San hô trải qua thời kỳ tẩy trắng tồi tệ nhất
Sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt toàn cầu lần 4
San hô là động vật biển tồn tại dưới dạng các thể polip nhỏ, thường sống thành các quần thể gồm nhiều cá thể giống hệt nhau. Tẩy trắng san hô diễn ra khi nhiệt độ đại dương ấm lên vượt quá ngưỡng mà san hô có thể chịu đựng được. Khí thải nhà kính và biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nước biển ấm lên. Nhiệt độ biển này khiến san hô thải ra các loại tảo đầy màu sắc sống trong các mô của chúng, dẫn đến việc san hô mất đi sức sống và màu sắc.
Hầu hết san hô sống ở vùng nước nông, nơi hiện tượng nóng lên do khí hậu là rõ rệt nhất. Nếu nước mát lên, san hô đôi khi có thể phục hồi, nhưng áp lực nhiệt quá cao có thể dẫn đến việc san hô chết hàng loạt, đe dọa đến nhiều loài sinh vật biển và chuỗi thức ăn phụ thuộc vào chúng.
Nếu các điều kiện cải thiện, quần thể san hô có thể phục hồi. Nhưng khi san hô chết hoàn toàn, nghĩa là toàn bộ quần thể san hô chết, điều này xảy ra ở hầu hết các khu vực bị tẩy trắng. Về cơ bản sẽ không thể tái sinh quần thể san hô đó. Trong những năm tiếp theo, tùy theo loài, san hô sẽ bắt đầu xuống cấp do bị xói mòn. Có thể phải mất mười, hai mươi năm mới thấy được những hậu quả này.
Ông Lorenzo Alvarez - Filip - Nhà khoa học về san hô.
Để được coi là sự kiện mang tính chất toàn cầu, hiện tượng tẩy trắng hàng loạt phải được ghi nhận từ nhiều vùng biển trên thế giới trong khoảng thời gian 365 ngày. Suốt 1 năm qua, tẩy trắng hàng loạt đã được báo cáo ở các khu vực bao gồm Florida và vùng Caribe, Mexico, Brazil, Australia, Nam Thái Bình Dương, Biển Đỏ, Vịnh Ba Tư, Indonesia và Ấn Độ Dương bao gồm bờ biển phía Đông châu Phi và Seychelles.
Đây là sự kiện tẩy trắng toàn cầu lần thứ tư trên thế giới và là lần thứ hai trong thập niên qua. Những lần tẩy trắng được ghi nhận trước đây là vào năm 1998, 2010 và giữa những năm 2014 - 2017.
Tình trạng tẩy trắng san hô nghiêm trọng đáng kể đã được báo cáo ở ít nhất 54 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu kể từ tháng 2 năm 2023. Số lượng khu vực rạn san hô trên khắp hành tinh đang phải chịu áp lực nhiệt độ tẩy trắng đang tăng lên mỗi tuần, vì vậy có khả năng trong một vài tuần nữa, sự kiện lần này sẽ chính thức trở thành thời kỳ tẩy trắng san hô lớn nhất và tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử.
Ông Derk Manzello - Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA).
12 tháng vừa qua là thời điểm nóng nhất được ghi nhận trên Trái Đất và nhiệt độ đại dương đã tăng vọt. Theo dữ liệu từ Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu liên tục đạt mức cao kỷ lục vào tháng 2 và tháng 3 năm nay.
Trong một báo cáo năm 2022 của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, các chuyên gia xác định rằng chỉ cần nhiệt độ ấm lên 1,2 độ C là đủ để tác động nghiêm trọng đến các rạn san hô. Đến nay, thế giới đã ấm lên khoảng 1,2 độ C. Các chuyên gia cũng dự đoán rằng khi nhiệt độ tăng lên 2 độ C, mức mà thế giới có thể đạt vào năm 2050, khoảng 99% san hô trên Trái Đất sẽ chết.
Ngoài việc là môi trường sống thiết yếu cho sinh vật biển, các rạn san hô còn đóng vai trò quan trọng đối với các cộng đồng ven biển trên thế giới bởi chúng hoạt động như một hệ thống phòng thủ chống lại mối đe dọa từ lũ lụt do bão và mực nước biển dâng, đồng thời cung cấp sinh kế và nguồn thực phẩm quan trọng cho khoảng một tỷ người trên toàn cầu. Theo đánh giá của mạng lưới khoa học Sáng kiến Rạn san hô Quốc tế (ICRI), các rạn san hô ước tính cung cấp nguồn lợi kinh tế khoảng 2,7 nghìn tỷ USD mỗi năm - với những lợi ích như thu hút khách du lịch, bảo vệ cộng đồng ven biển khỏi nước biển dâng và hỗ trợ nghề cá ven biển.
Khủng hoảng khí hậu - nguyên nhân dẫn đến thảm họa đại dương
Không chỉ nhiệt độ đại dương ấm lên đang ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển. Nghiên cứu mới cho thấy các hiện tượng cực lạnh đang gia tăng và gây ra cái chết hàng loạt cho nhiều sinh vật biển. Và chính tình trạng ô nhiễm làm hành tinh nóng lên đang gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu, là nguyên nhân dẫn đến những thảm họa dưới đại dương.
Các đại dương trên thế giới đã phải hứng chịu sức nóng chưa từng thấy trong năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh vật biển. Hàng tỷ con cua biến mất ở phía Bắc Thái Bình Dương; sư tử biển và cá heo liên tục bị dạt vào bờ biển; các rạn san hô bị tẩy trắng hàng loạt. Bên cạnh đó, các hiện tượng nước trở nên cực kỳ lạnh - xảy ra khi gió mạnh và dòng hải lưu mang các khối nước lạnh lên bề mặt đại dương và thay thế lượng nước ấm ở đó - cũng trở nên thường xuyên và dữ dội hơn, đe dọa hệ sinh thái.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change cho biết biến đổi khí hậu không chỉ làm Trái Đất nóng lên mà còn thay đổi cách thức hoạt động của các đại dương. Các nhà nghiên cứu đã phân tích các sự kiện nước dâng ở dòng hải lưu Agulhas ở Ấn Độ Dương và dòng hải lưu Đông Australia, sử dụng dữ liệu nhiệt độ bề mặt nước biển trong 41 năm và hồ sơ gió trong 33 năm để xem mức độ cực lạnh của đại dương có thể nguy hiểm đến mức nào. Theo đó, tỷ lệ khiến sinh vật biển chết của một đợt lạnh có thể liên quan đến tốc độ giảm nhiệt độ. Nếu đợt nước lạnh kéo dài nhiều ngày, vốn xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, thì các động vật biển bao gồm rùa và nhiều loài cá có thể bị hạ thân nhiệt và trục trặc sinh lý, cuối cùng là chết.
Ajit Subramaniam, Giáo sư Trường Khí hậu thuộc Đại học Columbia, Mỹ, cho biết những phát hiện này cung cấp lời giải thích rất hợp lý cho nhiều hiện tượng cá chết hàng loạt bất ngờ ở biển mà con người đã chứng kiến trên khắp thế giới. Ông nhấn mạnh đây là bằng chứng cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp và lan rộng.
Australia sử dụng AI để giám sát rạn san hô Great Barrier
Giới chuyên gia cảnh báo sẽ có thêm nhiều rạn san hô bị tẩy trắng trong năm nay, khi Trái Đất chuẩn bị trải qua một mùa hè với những mức nhiệt nóng kỷ lục mới. Trong bối cảnh này, nỗ lực cứu lấy san hô đang được đẩy mạnh. Tại Australia, các nhà khoa học đang ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để theo dõi rạn san hô nổi tiếng Great Barrier, trong khi chính phủ và người dân ở Thái Lan và Philippines thực hiện các dự án phục hồi san hô để nâng cao nhận thức cộng đồng.
Viện Khoa học Hàng hải Australia (AIMS) sử dụng một thiết bị không người lái dưới nước tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI) để giúp khảo sát rạn san hô Great Barrier khi cấu trúc khổng lồ này đang trải qua một sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt.
Thiết bị có tên Hydrus cho phép các nhà khoa học tiến hành các cuộc khảo sát thường xuyên và chính xác hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với rạn san hô. Hoạt động hoàn toàn tự động và không cần truy cập Internet hoặc GPS, Hydrus có phạm vi hoạt động 9km ở độ sâu lên tới 3000m trong tối đa 3 giờ, có thể quay video 4k đồng thời phân tích dữ liệu. Nó có modem âm thanh, sóng siêu âm hướng về phía trước, và điều hướng được hỗ trợ bởi AI.
Chúng tôi đang nghiên cứu lập bản đồ san hô với Viện Khoa học Hàng hải Australia. Các nhà khoa học muốn có được những hình ảnh chi tiết về san hô, theo dõi sự thay đổi của nó theo thời gian. Một trong những lợi ích của hệ thống robot là nó luôn quay trở lại cùng một vị trí. Và mỗi lần nó đều chụp ảnh từ cùng một hướng. Con người rất khó làm được điều này.
Ông Peter Baker – Giám đốc Công ty Advanced Navigation, nhà sản xuất Hydrus.
Hydrus sử dụng phép quang trắc để tạo ra các mô hình kỹ thuật số 3D của một khu vực hoặc cấu trúc bằng cách xây dựng các lớp hình ảnh 2D. Dữ liệu cuối cùng có thể tạo ra toàn bộ bản đồ kỹ thuật số của rạn san hô, có thể sử dụng để theo dõi những thay đổi nhỏ nhất của san hô dù đó là sự tăng trưởng hay suy thoái.
Trải dài khoảng 2.300 km dọc theo bờ biển phía Đông Bắc Australia, rạn san hô Great Barrier đã chứng kiến sáu đợt tẩy trắng cục bộ kể từ năm 1998. Bằng cách sử dụng công nghệ mới, các nhà khoa học sẽ theo dõi được sát sao hơn biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến Great Barrier như thế nào.
Thái Lan, Philippines nỗ lực nuôi trồng san hô
Các nhà khoa học Thái Lan đang tận dụng mùa sinh sản để khôi phục lại các rạn san hô. Những đốm nhỏ này là giao tử do san hô giải phóng - một phần của chu kỳ sinh sản hữu tính xảy ra mỗi năm một lần, được kích hoạt bởi các tín hiệu từ chu kỳ mặt trăng, nhiệt độ nước, thủy triều và dòng chảy.
Trong trang phục lặn, các nhà khoa học từ Bộ Tài nguyên Biển và Bờ biển Thái Lan đã chờ đợi thời điểm này, gấp rút thu thập giao tử san hô để đưa về phòng thí nghiệm nuôi dưỡng cho đến khi chúng đủ trưởng thành để đưa trở lại biển. Việc thụ tinh phải được thực hiện sớm dưới ánh đèn đỏ mô phỏng ánh trăng. Sự chậm trễ có thể dẫn đến giảm tỷ lệ thụ tinh. Sau 72 giờ, giao tử được thụ tinh thành công sẽ được chuyển sang môi trường thích hợp để tiếp tục phát triển.
Nỗ lực nhân giống san hô do chính phủ Thái Lan khởi xướng từ năm 2016. Các rạn san hô dọc theo phía Nam đảo Man Nai là khu vực thử nghiệm chính. Đây là một trong những rạn san hô ven biển đa dạng nhất Thái Lan, nơi sinh sống của hơn 98 loài san hô và rất nhiều sinh vật biển. Dù quá trình nuôi trồng rất chậm vì san hô non cần từ 3 đến 5 năm để phát triển trước khi chúng đủ khỏe để chuyển xuống đáy biển, nhưng tỷ lệ sống sót của san hô nuôi trong phòng thí nghiệm rất cao, vào khoảng 90%. Sau 8 năm, ước tính hơn 4.000 quần thể san hô xung quanh đảo Man Nai đã được phục hồi. Tuy nhiên, phần san hô được khôi phục mới chỉ đạt khoảng 7,2 ha, chiếm một phần rất nhỏ so với diện tích san hô bị hư hại, khoảng 16,64 ha.
Tại Philippines, người dân và các cộng đồng ven biển cũng chung tay bảo vệ san hô. Trong những năm qua, bà Carmela Sevilla – một huấn luyện viên lặn biển và chủ sở hữu một khu nghỉ dưỡng địa phương, đã bắt đầu trồng các vườn ươm san hô cho những rạn san hô bị hư hại trên khắp bờ biển ở thị trấn Bauan. Mặc dù dự án vẫn còn ở dạng thử nghiệm và tốc độ tăng trưởng thực tế của san hô được cứu là rất chậm, chỉ một hoặc hai cm mỗi năm, Sevilla và nhóm của bà hy vọng sẽ đưa san hô được giải cứu trở lại tự nhiên sau khi chúng phục hồi đáng kể, một quá trình có thể mất nhiều năm.
Quần thể san hô đa dạng của Bauan thường xuyên phải hứng chịu những thiên tai như bão và ảnh hưởng từ hoạt động của con người như rác thải nhựa và đánh bắt bằng thuốc nổ - những yếu tố không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái địa phương mà còn cả ngành du lịch. Sevilla lo sợ rằng ngôi nhà xinh đẹp Bauan một ngày nào đó có thể bị hủy hoại, khi san hô không còn nữa. Bà biết rằng vườn ươm không thể ngăn chặn được biến đổi khí hậu, nhưng hy vọng sẽ cứu được ít nhất một phần nhỏ san hô.
Philippines nằm trong tam giác san hô ở châu Á - Thái Bình Dương và là ngôi nhà của hơn 600 loại san hô và 2.000 loài cá. Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ dự báo nước này có thể trải qua một số hiện tượng tẩy trắng san hô trong ba tháng tới.
Hiện tượng El Nino đã góp phần làm tăng nhiệt độ đại dương chưa từng có trong năm qua, dẫn tới tình trạng san hô toàn cầu bị tẩy trắng hàng loạt. Dự báo La Nina có thể diễn ra đến từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, khiến nước biển mát hơn và mang lại tia hy vọng cho các rạn san hô. Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý rằng hiện tượng tẩy trắng vẫn từng xảy ra vào thời kỳ La Nina trong quá khứ. Do đó, biện pháp chính duy nhất để bảo vệ san hô là ngăn chặn phát thải khí nhà kính, giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0