Quan chức Mỹ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử

Bộ Tư pháp, Bộ Tài Chính Mỹ hôm 4/9 đã đồng loạt thực hiện một loạt hành động như cáo buộc hai người của đài RT(Nga), cấm vận 10 cá nhân và thực thể, tịch thu hơn 30 tên miền internet được cho là liên quan đến chiến dịch phát tán thông tin gây chia rẽ và can thiệp bầu cử Mỹ.

Hai nhân viên của RT bị cáo buộc tội gì?

Bộ Tài chính Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào 10 người và hai thực thể, bao gồm các giám đốc điều hành tại Đài RT của Nga. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, từ năm 2024, RT bắt đầu nỗ lực bí mật tuyển dụng những người có ảnh hưởng tại Mỹ. RT đã sử dụng một công ty bình phong để che giấu sự tham gia của chính mình hoặc sự tham gia của chính phủ Nga trong các hoạt động tại Mỹ.

Trong khi đó, các công tố viên đã công bố một bản cáo trạng tại tòa án liên bang ở New York, cáo buộc ông Konstantin Kalashnikov và bà Elena Afanasyeva, hai nhân viên của RT, một cơ quan truyền thông do nhà nước kiểm soát, có trụ sở tại Nga, về tội âm mưu rửa tiền và âm mưu vi phạm Luật đăng ký đại diện liên bang.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland, RT và hai nhân viên này đã thực hiện một kế hoạch trị giá 10 triệu USD để tài trợ và chỉ đạo một công ty có trụ sở tại Tennessee sản xuất và phổ biến các video tiếng Anh trên các nền tảng mạng xã hội nhằm làm gia tăng chia rẽ trong nước Mỹ.

RT và hai nhân viên bị cáo buộc rửa tiền và vi phạm Luật đăng ký đại diện liên bang của Mỹ.
RT và hai nhân viên bị cáo buộc rửa tiền và vi phạm Luật đăng ký đại diện liên bang của Mỹ.

"Người dân Mỹ có quyền được biết khi một thế lực nước ngoài đang cố gắng lợi dụng sự trao đổi ý tưởng tự do của đất nước chúng ta để phát tán thông tin tuyên truyền của riêng họ", ông Garland cho biết.

Theo cáo trạng, gần 2.000 video do công ty này sản xuất đã thu hút hơn 16 triệu lượt xem trên YouTube. Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết, đây là nỗ lực nhằm lừa dối người Mỹ nghe những nội dung tuyên truyền nước ngoài một cách vô tình.

Việc sản xuất video nhằm chia rẽ xã hội và chính trị tại Mỹ không phải là một tội. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng, ông Kalashnikov và bà Afanasyeva đã vi phạm Luật đăng ký đại diện liên bang vì đã không đăng ký làm đại diện nước ngoài.

Ông Kalashnikov và bà Afanasyeva sẽ phải đối mặt với mức án tối đa 5 năm tù vì vi phạm Luật Đăng ký Đại diện liên bang và 20 năm tù vì tội rửa tiền. Tuy nhiên, cáo buộc này có thể sẽ không bao giờ được chứng minh tại một tòa án Mỹ do Mỹ không có hiệp ước dẫn độ với Nga.

Trước đây, vào năm 2017, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu văn phòng RT tại Mỹ phải đăng ký làm đại diện nước ngoài sau khi một loạt cơ quan tình báo Mỹ cho rằng RT đã giúp ông Donald Trump đắc cử khi xuất bản các bài viết tiêu cực về bà Hillary Clinton và chỉ trích hệ thống chính trị tham nhũng của Mỹ.

Cáo buộc can thiệp bầu cử

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cũng tuyên bố rằng Bộ Tư pháp Mỹ đã tịch thu 32 tên miền internet mà chính phủ Nga và các tác nhân thân Nga đã sử dụng để tham gia vào "chiến dịch bí mật nhằm can thiệp và gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử của Mỹ".

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, những hành động này nhằm phá hoại tiến trình dân chủ của Mỹ. "Đây là hành động cực kỳ nghiêm trọng và chúng tôi sẽ xử lý theo đúng quy định", ông Garland nói.

Theo bản cáo trạng dài 71 trang được công khai tại tòa án liên bang ở Pennsylvania, 32 tên miền internet bị tịch thu đã được chính phủ Nga và các tác nhân được chính phủ hậu thuẫn sử dụng để tham gia vào các chiến dịch gây ảnh hưởng xấu ở nước ngoài có tên gọi là "Doppelganger". Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra hồ sơ bao gồm hơn 200 trang tài liệu chứng minh các tài liệu và hình ảnh liên quan đến kế hoạch này.

Các nhà điều tra liên bang Mỹ cho biết, các công ty Nga đã sử dụng các tên miền, trong đó có một số mạo danh các thực thể tin tức hợp pháp và các thương hiệu truyền thông, để bí mật phát tán thông tin tuyên truyền của chính phủ Nga và theo chỉ đạo của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin ít nhất là từ năm 2022.

Ông Garland cho biết, các chiến dịch liên quan đến việc sử dụng các tên miền "bị chiếm dụng trên mạng", nhằm bắt chước tên miền của một thực thể khác và đánh lừa người truy cập tin rằng họ đang truy cập vào trang web hợp pháp. Ông Garland cho biết các trang web này được thiết kế để trông giống như các hãng tin lớn có trụ sở tại Mỹ như Washington Post hoặc Fox News, bằng cách sử dụng cùng một bố cục và thiết kế, nhưng là các trang web giả mạo phát tán thông tin sai lệch có thể gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Mỹ và có lợi cho Nga.

