Sử dụng duy nhất tài khoản VNeID với dịch vụ công | Hà Nội tin mỗi chiều

Từ 1/7, chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và nhà nước. Đây là yêu cầu của Chính phủ tại phiên họp lần thứ tư của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Sử dụng duy nhất tài khoản VNeID với dịch vụ công

Yêu cầu được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh hiện nay mỗi người dùng thường có nhiều tài khoản dịch vụ công được cấp từ nhiều bộ, ngành, địa phương khác nhau, gây ra nhiều bất tiện cho người dùng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện mục tiêu thống nhất sử dụng một tài khoản là VNeID trong thực hiện thủ tục hành chính từ ngày 1/7/2024 nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý, kết nối cơ sở dữ liệu và hạ tầng để bảo đảm việc sử dụng tài khoản VNeID được thông suốt; thiết lập kênh thông tin để trao đổi, phản hồi những khó khăn, vướng mắc nảy sinh.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung đầu tư hạ tầng; tích cực tham khảo, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương với nhau, nhất là về đầu tư hạ tầng và thuê dịch vụ công nghệ thông tin như cách mà Hà Nội đang triển khai.

Sử dụng duy nhất tài khoản VNeID với dịch vụ công

Tham luận tại phiên họp về việc chuyển đổi này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, về hệ thống kỹ thuật thành phố Hà Nội đã sẵn sàng. Hiện đã kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Hệ thống Định danh và Xác thực điện tử của Bộ Công an để hỗ trợ công dân đăng nhập bằng tài khoản VNeID.

Việc sử dụng tài khoản VNeID sẽ giảm được các tài khoản ảo, tài khoản rác, đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu của hệ thống. Mới đây, Hà Nội cũng thí điểm triển khai cấp lý lịch tư pháp qua VNeID từ ngày 22/4, đến nay đã cho thấy hiệu quả tích cực. Để thống nhất chỉ sử dụng một tài khoản VNeID trong dịch vụ công trực tuyến, ngoài việc cần có hướng dẫn cụ thể cho người dân, Hà Nội kiến nghị cần thống nhất quy định về danh tính điện tử và danh tính số.

VNeID không chỉ mang lợi ích thiết thực cho người dân mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước; giảm tình trạng lãng phí và sai sót trong việc sử dụng giấy tờ truyền thống, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và nhà nước. Trong quá trình tải và sử dụng ứng dụng, nếu gặp vấn đề khó khăn, người dân có thể liên hệ công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh và xác thực điện tử trên ứng dụng VNeID.

Vừa đi bộ giữa lòng Thủ đô vừa ngắm đại dương xanh 

Vào tối ngày 3/5, UBND quận Hoàn Kiếm đã khai mạc dự án nghệ thuật công cộng trên Cầu đi bộ Trần Nhật Duật kết nối dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Đây là dự án nghệ thuật đầu tiên được thực hiện trên cầu đi bộ, không chỉ mang lại tiện ích công cộng, mà còn đem tới vẻ đẹp nghệ thuật chưa từng có của một cầu đi bộ dành cho người dân Thủ đô và du khách.

Cầu Phúc Tân trở thanh một không gian nghệ thuật

Với chủ đề Nước, các tác phẩm sắp đặt tương tác khắp các vị trí và địa hình đặc thù trên cây cầu đi bộ, biến cây cầu trở thành một bộ sưu tập tác phẩm sắp đặt ánh sáng. Trong đó, tác phẩm Thủy cung của họa sĩ Vũ Xuân Đông gợi cảm giác giống như một đường hầm thủy cung đầy hấp dẫn với đủ loại mô hình các loài cá đại dương đang bơi lội phía trên vòm cầu. Các loài cá, mực, sứa… được làm từ đồ nhựa, nilon tái chế được thu gom từ khắp nơi trong thành phố.

Hoạ sĩ Vũ Xuân Đông cho hay, tất cả nhịp điệu của sự sống nơi biển cả trên một cây cầu xinh xắn nối liền phố cổ và bờ sông nhắc nhở những người sinh sống trên mảnh đất kinh kỳ ngàn năm về câu chuyện của Nước luôn có vai trò vị trí đặc biệt với Thăng Long - Hà Nội, với những người đang sống và yêu trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Dọc hành lang thành cầu, tác phẩm sắp đặt ánh sáng với chủ đề Sóng của họa sĩ Lê Đăng Ninh cũng gợi lại ký ức của những lớp sóng sông Hồng chuyên chở phù sa suốt chiều dài lịch sử vùng đất. Xen giữa những lớp sóng là hình ảnh vẽ tay in mộc bản tái hiện những người lao động đủ các ngành nghề quanh khu vực Hà Nội thời đầu thế kỷ XIX trong nghiên cứu về “Kỹ thuật của người An Nam” của Henri Oger được hiện lên dưới ánh đèn led đủ màu sắc.

Phía chân cầu thang đi bộ từ cả hai hướng được họa sĩ Cấn Văn Ân vẽ các bức Cá chép vượt Vũ Môn từ kho tàng tranh dân gian Hàng Trống… Với các tác phẩm nghệ thuật, cây cầu đi bộ như một gạch nối về mặt địa lý giữa hai khu vực phố cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê, nối không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân và khu phố cổ với Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Các địa điểm và không gian nghệ thuật này khi được kết nối với nhau tạo thành một tour đi bộ trải nghiệm nghệ thuật công cộng, đồng thời giúp thúc đẩy thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hóa nghệ thuật trong đô thị, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.

