Sức khỏe con người bị đe dọa vì nắng nóng cực đoan
Tháng 7 nóng kỷ lục tại Trung Quốc và Nhật Bản
Biến đổi khí hậu không còn là mối đe dọa trong tương lai, mà đang diễn ra và ngày càng nghiêm trọng hơn. Mặc dù đã được cảnh báo trước về một mùa hè 2024 gay gắt và đổ lửa, nhưng việc thế giới vừa phải trải qua tháng 7 nắng nóng cực đoan, khắc nghiệt, một lần nữa cho thấy mùa hè năm nay sẽ nóng chưa từng có.
Trung Quốc đã trải qua tháng 7 nóng nhất trong lịch sử hiện đại. Trong khi, Cơ quan thời tiết Nhật Bản cho biết quốc gia này vừa trải qua tháng 7 nóng nhất trong 126 năm trở lại đây, trong bối cảnh các đợt nắng nóng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây tác động lên nhiều nơi trên thế giới.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết, nhiệt độ trung bình tháng 7 ở Trung Quốc là 23,21 độ C vượt qua mức 23,17 độ C vào tháng 7/2017 - mức trung bình hàng tháng cao nhất kể từ khi nước này bắt đầu thống kê dữ liệu vào năm 1961. Vào tháng 7/2024, tất cả các tỉnh của Trung Quốc đều có nhiệt độ trung bình cao hơn cùng kỳ năm 2023. Nhiệt độ ở các tỉnh Quý Châu và Vân Nam cao nhất.
Ngày 1/8 vừa qua, nhiệt độ vẫn ở mức cao tại đồng bằng sông Dương Tử, trong khi Thượng Hải, Nam Kinh, Hàng Châu và các thủ phủ tỉnh khác được dự báo sẽ chịu mức nhiệt cao trong tuần này.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), nhiệt độ trong tháng 7 vừa qua của quốc gia này cao hơn mức trung bình 2,16 độ C, phá vỡ kỷ lục ghi nhận được vào tháng 7/2023 trước đó là cao hơn 1,91 độ C trên mức trung bình.
Trong số 153 trạm quan sát trên khắp Nhật Bản, 62 trạm đã phá kỷ lục nhiệt độ trung bình vào tháng 7/2024.
Khu vực Shizuoka, phía Tây Tokyo, đã trở thành khu vực đầu tiên của Nhật Bản ghi nhận nhiệt độ lên tới 40 độ C trong tháng 7 - vượt xa ngưỡng 35 độ C được chính quyền địa phương đánh giá là “nắng nóng khắc nghiệt”. Trong khi đó ngày 29/7 vừa qua, khu vực Sano, tỉnh Tochigi ghi nhận nhiệt độ đạt mức 41 độ C.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng đưa ra dự báo nhiệt độ tiếp tục duy trì ở mức cao hơn trung bình trên toàn quốc trong tháng 8 và thậm chí có thể ghi nhận những kỷ lục mới trong tương lai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Tôi thực sự lo lắng về tương lai. Tôi nghĩ về tương lai của bọn trẻ và hành tinh này sẽ ra sao, điều đó thực sự đáng lo ngại.
Chị Momoko Hashiguchi, người dân Nhật Bản.
Các đợt nắng nóng khắc nghiệt đang xảy ra ngày càng phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu cho biết Trái đất đã trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận vào 22/7, với trung bình nhiệt độ không khí bề mặt toàn cầu là 17,15 độ C.
Thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ của người dân, đặc biệt là người cao tuổi. Tại Tokyo, cụ ông Shigezo Shinohara, 97 tuổi, được bác sĩ gia đình theo dõi, thăm hỏi sức khỏe thường xuyên nhất là trong giai đoạn nắng nóng bao trùm nhiều tỉnh thành của Nhật Bản như hiện nay. Ông Takeshi, con trai của cụ Shinohara, cho biết cha ông đã phải nhập viện vào mùa hè năm ngoái do mất nước.
Naoyuki Nishihara, Giám đốc điều hành của Grace, nơi cung cấp dịch vụ điều dưỡng tại nhà cho các gia đình như cụ Shinohara, cho biết nhiều người cao tuổi không nhận ra nắng nóng có thể ảnh hưởng đến cơ thể họ như thế nào.