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc kế hoạch Doppelganger sử dụng "những người có sức ảnh hưởng" trên toàn thế giới, quảng cáo trả phí trên mạng xã hội và hồ sơ mạng xã hội giả mạo với tư cách là công dân Mỹ để thu hút người xem đến các tên miền, "tất cả đều cố gắng lừa người xem tin rằng họ đang được chuyển hướng đến trang web của một cơ quan truyền thông hợp pháp".

Theo hồ sơ tòa án, các dự án nhắm vào Mỹ bao gồm "Dự án Good Old USA", "Chiến dịch truyền thông du kích" và "Dự án mạng lưới những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội của Mỹ".

Ông Garland tại cuộc họp ở Washington ngày 4/9.

Trong các chiến dịch năm 2016 và 2020, các cơ quan tình báo Mỹ đã nhiều lần tuyên bố rằng, Nga đã triển khai tin tặc và sử dụng chiến tranh thông tin để giúp ông Donald Trump nhận được nhiều phiếu bầu hơn. Mười ba công dân và thực thể Nga đã bị buộc tội vào tháng 2/2018 do những nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, 12 người trong số họ làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu Internet, một cơ quan do Nga dẫn đầu các nỗ lực gây bất hòa ở Mỹ.

Những cáo buộc này, cùng với những tuyên bố rằng ông Trump đã thông đồng với Nga để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, đã tạo cơ sở cho cuộc điều tra kéo dài hai năm của Cố vấn đặc biệt Robert Mueller, nhưng cuối cùng đã bị phát hiện là vô căn cứ.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI Christopher Wray và các quan chức khác của chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã cảnh báo rằng chính phủ Nga và các đối thủ nước ngoài khác vẫn tiếp tục cố gắng can thiệp vào quá trình bầu cử.

"Họ vẫn đang làm điều đó", người đứng đầu FBI nói với Ủy ban Tư pháp Hạ viện trong phiên điều trần vào tháng 7. "Chúng tôi đã thấy điều đó t chu kỳ bầu cử này đến chu kỳ bầu cử khác".

FBI đã phá vỡ một trạm tin truyền thông xã hội sử dụng AI của Nga. Trạm tin này phát tán thông tin sai lệch ở Mỹ, được thiết kế để nhằm gây ảnh hưởng kết quả bầu cử.

Ông Wray cho biết những nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử của Mỹ không chỉ giới hạn ở Nga mà còn cả ở Iran vào năm 2020 và 2024 .

Jen Easterly, giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ (CISA) cũng cảnh báo về các mối đe dọa liên quan đến cuộc bầu cử năm 2024. "Chúng ta hoàn toàn có thể biết rằng các đối thủ nước ngoài của chúng ta sẽ vẫn là mối đe dọa dai dẳng, cố gắng làm suy yếu niềm tin của người Mỹ vào nền dân chủ và các thể chế của chúng ta, và gieo rắc bất hòa đảng phái", bà Jen Easterly cho biết.

Điện Kremlin chưa bình luận về tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ. Nga nhiều lần phủ nhận cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.

Lo ngại của Mỹ

Trong bối cảnh Ngày bầu cử Mỹ đang đến gần, các biện pháp mà Bộ Tư pháp và các cơ quan của Mỹ vừa công bố thể hiện nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm phá vỡ mối đe dọa dai dẳng từ Nga mà các quan chức Mỹ từ lâu đã cảnh báo rằng có khả năng gây bất hòa và gây nhầm lẫn cho cử tri. Các bước đi mới cho thấy mức độ quan ngại sâu sắc của Mỹ và báo hiệu các hành động pháp lý chống lại những người bị nghi ngờ có liên quan.

Washington đã tuyên bố rằng Nga vẫn là mối đe dọa chính đối với các cuộc bầu cử trong bối cảnh FBI đang điều tra vụ tấn công mạng của Iran vào chiến dịch của cựu tổng thống Donald Trump và nỗ lực xâm phạm chiến dịch của Tổng thống Joe Biden và bà Kamala Harris.

Theo tờ New York Times, các quan chức tình báo Mỹ tin rằng những nỗ lực hiện tại của Nga có thể được thiết kế để thúc đẩy cơ hội tái đắc cử của ứng cử viên đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump, vì Moscow thấy rằng ông Trump có thái độ hoài nghi hơn về việc Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Ông Trump cho biết sẽ thúc đẩy chấm dứt xung đột tại Ukraine nếu ông tái đắc cử Tổng thống Mỹ. Trong khi chính quyền của Tổng thống Biden đã liên tiếp thông qua các gói tài trợ cho Ukraine kể từ đầu cuộc xung đột đến nay.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 25/12, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết sẽ gia hạn cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh có xuất xứ từ Liên minh châu Âu (EU) thêm 3 tháng, ít hơn so với thời gian gia hạn tối đa theo hướng dẫn trước đó.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 25/12 cáo buộc NATO đang cố gắng biến Moldova thành một trung tâm hậu cần để cung cấp cho quân đội Ukraine và tìm cách đưa cơ sở hạ tầng quân sự của nước này đến gần Nga hơn.

Ngày 25/12, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng phản đối quyết định chuyển một tỷ USD từ tài sản của Nga bị phương Tây phong tỏa cho Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có phát biểu đầu tiên về vụ rơi chiếc máy bay có hành trình từ Azerbaijan đến Nga ở Kazakhstan ngày 25/12.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine và các quan chức địa phương xác nhận, quân đội Nga đã tấn công hệ thống năng lượng và các thành phố phía đông của Ukraine bằng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo rạng sáng 25/12. Trong khi Ukraine tấn công Belgorod của Nga bằng hơn 50 UAV.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 22/12 tuyên bố, chính quyền mới của ông sẽ cố gắng giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama. Bình luận của ông đã bị Tổng thống Panama José Raul Mulino lên án.