Tản mạn tháng Tư

Tháng Tư, buổi sáng còn vương chút lành lạnh. Một đóa bằng lăng lặng lẽ xòe nở như ngọn đèn tím ở góc sân trường, dịu dàng quá đỗi. Tôi chợt sững người đứng lặng cuối hành lang… Loài hoa tím phơn phớt này, bao giờ cũng dễ khiến lòng người rưng rưng cảm xúc.

Ôi, bất chợt một đóa hoa. Vậy là mùa xuân đã vội vã ra đi không lời từ biệt. Nắng hè đã ngập ngừng trên cánh hoa nhỏ bé. Sắc tím tháng Tư làm rộn lên những nỗi niềm ly biệt.

Thời chúng tôi đi học, ngôi trường này chỉ có mấy cây xà cừ và hàng phượng đã đứng tuổi. Loài hoa này chỉ tím trong mơ, nở trên những bài thơ chép đi chép lại trong rất nhiều trang lưu bút. Bởi miền trung du này làm gì có bằng lăng. Mà kể cũng lạ, bài “Chào tuổi học trò” của Thuận Hữu viết “Thôi chào tuổi sinh viên, thôi tạm biệt mái trường…”, vậy mà học trò cấp ba cũng cứ “vơ” vào cảm xúc của mình, lại còn thầm cảm ơn nhà thơ đã nói hộ bao điều không thể nói. Cái cảm giác dùng dằng khi giã từ thời áo trắng cứ ngân nga “Bằng lăng ơi tím chi mà tím mãi/ Màu hoa buồn ở lại nhé, tôi đi”.

Tôi đã qua bao mùa hoa tím?

Mang tâm trạng màu hoa ấy, tôi bước vào cửa lớp.

Hoa bằng lăng (Ảnh: Internet).

Còn mấy tháng nữa mới thực sự chia tay, nhưng tôi thấy các em đã bắt đầu tiếc nuối đến từng khoảnh khắc. Mỗi ngày lên lớp, tôi đều cảm nhận được tâm trạng ấy qua từng ánh mắt, từng lời nói. Tôi hiểu lắm những hờn giận, thương yêu và lưu luyến rất học trò, khi thời gian cứ bước đi vội vã. Tôi dẫn nhập bài học “Phát biểu tự do” với ý thơ về “cây táo vẫn nở hoa” của Lưu Quang Vũ. Một bạn xin phát biểu với đề tài chia tay. Chưa đầy 5 câu, em ấy đã bật khóc, cả lớp lặng đi trong niềm xúc động. Tôi cũng chực rơi nước mắt. Mỗi năm mỗi mùa, tôi từ biệt một lứa học trò. Cảm xúc vừa quen vừa lạ, vừa buồn vừa vui, và tràn đầy lưu luyến, cả những trống vắng. Các em sẽ phải chia xa, sẽ đi qua thời áo trắng, để lại tôi với tôi, như “ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại”.

Những học trò nhỏ của cô, cứ tự tin bay đến những chân trời mơ ước. Dù ngoài kia, cuộc đời có biết bao thử thách; dù ngoài kia, bầu trời không chỉ có mây xanh, nắng vàng mà còn ẩn tàng lắm giông bão… Những đóa bằng lăng tím của cô, hãy cứ tin yêu và hy vọng, hãy cứ nhân hậu và vị tha, hãy cứ kiên cường nở trong nắng gió của đời!

Tháng Tư. Thêm một mùa ve rộn rã. Sân trường tím đẫm nụ bâng khuâng…

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Có một ngày, ta trở về thăm chốn cũ, lặng yên bên thềm giếng xưa, chiếc giếng khơi vẫn một mình đứng đó, cất giữ giùm ta bao kỷ niệm, bao ký ức thân thương, đợi ta trở về.

Đôi ta là nghĩa tào khang/ Xuống khe bắt ốc lên rừng hái rau. Có một người con luôn nhớ mẹ hay nói câu đó trước khi bắt đầu kể chuyện của bố và mẹ. Không hiểu sao mỗi lần mẹ kể là mỗi lần mưa dầm, cũng có thể mẹ chọn ngày mưa dầm để kể, cho nó hợp với câu chuyện, kiểu vậy.

Khi mọi loài hoa khác đã héo tàn hoặc thu mình cho qua mùa giá rét thì hoa dã quỳ lại bừng nở vàng tươi giữa cao nguyên mang đến cảm giác quyến rũ đến lạ thường.

Có muôn ngàn cách để kể về ba. Là chiếc lưng biến hóa thần kỳ thành ngựa cho con cưỡi nhong nhong. Là anh hùng dũng cảm giải cứu khi con mắc kẹt. Là siêu nhân giúp con hướng đến những việc làm tử tế. Nhưng với một người con, trên hết, ba là ánh nắng ấm áp chở che suốt cuộc đời này.

Quê hương là nơi mà chúng ta luôn muốn trở về khi mệt mỏi. Là nơi có vòng tay ba mẹ, của bạn bè, bà con hàng xóm yêu thương che chở. Là nơi có ngõ nhỏ heo may, cỏ dâng ngập lối, nơi có cây sung gốc đa còng lưng cõng tuổi, là bờ ao có con chuồn chuồn ớt nằm lim dim đợi nắng....

Hôm nay, khi ngồi lại với chính mình, tôi cảm thấy như vừa mở ra một cuốn sách cuộc đời, mỗi trang là một dấu ấn, mỗi chương là một câu chuyện đáng nhớ. Thời gian cứ thế trôi đi, và mỗi năm qua, tôi lại có dịp ngẫm lại những bước đi của mình. Những lần vấp ngã rồi đứng lên, những khoảnh khắc vui buồn đan xen, tất cả như một bức tranh sống động, đầy màu sắc. Tôi tự hỏi mình: mình đã trưởng thành hơn bao nhiêu?