Rắc rối liên tục bủa vây Boeing, cơ hội cho ai?

Chỉ trong ba tháng đầu năm 2024, hàng loạt sự cố liên tiếp xảy ra với Boeing, hãng sản xuất máy bay hàng đầu nước Mỹ - Boeing, như bung tấm bịt cửa giữa trời, phát hiện sai phạm trong quá trình giám sát quản lý chất lượng, cháy động cơ và ngừng hoạt động trên không. Loạt sự cố không chỉ khiến Boeing bị khủng hoảng mà còn đe dọa gây ra các tác động sâu rộng lên toàn ngành hàng không Mỹ.

Boeing liên tiếp vướng sự cố      

Đối với Boeing, năm 2024 dường như không thể tệ hơn khi hãng này liên tục vướng phải rắc rối. Hôm 15/3, một máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không United Airlines (Mỹ) đã mất một mảng lớn phần vỏ ngoài, sau khi hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Rogue Valley Medford ở bang Oregon, Tây Bắc nước này.

Trước đó chỉ vài ngày, một chiếc Boeing 787 Dreamliner của hãng hàng không LATAM Airlines (Chile) trên đường từ thành phố Sydney (Australia) đến thành phố Auckland (New Zealand) đột ngột hạ độ cao khi đang ở giữa hành trình, khiến hành khách một phen kinh hoàng, hàng chục người bị thương.

Boeing liên tiếp vướng sự cố.

Sau đó, cơ trưởng của chuyến bay cho biết sự cố xảy ra do ông bị mất kiểm soát máy bay tạm thời, trong khi hãng hàng không LATAM giải thích nguyên nhân là do sự cố kỹ thuật, dẫn tới “sự rung lắc mạnh” trên không và khiến máy bay bị giảm độ cao đột ngột. Nguyên nhân chính xác của vụ việc đang chờ điều tra làm rõ. Rắc rối này một lần nữa thổi bùng lên cuộc khủng hoảng truyền thông về vấn đề quản lý chất lượng mà Boeing đang phải đối mặt.

Boeing nhận chuỗi tin xấu ồ ạt bắt đầu từ tuần đầu tiên của năm 2024, khi tấm bịt cửa trên máy bay Boeing 737 MAX 9 của hãng hàng không Alaska Airlines bị bung giữa không trung ngay sau khi cất cánh từ thành phố Portland, bang Oregon (Mỹ). Cuộc điều tra sơ bộ của các cơ quan liên bang Mỹ cho thấy Boeing có thể đã không lắp các bu lông vào nút chặn cửa, vốn được thiết kế để ngăn bộ phận này rơi khỏi máy bay. Sự cố này đã dẫn đến việc một số máy bay dòng 737 Max bị đình chỉ hoạt động tạm thời trên nước Mỹ, kéo theo đó là các phiên điều trần quốc hội, sự chậm trễ trong sản xuất và giao hàng, cùng nhiều cuộc điều tra liên bang, bao gồm cả điều tra hình sự.

Boing bị điều tra sau khi máy bay hãng này sản xuất liên tục gặp sự cố

Tin xấu với Boeing vẫn chưa dừng lại. Vào tháng 2, các phi công trên chiếc Boeing 737 Max của hãng United Airlines báo cáo rằng bộ điều khiển chuyến bay bị kẹt khi hạ cánh ở thành phố Newark, bang New Jersey. Hai tuần trước, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cũng cảnh báo thiết bị làm tan băng trên các mẫu 737 Max và 787 Dreamliner có thể khiến động cơ mất lực đẩy, gây mất an toàn. Tiếp đến, vào tuần trước, Ủy ban An toàn Giao thông Mỹ cho biết Boeing vẫn chưa cung cấp hồ sơ ghi lại các bước thực hiện trên dây chuyền lắp ráp để thay thế chốt cắm cửa trên dòng máy bay 737 MAX 9 của Alaska Airlines. Lí do Boeing đưa ra là những hồ sơ đó không thực sự tồn tại.

