Ta tự hào bước trên những tầng không

Dự án đường dây 500kV mạch 3 là minh chứng cho sự kiên cường và nỗ lực không ngừng của các công nhân tải điện. Đạo diễn Việt Bắc - Trung tâm Phóng sự tài liệu, Đài Hà Nội đã ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất.

Dự án đường dây 500kV mạch 3 là một công trình vô cùng quan trọng, khép vòng mạch 3, trong thời điểm mùa khô năm 2023, miền Bắc thiếu điện nghiêm trọng. Tuy nhiên, ít ai biết được những khó khăn, hiểm nguy mà các công nhân phải đối mặt trong quá trình xây dựng những cột điện vươn cao trên dãy Hoành Sơn. Đây là một trong những cung đoạn phức tạp và gian nan nhất của dự án, với địa hình núi non hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt của miền Trung.

Chúng tôi đã quyết định theo chân họ, vượt qua mọi địa hình để có thể ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất, những hình ảnh đầy sức sống mà qua đó, người xem sẽ hiểu rõ hơn về sự gian nan và kiên cường của những cán bộ, kỹ sư, công nhân trên công trường đường dây 500kV mạch 3.

Việt Bắc - Trung tâm Phóng sự tài liệu, Đài Hà Nội

Những bước chân đầu tiên

Chúng tôi đến thị xã Kỳ Anh vào những ngày đầu tháng 7/2023, những ngày cả dải miền Trung ruột thịt dường như đang trong những nhịp thở khó nhọc dưới cái nắng đến cháy da cháy thịt. Khác với ngày thường, không khí tại nơi này có phần khiến người ta nóng ruột, bởi cheo leo trên những tầng không dọc dải đất này, có những con người bằng xương bằng thịt, đang làm việc trên những thân cột điện dẫn thẳng tới trời…Đó là những công nhân, kỹ sư của dự án đường dây 500kV mạch 3, cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu.

Biết bao lần tôi đã đến - đi nơi dải đất này - dãy Hoành Sơn, và đó là ký ức không bao giờ quên trong đời làm nghề của mình.

Với bốn chuyến công tác, tương đương hơn một tháng, ekip chúng tôi gồm tôi, quay phim Minh Tú, 2 kỹ thuật viên của Trung tâm kỹ thuật và một lái xe. Sau này, vì tính cấp thiết của dự án, đồng hành với tôi còn có thêm một quay phim và một kỹ thuật khác.

Là một đạo diễn phim tài liệu, tôi đặt chân vào công trình trọng điểm quốc gia với nhiệm vụ kể lại những câu chuyện không chỉ bằng hình ảnh. Nghe thì có vẻ thật đơn giản, nhưng khi bước vào thực tế, tôi mới hiểu rằng không chỉ là ghi hình, mà còn phải sống, gắn bó, đồng hành và sẻ chia như một người trong cuộc.

Thú thực thì tôi khá áp lực, vì tôi từng được xem những thước phim tư liệu về quá trình thi công đường dây siêu cao áp 500kV Bắc Nam mạch 1, cách đây hơn 30 năm. Hoành Sơn những ngày tháng 7 này, cũng là những ngày lòng tôi rối như tơ vò, làm sao để vừa ghi lại những hình ảnh chân thực nhất, vừa ghi được không khí của một đại công trường lịch sử.

Hành trình cùng những công nhân tải điện.

Tôi nhớ như in khi lần đầu tiên di chuyển trên con đường công vụ dài 7km dọc theo triền núi, với những con dốc đất 45 độ, để đến các vị trí cột 16-17-18 trên dãy Hoành Sơn. Những thân cột như những cột mốc khổng lồ, đứng sừng sững giữa thiên nhiên bao la, và tôi đã tự hỏi: "Làm sao con người có thể đưa từng ấy nguyên vật liệu siêu trường, siêu trọng, lên những nơi hiểm trở này?".

Tôi đã bàn bạc với quay phim Minh Tú, ghi những khoảnh khắc ấy: những đôi bàn tay lấm lem, nứt nẻ vì nắng gió, những giọt mồ hôi ướt đẫm áo ngực, làn da nâu rám nắng, và ánh mắt chỉ một lòng quyết tâm. Mỗi bước chân của họ trên những điểm cao cheo leo, đến những tầng không là một bước tiến đưa công trình sớm về đích.

Đoàn làm phim cùng công nhân trên cao.

Đứng từ những vị trí cột trên dãy Hoành Sơn, dường như cả biển Đông đang hiện bày trước mắt. Bao hoang mang lo lắng ban đầu, giờ chỉ còn niềm tự hào, hạnh phúc và lời hứa với lòng: nhất định làm được, nhất định sẽ đi đến cùng. Tôi quá may mắn khi được chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử ấy.

