Tập thể cũ lưu giữ ký ức Hà Nội
Trong tâm trí của nhiều bạn trẻ hôm nay, hẳn những khu tập thể cũ chỉ là một mảng màu mờ nhạt trong diện mạo thủ đô hiện đại. Nhưng với những ai đã từng lớn lên, đã từng gắn bó cả tuổi thơ ở đó thì khu tập thể cũ lại là nơi cất giữ biết bao kỷ niệm.
Sau năm 1954, miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa có một hình mẫu mới ra đời, gọi là nhà tập thể. Những khu tập thể được xây dựng từ những năm 50-60 là nơi trú ngụ của hàng ngàn người. Họ chủ yếu là những cán bộ, công nhân viên chức thuộc những cơ quan, xí nghiệp... được phân phối căn hộ để ở.
Từ đó cho đến nay, nhiều thế hệ đã ra đời trong những khu tập thể này. Dù xã hội bên ngoài đã thay đổi rất nhiều, nhưng khi "lạc" vào những khu tập thể cũ kỹ này, có cảm giác như cuộc sống của cư dân vẫn như ở những năm tháng của thế kỷ trước.
Với những người con Hà Nội thế hệ 6X, 7X, khu tập thể là cả một ký ức tuổi thơ sống động và ngập tràn kỷ niệm. Ở nơi ấy, họ có cuộc sống rất giản dị, êm đềm, thuận hòa với hàng xóm láng giềng, cùng chia sẻ ngọt bùi với chúng bạn trong khu tập thể.
Sinh ra và lớn lên ở khu tập thể Giảng Võ, với anh Nguyễn Hoàng Lâm, một trong những người sáng lập ra nhóm ký họa đô thị Hà Nội, ký ức về khu tập thể cũ là những điều không thể nào quên với những “đặc sản” như xếp hàng lấy nước, nuôi lợn trong nhà, sử dụng chung công trình phụ... Sự chật chội dễ làm nảy sinh mâu thuẫn, nhưng cũng mang đến sự gần gũi, gắn bó “tối lửa tắt đèn có nhau” mà trong cuộc sống hiện đại không dễ gì có được.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở khu tập thể này, nơi đây gắn bó với tôi suốt những năm 70 của thế kỷ trước. Khu tập thể Giảng Võ cũng như các khu này đời sống trong khoảng thời gian bao cấp rất khó khăn nhưng rất đáng nhớ", anh Lâm chia sẻ.
Thi sĩ Lưu Quang Vũ từng miêu tả về không gian sống ở những khu tập thể, qua bài thơ "Nhà chật":
“Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi
Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo
Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình
Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông
Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống
Phải bỏ hết những gì không cần thiết
Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình”.
Dù là căn hộ tập thể ở đâu thì đối với những cư dân ngày đó đều là “mảnh trời nhiều nắng, nhiều kỷ niệm, nhiều yêu thương, nước mắt, cũng như nhiều ước vọng”, như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng viết trong "Nhà cũ ở Thành Công": “Căn phòng đã nhốt/ Những ngày trong veo/ Mùa xuân còn mãi/ Nơi mình buông neo”.
Tập thể cũ - đó là nơi mà nhiều người không thể tưởng tượng nổi khi cả ba thế hệ có thể vui sống chung trong một căn phòng 24m2. Ở đó, người ta dùng chung bể nước, sân chơi và những phòng sinh hoạt cộng đồng nhỏ bé nhưng ấm cúng, là những gì rất đỗi thân thương, nơi những người hàng xóm thân quen như người nhà, nơi không gian ấm áp khó có thể phai nhòa trong ký ức của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở khu tập thể cũ.
Đặc trưng của các khu tập thể cũ là những dãy nhà được phủ một lớp màu sơn vàng, theo thời gian tạo nên sự rêu phong, cũ kỹ. Cầu thang bộ, lối đi chật hẹp với những khe cửa hoa ít ánh sáng. Người ta còn tận dụng những sảnh cầu thang bộ chung đó để đồ đạc cũ hỏng hay là nơi để những bếp than tổ ong, bếp dầu.
Tất cả những vật dụng đó dù bừa bộn, cũ kỹ, ẩm mốc nhưng lại lưu dấu trong tâm trí mỗi người. Để rồi những gì cũ kỹ thân thương ấy lại trở thành những kỷ niệm đẹp về nơi người ta đã từng sống những năm tháng thiếu thốn, khốn khó về vật chất nhưng lại giàu có về tinh thần.
