ 21A Lò Đúc với không gian rộng rãi hơn để phục vụ mọi người ngồi ăn chè tại quán.

Thực đơn tại quán cũng không quá cầu kỳ, chỉ đơn giản là những món chè bình dị gắn liền với bao thế hệ người dân Thủ đô như chè đậu đen, chè đậu xanh, xôi vò, bánh chín tầng mây hay chè sen.

Quán chè nổi tiếng với món "mùa nào thức đó". (Ảnh: Báo Lao động)

Ngoài ra, điểm đặc biệt của quán chè lâu đời ở Hà Nội này phải kể đến những món chè theo mùa, mà theo ông Thanh chia sẻ là những món "mùa nào thức đó". Hằng ngày, gia đình ông Thanh dậy từ sáng sớm chuẩn bị sẵn nguyên liệu nấu những nồi chè thơm phức để phục vụ khách hàng.

Đúng là "mùa nào thức nấy", nếu đến tiệm vào những ngày hè oi nóng, những cốc chè thơm ngon có vị ngọt thanh, hòa quyện cùng đá xay mát lạnh xua tan cảm giác oi ả. Và ngược lại, nếu đến tiệm vào những ngày bãng lãng thu sang, hay đông tới, một bát bánh trôi tàu ấm nóng sẽ là gợi ý hoàn hảo.

Trước đây, người Hà Nội hay ăn loại chè chỉ đơn giản là có một loại đỗ như đỗ đen là nguyên đỗ đen, đỗ xanh là nguyên đỗ xanh. Sau dần, hương vị chè được hoà quyện với vị thơm của thạch đen, trân châu, dừa tươi tuỳ theo sở thích của người ăn. Điểm đặc biệt nhất của quán chè 16 níu chân bao thực khách có lẽ là sự mộc mạc, bình dị, nhưng tinh tế trong từng món chè.

Giữa những hàng quán hiện đại với đủ món chè sáng tạo, nhiều topping, chè truyền thống vẫn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân Thủ đô. Ăn một cốc chè, người ta lại có dịp hồi tưởng lại những ngày ấu thơ.

Bao năm đã qua, những hàng chè xưa cũ, dù nằm ở góc phố nào đó hay lẩn khuất trong những con ngõ nhỏ của Thủ đô, vẫn luôn được mọi người tìm đến bởi chính hương vị thân quen, gần gũi và giản dị.

Mỗi món chè của quán đều mộc mạc, chân phương (Ảnh: Báo Lao động)

Mỗi món chè của quán tuy mộc mạc, chân phương nhưng đều mang những hương vị riêng, món bánh chay với nhân đậu xanh vàng mịn, vị đường ngọt thanh thêm chút dừa tươi béo bùi và đặc biệt là phần nước sóng sánh được nấu từ bột sắn dây quyện vào viên bánh cùng mùi thơm mát của hoa bưởi tạo nên sự hài hòa.

Hay như chè sen, nguyên liệu của một cốc chè khá đơn giản, chỉ bao gồm sen, dừa nạo và thạch sương sáo. Hạt sen được ninh nhừ, bở nhưng không bị nát, thạch sương sáo giòn và rất thơm, dừa được nạo sợi khi ăn thấy bùi bùi, beo béo, kết hợp với vị ngọt thanh và mát dịu của nước được nấu từ hạt sen và đường phèn. Tất cả hòa quyện và tạo nên hương vị thơm ngọt nhẹ nhàng vừa phải.

Hay bát xôi chè phảng phất mùi đỗ chín thơm nhè nhẹ cùng màu sắc rất đẹp mắt. Giản đơn là vậy nhưng dẫu đi xa đến mấy, những người con của xứ Hà Thành vẫn luôn mong ngóng sớm có ngày quay về thưởng thức.

Người ta đến với quán chè 16 không chỉ vì vị ngon của chè, mà còn vì cái tâm của người bán đặt trọn trong từng cốc chè, bát bánh. Chính vì thế, thời gian trôi qua quán chè 16 vẫn được người dân Hà Thành nhắc tới và thường xuyên ghé qua, kiên nhẫn xếp hàng dài chờ đợi để mua được thứ quà vặt yêu thích.

Để tạo nên hương vị riêng của chè và bánh, những món ăn tại quán đều được ông Thanh chăm chút từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến kỹ thuật nấu sao cho trọn vị món ăn.

