Sông Tô Lịch sắp có nước sạch | Hà Nội tin mỗi chiều

Sông Tô Lịch sắp có nước sạch; Hà Nội sắp có tuyến du lịch đường sông qua Bát Tràng tới Hưng Yên; Hà Nội quy hoạch trung tâm văn hóa Phật giáo Thủ đô tại huyện Gia Lâm... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Sông Tô Lịch sắp có nước sạch

Sau một thời gian nỗ lực thi công, Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (gói thầu 1) và Hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch cùng cống chính (gói thầu 2) của dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đã hoàn thành. Những ngày qua, các đơn vị thực hiện dự án đã đưa vào vận hành thử. Khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động sẽ có khoảng 50% lượng nước thải sinh hoạt trên toàn thành phố sẽ được xử lý, sau đó sẽ đẩy trở lại các con sông, qua đó góp phần cải thiện môi trường cho các dòng sông đang ô nhiễm nghiêm trọng tại Thủ đô, đặc biệt là sông Tô Lịch.

Khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động sẽ có khoảng 50% lượng nước thải sinh hoạt trên toàn thành phố sẽ được xử lý.

Sông Tô Lịch dài 14 km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), chảy ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì). Dưới sức ép của quá trình đô thị hóa, quy hoạch xây dựng không đồng bộ cùng với sự thiếu ý thức của người dân sống ven sông đã làm cho diện tích sông bị thu hẹp. Hành lang bảo vệ bị lấn chiếm ở nhiều đoạn, chất lượng nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng do mỗi ngày có khoảng 160.000 m3 nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống sông. Từ một con sông đẹp, Tô Lịch đã trở thành nơi chứa nước thải của thành phố.

Để khắc phục tình trạng này, kể từ đầu những năm 2000 đến nay, sông Tô Lịch trải qua nhiều phương pháp thử nghiệm làm sạch của các tổ chức quốc tế và trong nước. Với mỗi biện pháp đưa ra, Hà Nội luôn đặt kỳ vọng hồi sinh dòng sông này. Có thể điểm lại rất nhiều giải pháp đã từng được thử nghiệm để hồi sinh sông Tô Lịch. Đó là lấy nước sông Hồng tạo dòng chảy sông Tô Lịch; dùng chế phẩm Redoxy-3C khử ô nhiễm nước; công nghệ Nhật Bản phân hủy bùn. Nhưng hàng chục năm qua, chưa có giải pháp nào phát huy được hiệu quả.

Theo các chuyên gia, để giải cứu sông Tô Lịch cần nhìn vào nguyên nhân trực tiếp bức tử con sông. Theo TS. Đào Trọng Tứ - Trưởng ban Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, câu chuyện làm sạch nước chỉ có nguyên tắc là, tách nước thải của đô thị ra khỏi con sông để xử lý trước khi xả xuống sông.

Sau nhiều nỗ lực, hơn 40 km đường ống cống để thu gom toàn bộ nước thải của sông Tô Lịch đã được hoàn thành. Sau khi nước thải được gom từ cống ngầm sẽ đưa về Nhà máy nước thải Yên Xá để xử lý. Sau đó, nguồn nước bảo đảm chất lượng sẽ được đổ ngược trở lại sông Tô Lịch.

Hệ thống bơm với 6 máy hoạt động luân phiên sẽ đưa nước thải lên các chu trình xử lý.

Ông Keigo Hatta – Đại diện nhà thầu JFE (Xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải Yên Xá) cho hay: "Công nghệ của nhà máy đã được áp dụng thành công tại các thành phố lớn như Tokyo, Yokohama tại Nhật Bản. Cá có thể sống được nhờ vào các chất thải đã qua xử lý và phát triển rất tốt".

Theo tính toán của các chuyên gia, khi gói thầu đi vào hoạt động, 50% lượng nước thải đổ ra sông Tô Lịch sẽ được xử lý. Nhưng để sông Tô Lịch trong xanh hoàn toàn thì bài toán nạo vét bùn cũng là vấn đề cần được lưu tâm.

Việc làm "sống lại" sông Tô Lịch không chỉ là mong mỏi của người dân Thủ đô mà còn là mong mỏi của người dân cả nước, của nhiều cơ quan, đoàn thể suốt hàng thập kỷ qua. Với những giải pháp đồng bộ, cùng sự đầu tư lớn về nguồn lực, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030, sông Tô Lịch sẽ thực sự chảy trở lại. Trong dịp kiểm tra tiến độ dự án gần đây nhất, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, đẩy nhanh tiến độ để năm 2025 hoàn thành hệ thống đường ống gom nước thải về nhà máy.

Hà Nội sắp có tuyến du lịch đường sông qua Bát Tràng tới Hưng Yên

Thành phố Hà Nội sẽ hoàn thiện tuyến du lịch đường sông từ bến Chương Dương Độ - Bát Tràng - Ninh Sở (Thường Tín) đến Hưng Yên và tiếp tục mở rộng sản phẩm du lịch đường sông.

Kế hoạch nhằm thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch quốc tế và nội địa đến tham quan, trải nghiệm tại Hà Nội. Đồng thời, tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Thủ đô đạt cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, số lượng và cơ cấu khách du lịch đảm bảo tính bền vững; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố, giữ vững vai trò Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Thủ đô Hà Nội là vùng đất có rất nhiều sông, hồ tự nhiên. Ngoài sông Hồng là sông lớn thứ hai ở Việt Nam chảy qua thành phố, Hà Nội còn có hệ thống sông hồ chằng chịt và là điểm khởi đầu của 5 con sông Nhuệ, Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ và Sét. Chính hệ thống sông, hồ này đã tạo cho Hà Nội có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Tuy nhiên Hà Nội chưa tận dụng được tiềm năng lợi thế này khi đa phần các dòng sông đang phải trong tình trạng cần cứu vãn vì ô nhiễm. Các tour đã hình thành như tour du lịch đường sông thăm di tích lịch sử như đền Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Bát Tràng thường xuyên rơi vào cảnh vắng khách. Tuyến đường đi bộ dọc sông Tô Lịch hoạt động không hiệu quả.

Hà Nội sắp có tuyến du lịch đường sông qua Bát Tràng tới Hưng Yên. Ảnh minh hoạ: Tuổi trẻ pháp luật.

Kiến trúc sư Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch - Kiến trúc 1, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đánh giá, những dòng sông trong lòng thành phố luôn là không gian đặc biệt, có tính hấp dẫn nhất. Với Hà Nội, đây là nơi chuyển tiếp, kết nối giữa không gian cũ và mới, thu hút người dân Thủ đô cũng như du khách.

Trong các quy hoạch lớn của Thủ đô Hà Nội đang được nghiên cứu, sông Hồng trở thành trục không gian kết nối văn hóa, nghệ thuật sáng tạo, cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho kinh tế đô thị. Sự chuyển mình của sông Hồng sẽ là điểm nhấn, hình ảnh tiêu biểu cho sự phát triển của Hà Nội.

Cùng với định hướng phát triển Hà Nội theo hai bờ sông Hồng, việc Hà Nội đang quyết tâm khôi phục các dòng sông, và việc mở ra những tuyến du lịch mới như bến Chương Dương Độ - Bát Tràng - Ninh Sở (Thường Tín) đến Hưng Yên đang thể hiện định hướng mới trong mở rộng sản phẩm du lịch đường sông.

Để du lịch đường sông phát triển cần một quá trình lâu dài, không thể một sớm, một chiều mà có thể mạnh ngay được. Cần chuẩn bị rất nhiều các điều kiện như: xây dựng sản phẩm du lịch và dịch vụ phục vụ tuyến du lịch đường sông; quy hoạch và đầu tư giao thông kết nối điểm đón từ đường sông lên đường bộ theo lịch trình. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá cho sản phẩm du lịch đường sông tại các thị trường trọng điểm để khách du lịch dễ tiếp cận; sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư tàu du lịch chở khách, mở các văn phòng đại diện tại nước ngoài cũng rất cần thiết.

TS. Nguyễn Khắc Thuần, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kỷ lục, cho rằng thực chất đi đường thủy là để hiểu những cái trên bờ. Vì vậy, cần phải bố trí để khách tham quan các di tích lịch sử, trải nghiệm ẩm thực, văn hóa hai bên bờ sông, bờ kênh. Phải xây dựng các bến đỗ, không cần thiết phải làm các con đường đổ bê tông quá lớn, chỉ cần đủ cho các xe trung chuyển phục vụ khách đến điểm tham quan. Ở những nơi đặc biệt, có thể dùng xe điện hay thậm chí là các phương tiện đơn giản như xe ngựa, xích lô, tận dụng hết những gì độc đáo của Việt Nam, tạo ấn tượng cho du khách.

