Sẽ có một cơn địa chấn trong ngành công nghiệp chip?

Cuối tuần qua, tin tức về gã khổng lồ chip Qualcomm của Mỹ lên kế hoạch mua lại Intel, một gã khổng lồ chip khác hiện đang gặp khó khăn nghiêm trọng, đã gây ra cơn địa chấn trong toàn bộ ngành công nghiệp này.

Tin tức liên quan lần đầu tiên được tờ Tạp chí phố Wall đưa tin vào thứ Sáu tuần trước. Giá cổ phiếu của Intel ngay lập tức phục hồi, tăng 8% kể từ khi chứng khoán Mỹ đóng cửa vào thứ Sáu tuần trước. Tờ tạp chí phố Wall cho biết, Qualcomm gần đây đã có ý định mua lại Intel. Tuy nhiên, tờ Thời báo tài chính của Anh sau đó tiết lộ rằng thương vụ mua lại Intel của Qualcomm còn lâu mới hoàn tất và Qualcomm chưa bao giờ “chính thức” bày tỏ ý định mua lại Intel.

Việc mua lại khả thi như thế nào?

Cổ phiếu Intel đã giảm 50% kể từ đầu năm khiến công ty phải vật lộn với rủi ro từ những kẻ thâu tóm tiềm năng và mối đe dọa từ các cổ đông đối địch.

Nhiều phương tiện truyền thông tài chính đưa tin rằng, giá trị thị trường hiện tại của Intel đạt 93 tỷ USD. Nếu Qualcomm thực sự mua lại Intel, thương vụ này dự kiến ​​sẽ vượt qua thương vụ Microsoft mua lại công ty game Activision Blizzard của Mỹ với giá 69 tỷ USD và trở thành thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ. Theo Thời báo tài chính, các nguồn tin tiết lộ Intel đang cùng với ngân hàng Goldman Sachs và ngân hàng Morgan Stanley đánh giá ý định mua lại của Qualcomm. Một số nguồn tin cũng cho biết, Intel thực sự đang xem xét các phương án bán tài sản khác nhau và Qualcomm đã nảy sinh ý tưởng mua lại toàn bộ Intel sau khi cân nhắc mua lại một số tài sản khác nhau của Intel.

Qualcomm, hiện có giá trị thị trường là 188 tỷ USD, được cho là đang hợp tác với ngân hàng đầu tư Evercore để đánh giá xem bước tiếp theo nên áp dụng chiến lược nào đối với Intel.

Intel đang đối mặt với tin đồn bị mua lại. Nguồn: Reuters

Phân tích của hãng tin Axios (Mỹ) cho rằng, thương vụ mua lại Intel của Qualcomm sẽ gặp phải thách thức rất lớn. Trước hết, việc mua bán và sáp nhập đòi hỏi nguồn vốn rất lớn nhưng Qualcomm vẫn chưa tiết lộ nguồn vốn cho việc mua bán và sáp nhập này. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà thương vụ mua này đối mặt sẽ đến từ các cơ quan quản lý chống độc quyền. Năm 2017, gã khổng lồ chip Broadcom đã cố gắng mua lại Qualcomm, nhưng Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã chặn thương vụ này vào năm 2018 vì lý do an ninh quốc gia. Hãng tin Axios thậm chí còn dự đoán rằng một khi Qualcomm chính thức khởi động quá trình mua lại Intel, giao dịch này chắc chắn sẽ trở thành vụ kiện chống độc quyền quan trọng nhất trên bàn làm việc của vị Tổng thống mới nhậm chức sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.

Ngay khi tin tức về khả năng mua lại Intel đang lan rộng, Bloomberg dẫn nguồn tin vào ngày 22/9 cho biết, Công ty quản lý tài sản của Mỹ Apollo Global Management đã đề nghị đầu tư vào Intel và quy mô đầu tư có thể lên tới 5 tỷ USD. Một số phương tiện truyền thông giải thích động thái này như một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào "sự thay đổi hoàn toàn" của Intel.

Tại sao “chúa tể” lại trở thành mục tiêu bị mua lại?

Dù tin đồn chưa được xác nhận nhưng tình trạng khó khăn của Intel là có thật. Intel từng là hãng chip hàng đầu thế giới nhưng đã sa sút dần trong những năm gần đây, đặc biệt là trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI).

Intel tuyên bố hoãn xây dựng nhà máy. Ảnh chụp tại công trường của họ ở Magdeburg, Đức

Reuters từng tiết lộ Intel hy vọng dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh trí tuệ nhân tạo nhưng lại tự nguyện từ bỏ cơ hội. Các nguồn tin cho biết cách đây 7 năm, Intel đã liên hệ với OpenAI, công ty mới thành lập và ít được biết đến vào thời điểm đó. Hai bên đã đàm phán trong vài tháng về việc Intel mua 15% vốn cổ phần của OpenAI với giá 1 tỷ USD tiền mặt. Intel cuối cùng đã quyết định từ bỏ thương vụ này. Một lý do quan trọng là Giám đốc điều hành Intel khi đó là Bob Swan tin rằng sẽ khó đưa các mô hình trí tuệ nhân tạo ra thị trường trong thời gian ngắn và sẽ khó nhận được lợi tức đầu tư.

