Sinh mệnh dài bao lâu?
Có người nói, tuổi thọ trung bình của con người ngắn khoảng mấy chục năm. Có người nói đời người giống như hoa cỏ. Mùa xuân thì đâm chồi nảy lộc rực rỡ như gấm, mùa đông thì héo úa tàn khô. Có người lại còn ví đời người giống như sinh vật phù du, như giọt sương sớm mai tinh khôi và đẹp đẽ, nhưng chỉ cần mặt trời ló dạng chiếu sáng, trong nháy mắt đã tan biến.
Có một lần, có người nói với tôi, đời người dường như rất dài nhưng cũng lại rất ngắn, chỉ gói gọn trong một hơi thở. Khi ta thở ra rồi hít vào, khoảnh khắc này gọi là sự sống. Nhưng khi thở ra và không hít trở lại được, giây phút này gọi là cái chết. Quả thực, tôi cũng cảm thấy sinh mệnh của chúng ta không phải 30 năm, không phải 70 năm, mà chỉ dài bằng một hơi thở. Cuộc sống ngắn ngủi là vậy, làm thế nào để có thể trân trọng và nâng niu từng phút giây đang có, để chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc và tràn đầy niềm vui?
Tôi lên Hồ Gươm vào những buổi sáng sớm, thường thấy những cụ ông, cụ bà dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng vẫn tập các động tác thể dục hoặc chậm rãi, thư thả dạo bộ, vừa đi vừa trò chuyện trong khung cảnh tinh khôi của Hồ Gươm. Dưới chân tượng đài Lý Thái Tổ là những nhóm thanh niên với những bài tập Erobic đầy hứng khởi. Những tốp người tuổi trung niên cả nam và nữ, đạp xe quanh bờ hồ, thư thái và tràn đầy năng lượng. Tôi có cảm giác những con người ấy, dù tuổi tác không giống nhau, nghề nghiệp khác nhau, có cuộc sống riêng, số phận riêng, nhưng họ có một điểm chung, đó là đã biết bỏ lại những lo toan từ guồng quay của cuộc sống để tĩnh tâm, để chăm sóc bản thân và được là chính mình. Họ đang biết nắm bắt từng phút giây, từng khoảnh khắc của cuộc sống. Ẩn sâu trong những con người ấy, chắc hẳn sẽ là sự cần cù, can đảm, tinh tấn, lạc quan và yêu đời. Đó cũng là những điều mà tôi luôn hướng tới và mong muốn đạt được.
Cuộc sống là hữu hạn, chính vì thế nó mới trở nên vô cùng quý giá. Độ dài và chiều sâu của cuộc sống phụ thuộc vào sự kiểm soát của chúng ta. Không ai có thể nói cho ta biết làm thế nào để sử dụng cuộc sống của mình một cách đầy ý nghĩa. Không ít người trong chúng ta luôn tiếc nuối về quá khứ và lo lắng về tương lai. Nhưng quá khứ thì đã trôi qua không thể thay đổi. Tương lai còn chưa đến, không thể đoán định. Chúng ta chỉ có thể nắm bắt và kiểm soát hiện tại. Do đó, việc duy nhất mà chúng ta có thể làm là trân trọng hiện tại để trong tương lai không phải hối tiếc. Nhưng dường như, đó lại đang là một điều rất khó khăn với bạn, với tôi.
Sau một ngày vất vả, kiệt sức và làm việc quá giờ, tôi thường mong muốn mình có thể dừng lại, để xem xét bản thân. Lúc đó tôi thường nghĩ, mục đích của sự bận rộn như vậy là gì? Ý nghĩa cuộc sống của tôi như thế nào và giá trị cuộc sống của tôi là gì? Tôi chợt nhận ra rằng, biết trân trọng và tận hưởng mọi thứ mình đang có chính là ý nghĩa của cuộc sống. Trên đời này sẽ không ai có thể gây phiền phức cho ta, ngoại trừ chính ta. Có người đã cho tôi một lời khuyên, đời người ngắn ngủi, đừng hoài niệm, u buồn với quá khứ, cũng đừng lo lắng về tương lai, xem nhẹ được mất thì niềm vui và hạnh phúc sẽ tự nhiên theo về./.
Mới hôm nào, tháng mười hai về trong cái rét dịu nhẹ của đất trời, trong những cơn gió lạnh đầu mùa, và trong cái không khí tất bật của những ngày cuối năm. Ở thành phố, người người hối hả chạy đua với thời gian, cố gắng hoàn tất những công việc còn dang dở, để chuẩn bị cho một cái Tết an lành. Mà nay, những ngày cuối cùng của tháng mười hai đang dần khép lại. Đâu đó, những chiếc lá vàng còn sót lại, nhẹ nhàng rơi xuống, như nhắc nhở người ta về những gì đã qua.
Có nhiều cách để người ta đọc vị Hà Nội khi thành phố chuyển mình sang đông, là sương giáng lá rơi, nắng hanh hao cuối trời, là hơi lạnh len lỏi qua từng lớp áo, hay cái xao xuyến trong vẻ se sắt đượm tình của cảnh và vật như thấm đẫm từng ngõ ngách con tim. Đối với riêng một người, cô ấy cảm nhận hơi thở đông về trên phố bằng cách lắng nghe cơ thể. Thời điểm hệ miễn dịch nhạy cảm gióng lên hồi chuông cảnh báo với khoang mũi ngứa ngáy và cổ họng đau rát, cô biết ngay cái lạnh đã mon men chạm ngõ. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà thành, nhưng dường như mùa đông Hà Nội và cô không hợp nhau là mấy. Ấy vậy nhưng đông Hà Nội vẫn luôn là một niềm thương, một mối tơ vương chẳng thể dứt bỏ.
Cả tuần nay, mưa và gió lạnh tràn về. Ở quê, đồng ruộng, bờ bãi nước mưa dềnh dàng, ngập tràn. Đâu đâu cũng mưa trắng trời. Chị ở quê gọi điện thoại giọng buồn thiu: Mưa mãi, biết bao giờ đất ấm để gieo vài ba vạt cải, vạt ngò, còn xuống giống sạ cấy cho vụ tới nữa. Cơn mưa trong mùa đông lạnh giá làm cho ký ức năm nào ùa về, mùa đông mà nhớ mùa đông.
Cuối tuần, khi thành phố còn chìm trong màn sương mỏng, có một người lặng lẽ thức dậy, đón chào một buổi sáng mùa đông thanh bình. Bầu trời như tấm lụa nhạt màu, nhẹ nhàng ôm lấy nhịp thở của vạn vật. Làn gió se lạnh khẽ lướt qua, tựa những ngón tay mềm mại vuốt ve làn da, mang đến cảm giác tươi mới, khó gọi thành lời.
Có người luôn tự hỏi: trong những sở thích của mình, điều gì thực sự khiến mình say mê; điều gì chỉ như ngọn lửa bập bùng, rồi vụt tắt khi gió thổi qua? Thích thì dễ, nhưng để đi đến cùng, lại là câu chuyện đòi hỏi nhiều hơn thế.
Ai từng xa Hà Nội đủ lâu hẳn sẽ có lúc thèm quay quắt tô ốc luộc bốc hơi nghi ngút, đặt bên cạnh chén nước mắm ớt, sả, gừng, lá chanh thơm nức. Có một người, xa Hà Nội đã lâu, luôn thao thức một nỗi nhớ và niềm mong mỏi được về Hà Nội ăn ốc luộc với sung.
0