Quan hệ xuyên Đại Tây Dương trước sóng gió

Quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước sóng gió trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ chính thức trở lại Nhà trắng.

Từ những phát biểu gây sốc của ông Trump về việc mua lại vùng lãnh thổ Greenland của Đan Mạch đến lời cảnh báo đưa 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào danh sách đối tác thương mại mà ông đe dọa áp thuế, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang một lần nữa đứng trước nguy cơ rạn nứt sâu sắc, như từng xảy ra trong bốn năm cầm quyền đầu tiên của ông Trump.

Phát biểu gây sốc của ông Trump

Ngày 7/1, Donald Trump Jr., con trai của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đến thăm Greenland, hòn đảo Bắc Cực mà cha ông từng bày tỏ mong muốn mạnh mẽ muốn mua, bất chấp những tuyên bố gay gắt từ Greenland rằng hòn đảo này không phải để bán.

Ông Trump Jr. đã gọi chuyến đi này là “một chút vui vẻ”, nói rằng là một người thích hoạt động ngoài trời, ông rất háo hức được ghé thăm Greenland trong tuần này. Nhưng chuyến đi đã làm dấy lên những đồn đoán về kế hoạch thực sự của cha ông đối với vùng lãnh thổ Bắc Cực này.

Vào tháng 12 năm ngoái, ông Donald Trump đã nhắc lại những lời kêu gọi được đưa ra trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình về quyền sở hữu của Mỹ đối với Greenland, gọi đó là “một điều hoàn toàn cần thiết”.

Mới đây nhất, tại một cuộc họp báo hôm 7/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết sẽ áp thuế đối với Đan Mạch nếu nước này từ chối đề nghị mua Greenland. Đặc biệt, ông Trump cũng từ chối loại trừ khả năng có hành động quân sự hoặc kinh tế để theo đuổi việc giành quyền kiểm soát Greenland.

“Không, tôi không thể đảm bảo với bạn về bất kỳ điều nào trong hai điều đó, nhưng tôi có thể nói rằng: Chúng ta cần chúng để đảm bảo an ninh kinh tế”, ông Trump nói.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từ chối loại trừ khả năng có hành động quân sự hoặc kinh tế để theo đuổi việc giành quyền kiểm soát Greenland

Theo Tổng thống đắc cử Mỹ, việc sở hữu Greenland rất quan trọng đối với an ninh của nước Mỹ, nhưng các chuyên gia cho biết ông cũng có thể đang để mắt đến những khía cạnh khác của Greenland như kho tài nguyên thiên nhiên của nơi này, bao gồm cả kim loại đất hiếm, có thể dễ tiếp cận hơn khi biến đổi khí hậu làm tan băng.

Phản ứng trước những phát biểu gây sốc của ông Donald Trump, Đan Mạch đã khẳng định Greenland không phải để bán.

“Tôi muốn nói rõ ràng rằng, từ góc nhìn của chính phủ Đan Mạch, Greenland là của người dân Greenland. Đây là một dân tộc rất đáng tự hào, một ngôn ngữ và văn hóa, một dân tộc của riêng họ. Và như lãnh đạo Greenland Mute Egede đã tuyên bố trước đây, Greenland không phải để bán”, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khẳng định.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu cũng đã đưa ra quan điểm cứng rắn, trong đó đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của chủ quyền đối với các quốc gia.

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Anitta Hipper tuyên bố chủ quyền của các quốc gia cần được tôn trọng và đây cũng là giá trị ngoại giao và nguyên tắc cốt lõi mà Ủy ban châu Âu hướng tới. Bên cạnh đó, điều khoản về phòng thủ chung theo Hiệp ước Lisbon cũng sẽ được áp dụng đối với Greenland trong trường hợp xảy ra các động thái quân sự.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết đã liên lạc với các đối tác trong khu vực về vấn đề Greenland và nhiều nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra bối rối trước những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức khẳng định việc không xâm phạm biên giới là nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế mà các nước nhỏ hay siêu cường đều phải tuân thủ.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cũng lên tiếng cảnh báo rằng không có chuyện Liên minh châu Âu để các quốc gia khác trên thế giới tấn công biên giới có chủ quyền của mình, bất kể họ là ai.

Lời cảnh báo về chi tiêu quốc phòng

Tại cuộc họp báo tại dinh thự Mar-a-Lago mới đây, ông Trump cũng công khai kêu gọi các đồng minh NATO đặt mục tiêu chi tiêu quốc phòng ở mức 5% GDP. Tờ Sky News của Anh nhận định điều này chắc chắn sẽ khiến nhiều chính phủ ở châu Âu rơi vào tình trạng khủng hoảng, đặc biệt là Anh.

