Sẽ hỗ trợ sinh con thứ hai ở vùng mức sinh thấp

Hiện tại, nhiều địa phương xảy ra tình trạng mức sinh thấp, vì vậy Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai và miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học... tại các khu vực này.

Việt Nam đối mặt với mức sinh thấp

Tại Hội thảo mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, do Cục Dân số (Bộ Y tế) và Hội sản phụ khoa Việt Nam phối hợp tổ chức vào hôm qua (10/11) tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, nước ta đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, tập trung ở khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung. 

Các tỉnh mức sinh thấp có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước. Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển, mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh quốc gia về lương thực.

ThS.BS Mai Trung Sơn, Cục Dân số cho biết thêm: "Mức sinh tại khu vực Đông Nam Bộ giảm xuống rất thấp, còn 1,56, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là 1,8. Nếu mức sinh này giảm xuống dưới 1,3 thì hầu như không có khả năng hồi phục về mức sinh thay thế". 

Để giải quyết chênh lệch mức sinh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng có quyết định số 2324/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện, trong đó nêu rõ cần đạt mục tiêu đến năm 2030 của vùng mức sinh thấp là tăng 10% tổng tỉ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới hai con).

Đề xuất hỗ trợ tiền cho phụ nữ sinh con thứ hai, nhằm tăng mức sinh. Ảnh: Độc Lập

Đề xuất hỗ trợ cho phụ nữ khi sinh con thứ hai 

Tại hội thảo, đại diện Cục Dân số cho biết, đang tham mưu xây dựng dự thảo Luật Dân số, trong đó đề xuất các biện pháp của nhà nước khuyến khích sinh đủ hai con tại tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Theo đó, có bốn biện pháp là:

Thứ nhất, đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai. Mục đích là trong quá trình mang thai phụ nữ cần nghỉ làm, bồi dưỡng sức khỏe. Cùng đó, đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học...

Thứ hai, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình được hưởng các chính sách khuyến khích xã hội hoá trong lĩnh vực y tế.

Thứ ba, xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, chăm sóc và nuôi dạy con tốt, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình.

Thứ tư, quy định trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động đối với người lao động nuôi con nhỏ và các biện pháp khác.

Các tỉnh, thành có mức sinh thấp cũng cần rà soát, bãi bỏ các chính sách khuyến khích sinh ít con, mà cần khuyến khích sinh đủ hai con. Các chuyên gia cho rằng, những chính sách can thiệp mức sinh buộc phải khác biệt cho các vùng, miền, địa phương, không thể "cào bằng". Mức sinh thấp để lại hệ lụy lâu dài, chi phí chăm sóc sức khỏe và chi phí xã hội khác cao hơn. Lượng người lao động, công nhân ít hơn cũng làm giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, ít người tiêu dùng, từ đó khiến tăng trưởng kinh tế thấp hơn và mức sống giảm đi.

Nhiều quốc gia đối diện tình trạng mức sinh giảm thấp đã liên tục đưa ra các biện pháp ngăn đà giảm. Như Hàn Quốc, kỷ lục về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, chính phủ tăng gấp ba lần số tiền chi trả cho hoạt động khuyến sinh, tăng mạnh trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Tại Hungary, phụ nữ sinh bốn con trở lên không phải đóng thuế thu nhập cá nhân suốt đời./.

(Tổng hợp)

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

user image
user image
User
Ý KIẾN

Theo Cục Y tế dự phòng, gần đây, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A(H5/N1), Covid-19 tại một số quốc gia như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia...

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã mổ cấp cứu thành công cho nam thanh niên 34 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội bị thanh sắt dài 40 cm đâm xuyên qua vùng bẹn xuyên qua bờ trên khớp háng và xuyên thủng ra sau mông bên phải. Dự kiến khoảng hai tuần nữa bệnh nhân có thể xuất viện.

Tuần qua (từ ngày 24/11 đến 1/12), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 1.715 trường hợp sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã, đã giảm hơn 520 ca so với tuần trước đó.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin về dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp tại nhiều quốc gia đang diễn biến phức tạp, Việt Nam đang trong giai đoạn vào mùa Đông - Xuân, thời tiết chuyển mùa, thay đổi thất thường là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã phẫu thuật nội soi một lỗ thành công cho bé gái bốn tuổi người Austalia bị nang ống mật chủ. Sau phẫu thuật, cháu bé phục hồi nhanh và đã được xuất viện.Việc thực hiện thành công kỹ thuật này đã đánh dấu bước tiến mới của của nền phẫu thuật Nhi ở Việt Nam và mang tầm Quốc tế.