Các thành phố ở Trung Quốc đã mở hầm trú ẩn cho người dân tránh nóng, bởi nhiệt độ cao bất thường ở nhiều nơi trên cả nước. Các hầm trú ẩn được mở cửa có trang bị khu vực ghế ngồi và có cung cấp nước, đồ ăn nhẹ và thuốc chống sốc nhiệt, một số nơi còn có các tiện ích như vô tuyến, mạng wi-fi, chỗ chơi bóng bàn.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, giới chức địa phương khuyến nghị người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp tự bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng và giữ mát cho cơ thể.
Trời nóng quá, tôi đổ mồ hôi liên tục. Mọi người đều mặc áo chống nắng, cầm ô và tránh ánh nắng chiếu trực tiếp. Ở trong nhà có máy lạnh sẽ mát hơn.
Chị Li Wen, người dân Trung Quốc.
Hơn 175.000 người châu Âu tử vong mỗi năm do nắng nóng
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết mỗi năm nắng nóng cực đoan khiến hơn 175.000 người tử vong tại châu Âu, nơi nhiệt độ đang tăng nhanh hơn phần còn lại của thế giới. Theo WHO, trong số khoảng 489.000 ca tử vong liên quan đến nắng nóng mà WHO ghi nhận mỗi năm từ năm 2000 đến 2019, khu vực châu Âu chiếm 36%, tương đương mức trung bình hơn 176.000 ca tử vong. WHO nhấn mạnh nhiệt độ trong khu vực này đang tăng nhanh gấp hai lần so với mức trung bình trên toàn cầu. Số ca tử vong liên quan đến nắng nóng trong khu vực châu Âu đã tăng 30% trong hai thập niên qua.
Giám đốc WHO tại khu vực châu Âu, ông Hans Kluge nhấn mạnh "con người đang trả một cái giá đắt". Nhiệt độ cực đoan làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính, gồm tim mạch, hô hấp và bệnh mạch máu não, sức khỏe tâm thần và các bệnh liên quan đến tiểu đường. Ông Kluge lưu ý nắng nóng cực đoan là vấn đề lớn đối với người cao tuổi và phụ nữ có thai.
WHO cho biết sốc nhiệt xảy ra khi cơ thể con người không còn có khả năng duy trì nhiệt độ thích hợp, nguyên nhân hàng đầu của các ca tử vong liên quan đến khí hậu trong khu vực châu Âu. WHO dự báo số ca tử vong liên quan đến nắng nóng dự kiến tăng vọt trong những năm tới do tình trạng ấm lên toàn cầu. Theo Giám đốc Kluge, khu vực châu Âu đã trải qua ba năm nóng nhất trong lịch sử kể từ năm 2020 và 10 năm nóng nhất kể từ năm 2007.
Ngày 25/7 vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo nhân loại đang hứng chịu "dịch nắng nóng cực đoan" và kêu gọi hành động để hạn chế tác động của những đợt nắng nóng vốn trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Hàng tỷ người đang phải đối mặt với dịch bệnh nắng nóng cực độ, héo mòn dưới những đợt nắng nóng ngày càng nguy hiểm, với nhiệt độ lên tới 50 độ C trên khắp thế giới. Hành động vì khí hậu cũng đòi hỏi hành động tài chính, bao gồm việc các quốc gia cùng nhau đạt được kết quả tài chính mạnh mẽ từ COP 29, đạt tiến triển về các nguồn tài chính sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ năng lực hàng đầu của các ngân hàng phát triển đa phương để giúp các nước đang phát triển giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và các quốc gia giàu có hơn thực hiện tốt tất cả các cam kết tài chính về khí hậu của họ. Thông điệp rất rõ ràng: sức nóng đang gia tăng. Nhiệt độ cực cao đang có tác động rất lớn đến con người và hành tinh. Thế giới đang phải đối mặt với thách thức của nhiệt độ tăng cao.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
ILO cảnh báo ảnh hưởng nắng nóng với người lao động
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào cuối tháng 7 đã công bố báo cáo cho thấy ngày càng nhiều công nhân phải đối mặt với tình trạng căng thẳng do nhiệt độ tăng cao, ngay cả ở những khu vực có khí hậu ôn hòa, đồng thời cảnh báo rằng nhân loại đang phải hứng chịu một làn sóng nhiệt độ cực đoan.
