Sai lầm chiến thuật khiến Ukraine phản công thất bại?

Đến nay, cuộc phản công của Ukraine đã thất bại và rơi vào bế tắc. Nhận định này được Lewis Page, một biên tập viên, nhà bình luận người Mỹ, đưa ra trong một bài viết mới đây trên tờ Telegraph của Anh.

Mùa bùn lầy

Tấn công trong mùa bùn lầy không khác gì tự huỷ diệt lực lượng

Ukraine đã bước vào mùa bùn lầy, một hiện tượng có ảnh hưởng rất lớn đến chiến trường, đến nỗi nó có hẳn một cái tên đặc biệt: “bezdorizhzhia”, hay còn gọi là mùa đường xấu.

Trong mùa bùn lầy, trời mưa khiến mặt đất trở nên lầy lội và nhão nhoét. Hiện tượng này xuất hiện rõ nhất khi băng tan vào mùa xuân, nhưng cũng thường xảy ra sau những trận mưa lớn vào mùa thu.

Được người Nga gọi là "rasputitsa", mùa bùn lầy có thể làm tê liệt các hoạt động quân sự, đặc biệt là với phe tấn công. Trong thời gian bezdorizhzhia, hầu hết các loại xe quân sự, ngay cả xe tăng vốn được thiết kế để hoạt động trên địa hình gồ ghề, cũng hầu như không thể di chuyển. Những con đường trải nhựa xuyên qua vùng đất bùn cũng có thể bị hư hỏng khi các phương tiện hạng nặng chạy qua trong thời gian này. Bùn lầy cũng cản trở các cuộc hành quân của binh sỹ, vì vậy tấn công trong mùa bùn lầy là một ý tưởng tồi.

Tổng thống Ukraine-Volodymyr Zelensky, dưới áp lực quốc tế mạnh mẽ đã tìm cách tạo ấn tượng rằng cuộc phản công của quân đội nước này vẫn chưa dừng lại, như Tổng tư lệnh của ông, Tướng Valery Zaluzhny từng nhắc đến mới đây. Nhưng bất chấp giọng điệu lạc quan của ông Zelensky, tướng Zaluzhny chắc chắn sẽ không phát động các cuộc tấn công trong vài tuần tới trừ khi thời tiết bất thường, bởi điều đó chẳng khác nào tự huỷ diệt lực lượng của mình.

Bezdorizhzhia không kéo dài đến mùa đông. Khi trời trở lạnh, mưa nhường chỗ cho tuyết và mặt đất sẽ trở nên cứng chắc trở lại. Nhưng, mùa đông cũng có những vấn đề riêng của nó. Một lần nữa, mùa đông thường có lợi cho bên phòng thủ hơn lực lượng tấn công, đặc biệt là ở Đông Âu; thêm nữa, lực lượng tiến công ấy lại gặp phải một “Vị tướng mùa đông” nổi tiếng, luôn là vị chỉ huy nguy hiểm nhất của Nga mà các lực lượng Pháp và Đức từng phải đối mặt; do vậy, các cuộc tấn công của Ukraine sẽ phải dừng lại trong mùa đông.

Sai lầm chiến thuật của Ukraine

Chiến thuật đột phá kiểu Blitzkrieg chưa được hiện thực thành công ở Ukraine

Tại các nước phương Tây, điều này cho thấy ở một mức độ nào đó, Ukraine đang thất bại. Nhiều nhà bình luận phương Tây, thường là các cựu sĩ quan quân đội, trước đây đã đưa ra quan điểm rằng xe tăng phương Tây nếu được sử dụng đúng cách, sẽ tạo ra một bước đột phá rực rỡ theo chiến thuật Blitzkrieg (chiến tranh chớp nhoáng) từ hồi Thế chiến II và kết thúc xung đột chỉ trong vài tuần.

Các nước phương Tây đã cam kết viện trợ cho Ukraine nhiều loại xe tăng, gồm Leopard của Đức, Abrams của Mỹ và Challengers của Anh. Nhưng trên thực tế, thời gian giao hàng lại khá lâu. Tính đến tháng 8, mới chỉ có 87 chiếc Leopard, 14 chiếc Challengers, trong khi vẫn chưa có chiếc Abrams nào đến Ukraine. Những xe tăng mà Đan Mạch và Hà Lan cam kết còn phải đến năm sau Ukraine mới nhận được.

Mặc dù vậy, hơn một trăm chiếc xe tăng cũng đã là một con số không nhỏ: đủ cho một lữ đoàn thiết giáp, trong khi Ukraine cũng còn rất nhiều xe tăng từ thời Liên Xô. Trước khi tiến hành phản công, Kiev đưa đưa một lượng lớn binh sỹ ra khỏi phòng tuyến để nghỉ ngơi, tái trang bị và huấn luyện - thường là bởi các nước Tây. Ukraine đã có lực lượng thiết giáp cỡ sư đoàn mà các sĩ quan phương Tây cho rằng có thể giành chiến thắng.

Tuy nhiên, trong cuộc phản công được tiến hành từ đầu tháng 6, mũi nhọn thiết giáp hùng mạnh của Ukraine mới chỉ mới tiến được khoảng 16 km. Chiến thuật đánh nhanh, thắng nhanh của Ukraine đã sớm phá sản trước phòng tuyến Surovikin kiên cố của Nga ở mặt trận phía Nam, với các bãi mìn dày đặc khiến xe tăng, thiết giáp mắc kẹt và làm mồi cho hỏa lực không quân, pháo binh. Các mũi xung kích nhanh chóng bị chặn lại trước chiến hào Nga, khiến Ukraine hứng chịu tổn thất nặng nề trong vài tuần đầu phản công.

Thực tế này khiến các quan chức phương Tây thất vọng. Họ cho rằng nguyên nhân thất bại không phải là sai lầm về chiến thuật, hay do xe tăng, thiết giáp không còn hiệu quả trong chiến tranh hiện đại, mà là vì Ukraine đã không vận hành chiến thuật này một cách đúng đắn. Theo các chiến lược gia phương Tây, nếu các sĩ quan phương Tây được cấp một sư đoàn thiết giáp, họ sẽ làm tốt hơn nhiều so với Ukraine.

Các chuyên gia quân sự cho hay, để có thể thực hiện thành công một chiến dịch tấn công chớp nhoáng kiểu "Bliztkrieg", xe tăng, thiết giáp trước hết phải vượt qua được phòng tuyến đầu tiên của đối phương. Đây là thử thách lớn với Ukraine hay bất cứ đội quân nào, do các phòng tuyến Nga rất kiên cố, được gài mìn dày đặc và có hỏa lực áp đảo.

Để vượt qua phòng tuyến đối phương, về lý thuyết Kiev có thể chọn phương án đi vòng, giống như cách Heinz Guderian, vị tướng Đức thường được coi là người đã thực hiện trận Blitzkrieg đầu tiên trong cuộc tấn công vào Pháp năm 1940 để đánh bại phòng tuyến Maginot nổi tiếng. Khi đó, tướng Heinz Guderian đã giải quyết vấn đề một cách đơn giản, đó là đi vòng qua Luxembourg và Bỉ.

Thông thường, bên phòng thủ không thể xây dựng được những công sự vững chắc ở khắp mọi nơi. Lực lượng phòng thủ của Nga ở mặt trận phía Đông mỏng hơn so với mặt trận phía Nam, nên Ukraine có thể mở các cuộc tấn công lớn theo hướng này để gây sức ép lên khu vực biên giới của Nga, hoặc đi vòng để đánh úp phòng tuyến Surovikin từ phía Đông.

