Sóng gió trong ngành ngân hàng Mỹ và châu Âu

Những quan ngại về nguy cơ khủng hoảng hệ thống tài chính toàn cầu đã gia tăng những ngày qua sau sự sụp đổ của hai ngân hàng ở Mỹ và ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ là Credit Suisse. Giới chức tài chính tại châu Âu và Mỹ cũng quan ngại rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng sẽ “phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế khu vực.

Căng thẳng hệ thống tài chính Mỹ và châu Âu

Ngày 10/3, Ngân hàng Silicon Valley (SVB), một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, đã tuyên bố phá sản. Ngay sau SVB, Signature Bank (SB) - một ngân hàng lớn khác của Mỹ trong ngành công nghiệp tiền điện tử - cũng ngừng hoạt động. Diễn biến phức tạp của hệ thống ngân hàng tại Mỹ đã nhanh chóng tác động tới mạng lưới tài chính toàn cầu, khiến hầu hết thị trường chứng khoán giảm điểm, trung bình khoảng 2%. 

Trong khi thị trường tài chính toàn cầu đang "căng như dây đàn", cổ phiếu Ngân hàng Credit Suisse – ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sĩ cũng “bất ngờ lao dốc”, sau khi cổ đông lớn nhất của Credit Suisse - Ngân hàng Quốc gia Saudi (SNB), từ chối cung cấp thêm vốn cho ngân hàng Thụy Sĩ do không muốn vi phạm quy định về hạn chế tỷ lệ cổ phiếu đang sở hữu. 

Những diễn biến tiêu cực đã khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại về một kịch bản xấu có thể xảy ra đối với lĩnh vực tài chính nếu thanh khoản thắt chặt và tâm lý bất an trong lĩnh vực ngân hàng; đồng thời phát ra cảnh báo có thể xuất hiện nhiều hiệu ứng “thiên nga đen” trong thời điểm bất ổn hiện nay. “Thiên nga đen” là thuật ngữ được dùng trong kinh tế, để chỉ một sự kiện xảy ra ngoài tầm dự đoán về một tình huống thông thường và có khả năng để lại những hậu quả nghiêm trọng. 

Mặc dù thị trường tài chính toàn cầu hiện có nhiều biến động ngắn hạn hơn so với cuộc khủng hoảng năm 2008, nhưng các nhà quản lý lại có nhiều công cụ giúp định hướng thanh khoản. Do đó, theo công ty tài chính Capital Economics (Anh), rất ít khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính tương tự. Bởi cốt lõi của hệ thống ngân hàng ở Mỹ và hệ thống ngân hàng toàn cầu được vốn hóa tốt hơn nhiều, có mức thanh khoản lớn hơn và thường xuyên được các giám sát viên tài chính sát hạch.

Các gói cứu trợ khẩn cấp

Cho tới nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã hỗ trợ trực tiếp gần 200 tỷ USD. Để đảm bảo tất cả các khoản tiền gửi tại SVB và Ngân hàng Signature, FED đang chịu trách nhiệm với số tiền 140 tỷ USD. FED cũng đã chấp thuận cho các ngân hàng khác vay số tiền kỷ lục trong tuần này. Cụ thể, các ngân hàng đã vay gần 153 tỷ USD từ FED trong những ngày gần đây, phá vỡ kỷ lục trước đó là 112 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng năm 2008. Ngoài ra, các ngân hàng còn vay gần 12 tỷ USD từ chương trình cho vay khẩn cấp mà FED mới thành lập vào đầu tuần- để ngăn chặn nhiều ngân hàng sụp đổ thêm. Hiện tổng số tiền mà FED đã cho hệ thống tài chính vay đã lên tới 318 tỷ USD, nhưng con số này được cho là chỉ bằng khoảng một nửa số tiền trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn 1 thập kỷ.  

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã bơm 54 tỷ USD cho ngân hàng Credit Suisse dưới hình thức cho vay khẩn cấp. Tuy nhiên, chiếc “phao cứu sinh” dường như chưa đủ sức mạnh để trấn an các nhà đầu tư, khi hơn 450 triệu USD tiếp tục bị rút khỏi các quỹ do Credit Suisse quản lý ở châu Âu và Mỹ. Ngay sau đó, chính phủ Thụy Sĩ đã phải thúc đẩy ngân hàng lớn nhất tại Thụy Sĩ - UBS đạt thỏa thuận mua Credit Suisse với giá 3,25 tỷ USD, để cứu vãn tình hình. 

Ngoài ra, chính phủ Thụy Sĩ cho biết họ sẽ cung cấp hơn 9 tỉ USD để bù đắp một số tổn thất mà UBS có thể phải gánh chịu khi mua lại Credit Suisse. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng cung cấp hơn 100 tỉ USD thanh khoản cho UBS để tạo thuận lợi cho thỏa thuận. Trong khi đó, ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ hỗ trợ các ngân hàng khu vực đồng Euro bằng các khoản vay nếu cần.

Một diễn biến tích cực khác trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng ngân hàng toàn cầu là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và một loạt ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ đã triển khai cơ chế phối hợp đặc biệt để cải thiện khả năng tiếp cận thanh khoản của các ngân hàng. Theo đó, để cải thiện hiệu quả hoạt động hoán đổi tiền tệ bằng đồng USD, các thể chế tài chính đang cung cấp các hoạt động bằng đồng đô la Mỹ đã nhất trí sẽ thực hiện hoạt động đáo hạn hàng ngày thay vì hằng tuần như hiện nay.  

Các biện pháp mới kể trên sẽ bắt đầu ngay từ tuần này và kéo dài cho tới ít nhất là cuối tháng 4, nhằm giúp các ngân hàng trung ương ngoài Mỹ tiếp cận nhiều hơn với đồng USD. Được biết, hồi năm 2020, FED cũng đã cung cấp và sau đó mở rộng cơ chế hoán đổi tương tự khi đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng tiền mặt toàn cầu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Trái đất và nhựa” nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Đây là tiến trình chuyển giao lãnh đạo đã được lên kế hoạch từ lâu của Singapore, và được Thủ tướng Lý Hiển Long gọi là thời khắc quan trọng.

Theo các nhà phân tích cuộc tấn công vào Iran vào sáng sớm thứ Sáu (19/4) theo giờ địa phương có thể nhằm mục đích vừa là một cách để trả đũa vừa là một thông điệp cảnh báo. Vụ việc không làm leo thang tình hình, nhưng những căng thẳng, mâu thuẫn giữa hai nước thì vẫn còn đó.

2024 là năm quan trọng của Ấn Độ với cuộc tổng tuyển cử có quy mô lớn nhất thế giới. Giới phân tích cho rằng, cuộc bầu cử trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế không chỉ bởi quy mô lớn, mà còn vì quốc gia Nam Á này có tiếng nói ngày càng quan trọng trên các diễn đàn quốc tế và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Cơ quan giám sát biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu cho biết thế giới vừa trải qua tháng 3 nóng nhất trong lịch sử, đánh dấu chuỗi 10 tháng liên tiếp lập kỷ lục nhiệt độ mới. Đây là một dấu hiệu báo động đỏ về biến đổi khí hậu toàn cầu.

Sau vụ tấn công trả đũa của Iran vào đêm 13/4, Israel cho biết nước này sẽ đáp trả cuộc tấn công trong lúc các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi kiềm chế. Việc hai nước có những động thái trả đũa lẫn nhau có thể trở thành mồi lửa làm bùng lên một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực.