Tạo xung lực mới cho quan hệ với Peru, Chile và APEC

Chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường có tầm quan trọng đặc biệt cả về song phương và đa phương, tạo những xung lực đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Chile và quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Peru bước vào giai đoạn phát triển mới năng động, thực chất, hiệu quả hơn. Chuyến công tác đồng thời khẳng định tâm thế mới, vai trò, vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.

Chủ tịch nước Lương Cường sẽ thăm chính thức Chile, Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024. Ảnh: baoquocte.vn

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Chủ tịch nước Lương Cường sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile, Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 từ ngày 09 đến ngày 16/11/2024. Trước thềm chuyến công tác của Chủ tịch nước Lương Cường, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã trả lời phỏng vấn báo chí về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến công tác.

Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến công tác Chủ tịch nước Lương Cường thăm chính thức Cộng hòa Chile, Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2024? 

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng: Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Lương Cường trên cương vị mới, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt cả về song phương và đa phương.

Về song phương, chuyến thăm sẽ góp phần tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, khai thác hiệu quả những dư địa hợp tác, thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với hai nước cũng như khu vực Mỹ Latinh, đồng thời tăng cường phối hợp với các nước trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Với Chile, đây là chuyến thăm của Chủ tịch nước Việt Nam sau 15 năm, đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng thống Salvador Allende - sự kiện đặt nền móng cho việc Chile trở thành nước đầu tiên tại Nam Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trên nền tảng đó, quan hệ Việt Nam – Chile đã và đang phát triển tích cực, nhất là trong lĩnh vực thương mại. Kim ngạch thương mại hai chiều trong hơn 1 thập kỷ đã tăng gấp 4 lần, đạt 1,5 tỷ USD năm 2023. Hiện nay, Chile là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực; là nước Mỹ Latinh đầu tiên ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (năm 2014). Theo đó, chuyến thăm sẽ đem đến sức sống mới cho quan hệ Việt Nam - Chile, nhất là trên các lĩnh vực mà hai bên còn nhiều tiềm năng hợp tác.

Đối với Peru, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam. Diễn ra đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ là dấu mốc lịch sử, góp phần củng cố nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, và hướng tới đưa quan hệ lên một tầm cao mới. Hiện nay, Peru là nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh; là bạn hàng lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực.

Bên cạnh đó, tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC là dịp để Chủ tịch nước gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo APEC, trong đó có nhiều đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược của ta, góp phần không ngừng làm sâu sắc quan hệ với các thành viên APEC.

Về đa phương, việc Chủ tịch nước tham gia Tuần lễ Cấp cao APEC 2024, đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Diễn đàn, tiếp tục khẳng định đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam vào việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là thúc đẩy tiến trình liên kết kinh tế quốc tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng của khu vực; tiếp tục củng cố vai trò của APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu, nơi hội tụ 3/5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Là chủ nhà của Năm APEC 2027, đây cũng là dịp để ta thúc đẩy triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 mà nước ta đã khởi xướng và tham gia xây dựng cùng với các thành viên từ năm 2017.

Có thể khẳng định, việc tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2024 và thăm chính thức Cộng hòa Chile và Cộng hòa Peru của Chủ tịch nước Lương Cường là bước triển khai quan trọng đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam về đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tạo những xung lực mới để đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Chile và quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Peru bước vào giai đoạn phát triển mới năng động, thực chất, hiệu quả hơn, đồng thời, khẳng định tâm thế mới, vai trò, vị thế ngày càng gia tăng của Việt Nam ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng.

Phóng viên: Xin Thứ trưởng chia sẻ thêm về ý nghĩa của chủ đề "Trao quyền. Bao trùm. Bền vững" cũng như vai trò, sự tham gia và đóng góp của Việt Nam trong APEC thời gian qua và tại Hội nghị sắp tới? 

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng: Trong những năm gần đây, APEC đã xác định tầm nhìn về phát triển kinh tế cân bằng, bền vững và bao trùm hơn. Trong Năm APEC 2024, chủ nhà Peru tiếp tục đề cao tăng trưởng bao trùm, bảo đảm rằng mọi người dân đều được tiếp cận và hưởng lợi từ các chương trình hợp tác của APEC.
Trên tinh thần đó, chủ đề Năm APEC 2024 là “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”. “Trao quyền” là nâng cao năng lực và tạo cơ hội cho mọi thành phần xã hội tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội. “Bao trùm” là mọi người dân đều được tham gia và hưởng lợi từ quá trình đổi mới, chuyển đổi số và tăng trưởng kinh tế. Và cuối cùng, các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như hợp tác APEC đều hướng đến “Tăng trưởng”, để APEC tiếp tục là đầu tàu và động lực tăng trưởng của khu vực và thế giới.

​Trong hơn 25 năm tham gia APEC (1998-2024), Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong hợp tác APEC, và luôn được đánh giá là thành viên có nhiều đóng góp tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả vào việc hiện thực hóa các mục tiêu, tầm nhìn hợp tác của APEC cũng như nâng cao vai trò của Diễn đàn. Nổi bật là:

Thứ nhất, Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm thành công trọng trách chủ nhà APEC vào các năm 2006 và 2017. Chúng ta cũng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo trong các cơ chế khác nhau của APEC, trong đó có Ban Thư ký, Nhóm ASEAN, các Ủy ban/Nhóm công tác. Vừa qua, Việt Nam một lần nữa được các thành viên tín nhiệm ủng hộ đăng cai Năm APEC 2027.

Thứ hai, chúng ta đã đóng góp tích cực vào việc duy trì đà hợp tác APEC trong bối cảnh hợp tác và liên kết kinh tế quốc tế đứng trước nhiều thách thức. Với việc đề xuất, triển khai gần 190 sáng kiến, dự án trên nhiều lĩnh vực quan trọng như cải cách cơ cấu, phát triển nhân lực, trao quyền cho phụ nữ, phát triển nông thôn và đô thị, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, thương mại điện tử…, Việt Nam đã góp phần làm cho các nội dung hợp tác APEC ngày càng phong phú và toàn diện, đưa APEC thích ứng với những biến chuyển của tình hình quốc tế và bắt kịp những xu hướng phát triển mới của thời đại.

Thứ ba, chúng ta đã khởi xướng và tham gia định hình tầm nhìn dài hạn cho hợp tác APEC. Nổi bật là việc xây dựng Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Việt Nam đã chủ động tham gia dẫn dắt, điều phối quá trình xây dựng Báo cáo với tiêu đề “Người dân và thịnh vượng: Tầm nhìn APEC đến 2040”. Đây là cơ sở để các nhà lãnh đạo APEC thông qua Tầm nhìn APEC về một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.

Tiếp nối những nỗ lực đáng tự hào đó và với tâm thế của Chủ nhà APEC 2027, trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia và đóng góp tích cực, trách nhiệm tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31 và các cuộc họp liên quan cũng như Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC với sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp hàng đầu khu vực. Chủ tịch nước sẽ nêu nhiều đề xuất mang tính chiến lược và đột phá nhằm phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của APEC trong hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, ứng phó với các thách thức đặt ra với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng. Chủ tịch nước cũng sẽ truyền tải thông điệp về khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới, những định hướng lớn về phát triển, đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Diễn đàn APEC là một trong những ưu tiên hàng đầu, kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC và cộng đồng doanh nghiệp khu vực tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự, Vụ Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an (Bộ Công an), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học cấp Quốc gia kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Sáng 10/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức buổi truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ Thủ đô tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần xây dựng thành phố hòa bình, sáng tạo năm 2024.

Trên nền nhiệt độ giảm sâu do đợt gió mùa Đông Bắc này, từ ngày 11 đến 13/12, nhiệt độ sẽ tiếp tục giảm. Khoảng ngày 14-15/12, khu vực vùng núi Trung du Bắc Bộ có khả năng xảy ra tình trạng rét đậm, có nơi rét hại, nhiệt độ trung bình giảm xuống dưới 15 độ C.

Thông tư 35 của Bộ Giao thông Vận tải quy định người có giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng một ngày cũng phải thi lại lý thuyết. Quy định có hiệu lực từ 1/1/2025.

Năm 2024, tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được kiểm tra, hậu kiểm trên địa bàn Hà Nội là gần 71.000, trong đó, hơn 3.000 cơ sở bị xử phạt.

Hiện nay, các chợ truyền thống tại Hà Nội đang bộc lộ nhiều bất cập về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), hạ tầng xuống cấp.