Rưng rưng tháng Chạp

Không có khoảng thời gian nào của năm được tính từng ngày, từng giờ như tháng Chạp. Có người trong một chiều cuối năm, bỗng thèm cái cảm giác nôn nao mong chờ, cảm giác rộn ràng vui hội ngộ, và cả những hụt hẫng nhớ thương.

Chiều nay, Hường mời bạn nghe những cảm xúc của bạn Diệu Hiền từ Quảng Nam gửi về cho chương trình.

Bài hát “Một mùa xuân nho nhỏ” đưa tôi trôi về miền thơ ấu. Hồi ấy ở làng tôi, chiếc radio là cả mênh mông thế giới. Chương trình của đài Tiếng nói Việt Nam, buổi phát thanh Quân đội, anh em nhà tôi đều thuộc làu, nghe hết, nghe đến cả bản tin đọc chậm. Dịp gần Tết, chỉ cần nghe tiếng rọt rẹt của volume bị chạm, tiếng rò rò của chương trình sắp phát sóng  là đã xôn xao. Và mỗi sớm, giai điệu “mọc giữa dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc...” của NSƯT Thúy Lan vang lên sau câu mở đầu quen thuộc là nghe mùa xuân đang tới thật gần. Cảm thức mùa xuân cứ dạt dào theo từng câu hát, từng nốt nhạc: “mùa xuân, mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ...”. Như một thói quen, ba tôi thường đánh thức con dậy đi học bằng cách đáng yêu như thế, khiến tôi dù muốn ngủ nướng cũng phải tỉnh người trong cái rét căm căm. Ca từ, giai điệu ấy vẫn mãi ngân nga cùng năm tháng. Tôi chưa từng nghe ai hát hay hơn NS Thúy Lan. Mà bạn phải nghe radio, để rung cảm cùng những bài hát được phát một cách ngẫu nhiên, trong nỗi mong chờ, háo hức, thú vị và cả tiếc nuối vì những nốt nhạc cuối cùng nhỏ dần, nhường thời lượng cho chương trình kế tiếp. Mà có lẽ, những bài hát về mùa xuân chỉ hay nhất vào những ngày giáp tết mà. Đã bao mùa xuân trong veo và rộn rã trôi qua đời người?

Tháng Chạp là tháng của những mong chờ. Niềm trông mong đều đặn nhất của gia đình tôi là chú Sáu. Chừng hai lăm tết, nghe tiếng huýt sáo vang lên từ đám cây dâu, là cả nhà tôi ùa ra đón chú. Chú ở tận Tây nguyên, miền đại ngàn ấy chỉ là tưởng tượng với tôi trên vết dấu của đôi giày vương màu bụi đỏ của chú. Nhà nội tôi chỉ còn ba với chú, nên tình yêu của gia đình tôi với chú cũng rất đặc biệt. Chú về, chúng tôi có nhiều quà tết và sản vật vùng đất đỏ bazan. Nhớ nhất là cái tết chú đem về cái tivi 14 inches đen trắng cùng chiếc bình acquy 12 vol, một cây ăng ten như cái cuốc chỉa khổng lồ. Chỉ có một đài truyền hình, phát sóng với thời lượng thật ít ỏi mà chúng tôi như đã thấy cả hệ mặt trời. Cả xóm tôi thay phiên nhau khiêng bình acquy đi sạc, để mỗi tối, nhà tôi thành rạp chiếu phim miễn phí. Khó có thể diễn tả hết nỗi hoan hỉ và niềm kiêu hãnh thầm kín của mấy đứa con trong nhà có tivi. Niềm khao khát tivi khiến cho những khán giả nhà quê háo hức xem. Ngày xưa rất nghèo, anh em nhà tôi được khai sáng nhờ người cho chiếc tivi đầy kỷ niệm ấy.

Mà mấy ngày Tết, thời gian co lại vì khí trời rét lạnh thì phải? Chú về, niềm vui chưa trọn, đã phải chia xa. Nhìn theo bóng chú khuất sau rặng tre đầu xóm, lòng non nớt của tôi đã bao lần rưng rưng. Giờ đây, tôi thèm biết bao cái cảm giác nôn nao mong chờ, cảm giác rộn ràng vui hội ngộ và cả những hụt hẫng nhớ thương ấy. Chú tôi, giờ không thể về quê mỗi mùa chim én bay.

Tháng Chạp, nhớ gian hàng rau của thím Tám Sơn. Thím làm nghề may. Nhưng tháng Chạp là thím kiêm thêm chủ hàng rau củ. Mặt hàng này thím về quê chở vào bán. Rau quê vừa ngon vừa rẻ, nhờ phù sa màu mỡ bạt ngàn của sông Thu Bồn, sông Vĩnh Điện. Nhớ mủng rau sống cao ngất xanh mướt và thơm. Xà lách là chủ yếu, trộn lẫn cùng hành ngò, húng quế, bạc hà. Chỉ cần thấy bàn tay thím thoăn thoắt gói rau trong miếng lá chuối to, ai cũng ước thêm một chén nước cá hoặc thịt kho để cuốn với bánh tráng hoặc ăn với cơm cũng tuyệt hảo. Thích nhất là mỗi lần mua rau, được thím thêm bó hành lá, cột bằng sợi lá chuối tước nhỏ. Bên cạnh mủng rau sống là ớt, su hào, sắn dây, bắp sú, bầu bí... Tất cả được sắp rất gọn ghẽ, thích mắt. Một góc đường đầu làng tôi bỗng xôn xao, tấp nập hẳn lên.

Những ngày sắp Tết, dù nghèo nhưng ai cũng dành tiền để mua thật nhiều rau củ về sắm cúng ông bà và dự trữ trong mấy ngày nghỉ chợ. Đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên mùi hành lá hòa quyện cùng các loại rau thơm nồng mùi Tết của thím Tám Sơn, dù hình ảnh đó chỉ còn là một đốm lửa nhỏ của ký ức được thắp lên trong muôn vàn sắc màu kỷ niệm. Hương xuân nồng nàn cứ thế mà len về khắp ngõ. Giọt sương long lanh trên cánh mai vừa khe khẽ nở. Tháng Chạp rưng rưng nhớ. Tháng Chạp xôn xao./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?