Tàu điện Bờ Hồ, ký ức của người Hà Nội xưa
Hà Nội đã trải qua những thời khắc hào hùng, những tháng năm bị chiến tranh tàn phá, những quãng đường gian khó, nhưng cũng lưu giữ trong ký ức những hình ảnh đẹp đẽ của một thời khó phai mờ.
Trong những thanh âm của Hà Nội, có lẽ, ấn tượng nhất với nhiều thế hệ người dân Thủ đô, chính là tiếng “leng keng” của tàu điện. Dường như, tàu điện góp phần làm nên phong vị riêng có của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến như chia sẻ của nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: "Tàu điện là một phần không thể thiếu của Hà Nội hơn 30 năm trước đây. Ngày đó, người Hà Nội chỉ có hai phương tiện đi lại chính là xe đạp và tàu điện. Những công chức, gia đình có điều kiện thường đi xe đạp. Có lẽ vì thế, tàu điện tượng trưng cho những gì hai sương một nắng, thức khuya dậy sớm, lại bình dân và ít gây ô nhiễm môi trường. Và tàu điện gắn với hình ảnh những người nghèo, những tiểu thương, những người buôn thúng bán mẹt của thành phố".
Không chỉ với nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến mà trong ký ức của nhiều người Hà Nội hôm nay chắc hẳn vẫn chưa quên tàu điện một loại hình phương tiện giao thông xuất hiện cuối thế kỷ thứ 19 và có mặt gần trọn thế kỷ 20.
Trong nhiều bộ phim về Hà Nội thập niên 90 được ghi trên những tuyến phố mà ngày xưa có đường tàu điện chạy qua. Tàu điện Hà Nội giờ không còn nữa, nhưng những ai đã từng đi tàu điện, từng sống cùng thời với tàu điện thì sẽ mãi không quên tiếng leng keng mà nhiều người quen gọi là "tiếng chuông tàu điện". Tiếng leng keng ấy dường như đã nằm trong ký ức một thời của người Hà Nội.
Tháng 5/1890, Công ty Điền địa Đông Dương xin phép chính quyền thực dân thành lập một cơ sở khai thác giao thông bằng tàu điện. Nhà máy đó đặt ở đầu làng Thụy Khuê nên người dân Hà Nội ngày ấy gọi là Nhà máy tàu điện Thụy Khuê, nay là Công ty Xe điện Hà Nội.
Tháng 5/1899, Toàn quyền Đông Dương ký ban hành một nghị định thiết lập dự án tàu điện tiện ích công cộng. Ngày 13/9/1900, tuyến đường tàu điện đầu tiên Bờ Hồ - Thụy Khuê khánh thành chạy chuyến tàu điện thứ nhất, chợ Đồng Xuân hôm ấy đông hẳn lên và suốt ngày nhộn nhịp. Nhà tàu quyết định xây dựng thêm những tuyến đường mới.
Năm 1929, từ ga trung tâm Bờ Hồ, đường tàu điện tỏa ra sáu ngả lên Yên Phụ, lên chợ Bưởi sang Cầu Giấy, vào Hà Đông, xuống chợ Mơ và Vọng, đó là 6 cửa ô xưa, nối nông thôn với nội thành. Một mạng lưới đường xe điện đã hình thành, góp phần quan trọng vào hệ thống giao thông của đất kinh kỳ.
Khi mới xuất hiện, tàu điện thu hút sự chú ý của người dân đất kinh kỳ bởi sự thuận tiện, an toàn. Mọi người khá ngạc nhiên khi thấy đầu tàu kéo theo nhiều toa đằng sau như tàu hỏa mà không chạy bằng than. Con tàu cứ thong thả chạy trên đường ray, mỗi khi đến khúc quanh, người phụ tàu nhanh nhẹn cầm một thanh sắt chạy xuống, bẻ đường ray hướng tàu đi theo lộ trình. Đây chính là lúc tiếng “leng keng” reo lên rộn rã.
Năm tháng trôi, nhiều bạn trẻ sinh sau thập niên 90 không biết rằng, Hà Nội từng có tàu điện, một loại phương tiện có bánh sắt, chạy trên đường ray. Nhưng với những người thuộc thế hệ trước như nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến thì tiếng “leng keng” tàu điện lưu lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí.
Đến những ngày toàn quốc kháng chiến, những ngày Hà Nội khói lửa ngập trời, các toa tàu điện trở thành chướng ngại vật rất có hiệu quả, ngăn chặn bước đi của các đoàn xe cơ giới, của thực dân xâm lược trên các nẻo đường, góc phố có đường tàu điện đi qua.
Sau ngày giải phóng Thủ đô, tất cả các đường ray, thiết bị và tàu điện được chuyển giao cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản. Mọi hoạt động khai thác trong giai đoạn này vẫn được duy trì theo cung cách cũ của Pháp nhưng có thay đổi cho phù hợp với tình hình lúc bấy giờ.
Hà Nội đã chứng kiến tàu điện hiện diện gần một thế kỷ, biết bao lớp người đã dùng tàu điện làm phương tiện đi lại, không chỉ người ở nội thành mà cả bà con ngoài thành ven đô.
