Tác động của xung đột Ukraine - Nga đến cục diện thế giới

Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, nổ ra ngày 24/2/2022 đến nay vẫn là sự kiện chấn động nhất, tác động mạnh mẽ và sâu sắc nhất đến toàn bộ đời sống quốc tế đương đại, gây ra những tổn thất nặng nề không chỉ đối với hai quốc gia tham chiến mà còn đối với toàn thế giới.

Từ góc độ kinh tế, chiến sự Nga-Ukraine không chỉ trực tiếp làm gián đoạn các chuỗi cung ứng liên quan, mà còn là khởi nguồn cho cuộc đối đầu không ngừng giữa các nước phương Tây và Nga với nhiều biện pháp trừng phạt lẫn nhau, gây hệ quả nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu. Thời gian gần đây các nền kinh tế dường như đã bình tĩnh hơn, với những biện pháp để ổn định và thích nghi dần với bối cảnh này. Mặc dù vậy, một khi chiến sự Nga-Ukraine vẫn tiếp tục phức tạp và các biện pháp trả đũa về kinh tế không ngừng leo thang, triển vọng kinh tế thế giới vẫn còn rất khó đoán định.

“Cú sốc” năng lượng

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cuộc khủng hoảng ở Ukraine là “cú sốc năng lượng mang tính lịch sử” đối với thị trường. Trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai toàn cầu trong khi Liên minh châu Âu (EU) là khách hàng đặc biệt lớn của Nga. Các lệnh trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga sau khi xung đột nổ ra trong đó có thỏa thuận cấm tới 90% lượng dầu nhập khẩu, quyết định áp giá trần với dầu thô nhập khẩu của Nga, đã khiến EU phải tìm tới các nguồn cung thay thế trong khi thế giới chưa có sự chuẩn bị nào cho điều này, dẫn tới giá khí đốt tự nhiên và giá dầu thô trên thế giới bị đẩy lên mức kỷ lục.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Ảnh: AFP.

Từ cuối 2022, đầu năm 2023, mặt bằng giá dầu thô và khí đốt tự nhiên trên thị trường thế giới đã có sự điều chỉnh giảm về vùng giá thấp hơn thời điểm trước khi nổ ra xung đột, nhưng những biến chuyển tích cực này được lý giải chủ yếu là do sự dịch chuyển dòng chảy năng lượng trên thế giới cũng như các giải pháp chuyển đổi năng lượng. Thay vì nhập khẩu khí đốt Nga, EU hiện phải mua khí hóa lỏng của Mỹ với giá đắt gấp 4 lần, chịu thiệt hại lên tới 199 tỷ USD.

Một cơ sở lọc dầu của Nga. Ảnh: TheMoscowtimes.com.

An ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa 

Xung đột Nga-Ukraine cũng giáng một đòn vào an ninh lương thực của thế giới khi cả Nga và Ukraine đều thuộc nhóm những cường quốc nông nghiệp quan trọng nhất. Việc nguồn cung cấp ngũ cốc và phân bón tập trung cao vào hai quốc gia này khiến nhiều nước bị tổn thương trước tình trạng mất an ninh lương thực. Theo thống kê, số người chịu tác động đã tăng từ 135 triệu vào năm 2019 lên hơn 345 triệu tại 82 quốc gia vào tháng 6 năm 2022. Người ta dự đoán rằng gần 600 triệu người sẽ bị suy dinh dưỡng mãn tính vào năm 2030 nếu xung đột kéo dài, trong đó Châu Phi – nơi sinh sống của một số nhóm dân cư nghèo nhất thế giới – bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

An ninh lương thực thế giới bị giáng đòn mạnh và châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Lạm phát tăng phi mã

Chiến sự Nga-Ukraine cũng gây ra sức ép dẫn tới lạm phát tăng phi mã ở hầu hết các nền kinh tế. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, lạm phát toàn cầu năm 2022 là 9,2%, tăng gần gấp đôi so với mức 4,7% của năm 2021. Bước sang năm 2023, lạm phát cao vẫn là nỗi ám ảnh với kinh tế toàn cầu. Đến tháng 12, các Ngân hàng Trung ương thế giới đã phải tăng lãi suất 37 lần với hơn 1.175 điểm cơ bản để chống lạm phát. Riêng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ góp tới 4 lần tăng.

