Tạo hình thực quản bằng đại tràng cho bé 15 tháng tuổi

Bệnh nhi là bé gái N.K.N (15 tháng tuổi, Quy Nhơn - Bình Định) được chẩn đoán khe hở khí thực quản và teo thực quản type A (một thể bệnh hiếm và nặng trong teo thực quản bẩm sinh), đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật chữa trị thành công.

Vừa chào đời đã "sùi bọt cua" liên tục

Xúc động trong ngày con được ra viện, anh D, bố bé K.N chia sẻ, lúc vợ anh mang thai bé K.N được 33 tuần thì phát hiện đa ối, được bác sĩ giải thích là em bé sinh ra có nguy cơ mắc dị tật teo thực quản. Tuy nhiên, gia đình anh không nghĩ rằng bé K.N lại mắc dị tật teo thực quản bẩm sinh rất phức tạp đến vậy. Ngay sau khi sinh tại bệnh viện tỉnh, bé K.N lập tức bị khó thở, sùi bọt cua liên tục, các bác sĩ không thể đặt được sonde vào dạ dày và đã chuyển bé đến một bệnh viện chuyên khoa Nhi tại TP Hồ Chí Minh. Tại đây, bé được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật mở thông dạ dày (để bơm sữa nuôi sống) khi được 4 ngày tuổi.

Tuy nhiên, bệnh teo thực quản chưa được điều trị triệt để, bé thường xuyên trào dịch nước bọt lên miệng và đường hô hấp, khiến bé bị viêm phổi thường xuyên và phải nằm viện liên tục từ khi sinh ra đến nay.

Một lần tình cờ tìm hiểu thông tin trên mạng, gia đình bé K.N biết đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau khi được một số mạnh thường quân hỗ trợ, gia đình bé quyết định đến Bệnh viện Nhi Trung ương với hi vọng bé sẽ được chữa khỏi bệnh.

Tạo hình thực quản bằng đại tràng là kỹ thuật khó nhất trong phẫu thuật teo thực quản bẩm sinh

Ngày 26/9/2022, bé nhập viện tại khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng viêm phổi rất nặng, không nuốt được, sùi bọt ở miệng, mũi (sùi bọt cua) liên tục. Sau khi được làm các xét nghiệm thăm dò phân loại, bé được chẩn đoán teo thực quản (type A) kèm khe hở khí thực quản.

Phân loại teo thực quản.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Khôi, khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Nhi Trung ương, dị tật teo thực quản type A là dị tật phức tạp, hiếm gặp, việc phẫu thuật và hậu phẫu khó khăn. Việc mắc dị tật teo thực quản type A khiến chất lượng cuộc sống của bé K.N rất thấp, nước bọt tiết ra ứ tại thực quản teo khiến bé thường xuyên phải nhè nước bọt và móc họng. Bé không ăn được, chỉ bơm sữa qua mở thông dạ dày, cần được phẫu thuật tạo hình thực quản sớm.

Kế hoạch phẫu thuật cho bé được các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực xây dựng gồm 2 giai đoạn khác nhau:

Giai đoạn 1: Khi bé được điều trị viêm phổi ổn định, đủ điều kiện phẫu thuật, ngày 5/10/2022, các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực đã phối hợp với các bác sĩ khoa Tai - Mũi - Họng tiến hành khâu khe hở khí thực quản qua đường miệng cho bé. Rất may mắn, tình trạng sức khoẻ của bé tiến triển tốt, những triệu chứng trước khi phẫu thuật như khó thở, sùi nước bọt… dần biến mất.

Giai đoạn 2: Ngày 14/11/2022 bé tiếp tục được TS.BS Tô Mạnh Tuân – ThS. Nguyễn Minh Khôi cùng ê kíp phẫu thuật khoa Ngoại lồng ngực tiến hành phẫu thuật tạo hình thực quản lần 2.

“Chúng tôi đã tiến hành cắt một đoạn đại tràng ngang đưa lên lồng ngực thay thế cho đoạn thực quản teo. Ca phẫu thuật được tiến hành trong 8 giờ. Đây là kỹ thuật khó nhất ở trong phẫu thuật teo thực quản bẩm sinh.” – Bác sĩ Khôi cho hay.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi. (Ảnh: BVCC)

Sau phẫu thuật, bé được chăm sóc tích cực tại khoa Điều trị tích cực Ngoại hơn 2 tuần và sau đó được theo tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau hơn 3 tháng điều trị, hiện bé đã ổn định, không còn các triệu chứng trước khi phẫu thuật, bé có thể tự ăn, không ho, không sặc, không sốt và đã được các bác sĩ cho xuất viện vào ngày 23/12.

“Chúng tôi hạnh phúc vô cùng khi con đã được các bác sĩ chữa trị thành công, không biết nói gì hơn ngoài cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng, nhất là các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực – Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ không chỉ chữa trị khỏi cho con, mà còn chăm sóc con rất tận tình, giúp đỡ gia đình rất nhiều trong quá trình ở Bệnh viện”- bố bé K.N xúc động chia sẻ.

 

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi trước khi ra viện.

Theo các bác sĩ, teo thực quản là một dị tật nguy hiểm, dễ tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Điều trị bằng phẫu thuật cũng rất khó khăn vì là một cuộc phẫu thuật lớn ở ngực, trong khi trẻ mới sinh ra hoặc còn nhỏ, sức chịu đựng yếu, nhất là trẻ luôn có tình trạng viêm phổi trước mổ, thường hay xảy ra với trẻ sinh non, nhẹ cân.

Trong những năm qua, khoa Ngoại lồng ngực – Bệnh viện Nhi Trung ương, kết hợp với khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Gây mê hồi sức và khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa…. đã điều trị thành công cho gần 20 bệnh nhi mắc dị tật teo thực quản type A bằng phương pháp tạo hình thực quản bằng đại tràng. Việc phẫu thuật thành công kỹ thuật phức tạp này đã mở ra nhiều hy vọng cho các em bé không may mắc dị tật teo thực quản bẩm sinh, mang lại cho trẻ một cuộc sống hoàn toàn mới với tương lai tươi sáng hơn.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để bảo vệ tính mạng những trẻ bị teo thực quản, điều quan trọng nhất là cha mẹ phải hiểu biết để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, đưa con đi khám và điều trị kịp thời. Việc phẫu thuật sớm sẽ tránh được một số biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Đang ăn tối tại một nhà hàng tại Đà Nẵng, nhìn thấy người đàn ông đi loạng choạng, gã quỵ xuống đất, mất ý thức, nữ điều dưỡng A9 Bệnh viện Bạch Mai đã kịp thời tiếp cận, ép tim cấp cứu người bệnh. Nhờ nắm bắt được "thời điểm vàng" cô đã cứu sống được vị khách du lịch.

Theo Bộ Y tế, khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi trên người có nguồn gốc từ động vật. Với bệnh lây truyền từ động vật, khó kiểm soát nguồn lây, khó khăn cho công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh.

Thời điểm này được xem là “mùa” của thuỷ đậu do vi rút gây bệnh sinh sôi và phát tán nhanh chóng khi độ ẩm trong không khí tăng cao. Tiêm vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra.

Sau ca tử vong do mắc cúm A/H5N1 tại Khánh Hòa, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đề nghị tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người.

Kháng thuốc là hậu quả của việc sử dụng kháng sinh bừa bãi. Đây là nỗi sợ hãi của các bác sĩ khi các phác đồ điều trị không đạt hiệu quả.

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 1073/SYT-NVY về việc chủ động triển khai công tác giám sát phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố.