Quảng cáo sính ngoại và nỗi buồn tiếng Việt | Hà Nội tin mỗi chiều

Quảng cáo sính ngoại và nỗi buồn tiếng Việt; Mỗi năm, Hà Nội giảm hơn 4000 trẻ sơ sinh; WHO cảnh báo nguy cơ nhiễm cúm gia cầm sang nhiều loài mới... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Quảng cáo sính ngoại và nỗi buồn tiếng Việt 

Ở giữa Thủ đô Hà Nội, những tấm biển quảng cáo chữ nước ngoài còn to hơn chữ tiếng Việt xuất hiện khắp mọi nơi, từ mặt phố đến ngõ nhỏ. Có những nơi, cả khu phố gần như tràn ngập biển hiệu, biển quảng cáo sử dụng hoàn toàn tiếng nước ngoài. Hầu hết các biển hiệu, bảng quảng cáo này đều có diện tích lớn được thể hiện nổi bật bắt mắt. Một số ít có dùng hai thứ tiếng thì tiếng Việt thường bị đặt dưới tiếng nước ngoài và bị lấn át cả về cỡ chữ, kiểu chữ, mầu sắc.

Không chỉ ở biển quảng cáo, nhiều chủ đầu tư người Việt của các khu chung cư thuần Việt cũng thi nhau đặt tên cho dự án của mình bằng những cái tên nước ngoài để tạo sự sang chảnh, khiến khách hàng dễ nhầm tưởng về cái gọi là "đẳng cấp quốc tế".

Nhiều người dân cho biết họ cảm thấy bất tiện khi phải gọi tên, viết, nhắn tên các cửa hàng hay quán xá đó. Sự phiền toái này còn trở nên phức tạp hơn với người lớn tuổi, vì có biển chỉ toàn chữ không thể phiên âm ra tiếng Việt, như các chữ viết bằng tiếng Nhật, Hàn, Trung Quốc hay Thái Lan. Một người quen của tôi khi được con cái đón lên nhà riêng tại khu đô thị The Manor Central Park, bà than, bà không thể nói đúng tên khu chung cư mình sang sống khi muốn mời bạn bè đến chơi.

Tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trên các biển hiệu, quảng cáo diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến phố của Hà Nội.

Dưới góc độ pháp lý, hành vi này còn vi phạm pháp luật của Việt Nam. Cụ thể Luật Quảng cáo có quy định: hành vi không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu quảng cáo sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.

Giải thích về sự bất cập này, nhiều chủ nhân của những tấm biển hiệu lý giải là làm như vậy để tạo sự nổi bật, gây ấn tượng với người tiêu dùng, để người nước ngoài dễ hiểu, dễ đọc, dễ quan tâm.

Chuyên gia văn hóa cho rằng đó là sự đua đòi, thể hiện sự lai căng trong nhận thức, khiến giá trị văn hóa, giá trị bản sắc dân tộc bị hao tổn. Theo KTS Phạm Thanh Tùng, để hạn chế tình trạng lộn xộn trong quảng cáo cần quan tâm xây dựng thiết kế đô thị. Trong thiết kế đô thị sẽ thể hiện từng vị trí quảng cáo, kích thước như thế nào, treo ở tầm cao bao nhiêu, ánh sáng ban đêm và ánh sáng ban ngày được phép thể hiện mức độ đạt chuẩn để không ô nhiễm về thị giác cũng như ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan đô thị.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng ngôn ngữ chính là mặt biểu hiện sinh động nhất, là đặc trưng văn hóa và niềm tự hào của mỗi quốc gia. Khi đặt tên biển hiệu, biển quảng cáo, các nhà kinh doanh nên chọn những tên hiệu phù hợp, sử dụng tiếng Việt một cách dễ hiểu, dễ phát âm, độc đáo nhằm ghi dấu được bản sắc của doanh nghiệp Việt trong mắt du khách nước ngoài.

