Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng cực hữu

Cơn địa chấn chính trị diễn ra khi phe cực hữu chiếm ưu thế không chỉ dừng lại ở Pháp. Thời gian qua, lực lượng này còn nổi lên mạnh mẽ trên khắp châu Âu.

Cơn địa chấn trên chính trường Pháp

Sau khi liên minh cầm quyền theo đường lối trung dung do Đảng Phục hưng dẫn đầu hứng chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi tổ chức bầu cử Quốc hội sớm, với hy vọng lá phiếu của cử tri sẽ ngăn chặn đà trỗi dậy của phe cực hữu.

Tuy nhiên, kế hoạch này của ông Macron dường như đã phản tác dụng, khi Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen tiếp tục giành chiến thắng lịch sử, vượt xa liên minh cầm quyền trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.

Hiện tại, chưa rõ khả năng Đảng RN của bà Le Pen và các đồng minh có giành được đa số tuyệt đối cần để thành lập chính phủ hay không vì vẫn còn vòng hai của cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 7/7, nhưng chưa khi nào kể từ Thế chiến II, nước Pháp lại tiến gần đến việc thành lập một chính phủ cực hữu như hiện nay.

Bà Marine Le Pen tuyên bố Đảng RN chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng 1 ở Pháp hôm 30/6.
Ảnh: Reuters.

Theo kết quả từ Bộ Nội vụ Pháp, trong vòng một của cuộc bầu cử Quốc hội, Đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) đã giành được khoảng 33,15% phiếu bầu, tiếp theo là liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới với 28%. Còn liên minh Cùng nhau vì nền Cộng hòa của Tổng thống Emmanuel Macron nhận được 21%, đứng thứ ba. Với chiến thắng trên, Đảng RN đang hướng tới cơ hội lịch sử để thành lập chính phủ và đảm nhận chức vụ Thủ tướng Pháp.

Đó là một kết quả lịch sử. Đảng Tập hợp Quốc gia chưa bao giờ có ứng cử viên nào được bầu ở vòng đầu tiên của cuộc bầu cử lập pháp. Và hôm nay, đã có hàng chục ứng cử viên được bầu ngay trong vòng đầu tiên. Tôi nghĩ tất cả những điều này là một yếu tố mang lại niềm hy vọng lớn cho hàng triệu người dân Pháp.

Bà Marine Le Pen – Lãnh đạo Đảng cực hữu Pháp.

Hiện vẫn chưa rõ liệu đảng này có giành được 289 ghế cần thiết để đạt được đa số ghế tuyệt đối tại Quốc hội gồm 577 ghế hay không. Nếu điều đó xảy ra, Tổng thống Pháp Macron sẽ buộc phải điều hành đất nước cùng với Chủ tịch Đảng RN - ông Jordan Bardella, chính trị gia thiên về chủ nghĩa dân tộc, hoài nghi Liên minh châu Âu (EU) và có lập trường chống nhập cư. Chủ tịch Đảng RN Jordan Bardella cho hay ông sẵn sàng trở thành Thủ tướng và chỉ thành lập chính phủ nếu RN giành được ít nhất 289 ghế tại Quốc hội.

Thành tích của Đảng RN cực hữu năm nay tốt hơn nhiều so với cuộc bầu cử năm 2022. Ảnh: Reuters.

Trước khả năng thắng cử của đảng cực hữu, các đảng cánh tả và trung dung tại Pháp đã rút hàng trăm ứng cử viên khỏi cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai vào ngày 7/7. Các ứng cử viên rút lui hầu hết là đồng minh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoặc thuộc các đảng cánh tả. Phát biểu trong một cuộc họp kín của các Bộ trưởng tại Điện Elysee hôm 2/7, Tổng thống Macron khẳng định ưu tiên hàng đầu hiện nay là ngăn chặn Đảng RN nắm quyền.

Diện mạo nước Pháp dưới chính phủ cực hữu

Các nhà bình luận chính trị tại châu Âu cho biết chiến thắng của Đảng Tập hợp Quốc gia là sự kiện mang tính lịch sử. Nguyên nhân là bởi phe cực hữu chưa bao giành chiến thắng trong vòng bầu cử Quốc hội đầu tiên và sẽ trở thành một lực lượng quan trọng tại Nghị viện Pháp trong tương lai gần.

Từng bị nhiều người dân Pháp không chấp nhận trong thời gian dài, Đảng RN giờ đây đã tiến gần đến quyền lực hơn bao giờ hết. Có được thành tựu ấy là nhờ bà Marine Le Pen, lãnh đạo RN, đã tìm cách xây dựng hình ảnh của một đảng ủng hộ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài Do Thái và chống nhập cư.

Chiến thuật này đã phát huy hiệu quả trong bối cảnh cử tri phẫn nộ với Tổng thống Macron về chi phí sinh hoạt cao và mối lo ngại ngày càng tăng về vấn đề nhập cư. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là Đảng RN đã từ bỏ bản chất bài ngoại với quan điểm phải đảm bảo một “nước Pháp cho người Pháp”, nơi người Pháp bản địa sẽ được ưu tiên hơn những người không phải người Pháp về quyền lợi, nhà ở, việc làm và chăm sóc sức khỏe.

Sự trỗi dậy của phe cực hữu ở Pháp phần lớn là nhờ vào nỗ lực của Đảng Tập hợp Quốc gia nhằm đưa chính trị cực hữu thành chính thống. Kể từ khi được bầu làm chủ tịch đảng vào năm 2011, bà Marine Le Pen đã bắt đầu những nỗ lực bền bỉ để đưa đảng này thoát khỏi tư tưởng cực đoan dưới sự lãnh đạo của cha bà, chính trị gia Jean - Marie Le Pen, người từng bị truy tố nhiều lần theo luật thù hận của Pháp với các phát ngôn về người thiểu số La Mã hay nạn diệt chủng Holocaust.

Tuy nhiên, Đảng Tập hợp Quốc gia vẫn theo đuổi triết lý bài ngoại. Một số triết lý cơ bản vẫn gắn liền với các chính sách của đảng này, đó là người nhập cư gây ra mối đe dọa cho an ninh, kinh tế và bản sắc dân tộc của Pháp.

Chủ tịch Đảng RN Jordan Bardella, người đang có mục tiêu trở thành Thủ tướng, cho biết mục tiêu chính của ông là các chính sách và chương trình liên quan đến nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp, bao gồm cắt giảm các phúc lợi chăm sóc trẻ em, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi cho người nhập cư.

Có rất nhiều người ở đất nước chúng ta ngày nay có quốc tịch nước ngoài phạm tội. Tôi muốn những người nước ngoài hiện diện trên đất nước của chúng ta, những người phạm tội sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Pháp. Biện pháp đầu tiên mà tôi sẽ áp dụng là bãi bỏ các quyền và các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc trục xuất những người phạm pháp và tội phạm nước ngoài.

Ông Jordan Bardella – Chủ tịch Đảng Tập hợp Quốc gia, Pháp.

Cụ thể, Đảng RN chủ trương sẽ tước bỏ quyền tự động sở hữu quốc tịch Pháp khi đủ 18 tuổi đối với trẻ em sinh ra ở Pháp có cha mẹ không phải người Pháp; chấm dứt điều trị y tế miễn phí cho những người không có giấy tờ hợp pháp, trừ trường hợp khẩn cấp; đồng thời hạn chế những công dân có hộ chiếu thứ hai đảm nhận những công việc được coi là nhạy cảm, như điều hành một nhà máy hạt nhân và làm việc trong lĩnh vực quốc phòng “chiến lược”.

Trong những năm tiếp theo, ông Bardella hứa sẽ thực hiện triết lý lâu đời của Đảng RN về “ưu tiên quốc gia”, đó là mang lại cho công dân Pháp sự đối xử ưu đãi hơn người nước ngoài trong một số công việc, phúc lợi hoặc trợ cấp nhất định của chính phủ.

Ông Bardella cũng thừa nhận rằng nếu trở thành Thủ tướng Pháp, ông sẽ tiến tới ban hành luật “chống lại các hệ tư tưởng Hồi giáo” - đặc biệt là trao cho ông quyền đóng cửa một số nhà thờ Hồi giáo và trục xuất các giáo sĩ mà chính phủ cho là đã bị cực đoan hóa.

Về chính sách đối ngoại, Chủ tịch Đảng Tập hợp Quốc gia Bardella cho biết mục tiêu của ông là giảm mức đóng góp của Pháp cho ngân sách EU ba tỷ Euro, mức cắt giảm lên tới hơn 10%. Mặc dù đây không hẳn là bước đầu tiên hướng tới một cuộc “Brexit của Pháp”, mà mọi người vẫn gọi là Frexit, nhưng ý tưởng này vẫn gây chấn động dư luận.

Chủ tịch Đảng Tập hợp quốc gia (RN) Jordan Bardella. Ảnh: AFP.

Ông Bardella cũng tuyên bố ông ủng hộ việc cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí cần thiết để tự vệ chứ không phải những thiết bị có thể khiến xung đột leo thang. Ngoài ra, Chủ tịch Đảng Tập hợp Quốc gia cũng loại trừ khả năng cử lực lượng Pháp đến Ukraine.

Theo giới quan sát, nếu phe cực hữu chiến thắng trong vòng bầu cử thứ hai, nước Pháp có thể ở trong tình trạng Tổng thống và Chính phủ đến từ hai lực lượng chính trị đối lập. Ông Macron vẫn có quyền lực trong vấn đề đối ngoại và an ninh, nhưng ảnh hưởng đến đối nội sẽ suy giảm đáng kể. Chính phủ do phe đối lập nắm giữ sẽ buộc ông Macron phải chấp nhận không ít nhượng bộ.

Kết quả bầu cử Nghị sĩ Quốc hội Pháp vòng một đã phản ánh một cục diện chính trị đầy biến động. Với những kết quả chênh lệch không quá lớn giữa các liên minh chính trị lớn, vòng hai vào cuối tuần này hứa hẹn sẽ rất gay cấn. Kết quả cuối cùng không chỉ quyết định tương lai chính trị của Pháp mà còn có thể ảnh hưởng đến cán cân quyền lực trong Liên minh châu Âu (EU) bởi Pháp là một thành viên nòng cốt của khối.

Sự trỗi dậy của phe cực hữu tại châu Âu

Cơn địa chấn chính trị gây ra bởi phe cực hữu không chỉ dừng lại ở Pháp. Thời gian qua, lực lượng này còn trỗi dậy mạnh mẽ trên khắp châu Âu. Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra tháng trước đã khiến nhiều lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải bất ngờ khi các đảng cực hữu đã giành được sự ủng hộ vượt trội so với trước đó. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo ngại về những tác động lớn trong và ngoài khu vực.

Phe cực hữu gần đây đã nổi trội hơn trên chính trường Pháp và Đức. Tại Pháp, Đảng Tập hợp Quốc gia do bà Marine Le Pen đứng đầu chiếm ưu thế với hơn 31,5% phiếu ủng hộ, vượt xa Đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron chỉ được 14,6%.

Đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron chỉ được 14,6% phiếu ủng hộ. Ảnh AFP.

Tại Đức, Đảng cực hữu Lựa chọn vì nước Đức (AfD) cũng đứng thứ hai trong cuộc bầu cử EP với 15,9% phiếu bầu ủng hộ, so với Đảng Dân chủ Xã hội (DPD) của Thủ tướng Olaf Schold chỉ được 13% và Đảng Xanh 11,9%.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP.

Phe cánh hữu ở một số quốc gia như Tây Ban Nha, Slovakia, Hungary, Hà Lan, Italy cũng cải thiện vị thế.

Mặc dù Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), liên minh các đảng trung hữu ở EU, được dự báo vẫn là khối lớn nhất tại EP, nhưng theo giới quan sát, với sự trỗi dậy của phe cực hữu tại cơ quan lập pháp, một số chính sách quan trọng nhất của EU nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng.

Sự trỗi dậy của các đảng cực hữu trong bầu cử Nghị viện châu Âu có thể khiến hàng loạt chính sách lớn của khối thay đổi, như an ninh tập thể hay kết nạp thành viên. Phe cực hữu nhìn chung không muốn kết nạp thêm thành viên. Họ lo ngại những hệ lụy như cần ngân sách chung lớn hơn, các nước giàu hơn phải tăng cường đóng góp khi có thêm thành viên nghèo hơn gia nhập.

Về vấn đề kinh tế, các chuyên gia cho rằng Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu có thể sẽ tiếp tục xu hướng chủ nghĩa bảo hộ và can thiệp nhiều hơn vào các ngành công nghiệp chiến lược, mặc dù EU sẽ vẫn là một nền kinh tế mở, phụ thuộc vào thương mại.

Vấn đề nhập cư sẽ vẫn là trọng tâm trong chương trình nghị sự với các đảng cánh hữu dự kiến sẽ ủng hộ việc tăng cường an ninh biên giới và lập trường cứng rắn hơn đối với dòng người nhập cư. Theo Chatham House, nhập cư là vấn đề mà các đảng trong phe cực hữu thống nhất rất cao.

Vấn đề nhập cư sẽ vẫn là trọng tâm trong chương trình nghị sự với các đảng cánh hữu. Ảnh EPA.

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 3/7 đã bày tỏ lo ngại rằng việc phe cực hữu đang mở rộng ảnh hưởng ở Liên minh châu Âu có thể gây thêm nhiều bất lợi cho người di cư và người xin tị nạn.

Tại Pháp, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình tại quảng trường Cộng hoà ở Thủ đô Paris để phản đối Đảng Tập hợp Quốc gia, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng kêu gọi bảo vệ các giá trị Pháp.

Người dân Pháp xuống đường biểu tình tại Toulouse vào ngày 10 tháng 6 năm 2024 sau kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu: “Điều nằm trong những diễn ngôn trong vài ngày qua, đó là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái không bị ngăn cấm, là sự phản bội sâu sắc đối với bản chất của nước Pháp”.

Bên cạnh đó, việc Đảng Xanh mất nhiều ghế trong cuộc bầu cử vừa qua khiến cho các chính sách về khí hậu, vốn đã chịu áp lực trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế yếu, có thể sẽ phải đối mặt những trở ngại hơn nữa. Mặc dù sự trỗi dậy của phe cực hữu có thể không dẫn tới việc hủy bỏ các chính sách khí hậu hiện tại, nhưng có thể khiến việc thông qua các chính sách mới trở nên khó khăn hơn.

Sự thắng thế của làn sóng cực hữu, đặc biệt ở Pháp và Đức, cũng sẽ tác động lớn tới sự ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine.

Các bước ngoặt từ chiến thắng của lực lượng cực hữu tại một số quốc gia chủ chốt ở châu Âu được nhận định vẫn sẽ tiếp tục tạo ra các dư chấn chính trị thời gian tới với sự cải tổ chính trị tại nhiều quốc gia.

Các chuyên gia cho rằng một châu Âu thiên hữu là xu hướng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Kết quả bầu cử Quốc hội Pháp sắp tới và phiên họp đầu tiên của Nghị viện châu Âu trong tháng 7 sẽ tiếp tục định hình tương lai chính sách của châu lục này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Một trong những điểm yếu lớn nhất của Tổng thống thứ 46 của Mỹ là "không có khả năng quảng bá những thành tựu của mình". Nhưng các nhà sử học "có thể vẫn công tâm và đánh giá cao ông về sự phục hồi kinh tế hậu Covid".

Báo chí Mỹ mới đây đưa tin Iran đang chuẩn bị tấn công Israel, có thể là trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, nhằm trả đũa vụ Israel tiến hành chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào hàng loạt mục tiêu quân sự của Iran hôm 26/10.

Vài ngày trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ, cuộc so găng giữa ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris vẫn hết sức gay cấn. Hầu hết, các chuyên gia nhận định đây là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất lịch sử nước Mỹ, mọi kịch bản sẽ không loại trừ trong cuộc bỏ phiếu ngày 5/11 tới.

Gần 200 người đã thiệt mạng trong trận lũ quét ở vùng Valencia, miền Đông Tây Ban Nha. Trận lũ lụt chết người nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ là một lời nhắc nhở đau thương rằng châu Âu chưa chuẩn bị đối phó với hậu quả của bầu khí quyển quá nóng.

Cuộc bầu cử Quốc hội Gruzia đã kết thúc với chiến thắng thuyết phục thuộc về đảng Giấc mơ Gruzia cầm quyền. Phe đối lập dựa vào sự ủng hộ của bên ngoài, không công nhận kết quả bầu cử và cố gắng tìm cách lật ngược kết quả thông qua các cuộc biểu tình và khiêu khích sử dụng vũ lực. Những diễn biến này giống với những cuộc cách mạng màu của những năm trước.

Ngày 31/10, Triều Tiên xác nhận đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Đây là vụ phóng thử ICBM đầu tiên sau gần một năm, cho thấy khả năng tấn công hạt nhân tầm xa tiềm tàng của nước này.