Dữ liệu từ ILO cũng chỉ ra rằng hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải tiếp xúc với nhiệt độ quá cao trong năm 2020, tăng gần 9% so với năm 2000. Trong báo cáo phân tích về nhiệt độ theo khu vực, ILO nhận thấy châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với gần 93% người lao động phải chịu nhiệt độ quá cao trong công việc, tiếp theo là các quốc gia Ả Rập với 83,6% và khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở mức 74,7%.
Báo cáo của ILO cảnh báo rằng “các quốc gia trước đây không quen với nắng nóng cực độ sẽ phải đối mặt với những mối đe dọa mới mà họ có thể không được trang bị đầy đủ để đối phó, trong khi điều kiện ở những khu vực vốn đã phải đối mặt với nhiệt độ cao kéo dài sẽ chỉ làm tình hình xấu đi”.
Ở cấp độ toàn cầu, gần 23 triệu thương tích nghề nghiệp do nhiệt độ quá cao được báo cáo mỗi năm, cướp đi sinh mạng của khoảng 19.000 người. Báo cáo nhấn mạnh: “Sức nóng là một thế lực vô hình - kẻ giết người thầm lặng. Các mối nguy hiểm về nhiệt đối với cả công việc trong nhà và ngoài trời đều làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như kiệt sức vì nóng, say nắng, các bệnh về tim mạch, hô hấp và tử vong”.
Báo cáo nhấn mạnh tác động của các đợt nắng nóng, chiếm khoảng 10% tổng lượng phơi nhiễm nhiệt quá mức trên toàn cầu, khiến 4.200 công nhân thiệt mạng vào năm 2020. Theo báo cáo của ILO, tổng cộng có 231 triệu công nhân phải hứng chịu nắng nóng trong năm 2020, tăng 66% kể từ năm 2000.
Tại Hy Lạp, Bộ Lao động nước này cho biết các công nhân xây dựng, người giao đồ ăn, nhân viên chuyển phát nhanh và thợ đóng tàu nằm trong số những người phải tạm dừng công việc từ buổi trưa đến 17h từ ngày 16/7 đến ngày 19/7. Nguyên nhân là vì nhiệt độ lên tới trên 40 độ C ở các vùng của Hy Lạp.
Nhằm đối phó với thời tiết nắng nóng tại Pháp, một nghị định mới có hiệu lực cho phép người lao động làm việc trong thời gian ngắn hơn, mở đường cho việc trợ cấp cho người lao động nếu ngừng làm việc trong lĩnh vực xây dựng và công trình công cộng. Pháp đang giảm giờ làm việc của công nhân xây dựng do nắng nóng, đôi khi cho họ về nhà mà vẫn nhận đầy đủ lương. Tình trạng nhiệt độ cao hiện nay dẫn đến quyết định này và người sử dụng lao động phải đáp ứng các nghĩa vụ cụ thể.
Cậu bé mắc bệnh hiếm gặp khi tiếp xúc với ánh nắng
Với nhiều trẻ em, mùa hè là khoảng thời gian được vui chơi, nô đùa thỏa thích tại các công viên giải trí, hồ bơi hay bãi biển. Nhưng không giống như các bạn cùng trang lứa, cậu bé người Tây Ban Nha, Pol Dominguez, 11 tuổi, phải ở trong nhà để tránh bức xạ cực tím có thể gây tử vong cho cậu. Cậu bé mắc phải một căn bệnh hiếm gặp là khô da sắc tố XP, hội chứng rối loạn nhiễm sắc thể do di truyền, là mất khả năng bảo vệ cơ thể và tự chữa lành tổn thương do tia cực tím gây ra, khiến người bệnh phải tránh xa ánh sáng.
Trường hợp của Pol Domiguez rất nghiêm trọng, đến mức ngay cả việc tiếp xúc trong thời gian ngắn với ánh sáng mặt trời cũng có thể khiến cho cậu bị bỏng nghiêm trọng. Mắt của cậu cũng có thể bị ảnh hưởng. Cơ thể bệnh nhân không thể tự sửa chữa AND bị mặt trời làm tổn thương, khiến cậu có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư nếu tiếp xúc với tia cực tím.
Khi các đợt nắng nóng trở nên thường xuyên hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn do tình trạng biến đổi khí hậu, nguy cơ đối với Dominguez và những người mắc bệnh như cậu sẽ tăng lên.
Bác sĩ Asuncion Vicente, Bệnh viện Sant Joan De Deu, Tây Ban Nha cho hay: “Càng nhiều thời gian phơi nắng, tác hại của ánh nắng mặt trời càng nhiều, do đó bệnh càng nặng. Người bệnh phải tự bảo vệ mình cẩn trọng hơn vào mùa hè.”
Gia đình của Dominguez đã phải thay đổi thói quen sinh hoạt để tránh tiếp xúc bức xạ của tia cực tím. Để tránh bị cháy nắng nghiêm trọng và phồng rộp, Dominguez đội mũ trùm đầu, mặc áo khoác, đeo kính râm và đeo găng tay khi ra ngoài ngay cả trong mùa đông. Khi cần ra ngoài, cậu phải mặc kín để che chắn khiến cậu thấy nóng bức và khó chịu.
Trường học của Dominguez cũng đã điều chỉnh cửa sổ và ánh sáng để cậu bé có thể hoạt động bình thường nhất có thể. Dù vậy, cậu vẫn phải chuẩn bị đồ bảo vệ và mang theo máy đo tia cực tím để kiểm tra xem môi trường có an toàn hay không.
Sau khi mặt trời lặn, Dominguez cuối cùng cũng có thể ra ngoài vui chơi thoải mái mà không cần mặc đồ bảo vệ. Đây thực sự là khoảng thời gian vui vẻ với Dominguez.
Chị Xenia Aranda, mẹ của Pol Dominguez chia sẻ: “Chúng tôi ra ngoài vào ban đêm. Khoảng 10h đêm. Chúng tôi hỏi nhau thích làm gì. Thích đi ăn kem hay ra bãi biển.”
Biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên, dữ dội và kéo dài hơn trên toàn cầu. Năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận, tuy nhiên năm 2024 có thể sẽ lập kỷ lục mới khi nhiệt độ trên 40 độ C đang ngày càng phổ biến ở nhiều nơi.
Theo Liên hợp quốc, tác động của nắng nóng thường ít được nhìn thấy hơn bão hoặc lũ lụt, nhưng lại gây chết người nhiều hơn. Đáng chú ý, nhiệt độ cực cao cũng có tác động đến nền kinh tế, theo ước tính, thiệt hại kinh tế do căng thẳng nhiệt tại nơi làm việc sẽ lên tới 2,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Liên hợp quốc kêu gọi Chính phủ các nước không chỉ cắt giảm khí thải nhiên liệu hóa thạch - tác nhân gây ra biến đổi khí hậu mà còn phải tăng cường bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, gồm người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, đồng thời tăng cường bảo vệ người lao động.
Khi cuộc chiến Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ 4, nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết cuộc xung đột khi ông chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
TikTok có thể xem là một trong những ứng dụng "xấu số" nhất thế giới. Dù có lượng người dùng đông đảo, ứng dụng này cũng đang bị cấm tại rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lý do khác nhau.
Sáng 17/12, một thiết bị nổ được cài trong một chiếc xe scooter điện đã phát nổ gần lối vào của một tòa dân cư trên Đại lộ Ryazansky ở Moscow, vào đúng thời điểm người đứng đầu Lực lượng Phòng chống Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Igor Kirillov cùng trợ lý của ông đi ngang qua, khiến hai người thiệt mạng.
Theo các nguồn tin Ukraine, tính đến tháng 11 năm nay, ít nhất 18 tướng, một đô đốc Nga đã thiệt mạng. Tuy nhiên, phía Nga mới xác nhận 8 trường hợp, và thêm trường hợp mới nhất là Trung tướng Igor Kirillov.
Ở tuổi 73, ông Francois Bayrou trở thành thủ tướng thứ 4 của nước Pháp chỉ trong vòng một năm. Ông sẽ đối mặt với nhiệm vụ đầy thách thức là đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng qua và vực dậy nền kinh tế.
Israel đã tận dụng khoảng trống quyền lực ở Syria để ném bom các mục tiêu trên khắp đất nước nước này. Israel tuyên bố chiến dịch quân sự của họ ở Syria chỉ là “biện pháp tạm thời” để đảm bảo an ninh quốc gia, ngăn vũ khí của Syria rơi vào tay những kẻ cực đoan.
0