Mỗi năm, Hà Nội giảm hơn 4000 trẻ sơ sinh

Số liệu thống kê từ Chi cục Dân số, Sở Y tế cho thấy, nếu như năm 2020 số trẻ sinh mới trên địa bàn toàn Thành phố là trên 121 nghìn trẻ, thì năm 2023 con số này đã giảm mạnh, xuống chỉ còn trên 100 nghìn trẻ. Trung bình giảm tới 4000 trẻ sau mỗi năm. Trong đó, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng là ba quận có mức giảm sâu nhất trong ba năm qua với mức giảm từ khoảng 1.100 trẻ tới 1.600 trẻ sinh mới.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trung tâm Y tế quận Ba Đình cho biết: "Tình trạng này tại quận Ba đình đang là báo động đỏ. Qua hai năm trở lại đây mỗi năm giảm từ 300-400 trẻ. Đây là mức giảm rất sâu. Trong khi đó, mức sinh thay thế giảm, nếu 2019 vẫn đảm bảo ở tỉ lệ 2,01 thì 2023 mức sinh thay thế đã giảm xuống 1,41.

Mức sinh thay thế là tỉ lệ sinh bé gái của một phụ nữ đảm bảo thế hệ kế cận có thể duy trì sinh sản. Con số này cùng với số trẻ sinh mới đều giảm đối với khu vực nội đô, các quận vùng lõi của Hà Nội. Điều này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ảnh minh họa

Tình trạng già hóa dân số cũng như những báo động đỏ về giảm tỷ lệ sinh cũng đặt ra từ lâu ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Châu Âu…Giới chuyên gia cho rằng thực trạng này xuất phát từ chi phí nuôi con cao, bất bình đẳng giới, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong công việc và xã hội; tư tưởng về hôn nhân và gia đình thay đổi; tăng trưởng kinh tế chậm trong bối cảnh dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị khiến nhiều gia đình thận trọng trong việc sinh con.

Ông Vũ Duy Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Sở Y Tế thành phố Hà Nội cho biết, một phần là do áp lực kinh tế. Người phụ nữ hiện đại thường tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội, bận rộn nhiều công việc nên không muốn sinh nhiều. Ngoài ra, thống kê hàng năm thì đều cho thấy, tỉ lệ vô sinh ngày càng nhiều hơn.

Nhiều nghiên cứu khẳng định, mức sinh thấp gây ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc về cơ cấu, quy mô dân số, gây thiếu lớp kế cận, già hóa dân số… Từ đó, kéo theo nhiều gánh nặng cho xã hội. Mức sinh thấp cũng làm suy giảm tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động. Theo nghiên cứu, cứ sau 15 năm sẽ thiếu hụt lực lượng lao động, tác động mạnh quá trình di cư.

Thời gian qua, thành phố và ngành Y tế Thủ đô đã có nhiều nỗ lực để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về việc đảm bảo tỉ lệ sinh với mỗi gia đình là hai con. Tuy nhiên, mỗi gia đình, từng cặp vợ chồng và các bạn trẻ ở độ tuổi kết hôn cần xác định và nhận thức rõ, việc sinh con còn là trách nhiệm của mình với gia đình và với xã hội.

WHO cảnh báo nguy cơ nhiễm cúm gia cầm sang nhiều loài mới

Ngày 18/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo về tình trạng ngày càng nhiều loài mới, trong đó có cả con người, bị lây nhiễm virus cúm gia cầm H5N1.

Dù vẫn chưa có bằng chứng cho thấy H5N1 lây lan giữa người với người nhưng hàng trăm ca mắc ở người do tiếp xúc với động vật đã được phát hiện, với tỷ lệ tử vong cao bất thường. Đợt bùng phát dịch cúm gia cầm hiện nay bắt đầu từ năm 2020 và đã gây thiệt hại hàng triệu con gia cầm, chưa kể các loài chim hoang dã và những động vật có vú khác. Tháng trước, việc phát hiện các ca cúm gia cầm ở bò và dê đã gây ngạc nhiên cho giới chuyên gia, vì đây đều là những động vật được cho là khó có thể mắc cúm gia cầm.