Giấy tờ không phải là vấn đề lớn nhất. Điều thực sự quan trọng là Boeing phải liên tục theo dõi quy trình sản xuất một cách phù hợp và hiệu quả

Ông Mike Whitaker, quan chức Cục Hàng không liên bang Mỹ

Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã cho Boeing 90 ngày để đưa ra kế hoạch giải quyết các vấn đề kiểm soát chất lượng và yêu cầu Boeing phải cam kết cải tiến thực sự và sâu sắc. Bộ trưởng Giao thông Mỹ Pete Buttigieg từ chối cho biết khi nào FAA có thể cho phép các máy bay tiếp tục hoạt động, nhưng nhấn mạnh Boeing phải đảm bảo máy bay của họ an toàn 100%.

Các hãng hàng không Mỹ thu hẹp quy mô hoạt động

Sau loạt tin tức về các sự cố gần đây, cổ phiếu của Boeing đã liên tục giảm và được xem là cổ phiếu có thành tích tệ thứ hai trong chỉ số chứng khoán S&P 500. Boeing được dự đoán sẽ mất thêm hàng tỷ USD chi phí dàn xếp các vụ kiện tụng, bồi thường và tổn thất kinh doanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá cổ phiếu sụt giảm không tồi tệ bằng việc đánh mất niềm tin của các đối tác, cơ quan quản lý và hành khách.

Chuỗi sự cố đã khiến nhà sản xuất máy bay Boeing bị Cục Hàng không liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ theo dõi gắt gao, đồng thời phải giảm quy mô sản xuất dòng máy bay thân hẹp 737 MAX chủ lực của họ. Trước tình hình này, nhiều hãng hàng không Mỹ và các nước đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong năm 2024 để đối phó với nguy cơ thiếu hụt phương tiện.

Loạt sự cố dẫn đến giảm quy mô sản xuất dòng máy bay thân hẹp 737 MAX chủ lực của hãng Boeing.

Boeing cho biết hãng chỉ giao được 17 chiếc 737 MAX trong tháng 2, ít hơn 8 chiếc so với hồi tháng 1, bằng một nửa so với hai tháng cuối năm 2023 và kém xa chỉ tiêu sản xuất 38 chiếc/tháng trong năm 2024.

Là hãng hàng không chỉ khai thác máy bay Boeing, Southwest Airlines (Mỹ) chịu thiệt hại nặng nề. Hôm 12/3, hãng này tuyên bố sẽ cắt số chuyến bay và thẩm định lại dự báo tài chính của mình, với lí do nhận ít máy bay Boeing hơn kế hoạch. Lẽ ra hãng này sẽ nhận 79 máy bay 737 MAX trong năm 2024, song các diễn biến gần đây đã giảm con số này xuống 46. Hãng này cũng sẽ giảm một nửa chỉ tiêu tuyển phi công, 60% chỉ tiêu tuyển tiếp viên, nhằm giảm chi phí vận hành.

Hãng United Airlines ra thông báo hủy kế hoạch tuyển phi công trong hai tháng. Vì không chắc lô máy bay dòng MAX-10 sẽ được Boeing hoàn thành trong thời gian tới, United Airlines đã chuyển sang nghiên cứu phương án đặt mua máy bay từ Airbus - đối thủ chính của Boeing.

Hãng Alaska Airlines cũng thừa nhận kế hoạch năm 2024 của họ đang bị ảnh hưởng nặng nề vì không rõ tiến độ giao máy bay của Boeing. Việc cấm bay ba tuần đội bay 737 MAX-9 để kiểm tra chất lượng máy bay sau sự cố bung cửa trên không hôm 5/1 cũng khiến hãng này thiệt hại ít nhất 150 triệu USD.

Etihad Airways cho biết việc Boing chậm trễ giao máy bay phản lực đang cản trở kế hoạch phát triển mạng lưới của hãng.

Etihad Airways, hãng hàng không quốc gia Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, cho biết việc Boing chậm trễ giao máy bay phản lực đang cản trở kế hoạch phát triển mạng lưới của hãng. Etihad Airways đã nhận ba chiếc Boeing 787-9 Dreamliners mới vào tháng 2, muộn hơn 8 tháng so với ngày bàn giao dự kiến là tháng 6 năm 2023.

Cơ quan quản lý hàng không của Trung Quốc đã tạm thời dừng vô thời hạn quá trình khởi động lại việc đặt mua máy bay B737 Max cho quốc gia này.