Cụ bà Nguyễn Thị Hương, người ở phố Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, năm nay đã bước sang tuổi 90 nhưng vẫn nhớ như in ký ức khi còn là cô học trò nhỏ hàng ngày đi tàu điện. "Ngày xưa, ở đây là bến xe điện và nó chạy xuống tận Bạch Mai. Khi đó tôi là học sinh học ở trường Hoài Đức, Hàng Trống. Ngày nào tôi cũng phải đi mấy lượt, hai lượt lượt đi lượt về".
Vào thời hoàng kim của tàu điện những năm 1970-1980, toàn Xí nghiệp Xe điện Hà Nội có đến 20 tàu và 32 toa xe, chạy trên các tuyến: Bưởi - Bạch Mai, Yên Phụ - Kim Liên, Yên Phụ - Cầu Giấy, Bờ Hồ - Hà Đông, Bờ Hồ - Yên Phụ... Mỗi chuyến có thể chở được 200-300 khách. Những người đi chợ gánh hàng từ Cổ Nhuế, chợ Bưởi, Thụy Khuê ra chợ Đồng Xuân bán đã đứng đợi sẵn ở đó từ trước. Có lẽ vì vậy mà nhiều người cũng từng mong muốn được làm nghề lái tàu, họ vừa đánh thức thành phố dậy mỗi buổi sáng và vừa giúp bà con đi lại được thuận tiện hơn.
Chỉ với vài xu là người dân có thể đi đoạn đường dài từ chợ Bưởi đến chợ Đồng Xuân, nếu mua vé 1 hào có thể đi đến tận Bờ Hồ. Vậy nên ngày ấy nhiều người vẫn gọi vui những chuyến tàu điện là “trung tâm tin tức di động” của thành phố, bởi ở nơi đó người ta có thể được nghe đủ các chuyện vui buồn.
Tuy nhiên để đáp ứng đi lại của người dân Thủ đô ngày một lớn hơn, nhiều phương tiện công cộng khác ra đời. Những chuyến tàu điện dần thưa thớt theo, đường ray trong thành phố lần lượt bị bóc lên.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết đến những năm 1990, chuyến tàu điện cuối cùng của thành phố đã dừng lại. Từ đó, âm thanh leng keng quen thuộc chỉ còn lại trong ký ức những người một thời gắn bó với phương tiện này.
Hà Nội ngày nay là thành phố hơn một nghìn năm tuổi với những con đường ngày càng mở rộng, xe cộ ngày ngày đông đúc, ồn ào, tấp nập với nhịp điệu hối hả của thời đại công nghiệp. Hà Nội xưa cổ kính thâm nghiêm với nhịp sống chậm rãi giờ chỉ còn trong hoài niệm của những người có tuổi.
Rất nhiều những kỷ vật, hình ảnh của một thời xa xưa gắn với lịch sử của Thủ đô nay không còn, một trong số đó là ký ức về những chuyến tàu điện mà trong gần một thế kỷ tồn tại là phương tiện giao thông công cộng chính ở nơi đây.
Với nhiều người Hà Nội, mỗi lần nghe bài hát “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, hình ảnh chiếc tàu điện thân thương hiện ra theo từng câu hát: “Nhớ tiếng con đê dài lối xe, bước chân năm tháng đi về. Và nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya, hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy...”.
Mấy chục năm qua, những ai đã từng đi tàu điện vẫn cứ thấy văng vẳng bên tai tiếng leng keng náo nức một thời, tiếng leng keng đó đã đi vào ký ức của người kinh kỳ cũng như những tiếng rao đêm, gợi lên những nỗi niềm một thời xuôi ngược phố phường với bao buồn vui thường nhật.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.
Hồ Gươm vào cuối thu mang một vẻ đẹp dịu dàng và lãng mạn, tiết trời se lạnh, làn gió nhẹ thoảng qua mặt hồ phẳng lặng, lác đác những chiếc lá vàng rơi.
Chụp ảnh đường phố Hà Nội là cách để những người vừa có đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh, vừa có tình cảm với mảnh đất Thủ đô ghi lại những khoảng khắc đời thường nhất của cuộc sống hàng ngày.
Cùng với áo dài và nón lá, guốc mộc từ thời xa xưa đã tạo nên một vẻ đẹp rất Việt. Theo thời gian, guốc mốc dần bị lãng quên. Thế nhưng nhà thiết kế Hoàng Huệ đã đưa guốc mộc từ ký ức trở về cuộc sống ngày nay, với những họa tiết hiện đại, có tính ứng dụng cao.
Không cần phải đợi đến Tết, món bánh chưng rán mâm mang hương vị tuổi thơ của nhiều người giờ đây có thể được thưởng thức mọi lúc, nhưng ngon nhất là trong thời tiết se lạnh của Hà Nội dịp này.
Khác biệt với những môn thể thao phải vận động mạnh, yoga nhìn nhẹ nhàng nhưng lại giúp cho người tập rèn luyện cả về "tâm-thân-trí". Điều này cũng đòi hỏi những huấn luyện viên yoga phải có kinh nghiệm nhất định.
0