Quảng trường Ba Đình – Nơi gìn giữ những giá trị trường tồn
Tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân của quân và dân Việt Nam giành được thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng tháng Tám thành công đã đập tan xiềng xích nô lệ kéo dài hàng nghìn năm của chế độ phong kiến, xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Từ xiềng xích nô lệ, Nhân dân Việt Nam đã vươn lên trở thành những người chủ của đất nước, tự quyết định vận mệnh của dân tộc mình dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quảng trường Ba Đình đã được lựa chọn để làm nơi diễn ra lễ độc lập trọng đại này.
Ngày 2/9/1945, khắp mọi nẻo đường ở Thủ đô Hà Nội đều rộn ràng cờ, hoa và khẩu hiệu chào đón sự kiện trọng đại có một không hai của dân tộc. Những ai từng chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng của lịch sử sẽ không thể quên không khí, bối cảnh quảng trường Ba Đình ngày lễ độc lập năm ấy.
Một biển người đứng chật quảng trường rạng rỡ, hân hoan, náo nức, hồi hộp chờ đợi giây phút vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Đúng 2 giờ chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh bước lên lễ đài với tư cách là Chủ tịch Chính phủ Lâm thời. Trước toàn thể quốc dân đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc từng cho biết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ngày 2/9 vì đó là ngày Chủ nhật, có thể huy động được quần chúng. Không gian của quảng trường Ba Đình lúc đó trở thành một lễ đài rất trang nghiêm và hội tụ lòng dân vào trong nền độc lập của đất nước.”
Với những người được trực tiếp chứng kiến ngày lễ độc lập 2/9/1945 thì thời khắc ở quảng trường Ba Đình lịch sử mãi là niềm tự hào và sẽ đi theo họ suốt cuộc đời. Ông Phạm Gia Đốc, nguyên tiểu đội trưởng trinh sát, Sở Liêm phóng Bắc bộ, người được giao bảo vệ lễ đài năm đó cho biết: "Khi chúng tôi được gọi đến giao nhiệm vụ bảo vệ lễ đài ngày 2/9 (lúc đầu chúng tôi chưa hề biết đấy là ngày Tuyên ngôn Độc lập), tôi rất phấn khởi, tự hào nhưng cũng rất lo. Lo là vì làm sao bảo vệ được an toàn, vì lúc bấy giờ bọn phản động vẫn còn. Chỉ huy đơn vị cũng giao nhiệm vụ cụ thể, đồng chí nào đứng ở đâu thì đứng nguyên ở đấy để đề phòng bọn phản động phá lễ đài. Không khí lúc đó vô cùng phấn khởi; đặc biệt thời khắc Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập thì cả khu vực quảng trường đồng bào reo hò vỗ tay sung sướng, chúng tôi cũng sung sướng vô cùng. Những hình ảnh và khoảnh khắc đó luôn in sâu trong thế hệ những người như chúng tôi."
Nhắc đến ngày Quốc khánh 2/9 không thể không nhắc đến cố Giáo sư Lê Thi (tên thật là Dương Thị Thoa), người kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập. Bà từng chia sẻ: "Cột cờ thời đó còn thô sơ nên nếu kéo không chuẩn rất dễ tắc. Tôi với chị Đàm Thị Loan (người dân tộc Tày) cùng tham gia kéo cờ. Chị Loan là người nâng cờ còn tôi là người kéo. Nói thật là tôi rất lo (khi ấy tôi mới 19 tuổi) vì đây là sự kiện trọng đại, tôi lại chưa được chuẩn bị gì. Nếu có bất cứ sai sót nào dễ ảnh hưởng đến buổi lễ. May là tôi thuộc bài "Tiến quân ca" nên kéo cờ lên đến đỉnh là vừa hết nhạc. Lúc đấy, tôi mới thở phào nhẹ nhõm… Cũng tại thời điểm đó, lần đầu tiên tôi được thấy Bác Hồ, Bác rất giản dị, không comple, cà vạt tây mà Bác mặc bộ quần áo ka-ki và đi dép cao su rất, phía dưới lễ đài thì hàng chục vạn đồng bào vỗ tay reo hò". Mặc dù, bà Lê Thi đã ra đi nhưng hình ảnh bà kéo cờ trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập sẽ còn mãi với lịch sử Việt Nam.
Quảng trường Ba Đình, nơi đã chứng kiến bao lịch sử thăng trầm của dân tộc, ngày nay có nhiều ô cỏ lớn, xen giữa là lối đi rộng 1,4m. Giữa quảng trường là cột cờ cao 25m. Ba Đình trở thành mảnh đất thiêng cùng những dấu ấn lịch sử không bao giờ phai mờ và những kiến trúc tâm linh hiện hữu: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Trải qua bao biến cố lịch sử, quảng trường Ba Đình đã trở thành một cái tên gần gũi và thiêng liêng, trở thành niềm tự hào của người dân Thủ đô và Nhân dân cả nước.
Đã 78 năm trôi qua kể từ lễ Độc lập 2/9/1945, quảng trường Ba Đình vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa. Cho đến tận ngày nay, nơi đây vẫn là trung tâm chính trị - văn hóa, là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước, xứng danh niềm tự hào của Hà Nội, trái tim của một nước Việt Nam độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và không ngừng vươn lên sánh vai cùng năm châu.
Quảng trường Ba Đình với những giá trị văn hóa, lịch sử luôn gắn liền với những đổi thay mạnh mẽ của đất nước. Dù là trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, nơi đây vẫn luôn là địa điểm mang nhiều giá trị tinh thần, in sâu trong tâm khảm người Việt.
Tổng hợp
Hồ Gươm không chỉ là một danh thắng nổi tiếng của Hà Nội, mà còn là di sản văn hóa, gắn liền với lịch sử ngàn năm văn hiến của mảnh đất Hà thành.
Tối 16/11, tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau tổ chức Lễ khánh thành và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đối với công trình tượng đài kỷ niệm "Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954".
Đình làng Mui tại xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội, là di tích lịch sử có từ lâu đời, thờ 4 vị thành hoàng - những anh hùng từng sát cánh cùng Hai Bà Trưng trong cuộc chiến chống quân xâm lược Hán.
Đã từ lâu, đối với người dân Việt Nam khi nói đến hồ Gươm là lại nhớ đến tháp Rùa, cầu Thê Húc và đền Ngọc Sơn. Đây không chỉ là những điểm đến hấp dẫn gắn liền với văn hóa và lịch sử của người Hà Nội mà còn là nơi tham quan và thư giãn lý tưởng.
Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân dân quận Ba Đình đã gìn giữ di tích đền Cống Yên và những giá trị văn hoá tinh thần của cha ông để lại.
Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 40km về phía Tây, đền Hát Môn, huyện Phúc Thọ, là một trong 3 ngôi đền thờ Hai Bà Trưng lớn và lâu đời nhất cả nước.
0