Các giám đốc điều hành và chuyên gia trong ngành của Intel cho biết trong các cuộc phỏng vấn rằng, việc từ bỏ hợp tác với OpenAI là “sự bất hạnh chiến lược” của Intel, đồng thời hàng loạt “bất hạnh chiến lược” trong những năm qua cũng khiến Intel, một công ty hàng đầu trong kỷ nguyên PC, phải chật vật trong cuộc chiến thời đại trí tuệ nhân tạo. Thời báo Phố Wall chỉ ra rằng Intel thực sự đã gặp phải một số trở ngại trong việc sản xuất chip trước khi bùng nổ trí tuệ nhân tạo. Công nghệ chip của đối thủ Nvidia rất phù hợp với nhu cầu trí tuệ nhân tạo, trong khi công nghệ của Intel lại bị bỏ qua.

Trong Quý II năm nay, Intel đã chịu khoản lỗ khổng lồ 1,6 tỷ USD. Vào tháng 8, hãng này đã tiến hành sa thải quy mô lớn. Đầu tháng này, có thông tin tiết lộ rằng họ đã đề xuất kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm nỗ lực tự cứu mình. Một cựu thành viên hội đồng quản trị Intel nói với Reuters rằng các biện pháp mà công ty thực hiện là chưa đủ và đã quá muộn.

Chấn động ngành công nghiệp

Tất cả các bên cũng đang chú ý và nghiên cứu trước tác động của việc sáp nhập tiềm năng này đối với ngành. Ngày 21/9, Fast Company đã phân tích rằng Qualcomm, công ty hiện chuyên về chip điện thoại di động, cần phải đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình. Việc mua lại Intel sẽ ngay lập tức biến họ trở thành nhà sản xuất bộ xử lý máy tính và máy chủ lớn nhất, đồng thời sẽ mang lại cho họ quyền tiếp cận các nhà máy sản xuất chip mà họ chưa từng có. Vì vậy, Đài Loan (Trung Quốc) đang vô cùng chú ý đến thương vụ mua lại tiềm năng này.

Qualcomm bị đồn muốn mua lại tập đoàn intel

Tuy nhiên, tờ "Economic Daily" của Đài Loan tin rằng, ngay cả khi Qualcomm mua lại Intel, họ cũng sẽ không thu hồi được các đơn đặt hàng chip đã phát hành cho tập đoàn TSMC, vì công nghệ và tỷ suất lợi nhuận của Intel kém xa TSMC nên việc mua lại sẽ ít ảnh hưởng đến TSMC. Fast Company cũng chỉ ra rằng, dù việc Qualcomm mua lại Intel sẽ hình thành một hãng chip lớn nhưng hai công ty này vẫn sẽ khó có thể thách thức được Nvidia, công ty dẫn đầu chip trí tuệ nhân tạo về mặt kỹ thuật.

Fast Company cho rằng trong bối cảnh phát triển cái gọi là "công nghệ AI biên", Qualcomm có thể nhìn thấy cơ hội triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo trên các thiết bị di động nội địa để đánh bại Nvidia, vốn không có công nghệ chip trí tuệ nhân tạo di động. Intel có năng lực vượt trội trong lĩnh vực đóng gói chip, điều này có thể giúp Qualcomm tạo ra các chip trí tuệ nhân tạo di động mạnh mẽ hơn. Đây có thể là điểm Qualcomm cân nhắc sâu hơn về việc mua lại Intel.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cảnh sát Đức đã tiến hành một cuộc đột kích quy mô lớn, bắt giữ ít nhất 4 nghi phạm trong đường dây buôn người xuyên quốc gia vào ngày 24/9.

Cơ quan Tư pháp bang California của Mỹ đã đệ đơn kiện Tập đoàn dầu khí ExxonMobil, cáo buộc tập đoàn này đã thực hiện một chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ để đánh lừa công chúng về khả năng tái chế nhựa, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Các cuộc tấn công và phản công giữa Israel và Hezbollah ngày càng tăng đã làm dấy lên nỗi lo sợ về một cuộc chiến tranh toàn diện. Israel có sức mạnh quân sự để tàn phá Beirut và các khu vực khác của Liban như đã làm ở Gaza, còn lực lượng Hezbollah dù đã suy yếu cũng có thể bắn hàng nghìn tên lửa vào các địa điểm chiến lược của Israel.

Các nhà khảo cổ học vừa phát hiện hóa thạch của ba con voi răng mấu (mastodon) sống trong Kỷ Băng hà tại dãy núi Andes của Peru, mở ra nhiều câu hỏi về hành trình di cư của loài động vật khổng lồ này.

Căng thẳng giữa phong trào Hezbollah của Liban và Israel đã tồn tại suốt gần nửa thế kỷ qua. Mâu thuẫn bùng phát trở lại trong những tháng gần đây sau cuộc tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine sang lãnh thổ Israel ngày 7/10 năm ngoái và cuộc chiến của Israel ở dải Gaza.

Tổng thống Iran Masoud Pezeskian khẳng định, quốc gia này sẽ không mắc bẫy Israel để bị cuốn vào một cuộc chiến toàn diện tại khu vực Trung Đông.