Sự thật thú vị về các đời Tổng thống Mỹ
Những điều thú vị về các Tổng thống Mỹ
Theodore Roosevelt (1858-1919) được ghi nhận là vị Tổng thống trẻ tuổi nhất nước Mỹ. Ông tuyên thệ nhậm chức khi mới 42 tuổi và được nhận xét là một nhà lãnh đạo năng nổ và tích cực nhất tính tới thời điểm bấy giờ. Là tổng thống trẻ nhất, ông được mô tả là người mạnh bạo, quyết liệt, hoài bão và kiêu hãnh, yêu trẻ em, biết lắng nghe và có khả năng ghi nhớ hình ảnh tốt đến lạ thường. Ông nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ hai nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1901 đến 1909 và được ca ngợi là một trong những tổng thống vĩ đại nhất và được yêu mến nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Tổng thống lớn tuổi nhất nhậm chức chính là Joe Biden, tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Ông nhậm chức khi đã bước qua tuổi 78. Do vấn đề tuổi tác, tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đã phải tuyên bố ngừng chiến dịch tranh cử năm 2024 và nhường vị trí cho Phó tổng thống Kamala Harris đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử.
"Được phục vụ với cương vị tổng thống là vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi. Mặc dù tôi có ý định tái tranh cử, nhưng tôi tin rằng việc tôi dừng tranh cử sẽ mang lại lợi ích cao nhất cho đảng Dân chủ và đất nước. Tôi sẽ chỉ tập trung hoàn thành nhiệm vụ tổng thống của mình trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ".
Tổng thống Mỹ Joe Biden
Bước vào chính trường từ năm 1970, luật sư trẻ Biden khi đó trở thành một thành viên trong Hội đồng hạt New Castle, bang Delaware. Năm 1972, ông Biden trở thành một trong những nghị sĩ trẻ nhất của nước Mỹ. Đến năm 2021, sau khi đã phục vụ qua 8 đời tổng thống Mỹ, chính trị gia lão luyện 81 tuổi tiếp tục phục vụ tại Nhà Trắng với tư cách tổng thống lớn tuổi nhất từ trước đến nay. Dù là một trong những trường hợp hiếm hoi trong lịch sử Mỹ khi tổng thống đương nhiệm bỏ cuộc tranh cử nhiệm kỳ 2, trong 54 năm phục vụ nước Mỹ (1970 - 2024), ông Biden cũng đã để lại được nhiều dấu ấn.
Franklin Delano Roosevelt (1882 - 1945) là Tổng thống tại vị lâu nhất trong lịch sử nước Mỹ, khi giành chiến thắng trong 4 cuộc bầu cử liên tiếp. Ông trở thành một trong các nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20. Ông đã tạo ra một liên minh bền vững giúp tái tổ chức nền chính trị Mỹ trong nhiều thập niên. Trong sự nghiệp của mình, mặc dù bị chứng bại liệt, song “ông chủ” Nhà trắng vẫn luôn nỗ lực không ngừng với mục tiêu cải thiện hơn nữa đời sống người dân, nâng cao vị thế nước Mỹ trên trường quốc tế.
Ngược lại, tổng thống thứ 9 của nước Mỹ William Henry Harrison là người tại vị ngắn nhất. Mới giữ chức đến ngày thứ 32, ông bị cảm lạnh rồi phát triển thành viêm phổi và qua đời ngày 4/4/1841. William Henry Harrison trở thành tổng thống đầu tiên qua đời khi tại vị và có thời gian giữ chức ngắn nhất trong lịch sử tổng thống Mỹ.
Cho đến lúc này, George Washington vẫn là tổng thống duy nhất của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nhận được 100% phiếu đại cử tri tại lần bầu cử năm 1792. Ông từ chối ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba và chính là người xác lập tiền lệ: Mọi tổng thống Mỹ chỉ tiếp nhiệm tối đa hai nhiệm kỳ. Cho dù sau đó, đến năm 1798 (một năm trước khi qua đời), ông vẫn được tổng thống kế nhiệm là John Adams ủy nhiệm vào vị trí Tổng tư lệnh tất cả các lực lượng lục quân Mỹ, nhằm chuẩn bị cho tình trạng chiến tranh có thể xảy ra.