Ngược lại, một số hãng vẫn lạc quan rằng Boeing sẽ sớm trở lại. Hồi đầu tháng, hãng American Airlines đã đặt mua 85 máy bay MAX-10, khẳng định đây là động thái thể hiện niềm tin của hãng này rằng Boeing sẽ hoàn thành lô hàng trên trong năm 2028. Hãng hàng không này để điều khoản mở cho phép họ chuyển sang mua máy bay Airbus và đổi loại máy bay 737 MAX nếu có vấn đề phát sinh.

Boeing thất thế, cơ hội cho các đối thủ 

Trong suốt nhiều năm qua, Boeing và Airbus vẫn luôn là đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên bầu trời, chi phối gần như độc quyền ngành hàng không thế giới. Tuy nhiên, loạt sự cố liên tiếp thời gian gần đây có nguy cơ khiến “người khổng lồ” của ngành sản xuất máy bay Mỹ ngày càng thất thế so với đối thủ châu Âu. Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của Boeing đã giảm khoảng 29%, khiến mức vốn hóa của hãng này "bốc hơi" 45 tỷ USD, hiện chỉ còn 112,4 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức định giá 137,2 tỷ USD của Airbus.

Trong khi Boeing loay hoay với bài toán trì trệ sản xuất và các vụ kiện tụng, thì Airbus đã nhanh chóng tận dụng cơ hội, vượt lên dẫn trước với doanh số bán hàng mạnh mẽ. Năm 2023, Airbus đã củng cố vị thế là hãng chế tạo máy bay lớn nhất thế giới năm thứ 5 liên tiếp. Năm 2024, hãng cũng được dự báo sẽ giao nhiều máy bay hơn và nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn so với Boeing.

Boeing thất thế, cơ hội cho Airbus.

Mức vốn hóa Boeing luôn lớn hơn Airbus kể từ khi Airbus lên sàn chứng khoán vào tháng 7/2000. Tuy nhiên, điều đó đã đảo ngược từ giữa năm 2022, sau những sự cố đáng thất vọng từ nhà sản xuất máy bay Mỹ. Ngày càng nhiều hãng hàng không lựa chọn Airbus thay vì Boeing. Hãng hàng không Delta Airlines vừa mua thêm của Airbus 30 chiếc máy bay A321. Một số hãng hàng không khác cũng đang chuyển hướng sang  mua máy bay của hãng này.

Số lượng máy bay được giao của Boeing cũng ít hơn nhiều so với Airbus trong hai tháng đầu năm nay. Trong khi Boeing chỉ bàn giao 54 máy bay thì Airbus đã vượt lên dẫn trước đối thủ, giao 79 máy bay. Số đơn đặt hàng mới cũng tương tự. Boeing tuần này thông báo nhận 15 đơn hàng máy bay thương mại trong tháng 2, tăng so với ba đơn hàng của tháng 1. Tuy nhiên, trừ đi số các đơn bị hủy, đơn ròng của Boeing trong hai tháng đầu năm nay bằng không. Còn Airbus tiếp tục gặt hái thành công với dòng máy bay A320 nổi tiếng với các chuyến bay ngắn và dòng máy bay A350 dành cho các đường bay dài. Airbus đã liên tiếp ký các hợp đồng lớn với các hãng hàng không của Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những gì từng là sự độc quyền của ngành hàng không đã thay đổi. Airbus giờ chiếm 2/3 thị phần, còn Boeing là 1/3. Rất nhiều người, dù là nhà đầu tư, nhà tài trợ hay khách hàng, đang nhìn về phía Airbus.

Ông Richard Aboulafia, Giám đốc điều hành Công ty Aerodynamic Advisor (Mỹ)

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại, sự vươn lên mạnh mẽ của Airbus và sự thất thế của Boeing có thể tạo ra nút thắt lớn trong ngành hàng không. Cuộc cạnh tranh xuyên Đại Tây Dương kéo dài 5 thập kỷ giữa Boeing và Airbus lâu nay được xem là nền tảng cho sự bùng nổ về số lượng khách bay, dẫn đến những đổi mới giúp giảm chi phí bay và mang du lịch đến gần hơn với công chúng. Do đó, thế giới cần sự mạnh mẽ của cả Boeing và Airbus. Đây là yếu tố sống còn cho sức khỏe của ngành hàng không thế giới.

