Tàu chiến Mỹ bắn hạ UAV của Houthi như thế nào?
Trước những hành động gần đây của hải quân Mỹ và sáng kiến bảo vệ mới của Washington, hãng tin CNN đã phỏng vấn các chuyên gia quân sự về cách các tàu chiến Mỹ đối phó với các mối đe dọa và những vấn đề chúng có thể gặp phải trong tương lai.
Dù hải quân Mỹ không tiết lộ tàu chiến của họ đang sử dụng hệ thống vũ khí nào để ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng Houthi, nhưng các chuyên gia cho rằng một tàu khu trục Mỹ thường đã được trang trị sẵn một loạt hệ thống vũ khí hiện đại, phòng trường hợp bị tấn công. Chúng có thể bao gồm tên lửa đất đối không, đạn pháo cỡ nòng 130mm và tổ hợp vũ khí tầm gần. Cũng theo các chuyên gia này, các tàu chiến Mỹ có khả năng tác chiến điện tử, cắt đứt liên lạc giữa máy bay không người lái và bộ điều khiển từ xa của chúng.
Các chuyên gia nhận định, dù các tàu khu trục Mỹ sử dụng hệ thống nào, họ cũng phải đối mặt với các quyết định về chi phí, lượng đạn pháo tồn kho và tính hiệu quả của vũ khí khi thực hiện nhiệm vụ.
“Các máy bay không người lái thường chậm hơn và có thể bị bắn hạ bằng tên lửa giá rẻ hoặc thậm chí là súng trên tàu. Ông John Bradford, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Quốc tế (Mỹ) cho biết, tên lửa tốc độ nhanh hơn cần phải bị đánh chặn bằng tên lửa đánh chặn phức tạp hơn.
Các cuộc tấn công ở Biển Đỏ gây thiệt hại kinh tế toàn cầu
Theo hãng tin CNN, lực lượng Houthi, bên ủng hộ phong trào Hamas của người Palestine trong cuộc xung đột tại Dải Gaza hiện nay, được Iran hậu thuẫn đã tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các căn cứ của Mỹ trong khu vực và Israel, kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát vào ngày 7/10.
Nhóm này cho biết bất kỳ con tàu nào hướng tới Israel đều là “mục tiêu hợp pháp” trong một động thái được giới phân tích đánh giá nhằm gây áp lực buộc Tel Aviv chấm dứt giao tranh ở dải Gaza. Houthi đã tiến hành một số cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các tàu vận tải thương mại, thậm chí còn cố gắng cho các tay súng thuộc nhóm này đổ bộ bằng trực thăng để cướp tàu.
Hàng loạt các công ty vận tải quốc tế đã tạm dừng vận chuyển qua Biển Đỏ, một trong những tuyến đường thương mại huyết mạch của thế giới, điều mà các chuyên gia cho rằng có thể làm xáo trộn chuỗi cung ứng và tăng chi phí vận chuyển hàng hóa.
MSC, Maersk, CMA CGM và Hapag-Lloyd trong những ngày gần đây đều cho biết họ sẽ tránh kênh đào Suez (nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải), vì lo ngại an toàn. Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ BP cũng có bước đi tương tự, khiến giá dầu và khí đốt tăng vọt vào hôm 18/12.
Cựu giám đốc CIA David Petraeus nói với CNN: “Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch quan trọng nhất trên thế giới khi nói đến vận chuyển hàng hải”. Ông nói thêm rằng, thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa khắp châu Phi sẽ rất đáng kể. “Điều này thực sự sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu.”
Tình trạng tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái và cướp bóc cũng khiến các công ty vận tải phải thêm chi phí bảo hiểm. Truyền thông Israel tính toán rằng các tàu thương mại thuộc sở hữu của Israel hoạt động qua Biển Đỏ đã phải trả chi phí bảo hiểm tăng lên tới 250%, trong khi những tàu khác hoàn toàn bị từ chối bảo hiểm.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường
Trước tình hình các cuộc tấn công gia tăng trên Biển Đỏ, Hải quân Mỹ cho biết họ sẽ hỗ trợ các hoạt động vận chuyển thương mại đang gặp khó khăn.
Vũ khí chính của Mỹ ở Biển Đỏ để ngăn chặn các cuộc tấn công vào tàu bè là tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, giống như tàu USS Carney, đã bắn hạ 14 máy bay không người lái của lực lượng Houthi hôm 18/12. Các tên lửa của nó bao gồm:
– Standard Missile-6 (SM-6), một loại vũ khí tiên tiến có thể bắn hạ tên lửa đạn đạo ở tầm cao, các tên lửa khác có quỹ đạo thấp hơn và các tàu có tầm bắn lên tới 370 km, theo Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Mỗi chiếc có giá hơn 4 triệu USD.
– Tên lửa tiêu chuẩn-2 (SM-2), kém tiên tiến hơn SM-6 với tầm bắn từ 185 đến 370 km, tùy thuộc vào phiên bản, theo CSIS. Chúng có giá khoảng 2,5 triệu USD mỗi chiếc.
– Tên lửa Sea Sparrow cải tiến (ESSM), được thiết kế để tấn công tên lửa hành trình chống hạm và các mối đe dọa có tốc độ thấp như máy bay không người lái hoặc trực thăng ở phạm vi lên tới 50 km, CSIS cho biết. Mỗi chiếc có giá hơn 1 triệu USD.