Ông Thanh cho biết: "Bí quyết thì không có gì là đặc biệt. Chỉ có cái là các nguyên liệu của mình lựa chọn nó là loại tốt. Để có món bánh ngon, chè với hương vị đặc biệt thì lúc chọn nguyên liệu cần phải lựa loại ngon nhất, tốt nhất. Khi chế biến thì người đứng bếp phải đặt trọn cái tâm vào từng khâu, có như vậy mới cho ra những nồi chè, chiếc bánh khiến thực khách ăn một lần rồi nhớ mãi".

Bao thập kỷ trôi qua, Chè 16 chỉ bán những loại chè truyền thống.

Ghé thăm quán vào một buổi chiều hè, thưởng thức cốc chè thập cẩm, ngồi ngắm phố xá cùng dòng người qua lại mới thấy lòng thư thái biết bao. Khách nườm nượp người ra người vào, người ngồi xuống ăn, người mua mang về, ông chủ không khi nào ngơi tay, cứ thoăn thoắt múc chè rồi đưa khách, nhưng ông vẫn ân cần và niềm nở hết mực.

Bao thập kỷ trôi qua, Chè 16 chỉ bán những loại chè truyền thống, chẳng cần chạy theo bất kể trào lưu, xu hướng nào. Nhiều người vẫn hỏi tại sao không làm thêm những loại chè khác, nhưng ông chủ quán chỉ cười và nói gia đình không bán đâu. Bởi ông luôn muốn giữ gìn những gì thuộc về truyền thống, lưu lại nét ẩm thực của Hà Nội xưa.

Người Hà Nội xưa vẫn thường có thói quen làm bánh chay, bánh trôi vào ngày tết Hàn Thực (3/3 âm lịch) để dâng lên tổ tiên. Vào ngày này hàng năm, món ăn này được làm bán tại nhiều cửa hàng. Tuy nhiên, quán chè 16 của gia đình ông Thanh vẫn là địa chỉ tìm đến của nhiều thực khách sành ăn trên đất Hà Thành.

Điểm cộng của quán chè 16 không chỉ nằm ở chất lượng món ăn mà còn nằm ở giá cả vô cùng hợp lí. Các món chè ở đây có giá từ 10 đến 25 nghìn đồng, trong đó thấp nhất là chè đỗ đen và cao nhất là chè thập cẩm. Ngoài các món chè, quán còn bán rất nhiều món ăn truyền thống khác như chè kho, cốm xào, xôi vò... để đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của mọi thực khách.

Ông Thanh chia sẻ, mong muốn lớn nhất của ông là sau này, những thế hệ tiếp theo trong gia đình vẫn tiếp tục bán quán chè để lưu giữ được tinh túy của ẩm thực Hà Nội, hơn hết là để những món ăn cổ truyền không bị mai một theo thời gian.

Giữa Thủ đô tấp nập và ngày một hiện đại, người ta lại muốn tìm về với những kí ức hoài niệm. Quán chè 16 chính là nơi lưu giữ hương vị cổ truyền của ẩm thực Hà Thành nói riêng và ẩm thực dân tộc nói chung.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ăn phở xào phố Hàng Buồm là cách để nhiều người tận hưởng tiết trời lạnh của Thủ đô thêm phần trọn vẹn hơn.

Tiếp nối thành công của lễ hội năm 2023, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024 diễn ra trong 3 ngày, ngày 29, 30/11 và 01/12, tại Công viên Thống Nhất, phố Trần Nhân Tông, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.

Thời tiết se lạnh dần chuyển mùa, không có gì tuyệt vời hơn khi được dạo quanh phố cổ Hà Nội, thưởng thức ẩm thực trong các con ngõ nhỏ với những quán hàng là địa chỉ quen thuộc của người sành ăn.

Nhắc đến phố cổ Hà Nội là nhắc đến những con ngõ dài, chỉ rộng khoảng 1m, sâu hun hút. Thế nhưng, những con ngõ này lại có sức hấp dẫn “khó thể chối từ” đối với mỗi người dân Thủ đô, bởi nằm sâu trong đó đều là thiên đường ẩm thực, nơi có rất nhiều món ăn mang đậm hương vị truyền thống.

Bia hơi Hà Nội, cụm từ này đã có từ rất lâu. Giống như phở Hà Nội, Bia hơi Hà Nội đã trở thành thức uống riêng biệt của người Thủ đô.

Trong tiết trời thu Hà Nội, một bát xôi chè là món quà tuyệt vời mà phố cổ Hà Nộidành tặng cho những tâm hồn lữ khách. Xôi chè không chỉ là món ăn, mà còn là một phần ký ức, là sợi dây kết nối giữa thực tại và quá khứ.