Tên lửa JASSM: Lợi thế chiến trường hay thách thức với Ukraine?

Mỹ đang cân nhắc cung cấp tên lửa hành trình JASSM AGM-158 cho Ukraine, một động thái được kỳ vọng sẽ xoay chuyển cục diện chiến trường khi Ukraine đang thay đổi chiến thuật tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra nếu Ukraine sở hữu loại tên lửa này?

Theo Reuters, một số quan chức giấu tên tiết lộ rằng Mỹ sẽ chuyển giao tên lửa hành trình không đối đất tầm xa JASSM AGM-158 cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên Washington vẫn chưa xác nhận quyết định này.

Việc Mỹ cân nhắc chuyển giao tên lửa hành trình tầm xa JASSM AGM-158 cho Ukraine đang trở thành đề tài nóng trong các phân tích và bình luận quân sự toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Ukraine đang thực hiện một loạt các biện pháp thay đổi chiến thuật, chuyển hướng tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Liệu JASSM có phải là vũ khí chiến lược để Ukraine gia tăng áp lực lên các đơn vị hậu cần và chiến đấu của Nga? Hay ngược lại, việc triển khai loại vũ khí này sẽ đi kèm hàng loạt những thách thức và rủi ro mà Ukraine khó có thể vượt qua?

Tên lửa hành trình JASSM AGM-158 sẽ giúp Ukraine xoay chuyển cục diện chiến trường?

Tên lửa hành trình JASSM AGM-158 là một trong những vũ khí công nghệ cao của Mỹ với khả năng tấn công chính xác các mục tiêu quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.

Tên lửa JASSM có tầm bắn 370 km (phiên bản nâng cấp JASSM-ER có tầm bắn lên tới gần 1.000 km), được trang bị đầu đạn có sức công phá mạnh, hệ thống dẫn đường tiên tiến và khả năng tàng hình trước radar phòng không của đối phương.

Việc Mỹ cân nhắc chuyển giao tên lửa JASSM cho Ukraine không chỉ đơn thuần là một động thái hỗ trợ quân sự, mà còn mang tính chiến lược đối với cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Mô hình tên lửa hành trìnnh JASSM

Hiện tại, Ukraine đang thay đổi phương thức tác chiến, từ phòng ngự chuyển sang tấn công vào các vị trí nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Những cuộc tấn công này nhằm vào các căn cứ không quân, cơ sở hạ tầng quân sự và thậm chí cả những khu vực gần Moscow, gây áp lực không nhỏ lên các mục tiêu phòng thủ cũng như các cơ sở hậu cần, chỉ huy của Nga. Việc sở hữu JASSM sẽ giúp Ukraine nâng cao khả năng tấn công từ xa, thực hiện chiến thuật gây rối loạn bên trong lãnh thổ của đối phương.

Tuy nhiên, đây không phải là một quyết định dễ dàng cho cả Washington và Kiev, bởi những thách thức về kỹ thuật, nhân lực, và cả phản ứng của Nga. Điều đó giải thích lý do tại sao Washington, dù đã có kế hoạch nhưng vẫn đang cân nhắc và chưa chính thức xác nhận thông tin chuyển giao JASSM cho Ukraine ở thời điểm này.

THÔNG SỐ KỸ THUẬT CỦA TÊN LỬA HÀNH TRÌNH JASSM AGM-158

1. Tầm bắn:

  • JASSM: Khoảng 370 km
  • JASSM-ER (Extended Range): Khoảng 1.000 km

2. Chiều dài: Khoảng 4,3 mét

3. Đường kính: Khoảng 0,51 mét

4. Trọng lượng phóng: Khoảng 1.000 kg

5. Đầu đạn:

  • JASSM: Đầu đạn xuyên phá mạnh M1126 với trọng lượng khoảng 450 kg.
  • JASSM-ER: Có thể trang bị đầu đạn tương tự hoặc loại đầu đạn khác tùy thuộc vào yêu cầu của nhiệm vụ.

6. Hệ thống dẫn đường:

  • GPS/INS (Hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh và giám sát nội bộ): Cung cấp khả năng điều hướng chính xác.
  • Hệ thống dẫn đường bằng radar ảnh nhiệt (IR): Giúp tên lửa tìm và tấn công mục tiêu trong điều kiện thời tiết xấu hoặc ban đêm.

7. Tốc độ: Mach 0.6 - 0.8 (khoảng 740 - 980 km/h).

8. Tính năng tàng hình: Thiết kế của JASSM giảm thiểu khả năng bị phát hiện bởi radar, giúp tăng khả năng bảo toàn khi tiếp cận các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt.

9. Phương tiện phóng: Tên lửa JASSM có thể được phóng từ nhiều loại máy bay, bao gồm các máy bay tiêm kích và ném bom của Mỹ như F-16, F/A-18, B-1B Lancer, B52H...

