Syria: 11 ngày tấn công chớp nhoáng và bước ngoặt lịch sử

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, tình hình Syria xoay chuyển nhanh chóng, dẫn đến việc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ. Đà tiến quân của lực lượng phiến quân gặp rất ít sự kháng cự từ quân đội chính phủ.

Kể từ khi phát động chiến dịch tấn công nhằm vào quân đội Syria hôm 27/11, lực lượng nổi dậy, do nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham đứng đầu, đã đạt được bước tiến mạnh mẽ. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, các nhóm phiến quân tại Syria đã giành quyền kiểm thành phố Aleppo, Hama, Daraa, Homs và mới đây nhất là thủ đô Damascus.

Việc chiếm được thủ đô Damascus đã đặt dấu chấm hết cho chính quyền Tổng thống Syria Basha Al Assad. Bộ Ngoại giao Nga xác nhận ông Assad đã từ chức và rời khỏi Syria sau khi đạt được thỏa thuận chuyển giao quyền lực hòa bình với phe chống chính phủ. Theo truyền thông Nga, ông Assad và gia đình đã được cấp phép tị nạn ở Nga và hiện ở Moscow. Hiện chưa rõ tung tích của Bộ trưởng Quốc phòng Syria Ali Abbas. Trong khi Thủ tướng Syria Mohammad Ghazi al-Jalali quyết định ở lại trong nước.

Chiến thắng chóng vánh của lực lượng nổi dậy Syria trước quân đội chính phủ được trang bị nhiều vũ khí hiện đại khiến nhiều chuyên gia quân sự bất ngờ. Quân đội Syria liên tục tuyên bố “tái bố trí” các đơn vị khỏi các thành phố sau khi rút lui, nhưng trên thực tế họ không thiết lập bất kỳ phòng tuyến nào cản đường tiến của lực lượng đối lập.

Các nhà phân tích cho rằng quân đội thiếu nhuệ khí là lý do khiến Damascus thất thủ nhanh chóng. Thực tế, từ trước khi lực lượng đối lập phát động chiến dịch tấn công, vị thế của cựu Tổng thống Assad vốn đã mong manh. Cả Nga và Iran, hai đồng minh quan trọng nhất của ông Basha al Assad, trong thời gian qua có những ưu tiên chiến lược cấp bách hơn chiến trường Syria. Với Nga là cuộc xung đột tại Ukraine, còn các lực lượng thân Iran mà chủ lực là Hezbollah, bị cuốn vào xung đột với Israel. Điều này khiến quân đội Syria thiếu sự hỗ trợ mạnh mẽ khi đối mặt với cuộc tấn công nhanh chóng của lực lượng nổi dậy do nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir Al-Sham (HTS) dẫn đầu.

Mặt khác, quân đội Syria hầu như không tham gia vào các trận chiến ác liệt kể từ khi chính phủ ký kết một lệnh ngừng bắn với các lực lượng nổi dậy vào năm 2020. Phần lớn quân đội Syria là lính nghĩa vụ. Trong khi đó, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến thuật tinh vi của các lực lượng nổi dậy đã khiến quân đội Syria bị bất ngờ. Nhóm Hồi giáo Hayat Tahrir Al-Sham có các đơn vị đặc nhiệm, lực lượng drone và lính biệt kích ban đêm.

Lực lượng phiến quân giành quyền kiểm soát thành phố Hama ngày 5/12/2024. Ảnh: Reuters

Một nguyên nhân khác là tình hình kinh tế khó khăn ở Syria, khiến ông al-Assad không được lòng dân, kể cả binh lính. Hồi tuần trước, ông Assad đã ra lệnh tăng 50% lương cho nhóm binh sĩ chuyên nghiệp như một nỗ lực làm hồi sinh lực lượng quân đội đang có nguy cơ tan rã của nước này. Tuy nhiên nền kinh tế đang suy thoái nghiêm trọng của Syria khiến mức lương dự kiến dù cao hơn, nhưng thực chất lại không giải quyết được gốc rễ vấn đề.

Theo các nhà phân tích, có thể coi chính phủ Syria hoàn toàn thất thủ, dù lực lượng đối lập chưa tiến vào Lattakia và Tartous - hai tỉnh ven biển được coi là thành trì của chính quyền Tổng thống Basha al-Assad.

Sau khi giành quyền kiểm soát Damascus, lực lượng đối lập Syria đã ban bố lệnh giới nghiêm tại thủ đô. Các cơ quan công quyền sẽ tiếp tục được Thủ tướng Mohammed al-Jalali giám sát cho đến khi chính thức chuyển giao quyền lực.

Thay đổi cán cân chính trị khu vực

Việc phiến quân tấn công chớp nhoáng các thành phố ở Syria, trước khi tràn vào thủ đô Damascus và buộc Tổng thống Syria Bashar Assad phải chạy ra nước ngoài, đã khiến thế giới phải quan tâm tìm hiểu những biến động mới nhất ở quốc gia Trung Đông và xem xét hậu quả của nó.

Đối với Nga, sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Basha al Assad có nghĩa là mất đi đồng minh Trung Đông thân cận nhất. Đối với Iran, điều này có thể phá vỡ cái mà họ gọi là trục kháng chiến của mình, bao gồm các quốc gia đồng minh và lực lượng dân quân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Moscow vào tháng 7. (Reuters/Sputnik)

Sự kiện chính phủ Syria sụp đổ tác động không nhỏ tới nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Thổ Nhĩ Kỳ có đường biên giới dài 911 km chung với Syria. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng chiến dịch tấn công của lực lượng nổi dậy không thể diễn ra và thành công nếu không được Ankara “bật đèn xanh”, mặc dù từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc liên quan.

Dù lí do là gì, thì việc chính phủ Syria sụp đổ cũng mang lại cho Ankara nhiều lợi ích. Trong đó, quân nổi dậy kiểm soát Syria sẽ tạo cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua lực lượng này đẩy lùi lực lượng người Kurd ở Syria - liên minh với tổ chức đảng Công nhân người Kurd (PKK). Bên cạnh những mặt tích cực, tình hình bất ổn ở Syria sẽ tạo ra làn sóng người tị nạn mới hướng về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt khác, cuộc tấn công của quân nổi dậy có thể gây căng thẳng trong quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với những quốc gia ủng hộ chính quyền ông Assad là Iran và Nga.

Trong khi đó, tình hình chính trị tại Syria khiến dư luận thế giới đặt hàng loạt câu hỏi về chiến lược tương lai và mức độ ưu tiên của Mỹ đối với quốc gia Trung Đông này. Mỹ hiện duy trì khoảng 900 binh sĩ Mỹ ở đông bắc Syria để hỗ trợ lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống khủng bố.

Với nhiệm kỳ chỉ còn 6 tuần trước khi chuyển giao quyền lực, Tổng thống Biden đối mặt với giới hạn trong việc định hình chính sách đối với Syria. Các quyết định dài hạn nhiều khả năng sẽ do chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra. Trong khi đó, ông Trump từng tuyên bố ý định rút quân Mỹ khỏi Syria, khẳng định Mỹ sẽ không can thiệp quân sự vào Syria. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự thiếu cam kết trong việc duy trì ổn định tại khu vực.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ hợp tác với các lực lượng ở Syria để ngăn chặn rủi ro. Ảnh: Reuters

Đối với Israel, sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Assad vừa là cơ hội vừa là rủi ro. Việc đồng minh chính của Iran sụp đổ tại Syria làm gián đoạn chuỗi cung ứng cho Hezbollah, nhưng sự nổi lên của nhóm Hayat Tahrir al-Sham như một lực lượng dẫn đầu lại gây ra những bất ổn mới. Israel đã tăng cường sự hiện diện dọc Cao nguyên Golan, chuẩn bị cho khả năng triển khai lực lượng hoặc các nỗ lực của phiến quân nhằm chiếm giữ kho dự trữ của quân đội Syria.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Lãnh đạo lực lượng nổi dậy ở Syria Abu Mohammed al-Golani, hiện được biết đến với tên thật là Ahmed al-Sharaa, đã tuyên bố thành lập một chính quyền chuyển tiếp. Thủ tướng Syria Mohammed al-Jalali đã được bổ nhiệm làm người quản lý các cơ quan nhà nước cho tới khi hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực. Trong một tuyên bố, ông al-Jalali bày tỏ mong muốn hợp tác với bất kỳ nhà lãnh đạo nào do người dân Syria lựa chọn.

Thủ lĩnh phe nổi dậy ở Syria Abu Mohammed al-Golani. Ảnh: Reuters

Bất chấp những nỗ lực này, lịch sử của nhóm Hayat Tahrir al-Sham - bắt nguồn từ tổ chức khủng bố al-Qaeda - đã “phủ bóng đen” lên những lời hứa về cách tiếp cận ngoại giao và dân tộc chủ nghĩa của tổ chức này. Nhiều người hoài nghi về ý định nắm quyền lâu dài, khả năng lãnh đạo một đất nước bị chia rẽ sắc tộc như Syria, và viễn cảnh một chính quyền lãnh đạo độc đoán, khắc nghiệt dưới vỏ bọc của chế độ Hồi giáo.

Một số nhà quan sát cho rằng việc thiết lập một hệ thống quản trị mới ở Syria sẽ là "thách thức vô cùng lớn" đối với lực lượng phiến quân đã lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Phe đối lập Syria hiện đề xuất 18 tháng chuyển tiếp để “thiết lập môi trường an toàn, trung lập và bình ổn” trước khi tổ chức bầu cử.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra sẽ có bài phát biểu quan trọng trước công chúng vào ngày 12/12 nhằm điểm lại những hoạt động quan trọng của Chính phủ do bà lãnh đạo trong 3 tháng qua, đồng thời làm rõ các định hướng chính sách quan trọng của Thái Lan trong năm 2025.

Theo dịch vụ lập bản đồ DeepState, lực lượng Nga hiện chỉ còn cách ngoại ô thành phố Pokrovsk quan trọng ở miền đông Ukraine 3km sau khi tiến quân nhanh chóng trong ngày 11/12.

Trên những cánh đồng ở Manouba, Tunisia, những người nông dân đang chăm sóc những bông hoa tím chứa một trong những loại gia vị quý giá nhất thế giới - nghệ tây, thường được gọi là “vàng đỏ”. Họ là người tiên phong trong ngành nghệ tây còn non trẻ ở Tunisia.

Ngày 11/12, Bộ trưởng Người tị nạn trong chính quyền Taliban ở Afghanistan, ông Khalil Ur-Rahman Haqqani, đã thiệt mạng trong vụ nổ xảy ra tại trụ sở bộ ở thủ đô Kabul của nước này.

Ngày 11/12, Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh Nga đã hỗ trợ Syria chống khủng bố và ổn định tình hình sau năm 2015. Tuy nhiên, các động thái tiếp theo sau đó phụ thuộc vào chính phủ Syria.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết, các cuộc đàm phán hòa bình về cuộc xung đột tại Ukraine có thể bắt đầu vào mùa đông năm 2024.