Lịch sử các đời tổng thống Mỹ đã chứng kiến hai cặp cha con cùng làm tổng thống. Thứ nhất là John Adams - Tổng thống thứ 2 của nước Mỹ và con trai là John Quincy Adams - Tổng thống thứ 6 của Mỹ.
Thứ hai là George Herbert Walker Bush - Tổng thống thứ 41 của Mỹ, nhiệm kỳ 1989-1993 và con trai George W. Bush - Tổng thống thứ 43 của Mỹ tại nhiệm từ năm 2001-2009.
Những điều đặc biệt về Tổng thống Donald Trump
Nước Mỹ chưa thể có nữ tổng thống đầu tiên khi bà Kamala Harris không thể giành chiến thắng trước ông Donald Trump trong cuộc bầu cử vừa qua. Ở tuổi 78, ông Trump là người lớn tuổi nhất trong lịch sử đất nước được bầu làm tổng thống, lớn hơn một chút so với ông Biden khi được bầu vào năm 2020. Trở lại năm 2024, chiến dịch giành lại Nhà Trắng của ông Trump theo nhiều phương diện được đánh giá là chưa từng có.
Tờ New York Times nhận định, ông Trump đã bước vào cuộc đua Nhà Trắng với hành trang khác thường và vượt qua tất cả những trở ngại, hiện diện đầy quyền lực trước những cử tri đang mong muốn xoay chuyển các định hướng và chính sách dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden và bà Kamala Harris.
Sau khi rời nhiệm sở cách đây bốn năm, dù ông Trump không thừa nhận thất bại, nhiều ý kiến cho rằng sự nghiệp chính trị của ông gần như kết thúc. Một trong những lý do cho điều này là sự kiện bạo lực tại Điện Capitol vào ngày 6/1/2021, khi những người ủng hộ cực đoan của Trump tràn vào tòa nhà quốc hội, ngăn cản chứng nhận phiếu bầu.
Tiếp theo đó, ông Trump đối mặt với quá trình bị luận tội lần thứ hai chưa từng có, và những nguy cơ pháp lý to lớn.
Khẩu hiệu chiến dịch "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông vẫn tồn tại, thể hiện gần như toàn bộ cách tiếp cận chính trị của ông. Đảng viên Cộng hòa 78 tuổi này và những người ủng hộ coi các chính sách "Nước Mỹ trên hết" là giải pháp cho những khó khăn hàng ngày và là cách đảo ngược các xu thế đang đi xuống. Phong trào "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" mang lại cho ông một bàn đạp vững chắc trong đảng Cộng hòa.
Ông Trump đã cố gắng khẳng định lại quyền lực của mình đối với đảng Cộng hòa. Vào thời điểm đảng của ông không đạt được kỳ vọng vào tháng 11/2022 (bầu cử giữa kỳ), rất nhiều đảng viên Cộng hòa đổ lỗi cho Trump.
Ông Trump trở thành đảng viên Cộng hòa đầu tiên chính thức tuyên bố ứng cử tổng thống vào năm 2024. Không ít nhà quan sát cho rằng đảng Cộng hòa sẽ nắm bắt cơ hội lý tưởng để "bỏ qua" Trump và chuyển sang thông điệp hấp dẫn hơn trong khi vẫn giữ được phong cách của vị tổng thống thứ 45.
Nhưng ông một lần nữa chứng minh những người hoài nghi ông đã sai. Ông giành được sức mạnh ủng hộ khi tiếp tục tận dụng hàng loạt cuộc chiến pháp lý và những lùm xùm liên quan khác để xây dựng hình ảnh vượt qua khó khăn. Dù không tham gia một cuộc tranh luận nào, ông Trump vượt qua các đối thủ cùng đảng Cộng hòa như ông DeSantis và bà Nikki Haley, cả hai sau đó đều ủng hộ ông.
"Câu chuyện vượt khó" của ông tiếp tục được đẩy đến đỉnh cao với nỗ lực ám sát bất thành ở Pennsylvania vào ngày 14/7, chỉ vài ngày trước khi đại hội đề cử ông làm ứng viên tổng thống. Một âm mưu ám sát thứ hai và thứ ba tiếp tục bị phá vỡ sau đó. Những sự kiện này nâng cao tỷ lệ ủng hộ cá nhân của ông.
