Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa

Chiều 23/11, Quốc hội chính thức thông qua Luật Di sản Văn hóa. Luật được thông qua vào đúng Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11).

Trong Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với 413/422 đại biểu có mặt biểu quyết tán thành (đạt tỷ lệ 86.22%), Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa vào chiều ngày 23/11/2024 - Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ việc Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa chính là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội với việc bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc.

Luật Di sản văn hóa gồm 09 chương, 95 điều, tăng 02 chương, 22 điều so với Luật hiện hành (07 chương, 73 điều), bám sát các mục tiêu, quan điểm, chính sách lớn được Quốc hội thông qua, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, Luật giải quyết những điểm nghẽn về thể chế, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Quốc hội chính thức thông qua Luật Di sản văn hoá vào Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11).

Luật Di sản văn hóa vừa được Quốc hội thông qua có những điểm mới cơ bản, cụ thể như:

(1) Quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng phù hợp với Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan;

(2) Quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, ưu tiên bố trí ngân sách Nhà nước cho các hoạt động có tính đặc thù; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

(3) Hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;

(4) Xác định cụ thể các trường hợp điều chỉnh ranh giới khu vực bảo vệ I, khu vực bảo vệ II của di tích, khu vực di sản thế giới và vùng đệm của di sản thế giới; quy định nguyên tắc và thẩm quyền thực hiện điều chỉnh ranh giới các khu vực bảo vệ để bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tiễn;

(5) Quy định cụ thể việc sửa chữa, cải tạo, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích;

(6) Quy định về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; quy định mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước;

(7) Bổ sung Quỹ bảo tồn di sản văn hóa;

(8) Quy định chính sách về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu;

(9) Bổ sung chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển của hệ thống bảo tàng;

(10) Bổ sung quy định cơ quan thanh tra chuyên ngành về di sản văn hoá.

Để giải quyết những điểm bất cập, bảo đảm tính hợp hiến, tính kế thừa, chỉ quy định những vấn đề mới đã rõ, được kiểm chứng trong thực tiễn, có tính ổn định cao; sửa đổi những quy định chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn đặt ra. Luật Di sản văn hóa tập trung quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; các nguyên tắc trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của tổ chức, người đại diện được giao quản lý, sử dụng di tích...

Luật cũng phân cấp, phân quyền trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Cụ thể, quy định thẩm quyền xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích theo hướng: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với di tích cấp tỉnh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đối với di tích quốc gia; Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với di tích quốc gia đặc biệt. Quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức hoặc ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích. Cùng với đó là quy định việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng, xây dựng công trình, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thực hiện hoạt động kinh tế - xã hội trong khu vực bảo vệ di tích được thực hiện sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...

Luật Di sản văn hoá bổ sung các quy định về phân cấp, phân quyền trong quản lý di sản văn hóa theo hướng: Các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương thực hiện nhiệm vụ theo thẩm quyền, có trách nhiệm ban hành thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện, phân bổ nguồn lực và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, thi đua khen thưởng,... làm cơ sở, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý di sản văn hóa.

Luật đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ảnh: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Luật đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Quy định các chính sách phát triển hệ thống bảo tàng bảo đảm không có sự phân biệt đối xử giữa bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập; quy định việc cấp phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập theo hướng đơn giản hóa thủ tục để khuyến khích các bảo tàng ngoài công lập thành lập; đơn giản thủ tục xếp hạng, xếp hạng lại, xếp hạng bổ sung di tích; ghi danh, ghi danh bổ sung di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu; đơn giản hóa thủ tục xin phép xây dựng công trình, sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ ở ngoài khu vực bảo vệ di tích; đơn giản hóa quy trình đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản ở trong nước và nước ngoài. Quy định rõ về thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa, để bảo đảm thực thi hiệu quả việc phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, Luật Di sản văn hoá còn nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động sử dụng, khai thác di sản văn hoá, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hoá, chuyển đổi số, việc xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Luật Di sản văn hoá được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được hoàn chỉnh và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cấp bách đang đặt ra từ thực tế sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đất nước.

Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Không khí rộn ràng, náo nhiệt của mùa Giáng sinh 2025 đang tràn ngập khắp mọi nẻo đường trung tâm TP Hồ Chí Minh. Hân hoan, vui vẻ và hạnh phúc là những cảm xúc mà người dân TP. Hồ Chí Minh đang đón nhận và tận hưởng trong mùa Giáng sinh năm nay.

Thời điểm này, người dân vùng hoa Mê Linh đang tất bật chuẩn bị những công đoạn chăm bón, cắt tỉa cuối cùng để đưa ra thị trường những loại hoa nở đẹp nhất đúng dịp Tết.

Tại Chỉ thị số 46 vừa ban hành, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng sai phép, trái phép, các trường hợp tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ sang các loại hình sản xuất, kinh doanh khác mà không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC.

Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 kéo dài 9 ngàynên nhiều nhà máy đã chủ động lên kế hoạch sản xuất từ rất sớm nhằm tạo điều kiện cho mọi công nhân, người lao động được nghỉ Tết thuận lợi.

Hà Nội sẽ có 5 điểm bắn pháo hoa dịp Tết dương lịch 2025. Vậy các điểm trên được bố trí ở đâu tại thủ đô Hà Nội?

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hôm nay, 24/12, thời tiết tại Hà Nội và các khu vực lân cận không có nhiều biến động. Miền Bắc sẽ đón dịp lễ Giáng sinh trong thời tiết khá thuận lợi.