Tác hại khôn lường từ món tiết canh

Tiết canh là món ăn tươi sống sử dụng nguyên liệu từ tiết động vật trộn cùng các loại thịt, sụn... băm nhỏ. Với cách chế biến như vậy, nên món ăn này không thể diệt hết các loại vi khuẩn, ký sinh trùng... đặc biệt đối với con vật đang nhiễm bệnh. Ăn tiết canh không đảm bảo, có nguy cơ nhiễm các bệnh liên cầu lợn, giun sán, bệnh đường tiêu hóa, viêm não mô cầu... nặng có thể dẫn đến tử vong.

Vụ ngộ độc thực phẩm do ăn tiết canh lợn xảy ra tại xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy (Thái Bình) khiến 1 người tử vong, 5 người khác phải cấp cứu. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình cho biết, trường hợp bệnh nhân tử vong chẩn đoán là do  sốc nhiễm khuẩn nghi do liên cầu lợn.

Hai bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Ảnh: Hoàng Lanh 

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Thái Thụy, ngoài 4 người trên sử dụng nguồn tiết lợn tại cơ sở giết mổ, còn có 2 người khác, trong đó có 1 người phải nhập viện do rối loạn tiêu hóa.

Qua vụ việc, chúng ta có thể thấy, tiết canh là món ăn  mà cách chế biến không thể tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng có ở trong máu của các loài động vật nuôi.

Mầm bệnh từ tiết canh 

Theo PGS.TS. Vũ Đức Định, nguyên giảng viên chuyên khoa Tiêu hóa, Học viện Quân y, có rất nhiều yếu tố khiến tiết canh dễ trở thành nguồn lây nhiễm bệnh. Thứ nhất là từ khâu giết mổ. Khi gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung với số lượng lớn thì rất khó đảm bảo vệ sinh.

Mầm bệnh cũng có thể nhiễm vào từ dao, chậu, thớt và những vật dụng. Khu vực giết mổ nếu không được vệ sinh cẩn thận cũng là những ổ chứa hàng triệu vi khuẩn.

Tác nhân gây bệnh có thể nhiễm từ tay chân người giết mổ, lây từ những con vật bị bệnh sang con vật khỏe mạnh. Bên cạnh đó, trong máu rất giàu chất dinh dưỡng nên chỉ cần để hơi lâu một chút là dễ dàng bị nhiễm khuẩn và vi khuẩn sẽ nhân lên rất nhanh.

Đó là những tác nhân gây bệnh nhiễm từ ngoài vào còn bản thân gia súc gia cầm cũng chứa rất nhiều mầm bệnh như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng mà những mầm bệnh này thường hay lưu hành trong máu.

Món tiết canh chưa được nấu chín luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn và ký sinh trùng. Ảnh minh họa

Nguy cơ nhiễm bệnh

Căn bệnh đầu tiên dễ mắc nhất khi ăn tiết canh là nhiễm ký sinh trùng  như sán dây, sán não, giun sán... Trứng giun sán vào trong cơ thể phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng sán lợn có khả năng xuyên qua niêm mạc đường tiêu hóa, cư trú ở tất cả các hệ thống từ cơ vân đến cơ tim, cơ hoành, nổi những hạt li ti trên da như con lợn gạo. Ấu trùng sán chui lên não làm tổ, khiến người bệnh có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn, có thể có các cơn co giật kiểu động kinh.

Theo PGS-TS-BS Bùi Vũ Huy, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nhiễm ký sinh trùng  thường không có biểu hiện rõ ràng như các bệnh cấp tính, nên cần đến ngay bệnh viện cấp cứu. Bệnh để lâu dài có thể dẫn đến còi cọc, chậm lớn ở trẻ em. Thai phụ có thể suy dinh dưỡng, thiếu sắt, các bệnh lý về gan, phổi... và suy nhược ở người cao tuổi. Ở thể nặng hơn, ấu trùng luân chuyển trong máu có thể làm giảm thị lực, co giật. Tuy nhiên, những biến chứng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ và có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm.

Ăn tiết canh còn dẫn đến nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp, dẫn đến tiêu chảy cấp do ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, có máu.

Một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn  (Streptococus suis) dẫn đến viêm màng não, hoại tử da, suy đa tạng... biểu hiện như sốt cao, co giật, nôn vọt, sợ ánh sáng... Người bệnh bị nhiễm độc tố nặng có thể dẫn tới sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Nhóm dễ mắc bệnh là người ăn trực tiếp, người chế biến. Những người chăm sóc, giết mổ, vận chuyển thịt, máu con vật có bệnh có thể bị lây nhiễm qua các vết thương, vết xước ở da.

Để phòng tránh nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, các bác sĩ khuyến cáo:

- Người dân nên lựa chọn mua thịt lợn đã qua kiểm định của cơ quan thú y, chỉ ăn các món ăn từ gia súc, gia cầm đã được nấu chín. Tuyệt đối không thịt gia súc, gia cầm chết. Không ăn các món ăn tái sống như gỏi, nem chua, nem chạo, đặc biệt là tiết canh.

- Sử dụng các phương tiện phòng hộ, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt. Khi có vết thương hở không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt tươi sống. Vệ sinh các đồ dùng giết mổ, chế biến hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng...

- Tuyệt đối không giết mổ, không ăn thịt lợn bệnh, lợn chết. Lợn bệnh, lợn chết phải được tiêu hủy, chôn, phun thuốc khử trùng đúng cách theo qui định.

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh dịch sởi diễn biến phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu phân bổ vitamin A cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thu dung, điều trị bệnh nhi mắc sởi nhằm tăng hệ miễn dịch ở trẻ.

Sau mùa bão lũ, đặc biệt khi cơ sở vật chất thiếu thốn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và nguồn nước sạch khan hiếm, làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra sau một thời gian, nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Sau mưa lũ, do môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém nên sẽ làm bùng phát một số bệnh ngoài da. Dưới đây là một số bệnh ngoài da thường gặp và cách phòng, chống.

Kết hôn và sinh con vốn được coi là chuyện quan trọng của đời người. Nhưng với nhiều người trẻ hiện nay, quan niệm về tình yêu, hôn nhân của họ cởi mở hơn rất nhiều.

Mức sinh thay thế ở Việt Nam đang giảm nhiều nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị thành công cho bệnh nhân nữ 55 tuổi bị tái phát nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng.