Ta thấy gì ở 90 giây đèn đỏ?
Tôi đã từng là trẻ con mang hình hài người lớn trên hành trình học cách trưởng thành. Tôi chán ghét buổi chiều tan tầm với những giờ kẹt xe, khói bụi và đông nghẹt phương tiện.
Dòng người hối hả ngược xuôi, chen chúc đến mức không kịp nhìn thấy nhau, thêm vào đó là tiếng bíp bíp hay âm thanh đèn xi nhan từ khắp phía.
Tôi than vãn mỗi khi gặp đèn đỏ quá lâu, đôi khi mất kiên nhẫn tôi cũng cố luồn lách chiếc xe qua từng khoảng trống chật hẹp, bóp còi để được tiến nhanh về phía trước. Những lúc ấy tôi chẳng buồn quan sát xung quanh, chỉ đăm đăm ý nghĩ chạy thật nhanh đến điểm đến để rồi thân thể mệt nhoài ngay cả khi về đích.
Dần dà khi đã một phần thấm chua ngọt với những cuộc đua trên cả đường đi lẫn đường đời, có đôi lúc tôi chọn chậm đôi chân mình lại, khẽ nép mình giữa những bon chen thường ngày. Vẫn lối rẽ trái vào con đường nơi ngã tư nối lên cầu, ở đó có trụ đèn giao thông đặc biệt, đèn đỏ đếm ngược từ giây thứ 90.
Là tôi trước đây khi đi qua con đường ấy, tôi sẽ càu nhàu bản thân hay than phiền với người bạn đồng hành rằng giá như có con đường khác song song để không phải đứng chờ mòn mỏi đến tận một phút rưỡi.
Trong một cuốn sách về tâm lý mà tôi đã từng đọc, có đoạn nói rằng chúng ta thường khó chấp nhận những điều mới mẻ, nhất là những quy định, quy tắc mang tính bắt buộc. Và để chống đối lại những quy tắc ấy, chúng ta sẽ phản ứng một cách thái quá và bài xích nó.
Tuy nhiên đến một thời điểm, ta sẽ quen dần hay nói đúng hơn là học cách chấp nhận để phù hợp với những điều khoản đó cũng như nhận ra những lợi ích từ tính kỷ luật. Hoặc trong những cuộc đua lớn, người ta thường có thời gian tạm nghỉ hay trạm tiếp sức để người tham gia thêm sức bền và tiếp tục hành trình. Những mối liên kết ngắn dài ấy một cách vô tình hay hữu ý cũng đã ảnh hưởng tích cực đến việc thay đổi góc nhìn trong tôi.
Suy nghĩ dần thể hiện rõ rệt khi tôi dừng tại cột đèn đang nhảy số 90 giây đèn đỏ. Tắt máy xe và đứng gọn sang một bên đường, tôi có cơ hội được ngắm nhìn những điều thật bình dị mà có lẽ bao lâu qua tôi vô tình bỏ lỡ.
Đó có thể là hình ảnh anh dân quân trong bộ đồ xanh lá cây đã bạc màu, tay anh ân cần dắt bà cụ bước qua vạch kẻ đường. Là cặp vợ chồng lớn tuổi trong đồng phục lấm lem bụi đất công trình, chú tấp sát bên lề để cô có thể trao những tờ tiền lẻ đã được xếp gọn gàng đến một ông cụ khiếm thị đang đứng thổi sáo dưới chân cột đèn. Là anh tài xế công nghệ kịp nhẩn nha hút một hơi ly cà phê dần tan đá để kịp những chuyến giao hàng đang chờ anh trung chuyển.
Là cô gái trẻ e ấp vòng đôi tay trắng trẻo đặt ngang eo người bạn trai phía trước và siết chặt. Chàng trai ấy nắm lấy bàn tay cô gái của mình, khẽ vỗ nhẹ và ngoái nhìn bằng ánh mắt đầy thương mến.
Là người cha chỉnh lại chiếc đầu nghiêng nghiêng của cô con gái nhỏ đang say giấc nồng trong hơi ấm tình thân. Là hình ảnh hầu hết người điều khiển phương tiện đều tắt máy xe để giảm thiểu tiếng ồn và khí thải ra môi trường. Là ai đó khẽ ngước nhìn bầu trời với đám mây bồng bềnh rồi hít hà làn gió sông mát lạnh. Là cái nhìn bất giác mà tôi nhận ra cây bằng lăng nơi góc đường đang chìa những cành dài rộng để gửi đến cuộc đời đóa hoa dịu dàng sắc tím.
Rất rất nhiều khoảnh khắc thú vị hơn nữa mà bao lâu qua tôi chẳng hề hay biết, cứ miệt mài chạy mà quên để tâm đến ý nghĩa của trụ đèn giao thông trên đường đi cũng như phút ngơi nghỉ giữa đường đời. Hối hả hay bình lặng phải chăng chỉ nằm ở góc nhìn và cuộc đời sẽ luôn đẹp khi ta đủ chậm lại để nhìn, để hiểu và yêu?
Tôi quay sang cậu con trai 6 tuổi của mình và hỏi An này, con thấy gì ở 90 giây đèn đỏ? Cậu bé ra chiều suy nghĩ và trả lời rằng: "Con thấy vui mẹ ạ, vì con được nhìn thấy nhiều loại xe, có loại xe trước giờ con chỉ thấy trên sách. Con còn thấy vui vì được cùng mẹ chơi đố màu sắc, đố biển số xe hay cả đếm có bao nhiêu chiếc xe đi ngang qua mình nữa".
Dường như vẫn còn rất háo hức để trả lời câu hỏi của tôi, cậu bé nói thêm nhiều ý khác. Và ở những giây đèn đỏ cuối cùng, cậu bé ngước nhìn tôi rồi nói: "Con thấy vui nhất là được nói chuyện với mẹ, được kể mẹ nghe về chuyện hôm nay ở lớp con".
Khẽ mỉm cười và xoa đầu cậu con trai nhỏ, tôi lại tiếp tục hành trình. Suốt những ngày sau đó tôi học cách quý từng phút giây khi đi qua ngã tư ấy. Tôi muốn quan sát nhiều hơn nữa khoảnh khắc giản dị xung quanh mình dẫu là những quan tâm ngắn thôi nhưng cũng đủ khiến lòng thêm nhiều thương mến.
Tôi có thể hỏi bạn một câu hỏi nhỏ không? Rằng bạn thấy gì ở 90 giây đèn đỏ?
Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.
Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.
Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.
Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.
Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....
Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?
0