"Chuồng cọp", "chuồng chim" là một khái niệm đã quá quen thuộc với người dân Hà Nội, nhất là những ai đã từng sống ở những căn hộ tập thể với diện tích nhỏ hẹp. Không gian tự phát phổ biến nhất của những dãy nhà tập thể này là những cái lồng sắt lô nhô ở mặt tiền, phía sau, hai bên hông nhà. Chỉ thêm chút diện tích nho nhỏ thôi mà có thể đáp ứng được nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau như làm kho, chỗ đun bếp hay thậm chí có thể thành phòng ngủ nhỏ.
Những cái lồng thò ra thụt vào với đủ mọi kích cỡ, hình dáng, màu sắc như những chiếc balo trên lưng các dãy nhà đã trở thành nét đặc trưng riêng của những khu tập thể cũ Hà Nội một thời.
Nhiều năm đã trôi qua, ký ức về những khu tập thể cũ, nơi từng là chốn đi về ấm êm của biết bao thế hệ người dân Hà Nội, tưởng như đã nhiều phần mai một. Thế nhưng cảm xúc về nơi mình từng sống một quãng thời gian dài luôn là hành trang đi theo suốt cuộc đời mỗi người; thời gian càng lùi xa, cuộc sống càng phát triển lại càng khiến người ta không nguôi nhớ về.
Phải chăng vì thế mà những cuốn sách viết về ký ức một thời ở các khu tập cũ cứ lần lượt ra mắt độc giả như "Đấy là nó nghĩ thế" (Trần Ngọc Anh Thư), "Khu tập thể có giàn hoa tím" (Đức Phạm), "Mảnh trời có lá cờ bay" (Tuệ An), "Quân khu Nam Đồng" của tác giả Bình Ca, "Kim Liên một thuở" của Vũ Công Chiến, cuốn nào ra mắt cũng nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả.
Năm 2019, trong 10 đề cử những tác giả, tác phẩm Vì tình yêu Hà Nội cho giải thưởng Bùi Xuân Phái, có tác phẩm "Kim Liên một thuở" của tác giả Vũ Công Chiến. Tác phẩm là hồi ức của tác giả về những năm tháng gia đình ông sinh sống, gắn bó từ khi ông mới chuyển đến đây với đầy những bỡ ngỡ đến khi từng nếp sống tại đây đã trở nên thân thuộc như ăn vào máu thịt của ông trên từng trang viết.
Những kỷ niệm thân thương nhắc nhớ về nơi con người ta đã từng sống, những năm giản dị, khốn khó mà rất đỗi êm đềm ấy, gói ghém lại như một góc riêng, để rồi giữa vòng quay hối hả của cuộc sống hiện tại, ta lại được trở về bình yên bên ô cửa cũ kỹ ố màu, nhìn ra khoảng sân ngập nắng.
Bãi sông Hồng dưới chân cầu Long Biên gần đây đã đổi thay. Rác thải ô nhiễm tồn đọng lâu ngày được thu dọn để cải tạo, trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách.
Hơn 40ha trồng đào ở Nhật Tân, làng đào nổi tiếng của Hà Nội, gần như bị cơn bão số 3 (Yagi) phá hủy hoàn toàn.
Nối huyện Đông Anh với quận Long Biên, cầu Đông Trù không chỉ nổi bật bởi vai trò giao thông quan trọng mà còn gây ấn tượng mạnh với thiết kế độc đáo.
Với mục tiêu thay đổi diện mạo của Thủ đô, thời gian qua thành phố đã đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị và cải tạo cảnh quan môi trường, mang đến cho người dân một không gian sống chất lượng.
Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 vừa qua, hoa giấy ở làng nghề Phù Đổng, huyện Gia Lâm, đã khoe sắc trở lại. Thời điểm này, người trồng hoa đang tất bận chuẩn bị cho Lễ hội 'Sắc hoa trên miền di sản' được tổ chức thường niên vào tháng 11 hàng năm.
Mỗi khi chiều buông nắng, nếu có dịp đến ngã ba sông Hồng - sông Đuống, bạn sẽ được chứng kiến khung cảnh thiên nhiên thơ mộng.
0