Đến cuối mùa hè, sự phục hồi chính trị của Trump gần như hoàn tất. Ông trở thành chính trị gia thứ ba trong lịch sử Mỹ 3 lần được các đảng lớn đề cử làm ứng viên tổng thống. Hai người kia là Franklin Roosevelt và Grover Cleveland.
Ngay cả trước khi tham gia chính trường, ông Trump đã là một cái tên quen thuộc, được biết đến với đế chế kinh doanh của mình và là người dẫn chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng.
Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên không có kinh nghiệm trước đó ở các vị trí dân cử hoặc quân đội. Ông đã phá vỡ tiền lệ ở nhiều khía cạnh, chẳng hạn như đột ngột đưa ra những thông báo quan trọng trên Twitter (hiện đổi tên là X).
Ông Trump cũng là ứng cử viên tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất trong lịch sử khi bước sang tuổi 78 vào ngày 14/6. Tới ngày 20/1/2025, ngày tân tổng thống Mỹ nhậm chức, ông Trump sẽ già hơn Tổng thống đương nhiệm Joe Biden 5 tháng thời điểm bước vào Nhà Trắng 4 năm trước đó.
Ngoài ra, Ông Trump cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần. Sau khi rời nhiệm sở, ông trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự.
Về cách tiếp cận các vấn đề đối ngoại, phong cách của ông Trump mang tính giao dịch cao.
Ông Ford O'cconnell, chiến lược gia của đảng Cộng hoà: “Rõ ràng là ông Trump có bản năng chính trị tuyệt vời và ông ấy là một trong những nhà tiếp thị giỏi nhất hiện nay. Vấn đề quyết định ở đây là chiến dịch tranh cử của bà Harris đã nói về những vấn đề mà đội ngũ của bà ấy muốn nói đến, trong khi ông Trump đã nói về những vấn đề mà cử tri Mỹ muốn nói đến, đặc biệt là khi nói đến lạm phát và biên giới. Và thành thật mà nói, chiến dịch của bà Harris và thậm chí cả ông Biden tại một thời điểm nào đó cũng không thể vượt qua vấn đề lạm phát”.
Phát biểu mừng chiến thắng trước người ủng hộ tại bang Florida, ông Trump đã cảm ơn người dân Mỹ vì vinh dự được bầu làm Tổng thống thứ 45 và Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
"Nhiệm vụ trước mắt chúng ta sẽ không hề dễ dàng, nhưng tôi sẽ đem hết sức lực, tinh thần và sự chiến đấu có trong tâm hồn mình vào công việc mà các bạn đã giao phó cho tôi. Tôi sẽ chiến đấu vì mọi công dân, mọi gia đình và vì tương lai của các bạn. Mỗi ngày, tôi sẽ chiến đấu vì các bạn và bằng từng hơi thở của mình, tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi chúng ta mang lại một nước Mỹ hùng mạnh, an toàn và thịnh vượng mà con cái chúng ta xứng đáng có được và các bạn xứng đáng được hưởng. Đây thực sự sẽ là thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ”.
Ông Donald Trump
Các chuyên gia dự báo rằng, nhiệm kỳ tới sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi lớn trong chính sách kinh tế và ngoại giao của Mỹ. Dự kiến, các đại cử tri đoàn tại các bang sẽ nhóm họp vào ngày 17/12 tới để bỏ phiếu đại cử tri chính thức bầu ứng cử viên Donald Trump làm Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Công nghệ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 đánh dấu một bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa hệ thống bầu cử của Mỹ. Các công nghệ tiên tiến đang thay đổi cách thức bỏ phiếu, kiểm phiếu. Ngoài ra, đáp lại các lo ngại gần đây về an ninh và minh bạch bầu cử, một loạt các công cụ kỹ thuật số hiện đại như blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và xác thực sinh trắc học đang được sử dụng trên toàn quốc để đảm bảo quá trình bỏ phiếu diễn ra công bằng, hiệu quả.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát các dấu hiệu bất thường trong bầu cử. Từ việc theo dõi thông tin sai lệch trên mạng xã hội đến phân tích dữ liệu bỏ phiếu theo thời gian thực, các công cụ AI đang giúp phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa trước khi chúng trở nên nghiêm trọng.