Anh, vốn tự khẳng định là nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất châu Âu và là quốc gia quân sự mạnh nhất trong NATO tại châu Âu, đang đối mặt với áp lực lớn. Thủ tướng Anh Keir Starmer thậm chí còn chưa đưa ra được một lộ trình rõ ràng để tăng chi tiêu quốc phòng từ mức hơn 2% hiện tại lên mức 2,5% GDP như ông cam kết. Nếu chỉ giữ nguyên cam kết này, Thủ tướng Anh có nguy cơ bị chính quyền mới của Mỹ coi là thiếu tham vọng và không đủ uy tín trong vấn đề quốc phòng.

Ngoài ra, ông Trump dường như cũng bác bỏ hy vọng rằng Ukraine sẽ sớm được gia nhập NATO - một đề nghị cốt lõi mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần nhắc đến. Thay vào đó, ông Trump tỏ ra đồng tình với sự phản đối quyết liệt của ông Putin về nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine. Ông Trump tuyên bố sẽ gặp Tổng thống Nga sau khi nhậm chức, đồng thời tái khẳng định lời hứa chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, mặc dù chưa nêu rõ cách thức thực hiện.

Những tuyên bố mới của ông Trump đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn có thể là thử thách sống còn đối với NATO, đặc biệt là các thành viên châu Âu trong liên minh.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump ở Nhà Trắng, châu Âu đã phải chịu không ít áp lực. Suốt một thời gian dài, Mỹ đã gánh vác phần lớn chi phí an ninh của châu Âu. Trong khi đó, nhiều đồng minh - bao gồm cả Anh - tận dụng “lợi ích hòa bình” hậu Chiến tranh Lạnh để chuyển chi tiêu quốc phòng sang các ưu tiên thời bình như tăng trưởng kinh tế, y tế và giáo dục.

Ông Trump đã tỏ rõ sự không hài lòng với việc Washington “bị lợi dụng”, theo cách nói của ông, và yêu cầu châu Âu chia sẻ gánh nặng an ninh một cách công bằng hơn. Ông thậm chí cảnh báo các thành viên NATO rằng Mỹ sẽ không hỗ trợ bất cứ đồng minh nào không đạt được mục tiêu chi tiêu tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng - mục tiêu mà các nước thành viên NATO ở châu Âu đã cam kết đạt được vào năm 2024 nhưng chậm trễ thực hiện.

Tối hậu thư đối với châu Âu 

Quan hệ Mỹ - EU dưới kỷ nguyên Trump 2.0 được dự báo không chỉ căng thẳng liên quan đến chính sách đối ngoại và chi tiêu quốc phòng mà còn về thương mại, khi ông Donald Trump hồi tháng 12/2024 đã đưa 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào danh sách đối tác thương mại mà ông đe dọa áp thuế, nếu các nước này không thực hiện những giải pháp để nhập khẩu nhiều hàng hóa của Mỹ hơn.

Thông qua bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump nhấn mạnh: “EU phải bù đắp khoản thâm hụt khổng lồ với Mỹ bằng cách mua dầu và khí đốt với số lượng lớn. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với thuế quan toàn bộ”.

Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach, California, Mỹ.

Số liệu chính thức cho thấy thặng dư thương mại của EU với Mỹ đã tăng từ 13 tỷ euro lên 15,3 tỷ euro (tương đương 15,9 tỷ USD) vào tháng 8 năm nay. Cụ thể, trong khi xuất khẩu của khối này sang Mỹ tăng 3% lên 41,9 tỷ euro thì nhập khẩu lại giảm gần 4% xuống còn 26,6 tỷ euro.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên ông Trump đe dọa áp thuế với EU. Vào tháng 10 vừa qua, trong một cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania, ông từng tuyên bố EU sẽ “phải trả giá đắt” nếu không mua đủ hàng xuất khẩu của Mỹ. Ông cũng đề xuất “Đạo luật thương mại có đi có lại của Trump” nhằm cân bằng thương mại giữa hai bên.

Thực tế cho thấy, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của EU và đang giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho khu vực này. Theo số liệu chính thức, trong quý 3 năm nay, Mỹ đã cung cấp hơn 15% lượng dầu và gần 38% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu của EU.

Đặc biệt, sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhiều nước châu Âu đã tích cực tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế, đưa Mỹ trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Năm ngoái, tổng lượng khí đốt từ Mỹ đã đáp ứng 1/5 nhu cầu của EU, chỉ đứng sau Na Uy với 30%.

