Quốc hội thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi)

Sáng 14/11, với 472/475 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo đã bổ sung quy định về việc Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế điều hành hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu Luật Dầu khí sửa đổi - Ảnh: VGP/LS

Đây là chính sách mới với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.

Để hoàn thiện căn cứ pháp lý đầy đủ cho hoạt động khai thác tận thu dầu khí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục hoàn thiện nội dung này tại dự thảo Nghị định và rà soát, ban hành các văn bản dưới luật khác có liên quan.

Cụ thể, chú trọng các quy định nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động khai thác tận thu và kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động dầu khí.

Cùng với đó, đề nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng, ban hành, hướng dẫn về định mức chi phí, định mức kinh tế, kỹ thuật cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp chặt chẽ và chịu trách nhiệm theo thẩm quyền, xây dựng và ban hành các văn bản khác có liên quan.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Dầu khí sửa đổi - Ảnh: VGP/LS

Trước đó, trong thảo luận có ý kiến đề nghị cân nhắc không quy định "cá nhân" tham gia các hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí vì sẽ không tránh khỏi tình trạng đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia, có thể làm thất thoát tài nguyên của đất nước.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, dự thảo Luật quy định "cá nhân" được tham gia hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí là phù hợp với chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Khi tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán, bảo đảm lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Liên quan đến hợp đồng dầu khí, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm trong quá trình thảo luận, ông Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để quy định những nội dung đặc thù của hợp đồng dầu khí, bảo đảm quy định rõ ràng, minh bạch, chặt chẽ theo đúng tinh thần phân cấp và cải cách thủ tục hành chính. 

Theo đó, giao Chính phủ ban hành hợp đồng mẫu của hợp đồng chia sản phẩm dầu khí và quy định chi tiết về cơ chế, chính sách có liên quan.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng quy định 2 khoản riêng về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đối việc quyết định thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong 2 trường hợp: Bất khả kháng và vì lý do quốc phòng an ninh, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ.

Theo đó, trong trường hợp bất khả kháng, các bên tham gia hợp đồng dầu khí thỏa thuận phương thức tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam báo cáo Bộ Công Thương quyết định.

Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền.

Để thống nhất thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án dầu khí, dự thảo Luật quy định trong trường hợp dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên, đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên, Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trước khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thực hiện dự án.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng nay (26/4), Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta, đã làm sụp đổ ý chí thực dân Pháp, từ đó xoay chuyển cục diện chiến tranh, đồng thời tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Geneve năm 1954.

Sáng 25/4, tại Hà Nội, Bộ ngoại giao tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 - 21/7/2024). Tham dự sự kiện có các Lãnh đạo Đảng, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cùng các ban, bộ, ngành Trung ương, mặt trận Tổ quốc, Đại sứ, đại diện các Cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội.

Ngày 25/4, hai đoàn giám sát của HĐND thành phố đã làm việc với Sở Văn hoá và Thể thao, Sở Tài nguyên và Môi trường và huyện Thạch Thất về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ của các cơ quan Nhà nước tại thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đã chủ trì tiếp đoàn đại biểu Thủ đô Vientiane, do Phó Đô trưởng Thủ đô Viêng Chăn Phouvong Vongkhamsao, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dẫn đầu, thăm và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, phát triển du lịch.