Theo ông Farrar - chuyên gia WHO, chủng cúm A/H5N1 đang trở thành đại dịch động vật toàn cầu. Ông cho rằng đây là mối lo ngại lớn, vì sau khi lây lan trong gia cầm rồi lan sang động vật có vú thì đến nay, virus này đang tiến hóa và phát triển khả năng để lây cho con người và dần có thể lây từ người sang người. Đáng lo ngại, hồi đầu tháng này, giới chức Mỹ cho biết một người ở Texas đã mắc cúm gia cầm sau khi tiếp xúc với đàn bò sữa. Đây là ca cúm A/H5N1 thứ hai được phát hiện trên người tại Mỹ và là ca đầu tiên mắc bệnh do tiếp xúc với động vật có vú nhiễm virus.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, từ năm 2003 đến nay có 129 người nhiễm cúm gia cầm độc lực cao A(H5N1), trong đó 65 người tử vong. Trong tháng 3/2024, tại Khánh Hòa ghi nhận một trường hợp tử vong do cúm gia cầm A(H5N1).

Chưa có bằng chứng cho thấy H5N1 lây lan giữa người với người, nhưng hàng trăm ca mắc ở người do tiếp xúc với động vật đã được phát hiện, với tỷ lệ tử vong cao bất thường.

WHO nhấn mạnh mối quan ngại hiện hữu, nếu virus cúm A/H5N1 đột biến có thể xảy ra kịch bản dịch bệnh lây truyền trên quy mô lớn do con người thiếu khả năng miễn dịch với loại virus đột biến này.

Để phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát, PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng,  Bộ Y tế lưu ý người dân cần làm tốt công tác phòng bệnh cho đàn gia cầm để không bị nhiễm bệnh. Bởi nếu không dập tắt được dịch từ gia cầm thì dịch cúm sẽ lây sang người.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Để chủ động phòng, chống bệnh người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loài động vật hoang dã, đặc biệt là chim.

WHO kêu gọi tăng cường các biện pháp giám sát, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nắm rõ có bao nhiêu ca mắc bệnh ở người để đánh giá được mức độ thích nghi của virus trong cơ thể con người.

Ông Farrar – đại diện nhà khoa học WHO cũng cho biết trong khi các nỗ lực phát triển vaccine và các phương pháp điều trị cúm gia cầm vẫn đang tiếp diễn, giới chức y tế các nước và khu vực trên thế giới cũng phải đảm bảo có đầy đủ năng lực chẩn đoán để bất kỳ khi nào xảy ra tình huống lây virus từ người sang người, thế giới cũng sẽ sẵn sàng ứng phó./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội sẽ đóng góp khoảng 5% GRDP; 95% giao dịch thu phí gửi xe không dùng tiền mặt thành công; Chuẩn bị phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn;… là những nội dung sẽ có trong chương trình hôm nay.

Sở Nội vụ Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tuyển dụng công chức làm việc tại các sở, cơ quan tương đương sở; UBND các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội năm 2024 với 215 chỉ tiêu.

Nắng nóng kỷ lục chưa từng ghi nhận trong kỳ nghỉ lễ 30/4 sẽ diễn ra trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam; liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm khi kỳ nghỉ hè của học sinh còn chưa bắt đầu; Quốc tế đánh giá cao thành tựu phát triển con người của Việt Nam… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội nằm trong danh sách 100 thành phố thông minh nhất thế giới; Đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5; Hanoi On, giải pháp mới ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” với nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 28/4; hai phóng viên của báo điện tử VnExpress và Thời báo VTV khi đang tiến hành tác nghiệp gần khu vực xảy ra vụ cháy ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) bị một nhóm người hành hung gây thương tích... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Người đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu được nhận trợ cấp hưu trí; Hà Nội sắp khởi công cây cầu hơn 16.000 tỷ đồng nối hai bờ sông Hồng; Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 diễn ra từ 25 đến 28/4… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.