Elon Musk với cáo buộc can thiệp vào chính trường châu Âu

Trong khi đó, những ngày gần đây, Elon Musk, ông chủ sở hữu mạng xã hội X và hãng xe điện Tesla, một đồng minh của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, đã làm xáo động chính trường châu Âu khi liên tục bày tỏ lập trường về các chủ đề liên quan đến chính trị nội bộ của nhiều nước lớn ở châu Âu.

Tỷ phú Elon Musk

Theo đó, ông Musk đã công kích một loạt các nhà lãnh đạo của châu lục già, bao gồm Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ông Musk cũng bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) ngay trước cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 2/2025, cũng như bình luận về các vấn đề của Tây Ban Nha. Những phát biểu của ông Musk đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu không khỏi bất bình.

Ngày 8/1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã chỉ trích tỉ phú Mỹ vì can thiệp vào chính trường châu Âu, cáo buộc ông Musk kích động gây chia rẽ.

“Phe cực hữu quốc tế mà chúng ta đã phản đối ở Tây Ban Nha trong nhiều năm, trong trường hợp này do người đàn ông giàu nhất hành tinh dẫn dắt, đã công khai công kích các thể chế của chúng ta, kích động lòng thù hận và công khai ủng hộ những người thừa kế chủ nghĩa quốc xã”, ông Pedro Sanchez nói.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot đã thúc giục Liên minh châu Âu (EU) bảo vệ các quốc gia thành viên của mình bằng “sự kiên quyết cao nhất”, chống lại sự can thiệp vào chính trường, đặc biệt là tỉ phú Elon Musk.

Khi được hỏi liệu mạng xã hội X của ông Musk có thể bị cấm ở châu Âu hay không, Ngoại trưởng Pháp Barrot nói rằng cơ chế để cấm cửa như vậy “đã được nêu trong luật pháp của chúng tôi”.

Trước đó, hồi đầu tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã cáo buộc ông Musk can thiệp vào các cuộc bầu cử, gồm cả cuộc bầu cử của Đức vào tháng tới. “Mười năm trước, ai có thể tưởng tượng được rằng chủ sở hữu của một trong những công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới sẽ ủng hộ một phong trào cực hữu mới và can thiệp trực tiếp vào các cuộc bầu cử, kể cả ở Đức?”, ông Emmanuel Macron đặt câu hỏi.

Trong nhiều năm qua, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được xem là có mối quan hệ gắn kết cả về chính trị, kinh tế, quân sự, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, mối quan hệ tưởng chừng “khăng khít” này vẫn tồn tại những toan tính riêng, thậm chí còn xảy ra xung đột lợi ích trên một số lĩnh vực.

EU vốn đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Trong bối cảnh ấy, sự trở lại của ông Donald Trump cùng với căng thẳng thương mại gia tăng đang khiến liên minh này phải đối diện với bài toán sống còn.

Theo giới quan sát, với chính sách “nước Mỹ trên hết” phiên bản 2.0 của ông Donald Trump, dự kiến sẽ có hàng loạt bước ngoặt quan trọng trong cách tiếp cận của Mỹ với các vấn đề quốc tế. Quan hệ Mỹ - EU cũng không phải một ngoại lệ./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết nước này đang cân nhắc áp dụng hàng loạt biện pháp cứng rắn với Ukraine nếu Kiev không giải quyết ổn thỏa vấn đề vận chuyển khí đốt Nga.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể bị tuyên án trong ngày 10/1 liên quan đến vụ án chi tiền bịt miệng, Tòa án Tối cao Mỹ cho biết.

Chính phủ Armenia đã thông qua dự luật gia nhập Liên minh châu Âu (EU) sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân. Ủy ban bầu cử trung ương Armenia xác nhận có hơn 50.000 chữ ký đồng ý với dự luật. Văn kiện này hiện đã được đệ trình lên Quốc hội để phê chuẩn.

Quốc hội Liban hôm qua đã bầu ông Joseph Aoun, Tổng Tư lệnh Quân đội Liban làm Tổng thống. Ông Joseph Aoun đã tuyên thệ nhậm chức ngay sau đó. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới và các quốc gia tại khu vực đã chúc mừng tân Tổng thống Liban.

Giới chức Trung Quốc cho biết công tác tìm kiếm và cứu hộ sau trận động đất mạnh 6,8 độ xảy ra ở Khu tự trị Tây Tạng về cơ bản đã kết thúc, trọng tâm công việc hiện sẽ chuyển sang tái định cư những người bị ảnh hưởng.

Chính phủ Mỹ đã công bố gói viện trợ mới trị giá 500 triệu USD cho Ukraine, gói viện trợ cuối cùng trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rời nhiệm sở.