Tạm biệt tháng Ba

Tháng Ba đã đi tới những ngày cuối của tháng Ba. Chẳng hiểu vì sao sắp chia tay tháng Ba, lòng tôi cứ thấy xốn xang. Có phải vì tháng Ba ủ lửa trong lòng tôi rất nhiều niềm thương nỗi nhớ?

Chiều nay, mời bạn nghe những dòng cảm xúc khi chia tay tháng Ba của một thính giả gửi về cho Hường.

Tháng Ba xôn xao, nồng nàn và rực rỡ đã len lén cất những vui buồn trong lồng ngực bé nhỏ của tôi khi những chùm hoa bưởi tỏa hương. Làng tôi ngày ấy, vườn nhà nào cũng có vài cây bưởi. Mỗi một khu vườn ngập tràn mùi hoa bưởi. Vườn nhà nọ nối vườn nhà kia, làng tôi thành một dải màu xanh ngan ngát hương đưa trong gió tháng Ba. Tôi yêu tháng Ba từ những bông bưởi cánh trắng ngà, cánh cong mềm mại ấy. Nhưng với tôi, hình như hương bưởi không phải tỏa ra từ những bông hoa bé nhỏ đang xếp chồng lên nhau trong vườn kia mà bung tỏa từ nỗi nhớ, nên nó mới dịu dàng, đằm thắm, thẳm sâu và nồng nàn lan tỏa trong ký ức tôi.

Tháng Ba còn lại trong tôi là vị ngọt trong bát chè hoa cau nấu bằng bột sắn dây của bà nội. Mơ hồ trong làn gió thoảng, khứu giác tôi bị đánh thức bởi một mùi hương đặc biệt ngòn ngọt, thanh nhẹ. Thoảng trong gió mùi hương pha trộn giữa hương bưởi và hương bồ kết từ mái tóc của ai vừa đi qua ngõ. Tôi thường ngồi bên hiên nhà, vừa nhâm nhi bát chè hoa cau của bà nội vừa ngắm hoa xoan.

Tháng Ba đọng lại trong tôi màu hoa xoan tim tím, sang sáng dịu dàng như những đám mây tím phớt bồng bềnh trên những cành cao chót vót. Hoa xoan như một cô gái quê dịu dàng, hiền lành chân chất. Hoa cứ âm thầm nở hết mình rồi âm thầm đi qua tháng Ba. Tôi vẫn nhớ lối về nhà anh một chiều vương đầy hoa xoan tím, khi rụng rồi, sắc hoa vẫn theo người suốt bao năm tháng không nguôi.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê yên bình, có lẽ vì vậy mà làng khắc sâu tất thảy những nỗi niềm thương nhớ vào trái tim tôi. Khi ngóng về tháng Ba ngày cũ, lòng tôi như có hàng ngàn con sáo nhỏ đang cất tiếng hót kể về nỗi nhớ từng hàng rào, bụi tre, từng lối đi tắt nơi mà những đứa trẻ rủ nhau trốn ngủ trưa, chạy từ nhà nọ sang nhà kia. Nơi có những khu vườn xanh ngát giấu từng chùm quả dâu gia lúc lỉu, những chùm quất hồng bì xanh ngọc trĩu cành, chua nhăn cả mặt mà mấy đứa vẫn tranh nhau.

Tháng Ba ở lại trong tôi là màu hoa gạo đỏ. Ngày ấy, chúng tôi thích nhất vẫn là chạy ra gốc gạo đầu làng, bọn con trai thì chơi đánh đáo, đánh khăng; tụi con gái thì nhặt hoa, đố lá. Làng tôi có mấy cây gạo, hoa cứ hồn nhiên rực rỡ chẳng mảy may ngần ngại sự ganh ghét đố kỵ. Màu hoa cứ thắm cứ tươi như màu môi của thiếu nữ đang độ xuân thì.

Cuối tháng Ba năm ấy, tôi đang học ở trường sư phạm thì nghe tin bà ốm. Lặn lội về đến nhà thì bà đã ra đi theo màu hoa gạo. Ký ức chẳng thể xóa nhòa trong tôi giữa buổi chiều rét nàng bân là màu đỏ rực rỡ của hoa gạo rơi đầy trước cổng nhà tôi. Màu hoa đỏ đến nhức nhối như những cốc nến thắp lên lần cuối tiễn bà. Chẳng bao giờ tôi còn được ngồi dưới gốc gạo đợi bà đi chợ huyện về, cầm chiếc bánh đa vừng hay khúc mía bà mua cho tôi mà nhảy chân sáo. Cây gạo đỏ cô độc đứng ngóng theo đoàn người đưa bà đi xa dần, khuất dần sau rặng tre, để lại trong tôi nỗi trống vắng tháng ba chẳng gì lấp nổi.

Sau khi bà đi, những đêm tháng Ba tôi thường ngồi nghe tiếng mưa, tiếng chẫu chuộc, ễnh ương gọi nhau khắp vườn xa vườn gần. Tưởng như có hàng ngàn con đồng loạt kêu vỡ cả màn đêm tháng Ba. Có lúc, tôi lại thơ thẩn ngoài hiên nghe tiếng chim tìm vịt kêu khắc khoải ở ngọn tre mà mơ hồ thấy sự trống vắng, buồn buồn ở nơi xa nào đó.

Tháng Ba nay, những tiếng chẫu chuộc ễnh ương đã thưa đi dần, cả tiếng chim tìm vịt cũng không còn nghe thấy nữa. Những dấu yêu xưa đã xa mà nỗi nhớ bà trong tôi vẫn không thể nguôi ngoai.

Tôi vẫn thấy bóng dáng của bà trên những mầm non bắt đầu trổ mầm sinh sôi, của những loài cây đang vào mùa kết trái. Những hạt vừng, hạt đỗ, hạt đay rơi đậu vào lòng đất, nứt vỏ nảy mầm lên mơn mởn. Những hạt mướp, hạt bí vươn tay bò vào giàn xanh tốt. Trong vườn, bưởi, mít, nhãn, xoài đua nhau kết trái, hứa hẹn một ngày khu vườn đầy ắp hương quả chín thơm.

Ảnh minh họa

Những cơn mưa rào cuối tháng Ba ào về, những hạt mưa thành dòng xối xả như muốn gột rửa những muộn phiền trôi đi, để lại niềm hân hoan của những đứa trẻ muốn tắm mưa. Cỏ cây bời bời xanh sau cơn mưa. Lúa chiêm mướt mát trên các cánh đồng, đợi chờ một mùa vàng bội thu, no ấm.

Tháng Ba đang trôi dần về hạ. Tôi đi qua tháng Ba với tất cả những niềm vui, nỗi buồn, để hôm nay ngắm những bông gạo cuối mùa đỏ rực trời, tôi lại xôn xao nỗi nhớ quê nhà với những dấu yêu xưa./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?