Tận dụng ánh sáng từ đèn cao áp chiếu hắt xuống đi qua tấm che của cây cầu, những tác phẩm hiện lên trông như đường hầm thủy cung trên cạn với nhiều loài vật dưới biển đang bơi phía trên vòm cầu khiến bất cứ du khách nào tới đây cũng vô cùng thích thú.

Bên cạnh giới thiệu về lịch sử, vai trò của sông Hồng đối với Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là các hoạt động của người dân trong khu phố cổ từng diễn ra từ thế kỷ XIII - XIX gắn với nghề thủ công, dự án còn muốn lan toả thông điệp bảo vệ môi trường. Từ sản phẩm nhựa tái chế, nhựa đã qua sử dụng, các họa sỹ đã sáng tạo nên các tác phẩm trang trí trên cầu cực kỳ sống động. Từ đây lan tỏa thông điệp về phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng và hạn chế sử dụng đồ nhựa trong đời sống.

Chiêm ngưỡng bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Cũng vào ngày 3/5, bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ được đưa từ Điện Biên về Hà Nội thông qua công nghệ trình chiếu 3D mapping. Đây là kỹ thuật sử dụng ánh sáng và hình ảnh, âm thanh để tạo hiệu ứng, giúp người xem trải nghiệm bức tranh một cách sống động và chân thực nhất.

Bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Bức tranh toàn cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ bằng chất liệu sơn dầu, với bố cục hình tròn, có diện tích 3.225 m2, chiều cao 20,5 m, chiều dài 132 m, đường kính 42 m, trong đó tái hiện 4500 nhân vật. Đây là một trong những bức tranh lớn nhất thế giới về đề tài chiến tranh, được hơn 200 họa sĩ thực hiện trong thời gian gần 2 năm.

Tác phẩm Trận chiến Điện Biên Phủ được chia làm bốn trường đoạn: Toàn dân ra trận - là trường đoạn 1 với hình ảnh trùng trùng từng đoàn dân, quân thồ hàng, trèo non lội suối cung cấp lương thực cho tiền tuyến. Kế tiếp là trường đoạn Khúc dạo đầu hùng tráng - với điểm nhấn là trận Him Lam mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, đòn đánh phủ đầu đối phương, khẳng định sức mạnh pháo binh của ta. Trường đoạn thứ 3 là Cuộc đối đầu lịch sử với hình ảnh hầm hào, dây thép gai, trận đánh giáp lá cà và hình ảnh quả bộc phá phát nổ trên đồi cao A1, cho thấy sự khốc liệt của chiến trường năm xưa. Trường đoạn 4 là khung cảnh hào hùng về Chiến thắng Điện Biên với những hình ảnh thể hiện sự đối lập giữa từng đoàn tù binh Pháp và hình ảnh từng đoàn quân của ta tiến lên với điểm nhấn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng De Catries.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông, bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ là tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo, ấn tượng; giúp công chúng có cái nhìn chân thực, toàn diện về chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Trình chiếu bức tranh 3D Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Hà Nội là phương thức truyền thông mới áp dụng công nghệ số với sự kết hợp giữa kỹ xảo, màu sắc và âm thanh sống động. Sự kiện sẽ diễn ra đến hết ngày 5/5.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Công an đề xuất phạt tới 500 triệu đồng nếu để lộ thông tin cá nhân; Lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại tới 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; Xuất khẩu nông sản đã mang về cho ngành Nông nghiệp Thủ đô hơn 1,35 tỷ USD... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Người Hà Nội yêu hoa bằng lăng hơn vàng; Việt Nam đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ sở hữu tiền số; Sau trận mưa lớn kéo dài ngày 12/5, nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngập sâu và gây sạt lở đất ở Ba Vì… là những nội dung số trong chương trình hôm nay.

Tỷ lệ chọi lớp 10 công lập ở Hà Nội cao nhất 1/3,1; Hà Nội thí điểm quản lý thuế kinh doanh thương mại điện tử tại quận Hoàn Kiếm; Việt Nam được đề cử ở nhiều hạng mục của World Travel Awards 2024… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Bãi giữa sông Hồng sẽ thành công viên văn hóa; Bộ phận một cửa các cấp ở Hà Nội triển khai không dùng tiền mặt từ 1/6; Điểm mới trong công tác đăng ký và quản lý phương tiện xe ở Hà Nội… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Kinh doanh qua mạng hết thời trốn thuế; Con người là trung tâm để phát triển đồng bằng sông Hồng; Người điều khiển xe máy chiếm tỷ lệ tử vong cao nhất trong tai nạn giao thông... là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.

Hà Nội dự kiến dành hơn 17 nghìn tỷ đồng để mở rộng gấp đôi đường Láng, giải bài toán ùn tắc Ngã Tư Sở; Hà Nội sẽ có bản đồ số về ngập lụt để cảnh báo cho người dân; Hơn 2.000 viên thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ giảm cân bị làm giả một cách tinh vi vừa bị lực lượng quản lý thị trường TP Hà Nội phát hiện thu giữ… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.