Cả hai phương án sẽ buộc Nga phải rút bớt lực lượng ở mặt trận phía Nam, không thể tiếp tục gia cố các phòng tuyến, tạo điều kiện để Ukraine mở cuộc đột kích thật sự ở khu vực giữa Donetsk và biên giới với Nga.

Tuy nhiên, phương án này trên thực tế không khả thi do các điều kiện ràng buộc từ phương Tây khi viện trợ vũ khí cho Kiev. Trong trường hợp lực lượng Ukraine xuyên thủng được phòng tuyến Nga ở phía Đông, họ sẽ phải dừng lại ở khu vực biên giới, không thể tiến sâu hơn, do Mỹ và đồng minh không muốn Ukraine tấn công trực diện lãnh thổ Nga, do lo sợ điều này có thể làm xung đột tại khu vực leo thang.

Xung đột rơi vào bế tắc

Binh sỹ Ukraine chiến đấu trong chiến hào

Trong bối cảnh hiện nay, xung đột sẽ rơi vào bế tắc. Ukraine sẽ cạn kiệt lực lượng trước Nga và càng mất đi nhiều người trong độ tuổi lao động thì việc xây dựng lại xã hội và nền kinh tế sau chiến tranh càng khó khăn hơn. Vấn đề càng trở nên cấp bách khi một số lượng lớn người tị nạn Ukraine đã toả đi khắp châu Âu trong thời gian xung đột, có thể không còn muốn trở về quê hương nữa.

Theo nhà bình luận Lewis Page của Telegraph, thế bế tắc hiện nay là do các nước phương Tây, mặc dù đã gửi cho Ukraine xe tăng, pháo binh, xe bọc thép và một số loại tên lửa nhất định, nhưng đến nay mới chỉ có Anh và Pháp gửi cho Kiev tên lửa chính xác tầm xa. Tuy nhiên, loại tên lửa này cũng có những hạn chế nhất định.

Storm Shadow/SCALP là một phiên bản được sửa đổi của loại vũ khí phá đường băng cổ điển những năm 1980 của Pháp có tên là APACHE. Theo ông Lewis Page, Anh vẫn nói rằng đây là loại tên lửa họ phát triển chung với Pháp, nhưng trên thực tế loại tên lửa này chỉ là một chiếc APACHE với đầu đạn phá hầm của Anh hoạt động không mấy hiệu quả.

Đặc biệt, là vũ khí hành trình cận âm – hay nói cách khác là một máy bay phản lực robot nhỏ – tên lửa Storm Shadow/SCALP tương đối dễ bị phát hiện và bắn hạ. Các nhà sản xuất tuyên bố rằng, Storm Shadow/SCALP có một số loại thuộc tính "tàng hình" nhưng điều này dường như cũng chỉ là quảng cáo.

Ukraine đã tìm cách thực hiện các cuộc tấn công bằng Storm Shadow vào căn cứ hải quân Nga tại Sevastopol ở Crimea, nhưng từ trước đó họ đã phải thực hiện nhiều cuộc tấn công của lực lượng đặc nhiệm và các cuộc tấn công khác nhằm hạ gục hệ thống phòng không của Nga để tên lửa có thể bay vào.

Đến nay, Ukraine vẫn chưa thể khiến căn cứ không quân Crimea ở Saky phải ngừng hoạt động, và tên lửa Storm Shadow đơn giản đã không thể mang lại hiệu quả về mặt lý thuyết là đặt toàn bộ các vùng lãnh thổ của Ukraine do Nga đang kiểm soát trong tầm bắn của nó.

Một thực tế là cầu Kerch, một trong các tuyến hậu cần chính của bán đảo Crimea lẽ ra phải nằm trong tầm bắn của Storm Shadow; nhưng đến nay, chúng vẫn đứng vững. Nguyên nhân được cho là do đầu đạn nổ xuyên đa tầng BROACH của tên lửa Storm Shadow/SCALP không đủ mạnh để xuyên phá các hạ tầng trọng yếu như cầu Kerch.