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Ukraine sở hữu tên lửa JASSM AGM-158

Nếu được cung cấp tên lửa hành trình JASSM AGM-158, Ukraine hoàn toàn có cơ hội làm thay đổi cục diện chiến trường. Tên lửa JASSM với khả năng tấn công chính xác vào các mục tiêu có giá trị cao sẽ là một công cụ mạnh mẽ để Ukraine phá hủy các cơ sở quân sự quan trọng của Nga. Những cuộc tấn công có độ chính xác cao này không chỉ làm suy yếu khả năng phòng thủ của Nga mà còn có thể khiến Moscow phải sơ tán nhiều căn cứ quân sự nằm trong tầm bắn của JASSM cũng như tái cơ cấu lại các kế hoạch tác chiến của mình.

Tên lửa JASSM với khả năng tấn công chính xác vào các mục tiêu có giá trị cao sẽ là một công cụ mạnh mẽ để Ukraine phá hủy các cơ sở quân sự quan trọng của Nga.

Trong thời gian gần đây, Ukraine đã linh hoạt trong việc thay đổi chiến thuật, chuyển từ phòng vệ trên chiến trường sang tấn công vào các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Nếu có thêm tên lửa JASSM, Ukraine sẽ có khả năng mở rộng phạm vi tấn công của mình, nhắm vào các căn cứ quan trọng của Nga, thậm chí là các trung tâm chỉ huy và điều khiển. Điều này sẽ tạo ra một áp lực mới đối với Nga, buộc nước này phải chuyển đổi hoặc tăng cường các hệ thống phòng thủ, gây tốn kém về mặt quân lực và tài chính.

Tuy nhiên, Nga hiện chưa đưa ra phản ứng trước thông tin được truyền thông phương Tây công bố. Liệu Moscow có chấp nhận ngồi yên khi các cơ sở quan trọng nằm sâu trong lãnh thổ của mình có nguy cơ bị Ukraine tấn công bằng vũ khí do Mỹ và phương Tây viện trợ?

Câu trả lời gần như chắc chắn là không. Nga có thể sẽ đáp trả bằng các biện pháp quân sự mạnh mẽ hơn, đẩy cuộc xung đột leo thang. Trong trường hợp xấu nhất, điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh tổng lực, mở rộng ra ngoài biên giới Ukraine và Nga, nếu như Nga bị thiệt hại nặng nề tại hậu phương và có nguy cơ mất thế thượng phong trên chiến trường.

Thách thức đối với Ukraine trong việc triển khai tên lửa JASSM AGM-158

Tên lửa JASSM nếu được trang bị sẽ trở thành vũ khí chiến lược của Ukraine, giúp Kiev có thể thay đổi cục diện chiến trường. Tuy nhiên Ukraine vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc triển khai loại vũ khí này một cách hiệu quả.

Hiện tại, chỉ có các máy bay do Mỹ sản xuất là có khả năng gắn tên lửa JASSM, bao gồm cả tiêm kích F-16 mà Ukraine mới tiếp nhận. Các loại máy bay khác có khả năng mang tên lửa này bao gồm tiêm kích F-15E, F/A-18, oanh tạc cơ B-1, B-2, B-52, cũng như vận tải cơ C-130 và C-7.

Một nguồn tin quân sự rò rì cho biết Mỹ đã từng thử nghiệm việc lắp đặt tên lửa JASSM lên các máy bay quân sự theo tiêu chuẩn của Liên Xô cũ mà Ukraine đang sở hữu, nhưng không cung cấp chi tiết về loại máy bay hoặc kết quả của các cuộc thử nghiệm đó. Việc tích hợp cũng không hề đơn giản bởi sự khác biệt của các thiết kế và chức năng thiết bị, khiến các chuyên gia Mỹ phải mất nhiều thời gian cũng như các cuộc thử nghiệm thực tế trước khi chính thức triển khai JASSM trên các loại máy bay này.

Một tên lửa JASSM đang được lắp đặt lên máy bay ném bom B-52H Stratofortress tại Căn cứ Không quân Barksdale.

Ukraine hiện đang phải đối diện với các vấn đề nghiệm trọng về lực lượng phi công và năng lực vận hành các máy bay F-16, loại máy bay vốn được thiết kế để mang tên lửa JASSM. Vào cuối tháng 8, trong một cuộc tấn công tổng hợp của lực lượng vũ trang Nga, Kiev đã mất một trong sáu chiếc F-16 mới được chuyển giao cùng một phi công kỳ cựu - Trung tá Alexey Mes.

Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn này được cho là do lỗi của phi công. Một thông tin khác tiết lộ rằng máy bay bị hệ thống phòng không của Ukraine bắn nhầm. Đây là một sự khởi đầu tồi tệ của F-16 tại Ukraine. Những chiếc F-16 đầu tiên chỉ mới đến nước này vào đầu tháng, và Trung tá Alexey Mes là một trong số ít phi công được đào tạo để sử dụng tiêm kích do Mỹ sản xuất.