Các thuật toán machine learning đã được triển khai để phát hiện các mẫu bỏ phiếu bất thường và cảnh báo các quan chức về các vụ vi phạm tiềm ẩn, tăng cường thêm một lớp bảo mật cho cuộc bầu cử gây tranh cãi này. Các nền tảng mạng xã hội, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên bang, cũng đang sử dụng công nghệ AI để ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch. Những công cụ này nhằm ngăn chặn việc thông tin giả mạo ảnh hưởng đến cử tri hoặc làm xói mòn niềm tin vào quá trình bầu cử.
Công nghệ blockchain, nổi tiếng với khả năng bảo mật và chống giả mạo, đang được sử dụng ở một số khu vực để thử nghiệm các lựa chọn bỏ phiếu an toàn. Các bang như Tây Virginia và Utah đã triển khai blockchain cho cử tri ở nước ngoài và quân đội, tạo ra một mô hình thử nghiệm cho khả năng mở rộng trong các kỳ bầu cử sau.
Hệ thống sổ cái mã hóa của blockchain đảm bảo rằng mỗi phiếu bầu được ghi nhận an toàn và không thể bị thay đổi trái phép. Những người ủng hộ công nghệ này cho rằng hệ thống giúp tăng tính minh bạch và niềm tin khi mỗi lá phiếu đều có thể được truy xuất mà vẫn bảo vệ được danh tính của cử tri.
"Chúng tôi không có quyền truy cập vào các kết quả bầu cử. Những kết quả đó đang bị khóa, đó là một phần trong các biện pháp an toàn và bảo mật của chúng tôi. Không ai có thể tải xuống những kết quả đó, không ai có thể xem những kết quả đó, mà chỉ có thể xem bằng mật khẩu có quyền truy cập".
Bà Paulina Gutierrez, Giám đốc điều hành Uỷ ban bầu cử Milwaukee
Các tiến bộ công nghệ cũng giúp cuộc bầu cử năm 2024 trở nên dễ tiếp cận hơn, đặc biệt với những cử tri khuyết tật hoặc không thể tham gia bỏ phiếu trực tiếp. Các ứng dụng di động và các lựa chọn bỏ phiếu từ xa mới được thiết kế để giúp những cử tri có nhu cầu đặc biệt có thể bỏ phiếu dễ dàng hơn, với các tính năng như quét vân tay và phiếu bầu qua video cho người khiếm thị.
Là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và có ảnh hưởng to lớn đến kinh tế và chính trị thế giới, nước Mỹ cần tìm cho mình những người có năng lực và thực sự thích hợp trong số rất nhiều ứng cử viên để trở thành người dẫn dắt đất nước. Chính vì vậy, những cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ luôn là cuộc đua gay cấn và nhiều yếu tố bất ngờ. Và người trở thành Tổng thống của nước Mỹ cũng sẽ luôn là điểm thu hút sự chú ý của công chúng không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên toàn thế giới.
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa bế mạc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận tại Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này chính là vấn đề chống đói nghèo và bất bình đẳng.
Ngày 21/11, một nhóm vũ trang đã nã súng vào một số xe chở khách tại phía Tây Bắc Pakistan, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 29 người bị thương.
Lễ hội Du lịch Quốc tế Sahara lần thứ sáu đã được tổ chức tại vùng sa mạc của Algeria, với hơn 400 đơn vị tham gia. Sự kiện kéo dài 4 ngày bao gồm nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa dân gian và là một trong những sáng kiến nhằm quảng bá du lịch ở Algeria.
Động thái của Tòa án Hình sự quốc tế ICC khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có nguy cơ bị giam giữ nếu ông đi đến một số quốc gia khác.
Lực lượng không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) từ vùng Astrakhan miền Nam nước này nhắm vào thành phố Dnipro của Ukraine. Đây là lần đầu tiên Nga sử dụng một tên lửa có tầm bắn xa và mạnh như vậy trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Một chàng trai người Ai Cập đã trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội, thu hút hơn 750.000 người theo dõi trên Instagram khi anh thực hiện hành trình đường bộ dài hơn chu vi trái đất từ Ai Cập tới Nhật Bản trong vòng 274 ngày.
0