Quê hương và mẹ
Tôi vất vả thu xếp đưa mẹ ra Hà Nội ở cùng để chăm sóc báo hiếu. Bởi mẹ đã già, và chồng tôi là con trưởng, các chị đều không ở gần. Lúc đầu mẹ rất vui vì được xuống Thủ đô cùng con cháu. Bà có cơ hội chăm chút cho các con các cháu từng bữa ăn.
Sợ mẹ buồn, chúng tôi còn chuẩn bị cho bà cả quán hàng nhỏ, cốt để mẹ có chỗ giao lưu bạn bè hàng xóm mỗi khi con cháu bận đi học đi làm.
Nhưng rồi, cũng chỉ được ba tháng, những chênh vênh trong nếp sinh hoạt của người già ở chung cùng người trẻ bắt đầu bộc lộ, và mẹ bắt đầu nhớ quê. Cuối cùng, ở với các con chưa được nửa năm, mẹ quyết định về quê, bởi không quen với nếp sống người thành phố.
Tôi và chồng cứ lo, nỗi lo mẹ về quê già yếu không người chăm sóc, lỡ có bề nào... Nhưng cũng không có cách nào hơn, đành đưa mẹ về.
Tôi mang chuyện này kể với thầy, thầy tôi nói: “Hồi thầy còn trẻ và mẹ thầy cũng chỉ mới ngoài 60, mẹ ra Hà Nội thăm cháu đích tôn. Mẹ yêu cháu lắm nhưng được một tuần đã nằng nặc đòi về quê. Thầy đã cố nài nỉ và tìm cách giữ mẹ lại, một là để bà có thêm thời gian với cháu, hai là cũng muốn chăm sóc bù đắp cho cuộc đời quá khổ cực của mẹ. Nhưng rồi mọi nỗ lực đã thất bại. Mẹ của thầy vẫn quyết đòi về quê và bảo mẹ về rồi mẹ sẽ ra.
Lần thứ hai, mẹ của thầy đã ngót 80 tuổi, đã yếu và cần người chăm sóc. Thầy lập kế hoạch đưa hẳn mẹ ra Hà Nội để chăm nom mẹ cho đến cuối đời. Thầy phải thuyết phục mẹ cả buổi sáng rằng mẹ phải đứng ra tổ chức đám cưới cho cháu đích tôn của mẹ vì cha đã mất. Cuối cùng mẹ thầy buộc phải đồng ý khi không thể khước từ lí do hợp lí đó.
Nhưng sau khi đã xong đám cưới cho cháu, bà cụ lại nằng nặc đòi về. Thầy buộc phải nói thật với mẹ về hoàn cảnh ở quê rằng mẹ không có ai chăm sóc, rằng nếu để mẹ một mình như thế nếu có chuyện gì thì thiên hạ sẽ chê cười con cái và các con cũng ân hận cả đời.
Mẹ thầy nghe rồi im lặng. Từ đó bà cụ không đòi về quê nữa nhưng tính tình thì thay đổi hẳn. Bà hầu như không nói. Ăn uống thì uể oải và nằm suốt ngày. Có lần đi làm về không thấy mẹ đâu, thầy hốt hoảng đi tìm thì thấy mẹ đang đứng ở phòng thờ trên tầng, mắt đăm đăm nhìn ảnh cha thầy trên ban thờ. Thấy thầy lên, mẹ giả vờ nhìn đi chỗ khác.
Vợ chồng thầy suy nghĩ mãi và cuối cùng đành bỏ dở kế hoạch. Rồi một ngày thầy nói với mẹ là tối nay sẽ đưa mẹ về quê. Sau khi thầy nói thế, bà cụ vui hẳn, không còn đăm chiêu ủ dột như những ngày qua. Bà giục các con sắp đồ, ăn cơm để nhanh chóng về quê".
Người Việt dù đi đâu cũng chỉ muốn trở về quê hương, nhất là khi đã có tuổi. Đến lúc nằm xuống vẫn khắc khoải nỗi nhớ quê, mong được trở về lòng đất quê, bởi có lẽ dường như trên quê hương, ta mới là ta.
Thầy tôi nói, đời thầy có nhiều cái tiếc nuối, nhưng thầy luôn bằng lòng về việc đã không ép mẹ mình phải xa quê. Thầy đã tìm cách để cha thầy trước đây và mẹ thầy sau này được sống và được ra đi trong căn nhà của mình, ngay tại mảnh đất của cha ông mình.
Nghe câu chuyện của thầy, rồi nghĩ tới câu chuyện của mình, có lẽ tôi đã đúng khi để mẹ trở về.
Thu Hường
Hoa ngâu - loài hoa đặc biệt bởi chẳng có cánh mà hoa cứ tròn như hạt, như nụ. Bởi vậy mà các cụ cao niên thường gọi là nụ ngâu, chứ không gọi là hoa ngâu. Những bông hoa nhỏ xíu và chúm chím như nụ cười duyên của nàng thôn nữ.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, làng Gạ (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) đã được phù sa của sông Hồng bồi đắp, bởi vậy, lúa nếp làng Gạ rất thơm, nấu xôi đặc biệt ngon. Nhắc đến xôi Phú Thượng là nhắc đến một chất xôi ngon, dẻo, hòa quyện với đỗ lạc và đến nay, làng nghề này vẫn giữ được nghề làm xôi truyền thống.
Nhiều vị khách phương xa mới đến Hà Nội đôi ba lần có lẽ sẽ khó để nhận ra giữa không gian ồn ào, tấp nập của Hà Nội hiện đại ngày nay vẫn còn tồn tại những thú vui tao nhã của người Hà Thành. Một trong số đó là nghệ thuật tỉa hoa đu đủ chẻ cánh truyền thống của người Hà Nội.
Nếu như người Sài Gòn có thú vui bình dân là uống cafe bệt, thì người Hà Nội có trà đá vỉa hè. Không cầu kỳ trong cách pha chế, không kén chọn khách uống, trà đá vỉa hè thân thiện, bình dị mà giản đơn.
Những làn gió nhẹ từ đâu thoang thoảng, liu riu như hơi thở của ban mai, đang phả vào vạn vật một chút mong manh mùa mới, vừa đủ cái se sắt để cảm nhận rằng trời đã sang mùa.
Dưới bàn tay của những nghệ nhân "Vua dép lốp", đôi dép cao su Bác Hồ ngày nay đã có sức sống riêng, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Thương hiệu "Vua dép lốp" được biết đến bởi nghệ nhân Phạm Quang Xuân, người đã gắn bó với công việc tái tạo đôi dép Bác Hồ hơn 60 năm qua.
0