Tất cả những điều này tác động nặng nề tới hoạt động kinh tế, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm từ 6,1% vào năm 2021 xuống chỉ còn 3,5% vào năm 2022 và 3% vào năm 2023. Đây là kết quả “dưới trung bình”, đánh dấu mức tăng trưởng hằng năm thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), trừ năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Kinh tế châu Âu chịu thiệt hại nhất

Nhận định nền kinh tế thế giới đã mất đà do tác động của lãi suất cao hơn, các cuộc xung đột đang diễn ra, trong đó có xung đột Nga - Ukraine cùng những rạn nứt địa chính trị ngày càng gia tăng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm từ mức 3% của năm 2023 xuống 2,9% trong năm 2024. Trong bức tranh ảm đạm ấy của kinh tế thế giới, châu Âu, nơi xung đột đang diễn ra và chưa có dấu hiệu kết thúc, là khu vực phải gánh chịu là thiệt hại nặng nề nhất.

Báo cáo triển vọng và tình hình kinh tế thế giới năm 2024 của Liên hợp quốc nhận định xung đột Nga - Ukraine đã làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới, đặc biệt là ở EU. Trong năm ngoái, GDP của EU chỉ tăng 0,6% và năm tới tốc độ tăng trưởng vẫn “khá ảm đạm”, dự kiến là 1,2%.

Ông Hamid Rashid, Giám đốc chi nhánh giám sát kinh tế toàn cầu của Liên hợp quốc cho biết: “Đây là tốc độ tăng trưởng rất khiêm tốn đối với khu vực. Tốc độ tăng trưởng chậm lại là tác động trực tiếp của xung đột và châu Âu sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai.”

Trong số các quốc gia EU, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và ủng hộ Ukraine chống lại Nga đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xung đột. Kinh tế Đức đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái kỹ thuật sau khi giảm 0,3% trong quý 4 năm ngoái và có thể tiếp tục suy giảm nhẹ trong quý 1 năm nay.

Các chuyên gia ước tính nền kinh tế Đức thiệt hại khoảng 240 tỷ euro trong năm 2022 – 2023 do tác động tiêu cực tổng hợp từ đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine.

Kinh tế Mỹ hưởng lợi

Trong hai năm nổ ra xung đột Nga – Ukraine, Mỹ là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Kiev. Theo Viện kinh tế thế giới Kiel có trụ sở tại Đức, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã viện trợ hơn 75 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm hỗ trợ nhân đạo, tài chính và quân sự. Những người ủng hộ Ukraine thường cho rằng Washington cần hỗ trợ Ukraine vì lợi ích chiến lược và họ cũng thừa nhận ủng hộ Ukraina chống lại Nga thì điều đó có lợi cho nền kinh tế Mỹ.

Trong hai năm kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã chứng kiến sự bùng nổ về đơn đặt hàng vũ khí và đạn dược. Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng và hàng không vũ trụ của nước này đã tăng trưởng 17,5% kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Các quan chức Mỹ nói rằng trong số 60,7 tỷ USD dành cho Ukraine trong dự luật quốc phòng bổ sung trị giá 95 tỷ USD, 64% sẽ quay trở lại cơ sở công nghiệp quốc phòng của chính Mỹ.

Quân nhân Ukraine vận chuyển lô hàng tên lửa Javenlin do Mỹ sản xuất và viện trợ cho Kiev. Ảnh: Sputnik

Ông Bernd Einmeier – Nhà phân tích người Đức cho hay: “Nếu chúng ta điều tra xem chi tiêu quốc phòng của Đức đã đi đâu, sẽ dễ dàng phát hiện ra rằng cuối cùng chúng đã rơi vào túi các doanh nghiệp quân sự Mỹ. Mỹ đang kiếm tiền trong khi châu Âu phải thanh toán các hóa đơn.”

Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây cho biết nước này đã thực hiện các hợp đồng vũ khí lớn trị giá hơn 80 tỷ USD trong năm tính đến tháng 9/2023, trong đó khoảng 50 tỷ USD được chuyển cho các đồng minh châu Âu - gấp hơn 5 lần so với tiêu chuẩn lịch sử.

Không chỉ ở lĩnh vực quân sự, việc Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt đã thúc đẩy nhu cầu của châu Âu đối với khí đốt tự nhiên hóa lỏng Mỹ. Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới vào năm ngoái. Khoảng 2/3 số hàng xuất khẩu đó là sang châu Âu và với giá bán rất cao.

Cục diện thế giới nhìn từ xung đột Nga - Ukraine

Không chỉ khiến kinh tế thế giới rơi vào bất ổn và suy thoái, xung đột Nga – Ukraine, cuộc chiến đẫm máu và nguy hiểm nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, còn đã và đang gây ra những tác động làm thay đổi cục diện thế giới. Ukraine nằm trên lục địa Âu-Á, với vị trí hết sức quan trọng, là “vùng đệm tự nhiên” giữa Đông và Tây. Như cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski từng nhấn mạnh, ai kiểm soát được Ukraine sẽ kiểm soát được lục địa Âu-Á. Tháng 6 năm 2022, tức 4 tháng sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Trật tự thế giới đơn cực đã kết thúc!”. Đó chính là trật tự thế giới với Mỹ là siêu cường duy nhất còn lại sau khi Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan vỡ. Cả Trung Quốc và Nga đều không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ đứng đầu.

Cuộc chiến Nga-Ukraine đã chia thế giới thành hai tuyến: Tuyến chống Nga gồm Mỹ, EU và các đồng minh của Mỹ nằm ngoài châu Âu; tuyến không chống Nga gồm các nước còn lại trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Saudi Arabia...Ngoài ra, còn có hàng loạt trung tâm mới của một trật tự thế giới đa cực đang tiếp tục nổi lên: với các tổ chức khu vực, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO),...Chính sự liên kết mối quan hệ Nga - Trung Quốc cùng sự nổi lên của những trung tâm quyền lực mới trên bản đồ địa - chính trị thế giới đang thúc đẩy một trật tự thế giới mới đa cực.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP.

Tháng 12/2022, đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell đã nhấn mạnh: "Chúng ta đã chuyển sang một thế giới “đa cực hỗn loạn”, nơi mọi thứ như năng lượng, dữ liệu, kết cấu hạ tầng, di cư đều là vũ khí. Địa chính trị là điểm mấu chốt trong đó Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là những trung tâm quyền lực đang nổi lên không chấp nhận bị loại ra ngoài hệ thống an ninh toàn cầu".

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang hút tầm nhìn của thế giới. GDP của Trung Quốc từ 7.990 tỷ USD năm 2012 đã tăng lên 17.000 tỷ năm 2021, trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ. Trung Quốc đang được coi là bên hưởng lợi trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, bởi ngoài những mối lợi cụ thể như thương vụ mua số lượng lớn dầu mỏ với giá rẻ từ Nga, Trung Quốc dường như đang gặp thuận lợi trên con đường “chinh phục” châu Á-Thái Bình Dương. Sáng kiến "Vành đai và Con đường" - được coi là "con đường tơ lụa trong thế kỷ 21"- đang đưa Trung Quốc vào vị thế trung tâm, kết nối toàn cầu.

Về phía Nga, kế thừa vai trò của Liên Xô trước đây, Nga tiếp tục có những bước chuyển quan trọng, nhằm từng bước khẳng định lại vai trò cường quốc. Ngày 31/3/2023, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, trong đó nhấn mạnh việc hình thành một trật tự thế giới công bằng và bền vững. Tuy phải hứng chịu cuộc bao vây, cô lập toàn diện của Mỹ và phương Tây nhưng theo Tổng thống Putin, GDP năm 2023 của Nga tăng trưởng 3,5%. Bất chấp các lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga vẫn trụ vững và phát triển nhờ Nga đã hình thành được các liên minh chiến lược khắp thế giới.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine là một tác nhân để Mỹ, EU và NATO tăng cường liên kết, nhưng cũng thúc đẩy Nga-Trung Quốc tăng cường quan hệ nhằm đối phó với sức ép của Mỹ và phương Tây.

Ngày 18/10/2023, khi gặp nhau bên lề Diễn đàn "Sáng kiến Vành đai và Con đường", Tổng thống Nga Putin đã gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là "người bạn thân thiết". Trung Quốc và Nga nhất trí gia hạn Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác thân thiện đã được ký kết năm 2001 thêm 5 năm. Đặc biệt, hai bên khẳng định không có giới hạn nào trong hợp tác chiến lược Trung Quốc-Nga. Kim ngạch thương mại song phương Nga - Trung đạt mức cao kỷ lục và đang hướng tới mục tiêu 200 tỷ USD.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu: “Tôi và Tổng thống Putin đã tổ chức 42 cuộc gặp kể từ năm 2013 và Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các đối tác Nga để tiếp tục nâng cấp quan hệ song phương”.

Về phần mình, Tổng thống Putin cho biết sự phối hợp chặt chẽ với Trung Quốc về chính sách đối ngoại là rất quan trọng trong bối cảnh thế giới đầy khó khăn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Trong điều kiện khó khăn hiện nay, sự phối hợp chính sách đối ngoại chặt chẽ là đặc biệt cần thiết.”

Cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn và chưa biết bao giờ mới có thể kết thúc và kết thúc như thế nào, nhưng những hệ lụy mà nó gây ra, đặc biệt là tác động nhiều chiều đến cục diện thế giới hiện nay là vô cùng nghiêm trọng. Xung đột một lần nữa cho thấy lịch sử thế giới trước hết là cuộc đua tranh quyền lực của các nước lớn. Tuy nhiên, một trật tự thế giới cân bằng và hài hòa không chỉ là cuộc chơi của các cường quốc mà phải quan tâm đến tiếng nói và lợi ích của tất cả các quốc gia, phải được xây đắp trên nền tảng của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc; phải hướng tới ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ hòa bình, tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, huy động được sức mạnh của toàn nhân loại để giải quyết thành công những vấn đề thời đại và toàn cầu cấp bách, nóng bỏng của thế giới đương đại.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua khoản viện trợ trị giá gần 61 tỷ USD cho Ukraine, với cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt tại Hạ viện hôm 20/3 và tại Thượng viện ngày 23/4, theo giờ địa phương. Liệu gói viện trợ của Mỹ có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện trên chiến trường hay chỉ làm xung đột kéo dài thêm?

Ông Trump bị cáo buộc làm giả hồ sơ để che đậy khoản thanh toán nhằm mua chuộc sự im lặng của một diễn viên phim người lớn về mối quan hệ với ông. Đây là phiên tòa đầu tiên mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ và có thể là bước ngoặt đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.

Chủ đề Ngày Trái đất năm 2024 là “Trái đất và nhựa” nhằm kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng tất cả các loại nhựa vào năm 2040, hướng đến chấm dứt việc sử dụng nhựa vì sức khỏe của con người và Trái đất.

Sau 20 năm lãnh đạo đất nước, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long sẽ từ nhiệm vào ngày 15/5/2024. Người kế nhiệm ông sẽ là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Đây là tiến trình chuyển giao lãnh đạo đã được lên kế hoạch từ lâu của Singapore, và được Thủ tướng Lý Hiển Long gọi là thời khắc quan trọng.

Theo các nhà phân tích cuộc tấn công vào Iran vào sáng sớm thứ Sáu (19/4) theo giờ địa phương có thể nhằm mục đích vừa là một cách để trả đũa vừa là một thông điệp cảnh báo. Vụ việc không làm leo thang tình hình, nhưng những căng thẳng, mâu thuẫn giữa hai nước thì vẫn còn đó.

2024 là năm quan trọng của Ấn Độ với cuộc tổng tuyển cử có quy mô lớn nhất thế giới. Giới phân tích cho rằng, cuộc bầu cử trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế không chỉ bởi quy mô lớn, mà còn vì quốc gia Nam Á này có tiếng nói ngày càng quan trọng trên các diễn đàn quốc tế và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.