Tạm biệt tháng Giêng

Vậy là tháng Giêng đã đi đến ngày cuối. Mới đây những ngày giêng xuân tràn còn rộn ràng những hội ngộ, sum vầy của Tết, thế mà thoáng cái đã đi qua.

Chiều nay, mời bạn nghe những dòng tự sự của Hồ Thu trong một ngày cuối tháng Giêng.

Tháng Giêng lùi lại để tháng Hai bước tới với sắc hoa màu lá hò hẹn cùng chồi non lộc biếc, với những ngả đường xanh tươi cỏ cây, những cánh đồng ngút ngàn, với dòng sông quê nhà thao thiết ngọt lành nước mát, với biển cả thủ thỉ lời hẹn hò mời gọi vào mùa hạ chẳng mấy thời gian… Đất trời vào cuộc chuyển giao, tiếp tục hành trình phía trước của bốn mùa xuân - hạ - thu - đông. Mong ngóng mỗi độ xuân về, qua giêng rồi mà vẫn hay bất chợt có những khoảnh khắc muốn níu lại từng ngày tháng giêng chầm chậm trôi.

Mới đây thôi, Tết là sự hội ngộ, là tay bắt mặt mừng của biết bao cuộc gặp gỡ sau biết bao mong chờ. Thoắt cái là cuộc chia tay, lại hẹn nhau Tết tới, năm này…

Ảnh: Việt Nguyễn

Tháng Giêng dường như im lặng thấm vào mỗi người từng phút giây của đoàn tụ, tháng Hai đưa ta về với những hối hả, bộn bề thường nhật. Tháng giêng đã gửi nắng, mưa, mây, gió, những nồng nàn, dịu ngọt của hạnh phúc yêu thương cho người ở lại và gửi gắm vào tháng Hai những ước mơ, dự định, hoài bão cho người ra đi…

Tạm gác lại những lo toan thường nhật, tôi cảm nhận sự giao hòa với thiên nhiên trọn vẹn giêng - hai. Tháng Giêng chắt chiu qua bao ngày giá rét, để tháng Hai bỗng nhiên nhựa sống ứ tràn, cây cỏ đâm chồi nảy lộc, vạn vật khát khao hội tụ và dâng hiến. Rồi dần hiểu sao cứ giêng – hai trai thanh gái lịch thích du xuân trẩy hội, ham đó đây hội hè, trao ý gửi tình, kết liền chị liền anh, thâu đêm giùng giằng mãi khúc giã bạn ngõ vắng đường khuya…

Tôi bước vào tháng Hai bằng đôi chân của mẹ cha cho, những bước đi từ ngôi nhà thân yêu thuở ấu thơ chập chững, gửi lại tháng Giêng chút ưu tư, hoài niệm và nhớ mong. Trong hành trang của tôi rời chốn quê hôm ấy có những thương nhớ của tháng Giêng, những thứ bánh trái tảo tần từ đôi tay của mẹ của bà, những câu chuyện không đầu không cuối về gia đình, làng xóm… Những đứa con rời quê chắc hẳn không bao giờ quên hình ảnh bếp lửa hồng, vườn rau, đường làng, vạt rừng, đồng bãi. Nếu tháng Chạp là sự ngóng trông, chờ đợi, tháng Giêng là sum họp, đoàn tụ thì tháng Hai là khoảng thời gian để người ta nghĩ nhiều hơn về tình thân, quê hương, cội nguồn. Cả những ước mơ, dự tính tương lai.

Tạm biệt tháng Giêng với những hồi ức trong tim, tôi đón tháng Hai về trên phố phường tấp nập tiếng còi xe. Dường như trong sâu thẳm, tôi vẫn nhìn thấy đâu đó một màu nắng non chập chờn trong vòm lá, trên vạt hoa bí vàng, hoa bầu trắng, cải lên ngồng và tim tím hoa xoan.

Tôi ngước nhìn lên vòm cây ven đường. Nắng đã lên. Những giọt sương đọng trên cỏ cây hoa lá như long lanh hơn. Tháng Hai đang chờ tôi. Tôi thấy trong sâu thẳm tâm hồn mình nhen lên thật nhiều ước vọng./.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hà Nội đón tôi đương vào khoảnh khắc giao mùa. Gánh hoa loa kèn trắng tinh khôi tỏa mùi hương dịu nhẹ giao hòa trong làn gió nhè nhẹ khiến tâm hồn đa cảm thêm khắc khoải giao cảm với đời, để mênh mang thương nhớ hương vị cà phê Giảng - thức uống trở thành một phần thân thương, một phần văn hóa của Hà Nội phố.

Mẹ tôi không nghiện trầu cau nhưng mẹ vẫn trồng một giàn trầu xanh mơn mởn. Mẹ bảo nhà có giàn trầu mới ấm áp. Nhưng tôi hiểu mẹ đã gửi gắm vào đó biết bao nhiêu ân tình và cả nỗi nhớ về ngoại khôn nguôi.

Sống nhẩn nha giữa đời vội vã có thể chưa từng dễ dàng với chúng ta. Nhưng khi bước đi dưới những tán lá xanh xào xạc theo con gió, dưới bầu trời một màu ngăn ngắt xa xôi, tôi cảm giác hồn mình như cánh bồ công anh mảnh khảnh tự do bay mãi, chẳng nghĩ ngợi gì. Có những ngày như thế, những khoảnh khắc như thế. Chỉ cần im lặng hít thở thôi cũng đủ hạnh phúc.

Hà Nội với tôi là những thương nhớ đầu tiên từ hồi tôi đi thi đại học. Hà Nội đã lấy đi của tôi bao nhiêu nước mắt và còn là giấc mơ mà tôi chẳng thể chạm vào. Hà Nội là nhưng kỷ niệm của tôi khi biết người thương nhập viện, là khoảnh khắc thót tim khi đưa con ra cấp cứu viện nhi, là khoảnh khắc cháy lòng khi cha bệnh trọng. Và là khoảnh khắc đi chơi về muộn, thấy những người dân lầm lũi ngủ ngon lành nơi gầm cầu, trong lòng cống...

Trải qua các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đất nước ta đã sản sinh ra những thế hệ thanh niên đại diện cho mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước. Như thế hệ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; thế hệ một thời hoa đỏ 'xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước'; thế hệ 'sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử' trong chiến tranh bảo vệ biên giới...

Con đường ngày xưa chúng tôi đi học, lòng đường bé tin hin bằng hai gang bàn tay người lớn, thêm sỏi đá mấp mô ngáng bánh xe đạp không thương tiếc. Bữa nào vừa nhấn bàn đạp mải miết, vừa ngúc ngoắc đầu nói chuyện là gặp hòn đá xóc nảy người, chiếc cặp nhẹ tênh có khi giật mình rơi khỏi giỏ xe cà tàng. Con đường “huyền thoại” ấy chưa đi vào thơ ca nhạc họa của văn nghệ sĩ bao giờ nhưng nó đi vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi cho tới tận hôm nay.