Quyền lực hắc ám của những 'bố già' ngành kiểm toán
Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân Tp HCM đề nghị Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của 3 hãng "Big 4" từng kiểm toán tại SCB và xử lý nếu đủ căn cứ. Kiến nghị này được đưa ra sau khi xét xử giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB) và công ty Vạn Thịnh Phát (VTP).
_ _ _
Trong một nền kinh tế, nếu các doanh nghiệp là động cơ thì kiểm toán có thể coi như các bộ phanh. Thiếu một trong hai bộ phận trên, nền kinh tế không thể hoạt động hiệu quả. Những sự việc mới đây liên quan đến các vụ án kinh tế lớn đều là những minh chứng sống động cho nhận định này.
Từ 2012 đến 2020, ba hãng kiểm toán lớn thuộc nhóm "Big 4", gồm Ernst & Young Việt Nam (E&Y Việt Nam), Deloitte Việt Nam và KPMG Việt Nam được SCB thuê làm đơn vị kiểm toán độc lập hàng năm.
Cụ thể, E&Y Việt Nam là đơn vị kiểm toán cho SCB từ 2012 đến 2016. Sau đó, SCB đổi đối tác kiểm toán sang Deloitte Việt Nam trong 3 năm, 2017-2019. Năm 2020, SCB lại đổi qua KPMG Việt Nam.
Những 'ông lớn' kiểm toán Deloitte, KPMG, E&Y không còn chuẩn mực?
Trong một thập kỷ, ba hãng kiểm toán thuộc nhóm "Big 4" đều đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần với báo cáo tài chính của SCB và không cho thấy những điểm bất thường nào về tình hình tài chính. Tại thời điểm tháng 6/2021 - đợt kiểm toán soát xét gần nhất trước vụ án, ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế 6 tháng hơn 450 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỷ. Tuy nhiên, suốt thời gian dài, một lượng tiền lớn đã bị rút khỏi ngân hàng SCB trong vụ án Vạn Thịnh Phát nhưng không hề có dấu hiệu bất thường nào được phát hiện trong các hoạt động kiểm toán.
SCB bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. Kết quả kiểm toán lại cho thấy tại thời điểm 30/9/2022, ngân hàng lỗ lũy kế gần 465.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu khoảng 444.000 tỷ đồng.
Sự chênh lệch số liệu khủng khiếp này rõ ràng có phần trách nhiệm không nhỏ của các đơn vị kiểm toán, dù dĩ nhiên họ vẫn có những cách biện hộ cho mình. Thường thì đơn vị kiểm toán dựa vào các số liệu, tài liệu do ngân hàng và bên thứ ba cung cấp mà không có chức năng thẩm định lại. Chẳng hạn, họ không có chức năng đánh giá lại tài sản đảm bảo của các khoản vay vốn đã bị các công ty thẩm định giá "khai khống".
Các Đại Gia kiểm toán và những vụ bê bối
Nhìn lại lịch sử ngành kiểm toán, có thể thấy những vụ bê bối tương tự đã xảy ra không ít lần trên toàn thế giới. Thực ra, ban đầu, nhóm này là Big 8, sau đó giảm xuống còn Big 6, Big 5 và sau vụ bê bối Enron, hãng Arthur Andersen phá sản và chỉ còn Big 4 hiện nay, bao gồm: Deloitte & Touche, Ernst & Young, KPMG, PricewaterhouseCoopers.
Vụ bê bối Enron là một trong những vết nhơ lớn nhất của ngành kiểm toán. Chủ công ty đã thổi phồng và làm giả các báo cáo tài chính, thổi giá cổ phiếu. Chi nhánh Houston của Arthur Andersen nhận 1 triệu USD/tuần. Số tiền lớn này đã làm mờ mắt các nhân viên kiểm toán và khiến họ dễ dàng bỏ qua các nguyên tắc nghề nghiệp. Theo đó, các báo cáo tài chính mờ ám đã không mô tả rõ hoạt động và tình hình tài chính của Enron cho cổ đông và các chuyên gia phân tích, thay vào đó, chúng tô vẽ hiệu quả hoạt động của công ty này.
Vụ việc vỡ lở vào tháng 10/2001. Cổ phiếu Enron từ đỉnh cao 90 đô la Mỹ vào giữa năm 2000 đã tuột dốc không phanh xuống chỉ còn vài xu vào cuối tháng 11/2001. Sau đó Enron nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Với tài sản lên tới 63,4 tỷ đô la, đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ tính đến thời điểm đó.
Sau khi phá sản, Arthur Andersen bị Tứ đại gia kiểm toán còn lại xâu xé. Câu chuyện này gợi nhớ lại tác phẩm Bố Già (The Godfather) của Mario Puzo. Ngũ đại gia trong tác phẩm này cũng tranh giành địa bàn ảnh hưởng tại thành phố.
Do chi phối được thị trường kiểm toán toàn cầu và có uy tín cao với khách hàng, Big 4 gần như một con dấu chất lượng cho các báo cáo tài chính của các công ty đại chúng. Tuy nhiên sự thật thì sao?
Một phân tích trong năm 2019 của Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) tại Hoa Kỳ đã cho thấy rằng bốn công ty kế toán lớn đã làm dối gần 31% số lượng kiểm toán của họ kể từ năm 2009. Sự kém hiệu quả trong kiểm toán đã dẫn đến việc mất tiền nhà đầu tư, lương hưu người dân, sinh kế các bên liên quan và đặt dấu hỏi về độ tin cậy của các báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Nhiều vụ bê bối đạo đức và các hoạt động đáng ngờ trên toàn cầu đã dẫn đến những khoản tiền phạt hàng triệu đô la với các công ty Big 4.
Tại Trung Quốc, các cơ quan chức năng đang điều tra trách nhiệm của tập đoàn kiểm toán nổi tiếng PwC trong vụ Evergrande khai khống 78 tỷ USD doanh thu, tạo nên một trong những vụ bê bối lớn chưa từng có trong lịch sử kiểm toán.
"Nghi vấn về trách nhiệm của PwC trong vụ lừa đảo tại Evergrande là rất lớn, nhất là mối liên quan trong vấn đề khai khống doanh thu"
Nigel Stevenson, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu GMT Research
Trước đó vào tháng 12, GMT từng đặt câu hỏi về báo cáo tài chính của Evergrande khi cho rằng tập đoàn này chưa bao giờ đạt được mức lợi nhuận như họ thông báo. Tuy nhiên Evergrande trả lời rằng nghi vấn của GMT là không có cơ sở khi báo cáo tài chính được một hãng kiểm toán danh giá thuộc Big 4 như PwC thực hiện.
Và hiện nay, tại VN, vụ án tại SCB chắc chắn cũng sẽ đi vào lịch sử ngành kiểm toán như một trong các vụ bê bối lớn nhất. Số tiền có thể không lớn bằng Enron và Evergrande, nhưng xét một cách tương đối theo quy mô nền kinh tế, thì vụ SCB và VTP có thể nói là ở một cấp độ cao hơn rất nhiều. Tác hại của nó đến nền kinh tế vẫn còn là điều chưa dự đoán hết được.
Dĩ nhiên câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao chúng ta không thúc đẩy vai trò của các công ty kiểm toán nội địa, hoặc kiểm toán nhà nước. Nhưng vấn đề hoàn toàn không đơn giản, trong một nền kinh tế toàn cầu hóa như hiện nay, các báo cáo kiểm toán từ những công ty vô danh hoặc không đủ uy tín, không đủ năng lực, sẽ khó được chấp nhận ở châu Âu và Mỹ, và điều này sẽ khó tạo lòng tin để thu hút nguồn vốn ngoại. Các đại gia Big 4 mặc dù cạnh tranh nhau nhưng vẫn ngầm liên kết với nhau để giữ vững vị thế của mình. Rất khó có hãng máy bay nào chen chân ngay vào được thị trường của Boeing và Airbus, câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở thị trường kiểm toán.
Thực tế, cấu trúc hoạt động của Big 4 cũng không đơn giản. Họ không phải là những công ty đơn giản mà là những mạng lưới phức tạp, chia sẻ với nhau một số thứ bao gồm thương hiệu và đôi khi được tái cấu trúc cho phù hợp với địa phương.
Tuy nhiên, dù khó nhưng không phải không có cách giải quyết. Họ hoạt động tại VN và vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật VN. Cần nâng cao đạo đức, trình độ của các kiểm toán viên, đồng thời phải xem xét xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Và dù thế nào đi nữa, chắc chắn chúng ta vẫn còn phải làm việc lâu dài với Big 4, họ vẫn là những công ty chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm và nguồn lực, khó tìm được ai thay thế. Để không trở thành bên thua thiệt, chính chúng ta cũng phải tự nâng cấp chính mình, từ nguồn nhân lực cho đến hệ thống, để có thể là những đối tác bình đẳng, chung lợi ích với họ. Chẳng còn cách nào khác.
Thực hiện: Thiên Lương
Đồ họa: Thanh Nga
Trên thị trường tiền tệ sáng 20/11, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm 24.293 đồng/USD, tăng 5 đồng so với sáng 19/11.
Trái ngược với sự khởi sắc của nhiều chỉ số chứng khoán quốc tế, thị trường chứng khoán trong nước liên tục ghi nhận diễn biến rung lắc. Thanh khoản thấp đang là vấn đề đối với thị trường.
Việc giá vàng thế giới hồi phục đáng kể và vượt mốc 2.600 USD/ounce khiến cho giá vàng trong nước hôm nay, 19/11, đồng loạt tăng mạnh.
Tính trong một tháng, từ 19/10 đến nay, VN-Index đã giảm 5,32%, tương đương giảm hơn 68 điểm. Đồng thời, vốn hóa sàn HOSE đã giảm gần 270.000 tỷ đồng (khoảng 10,7 tỷ USD).
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) vừa phát đi thông cáo chính thức bác bỏ thông tin ngân hàng này đang bị thanh tra trong hoạt động cấp tín dụng ngân hàng.
Sau chuỗi ngày giảm mạnh, giá vàng thế giới hôm nay, 19/11, đã tăng thêm hơn 50 USD. Vàng thế giới đi lên trong bối cảnh đà tăng của đồng USD chững lại, trong khi xung đột Nga - Ukraine tăng nhiệt.
0