Hoành Sơn với hàng vạn anh em công nhân, kỹ sư, quả thực là một thử thách lớn. Còn Hoành Sơn với những người làm phim tài liệu chúng tôi, thì đích thực là một kho tài nguyên khổng lồ. Chúng tôi đã xin phép để được leo lên những vị trí công nhân đang làm việc trên cao để trực tiếp phỏng vấn họ. Mỗi bước lên cao, như được chạm vào mây trời, mỗi bước đi trên tầng không, là mỗi bước niềm vui sướng ngập tràn…Đó đích thực là niềm hạnh phúc mà chỉ người làm nghề mới có thể có được.

Có leo cao ghi hình mới thấu hiểu sức lao động phi thường của công nhân đường dây 500kV.

Tâm tình từ những lán trại

Ngày đầu tiên đặt chân đến công trường, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé giữa không gian rộng lớn của những cột điện khổng lồ và những người công nhân đầy kinh nghiệm. Họ đã gắn bó với công trình từ những ngày đầu, trải qua biết bao nắng mưa và hiểm nguy, trong khi tôi chỉ là một người ngoài mới đến, mang theo chiếc máy quay và vài lời giới thiệu.

Tôi nhận ra rằng, để có thể thực sự hiểu và kể lại câu chuyện của họ, tôi cần phải vượt qua sự xa cách ban đầu. Những người công nhân nơi đây vốn ít nói và cẩn trọng khi có người lạ tiếp cận. Trong mắt họ, tôi chỉ là một cô gái trẻ không hiểu gì về những khó khăn của công trường. Nhưng tôi biết, để làm phim tài liệu, chỉ đứng từ xa quan sát không bao giờ đủ. Tôi cần phải hòa mình vào cuộc sống của họ, sống và cảm nhận cùng họ.

Những lán trại của công nhân xây lắp rải rác trên khắp dãy Hoành Sơn. Có lẽ sau hơn 30 năm, chúng ta lại được sống trong những ngày tháng mà cả đất nước cùng ngóng trông về một đại công trường lịch sử. Hoành Sơn những năm tháng đó, có lẽ cũng là năm tháng mà những nhớ thương, khắc khoải, được kết nén lại, tạo cho nơi này những nguồn năng lượng đặc biệt. Tôi có may mắn được gặp những công nhân xây lắp, đã gắn bó với ngành xây lắp điện từ mạch 1, mạch 2 và cho đến hôm nay là mạch 3.

Tôi đã quyết định ở lại một đêm trên lán vị trí 17, để ghi lại cuộc sống của các anh em xây lắp. Anh Lê Hoài Trung, người Nghệ An, đã có thâm niên hơn 30 năm nấu bếp cho nhà thầu Xây lắp Điện 4. Chúng tôi gọi anh là “anh Nuôi”, bởi những món ăn anh nấu cho các anh em ở đây, chúng tôi cũng có may mắn được ăn nhiều lần, mà chẳng lần nào giống nhau, chỉ trừ có bát rượu đầy của đội công nhân là bữa tối nào cũng đều đặn, vừa tăng thêm gia vị, vừa để chống lại cái lạnh trên đỉnh núi cao, cũng là để giấc ngủ sâu hơn, hôm sau có sức làm việc.

Bữa cơm xong xuôi, “anh Nuôi” lại cặm cụi rửa bát, xếp bát, ngày nào cũng như ngày nào trong suốt hơn 30 năm. Đêm đã về khuya, mỗi đốm sáng trong đêm, quanh vị trí cột 17 – Hoành Sơn, là một công nhân đang tranh thủ gọi về cho gia đình, cho người yêu. Núi cao sóng điện thoại yếu, nên họ phải tìm vị trí sóng khỏe, ấy thế là mỗi người một góc, với những tiếng chuyện trò vọng mãi vào đêm.

Chúng tôi được những câu chuyện từ anh em công nhân. Mỗi người là một câu chuyện riêng. Có người đã xa nhà cả năm trời. Có những người trẻ tuổi đến từ Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu… mang trong mình nhiều hoài bão. Những câu chuyện họ kể thường bắt đầu bằng từ việc phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm khi lắp đặt dây điện trên cao, đến áp lực hoàn thành công trình trong thời gian vô cùng thách thức… Trong giọng nói của họ, tôi nghe thấy niềm tự hào khi nhìn thấy những cột điện đứng sừng sững, khi những đường dây điện chạy dài nối liền Bắc Nam. Những tiếng cười, những câu chuyện vui giữa công trường, dù có phần tạm bợ nhưng ấm áp đến lạ thường. Đó là những khoảnh khắc hiếm hoi mà tôi cảm thấy mình được sống như người thân của những người lao động nơi đây.

Cuộc đời công nhân xây lắp là thế này ư? Là những tháng ngày xa nhà biền biệt, là niềm thương – nỗi nhớ gửi cả vào bát rượu đầy, là những bước chân trên tầng không… là thành quả mà phần đông chúng ta đều đang thụ hưởng, mà nhiều khi chúng ta dường như quên mất họ, giữa dòng đời hối hả hôm nay.

Những công nhân ca hát bên bếp lửa trong đêm.

Chờ đợi những khoảnh khắc

Thời gian của tôi trên công trường là giới hạn, và tôi cần phải tranh thủ mỗi khoảnh khắc để ghi lại những hình ảnh cần thiết. Tôi không thể ép buộc những khoảnh khắc đáng giá xuất hiện khi tôi muốn, cũng không thể yêu cầu anh em công nhân diễn xuất hay làm theo kịch bản. Những gì tôi có thể làm là kiên nhẫn chờ đợi và nắm bắt cơ hội khi nó đến.

Có những ngày tôi đứng dưới nắng nóng suốt hàng giờ liền, máy quay sẵn sàng nhưng không có gì đặc biệt xảy ra. Nhưng rồi, có những khoảnh khắc bất ngờ đến khi tôi ít mong đợi nhất - một cuộc trò chuyện chân thành giữa hai người công nhân về gia đình ở quê nhà, hay một cái vỗ vai động viên nhau sau một ngày dài mệt nhọc. Đó là những khoảnh khắc tự nhiên, không được lên kế hoạch trước, nhưng lại mang đến sức sống cho bộ phim.

Ở giữa công trường, giữa những cột điện và máy móc khổng lồ, tôi nhận ra rằng công việc của mình không chỉ là tạo ra những thước phim đẹp, mà còn là tạo ra sự kết nối. Kết nối giữa tôi và những người công nhân, kết nối giữa câu chuyện của họ với khán giả.

Phỏng vấn công nhân.

Thành quả của ekip

Ba bộ phim tài liệu của chúng tôi về dự án đường dây 500kV, bao gồm: "Đất nước một phần tư bước sóng", "500kV mạch 3 cuộc hành quân Bắc tiến", và "Hoành Sơn vạn vạn bước chân"– không chỉ là những tác phẩm mà còn là sự kết nối sâu sắc giữa trái tim của chúng tôi với những con người lao động trực tiếp trên công trường. Mỗi bộ phim mang trong mình tình yêu chúng tôi dành cho dự án, nhưng chính những con người đã ngày đêm cống hiến, dưới nắng lửa và mưa giông, mới thực sự là linh hồn của những thước phim này.

Trong "Đất nước một phần tư bước sóng", tôi không chỉ muốn kể về quy mô của một công trình vĩ đại mà còn muốn tôn vinh sự kiên định, quyết tâm của những người lãnh đạo và lao động trên toàn đất nước. Câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Không có bàn tới, bàn lui gì nữa hết, chỉ có làm và làm thật nhanh..." luôn là nguồn cảm hứng không chỉ cho tôi, mà còn cho hàng ngàn công nhân đang miệt mài trên công trường.

Khi làm bộ phim này, tôi đã tự mình cảm nhận sâu sắc sự gấp rút và quyết tâm của cả một dân tộc đang đối mặt với thời gian và thách thức chưa từng. Những người công nhân không chỉ thực hiện một nhiệm vụ kỹ thuật mà họ còn làm việc với lòng yêu nước, với tinh thần của những người con đất Việt. Tôi nhìn thấy trong họ niềm tự hào khi được tham gia vào công trình mang tính lịch sử, và bộ phim của tôi như một lời tri ân dành cho họ – những người đã biến giấc mơ điện sáng khắp mọi miền đất nước thành hiện thực.

Dải Hoành Sơn hùng vĩ - Đường dây 500kV mạch 3.

Bộ phim thứ hai, "500kV mạch 3 cuộc hành quân Bắc tiến", lại cho tôi một góc nhìn khác về công cuộc chia sẻ ánh sáng, năng lượng từ miền Nam, miền Trung đến miền Bắc. Tôi đã có cơ hội chứng kiến sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công cuộc chinh phục kỳ vĩ này. Quả thực, khi lòng dân đã thuận, khi tất cả đất nước cùng đứng chung hàng ngũ với ngành điện, chúng ta đã làm nên một kỳ tích lịch sử.

Tôi yêu những khoảnh khắc ấy, bởi nó không chỉ phản ánh sự khắc nghiệt của công việc mà còn cho thấy sức mạnh của tinh thần con người. Trong bộ phim này, tôi muốn khắc họa rõ nét hơn về những con người bình dị nhưng phi thường, đã biến những điều tưởng chừng như không thể thành hiện thực. Sự kết nối giữa họ, những người công nhân đến từ khắp nơi trên đất nước, là điều làm tôi cảm động. Đó không chỉ là kết nối qua công việc, mà còn là tình đồng đội, là sự chia sẻ và thấu hiểu. Bộ phim này chính là nhịp cầu nối dài tình yêu và sự cống hiến của tôi với những con người lao động.

Hoàng hôn trên dãy Hoành Sơn.

“Hoành Sơn vạn vạn bước chân” là câu chuyện về những bước chân gan dạ trên cung đường Hoành Sơn hiểm trở. Tôi chọn Hoành Sơn làm trọng tâm của bộ phim này không chỉ vì địa hình khắc nghiệt, mà còn vì nơi đây hội tụ tinh thần bất khuất của những người lao động. Từ khi bắt đầu, tôi đã hiểu rằng bộ phim này phải là một hành trình gắn liền với con người – những người đã để lại dấu chân trên từng đỉnh núi cao, trên từng cây cột điện dựng đứng nơi bão gió.

Từng câu chuyện nhỏ tôi ghi lại được tại Hoành Sơn như một bức tranh ghép đa màu, từ người công nhân trẻ lần đầu đối mặt với độ cao chóng mặt, đến những kỹ sư đã dạn dày kinh nghiệm trên các công trường lớn. Mỗi người đều mang theo một phần của họ vào dự án – đó là mồ hôi, là giọt nước mắt, và cả những tiếng cười giữa giờ giải lao ngắn ngủi. Tôi yêu bộ phim này vì nó đưa tôi đến gần hơn với trái tim của những người lao động, những người đã dành trọn sức lực để đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, và cũng là những người đã dạy tôi rằng tinh thần con người có thể vượt qua mọi trở ngại.

Hoàng hôn trên công trình đường dây 500kV.

Tình yêu dành cho con người qua từng thước phim

Ba bộ phim của chúng tôi không chỉ kể về một dự án cơ sở hạ tầng vĩ đại, mà còn là sự tôn vinh những người lao động trực tiếp. Mỗi cảnh quay đều mang theo tình yêu và sự kính trọng chúng tôi dành cho họ. Chúng đã sống cùng họ, chứng kiến những nụ cười, những giọt mồ hôi và cả những phút giây khó khăn nhất.

Những bộ phim này là sự kết nối giữa tôi và họ, giữa người kể chuyện và những người tạo nên câu chuyện. Từ quyết tâm không bỏ cuộc của họ, chúng tôi đã học được cách yêu quý từng khoảnh khắc đời thường, từng sự hy sinh thầm lặng mà họ mang đến. Với tôi, ba bộ phim này không chỉ là kết quả của một quá trình làm phim, mà là một hành trình của trái tim – một hành trình đầy cảm xúc và lòng biết ơn dành cho những con người đã góp phần xây dựng một đất nước ngày càng tươi sáng hơn.

Kết thúc nhưng không khép lại

Hoành Sơn năm xưa là giới tuyến của xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong. Hoành Sơn với đèo Ngang năm ấy còn đau đáu nỗi niềm nhớ nước thương nhà của Bà Huyện Thanh Quan. Còn Hoành Sơn với 500kV mạch 3 hôm nay, cùng với lưới truyền tải Bắc Nam, đã thống nhất lưới điện quốc gia, không còn giới tuyến phân chia.

Hành trình này không chỉ là một hành trình nghề nghiệp. Nó là một phần trong cuộc sống của chúng tôi, là những trải nghiệm tôi sẽ mang theo suốt cuộc đời mình. Những bộ phim tài liệu đó không chỉ là câu chuyện của tôi, mà còn là câu chuyện của hàng ngàn người công nhân đã đóng góp cho dự án này.

Chúng tôi tự hào vì mình đã có cơ hội đồng hành cùng họ, dù chỉ là một phần nhỏ trong cuộc hành trình vĩ đại này. Tự hào được góp những bước chân trong vạn vạn bước chân trên dãy Hoành Sơn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội không chỉ có bốn mùa quen thuộc xuân - hạ - thu - đông, mà còn có cả một mùa để lưu giữ những bức ảnh, những thước phim, những xúc cảm và kỷ vật vô giá của một thời học trò dấu yêu sẽ không bao giờ trở lại.

Trong môi trường học đường, các thầy, cô giáo Tổng phụ trách Đội không chỉ là một giáo viên mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc dìu dắt các thế hệ đàn em thân yêu, góp phần hình thành nhân cách và những giá trị tốt đẹp cho thế hệ măng non đất nước, giúp các em rèn luyện, phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.

Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.

Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.