Những khó khăn của Boeing đã làm khơi dậy cuộc tranh luận về việc liệu những đối thủ cạnh tranh mới có đủ sức thách thức thế độc quyền lâu dài giữa hãng sản xuất Mỹ và châu Âu hay không. Một đối thủ tiềm năng đã được nhắc đến từ lâu là Comac, một hãng sản xuất máy bay Trung Quốc. Comac mới đây đã ra mắt dòng máy bay chở khách thân hẹp C919 và đã được cấp phép đưa vào khai thác tại thị trường nội địa. Comac được kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh được một phần thị trường hàng không thương mại toàn cầu, khi đang xin các cơ quan quản lý quốc tế cấp phép. Hiện COMAC đang hợp tác phát triển máy bay thân rộng CR929 với Nga.

Comac được kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh được một phần thị trường hàng không thương mại toàn cầu.

Bên cạnh Comac, còn những đối thủ tiềm năng khác. Chẳng hạn như tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng Brazil là Embraer có thể được khuyến khích tham gia vào thị trường hàng không dân dụng. Embraer là nhà sản xuất máy bay lên tới 120 chỗ ngồi dành cho các chuyến bay ngắn hàng đầu trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Embraer sẽ thận trọng trong việc đối đầu với hai gã khổng lồ của ngành hàng không.

Về phía Boeing, một số chuyên gia hàng không cho rằng cách duy nhất để tập đoàn lấy lại thị phần là tung ra loại máy bay một lối đi mới. Tuy nhiên, Boeing cho biết họ không có kế hoạch phát triển sản phẩm mới cho đến giữa những năm 2030 vì họ tin rằng các mẫu mới sẽ không đạt đủ mức tiết kiệm nhiên liệu mong muốn. Tờ Bloomberg Intelligence thì nhận định kế hoạch của hãng nhằm mua lại nhà cung cấp và công ty đối tác Spirit AeroSystems có thể nâng cao và kiểm soát chất lượng, đồng thời tạo điều kiện cải thiện tốc độ sản xuất, qua đó thúc đẩy lợi nhuận và dòng tiền.

Boeing là tập đoàn có ảnh hưởng đặc biệt đối với nền kinh tế Mỹ, vì đây là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất đất nước, có tác động mạnh nhất tới chỉ số công nghiệp Dow Jones, được xem như thước đo sức khỏe nền kinh tế. Ở thời điểm hiện tại, Boeing được cho là có thể trông đợi vào việc các hãng hàng không đang cần máy bay khi nhu cầu đi lại tiếp tục tăng lên, trong khi Airbus đã kín đơn đặt hàng cho đến năm 2030. Đây chính là cơ hội để Boeing giành lấy các đơn đặt hàng và xoay sở vượt qua thời kỳ khó khăn.

Về lâu dài, giới phân tích cho rằng, những khó khăn của Boeing có thể khắc phục được nhờ những nỗ lực hợp lý hóa sản xuất, giải quyết các vấn đề về chất lượng và xây dựng lại niềm tin của khách hàng, tạo cơ hội cho hãng phục hồi và tái khẳng định tên tuổi trên thị trường.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngoài vấn đề tài chính khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu là một vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan. Đa phần ý kiến tại hội nghị COP29 đều ủng hộ chuyển đổi năng lượng sạch, song cần lộ trình chuyển đổi rõ ràng để đảm bảo phát triển bền vững.

Trong bối cảnh chính trị Mỹ đang trải qua những biến động mạnh mẽ, ông Donald Trump đã khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những lựa chọn nội các lần này.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chính thức bước sang ngày thứ 1.000 vào hôm nay, 19/11/2024. Ukraine đang đối mặt với một mùa đông nữa, khi các cơ sở năng lượng bị phá hủy nghiêm trọng, lượng dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt.

Xung đột Nga - Ukraine bước vào một bước ngoặt mới khi Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã cho phép Kiev dùng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công sâu vào Nga.

Năm 2024, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về ô nhiễm bầu khí quyển, lượng khí CO2 trong bầu khí quyển tăng cao kỷ lục, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân và các giải pháp khắc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí có một ý nghĩa rất quan trọng.

Tuần lễ cấp cao APEC 2024 quy tụ khoảng 20.000 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên trên khắp châu Á, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Với chủ đề năm APEC 2024 là “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”, nước chủ nhà Peru kỳ vọng thông qua các Hội nghị lần này thúc đẩy sự thịnh vượng lớn hơn trong khu vực.