Hà Nội quy hoạch Trung tâm văn hóa Phật giáo Thủ đô tại huyện Gia Lâm

Quyết định vừa được Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn ký ban hành. Trung tâm văn hóa Phật giáo có diện tích 5,38 ha thuộc xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.

Đây sẽ là nơi thể hiện được quá trình phát triển của Phật giáo trên đất Thăng Long, cũng là một đặc trưng của thành phố Hà Nội văn hiến. Làm cơ sở nghiên cứu lập quy hoạch đồng bộ về quy hoạch kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật để triển khai lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Phật giáo Thủ đô (làm trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa Phật giáo Thủ đô, trung tâm giới thiệu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống Phật giáo Thủ đô, trụ sở hành chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội). Đây cũng là nơi quy tụ nhân dân trong và ngoài tỉnh có tín ngưỡng Phật giáo; có nhu cầu tiếp cận và tìm hiểu văn hóa Phật giáo.

Hà Nội quy hoạch Trung tâm văn hóa Phật giáo Thủ đô tại huyện Gia Lâm. Ảnh minh hoạ: Người đưa tin.

Phật giáo du nhập vào nước ta từ hơn 2.000 năm trước đây và tới Thăng Long – Hà Nội từ rất sớm. Trong quá trình hình thành, phát triển, Phật giáo Việt Nam luôn thể hiện tinh thần gắn bó với vận mệnh dân tộc. Phật giáo Thủ đô đã có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Vai trò ấy được thể hiện ở rất nhiều mặt khác nhau, từ những việc lớn cho tới những hành động nhỏ của Phật giáo đều góp phần tôn thêm sự vững chắc cho sức mạnh đoàn kết của dân tộc trên địa bàn Thủ đô.

Việc hình thành trung tâm sinh hoạt Phật giáo được đánh giá phù hợp với xu thế thời đại. Chùa là nơi có chức năng chính là thờ tự và tu tập. Những chức năng khác trở thành những chức năng phụ, và đôi khi không thích hợp với không gian một tự viện, tu viện. Bên cạnh đó, việc sinh hoạt Phật giáo, Phật sự hoằng hóa không chỉ là tụng niệm, thuyết pháp, mà đôi khi còn có nhiều hoạt động khác, như họp, mặt diễn giảng, triển lãm, nhằm vào đối tượng chưa phải hẳn là phật tử, mà chỉ là những người chịu ảnh hưởng của đạo Phật, tìm hiểu đạo Phật qua lăng kính văn hóa. Như vậy, để hoằng pháp một cách toàn diện, thu hút được đủ mọi đối tượng triển khai mọi hoạt động mà xét ra có ích cho đạo Phật trong việc tạo ảnh hưởng trong xã hội, cần có một cơ sở như dạng “nhà văn hóa Phật giáo”.

Việc quan tâm đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa của Phật giáo Thủ đô góp phần thống nhất ý chí và hành động của Phật giáo trên địa bàn, tạo sự ổn định trong sinh hoạt, chặt chẽ về hệ thống tổ chức quản lý. Không những vậy, với vị trí là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của cả nước, lại nằm trên địa bàn Thủ đô, Phật giáo Hà Nội sẽ là đầu mối liên kết Phật giáo trong nước, giao lưu đoàn kết với Phật giáo nước ngoài và các tôn giáo bạn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội phấn đấu có 10.000 doanh nghiệp công nghệ số; Giả danh công an lừa người dân bán vàng để chuyển tiền... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ có nhà ở xã hội tại tất cả các khu công nghiệp; Vướng mắc khiến tuyến đường 1.500 tỷ đồng tại Hà Nội vẫn mãi dang dở... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Làm rõ trách nhiệm vụ cháy tại Định Công Hạ; Trận mưa lớn kèm theo gió to ở Hà Nội khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ, đè lên hàng loạt ô tô... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội sẽ đưa hồ điều hoà công viên 744 tỷ vào hoạt động; Chính thức cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội nói không với thịt chó, mèo; Cảnh giác với bẫy lừa đảo mạo danh 'học kỳ công an,' 'trại hè quân đội'... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Phố đi bộ hồ Ngọc Khánh sẽ hoạt động trước Ngày Giải phóng Thủ đô; Vụ salon tóc bị tố "ăn bớt" 700 bộ tóc dành cho bệnh nhân ung thư là tin đồn thất thiệt... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.