Trong mọi trường hợp, đến thời điểm này có thể nói rằng cả Storm Shadow và phiên bản M39 tầm ngắn, lỗi thời của Hệ thống tên lửa chiến thuật (ATACMS) mà Mỹ đã gửi đến Kiev một cách miễn cưỡng và muộn màng, sẽ không phải là những loại vũ khí có thể “thay đổi cuộc chơi” và giúp Ukraine phá vỡ được thế bế tắc trên chiến trường.

ATACMS là hệ thống tên lửa siêu thanh, khó bắn hạ hơn nhiều; nhưng phiên bản M39 được gửi đến Ukraine có tầm bắn chỉ 165 km, không đủ để vươn đến các mục tiêu nằm sâu trong hậu phương của Nga như Saky, Sevastopol hay cầu Kerch. Đầu đạn chùm của nó cũng không thể phá hủy cầu Kerch hay các mục tiêu kiên cố khác.

Phá vỡ thế bế tắc?

Binh sỹ Ukraine sử dụng tên lửa của Mỹ trong cuộc phản công năm 2022

Theo nhà bình luận Lewis Page của Telegraph, điều Ukraine cần là một trong những phiên bản ATACMS đời mới có tầm bắn 300 km và sử dụng đầu đạn đơn nhất thay vì đạn chùm với khả năng phá hủy các cấu trúc bê tông.

Tuy nhiên, đến nay Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn quan ngại rằng việc Ukraine sử dụng ATACMS để phá hủy cầu Kerch, một lần và mãi mãi có thể kích động Nga leo thang vấn đề hạt nhân. Còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn đang từ chối gửi cho Kiev tên lửa Taurus, loại tên lửa giống như Storm Shadow nhưng có đầu đạn tốt hơn có thể phá huỷ các cây cầu, vì lý do tương tự.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cảnh sát vừa kết thúc điều tra về cái chết của người tố giác Boeing John Barnett, 62 tuổi. Ông Barnett được phát hiện đã chết trong một chiếc xe vào ngày 9/3 ở Charleston, Nam Carolina.

Trí tuệ nhân tạo AI và biến đổi khí hậu đang khiến người lao động trên toàn cầu phải đối mặt với nhiều thách thức. Hàng loạt các công ty lớn trong các ngành công nghệ, truyền thông, tài chính và bán lẻ đã tuyên bố cắt giảm nhiều vị trí nhân sự trong năm 2024. Thực tế rõ ràng là ngày càng có rất nhiều thách thức đang tác động tới người lao động toàn cầu.

Một tập đoàn thương mại gia vị Ấn Độ cho biết xuất khẩu gia vị có thể giảm 40% sau khi hai thương hiệu lớn vướng phải cáo buộc sử dụng thuốc trừ sâu mà tập đoàn này cho là an toàn, nhưng những thương hiệu khác lại cho là gây ung thư nếu tiếp xúc trong thời gian dài.

Ngày 18/5, Bộ Quốc phòng Nga thông báo các lực lượng của họ đã kiểm soát được làng Starytsia ở khu vực Kharkov, 8 ngày sau khi lực lượng Nga bắt đầu tiến vào khu vực này. Các đơn vị thuộc nhóm tác chiến phía Bắc đã chủ động tiến công, giành kiểm soát ngôi làng và tiến sâu hơn vào hàng phòng thủ của đối phương.

Bộ trưởng nội các chiến tranh của Israel, ông Benny Gantz, yêu cầu Thủ tướng Netanyahu cam kết thực hiện một tầm nhìn đã được thống nhất về cuộc xung đột ở Gaza, bao gồm việc quy định ai có thể quản lý vùng lãnh thổ này sau cuộc chiến với Hamas.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thừa nhận những khó khăn mà Kiev đang gặp phải trong bài phỏng vấn với hãng tin AFP.