Các chuyên gia cho rằng, cho đến nay, Mỹ đang sử dụng tên lửa SM-2 hoặc ESSM để chống lại các mối đe dọa từ Houthi.
Đạn dược đắt tiền và tỷ lệ chi phí, lợi ích
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với những máy bay không người lái được sản xuất và triển khai số lượng lớn với đơn giá dưới 100.000 USD, một chiến dịch kéo dài có thể gây tổn hại cho bài toán ngân sách của Mỹ.
Ông Alessio Patalano, giáo sư Khoa chiến tranh và nghiên cứu chiến lược tại Đại học King's College ở London (Anh) cho biết: “Đây là những khả năng đánh chặn trên không tiên tiến với chi phí trung bình khoảng 2 triệu USD - khiến việc đánh chặn máy bay không người lái không hiệu quả về mặt chi phí”.
Các chuyên gia chỉ ra rằng lực lượng Houthi được Iran tài trợ và huấn luyện, nên họ có đủ nguồn lực cho một cuộc chiến dài hơi. Vấn đề đặt ra là Mỹ muốn duy trì bao lâu để bảo vệ hoạt động vận chuyển thương mại.
Ông Carl Schuster, cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết hệ thống vũ khí cận chiến Phalanx của tàu khu trục Mỹ – súng Gatling có thể bắn tới 4.500 viên đạn mỗi phút – có thể xử lý các mối đe dọa từ máy bay không người lái hoặc tên lửa trong phạm vi 1,6km quanh tàu chiến. Đó là một biện pháp phòng thủ có chi phí tương đối thấp. Nhưng nếu máy bay không người lái đến gần như vậy, đó sẽ là tuyến phòng thủ cuối cùng và nếu bắn trượt có thể khiến người Mỹ thiệt mạng.
Ông John Bradford, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Quốc tế (Mỹ) nói: “Một tên lửa hoặc một máy bay không người lái không thể đánh chìm tàu chiến Mỹ, nhưng nó có thể giết người hoặc gây thiệt hại khiến tàu phải rút lui để sửa chữa tại cảng”
Bảo vệ tàu chiến và bảo vệ tàu thương mại
Hệ thống vũ khí cận chiến Phalanx không thể bảo vệ các tàu thương mại di chuyển cách xa tàu Hải quân Mỹ hàng km.
Ông Sidharth Kaushal, chuyên gia tại Viện nghiên cứu quốc phòng Hoàng gia Anh cho biết: “Để cung cấp khả năng phòng không trên diện rộng (trái ngược với khả năng tự bảo vệ), các tàu chủ yếu dựa vào tên lửa phòng không”. Ông Kaushal cho biết tên lửa đánh chặn phòng không trên tàu chiến Mỹ được bắn từ hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) trên boong tàu. Mỗi ô phóng của VLS có thể chứa nhiều loại vũ khí, nhưng số lượng trên bất kỳ tàu nào là hữu hạn.
Do đó, nếu lực lượng Houthis có thể làm cạn kiệt kho vũ khí của con tàu bằng các cuộc tấn công liên tiếp, thì tàu chiến có thể thiếu đạn dược để bảo vệ các tàu buôn mà nó đang giám sát, giáo sư Salvatore Mercogliano tại Đại học Campbell ở Bắc Carolina (Mỹ) cho biết.
Ông nói: “Trong khi hải quân Mỹ được trang bị tốt để đánh chặn những gì mà Houthi hiện đang triển khai, thì điều đáng lo ngại là phạm vi và quy mô tấn công ngày càng tăng, và các tàu hộ tống không thể duy trì mức độ phòng thủ để bảo vệ hoạt động vận chuyển thương mại”.
Theo giáo sư Salvatore Mercogliano, các tàu chiến Mỹ phải đối mặt với câu hỏi làm thế nào để bổ sung kho tên lửa trong khu vực. “Địa điểm duy nhất để nạp lại vũ khí là ở Djibouti (một căn cứ của Mỹ ở vùng Sừng châu Phi) và địa điểm đó gần với việc triển khai một hoạt động quân sự”. Các chuyên gia cho rằng đến một lúc nào đó, Mỹ có thể quyết định phải tấn công.
(Nguồn: CNN)
Hãng tin Tass ngày 21/12 cho biết, chuyên gia quân sự Andrey Marochko đã nói với hãng tin này rằng lực lượng Nga đang kiểm soát hơn một nửa thành phố Chasov Yar ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk .
Quân đội Israel thừa nhận đã không thể đánh chặn một "vật thể bay" được phóng từ Yemen tới Tel Aviv, làm ít nhất 16 người bị thương.
Phe đối lập Syria tuyên bố muốn đóng góp vào hòa bình khu vực sau cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Ahmed al-Sharaa và phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Damascus.
Một đoàn gồm 120 binh sĩ Pháp đã rời Chad vào ngày 20/12, đánh dấu sự khởi đầu cho cuộc rút quân của Pháp khỏi một trong những thuộc địa cuối cùng mà Pháp vẫn duy trì sự hiện diện quân sự.
Theo một tuyên bố từ quân đội Iraq, nước này đã gửi gần 2.000 binh lính Syria trở về quê hương vào ngày 19/12, sau khi họ tìm kiếm nơi trú ẩn tại Iraq trong cuộc tấn công của các lực lượng đối lập nhằm lật đổ cựu Tổng thống Bashar al-Assad vào đầu tháng này.
Ngày 19/12, phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn của Houthi, ông Yahya Sarea tuyên bố, lực lượng này đã sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài với Israel.
0