Chất lượng đào tạo phi công Ukraine của Mỹ và phương Tây cũng đang có nhiều vấn đề. Vào cuối tháng 7/2024, một báo cáo của Bộ Quốc phòng Romania thông tin rằng trong số 50 học viên phi công Ukraine tham gia chương trình đào tạo, chỉ có ba học viên có khả năng lái máy bay chiến đấu Mỹ một cách độc lập sau khi được huấn luyện.

Nếu thông tin này là đúng, kể cả trong trường hợp Ukraine nhận được hơn 100 máy bay F-16 như mong muốn của tổng thống Zelensky thì quân đội Ukraine cũng rất khó có thể sử dụng hiệu quả loại phương tiện quân sự tối tân này để giành ưu thế trong cuộc xung đột với Nga trên chiến trường. Lý do nằm ở chất lượng và số lượng phi công quân sự có thể vận hành loại phương tiện và vũ khí chiến đấu tiên tiến do Mỹ và phương Tây cung cấp.

Việc điều khiển F-16 không chỉ đòi hỏi kỹ năng bay cơ bản mà phi công còn cần phải sử dụng thành thạo các hệ thống vũ khí tiên tiến. Với lực lượng phi công hiện tại, Ukraine có thể gặp khó khăn trong việc triển khai JASSM một cách hiệu quả, dẫn đến việc giảm thiểu hoặc triệt tiêu thế mạnh mà loại tên lửa này có thể mang lại trên chiến trường.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề nhân lực, Ukraine còn phải đối mặt với những khó khăn trong việc tích hợp tên lửa JASSM vào hệ thống trang bị quân sự hiện có. Việc này đòi hỏi sự đồng bộ hóa về kỹ thuật, bảo dưỡng và hậu cần, những yếu tố mà Ukraine có thể chưa hoàn toàn sẵn sàng. Việc bảo trì và điều khiển hệ thống JASSM đòi hỏi kiến thức chuyên sâu. Điều này có thể là một trở ngại lớn nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ và thường xuyên từ phía Mỹ và các đồng minh.

Ngoài ra, việc vận hành và duy trì hệ thống JASSM còn đặt ra thách thức về mặt hậu cần. Các căn cứ không quân của Ukraine, vốn đã bị hư hại nặng nề trong cuộc xung đột, cần phải được tái thiết và củng cố để đảm bảo các máy bay F-16 và tên lửa JASSM có thể hoạt động tốt nhất. Nếu không, Ukraine sẽ khó có thể khai thác được toàn bộ lợi thế của loại vũ khí này.

Các hệ quả chính trị khác trong trường hợp Ukraine sở hữu JASSM AGM-158

Việc Mỹ chuyển giao tên lửa JASSM AGM-158 cho Ukraine không chỉ là một động thái hỗ trợ Ukraine cải thiện cục diện chiến trường mà còn có thể gây ra những hệ quả khác về mặt chính trị và quân sự trên toàn cầu.

Từ góc nhìn của Nga, việc Ukraine sở hữu tên lửa hành trình JASSM AGM-158 có thể được coi là một sự leo thang nghiêm trọng. Nga có thể đáp trả bằng các biện pháp quân sự mạnh mẽ hơn, hoặc thậm chí có thể mở rộng quy mô tấn công, nhắm vào các mục tiêu dân sự hoặc quân sự quan trọng trong lãnh thổ Ukraine. Điều này sẽ khiến tình hình trở nên khó kiểm soát hơn, với nguy cơ mở rộng xung đột ra toàn biên giới hai quốc gia.

Không chỉ Nga, cộng đồng quốc tế cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức mới. Các quốc gia NATO, đặc biệt là các nước gần biên giới Nga, sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn về mặt an ninh. Việc JASSM được triển khai ở Ukraine có thể đẩy các nước này vào tình thế phải tăng cường phòng thủ, đồng thời cân nhắc lại các cam kết an ninh của mình trong khu vực.

Việc Mỹ cung cấp tên lửa hành trình JASSM cho Ukraine cũng có thể làm thay đổi mối quan hệ giữa Washington và các đồng minh. Một số quốc gia có thể ủng hộ mạnh mẽ động thái này, coi đây là một bước tiến cần thiết với Ukraine. Tuy nhiên, một số nước khác có thể lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột và sẽ kêu gọi sự kiềm chế.

Ngoài ra, việc Mỹ cung cấp JASSM cho Ukraine cũng có thể tác động đến các quốc gia khác đang theo dõi tình hình. Các quốc gia đối trọng với Mỹ có thể xem đây là một tín hiệu rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng công nghệ quân sự tiên tiến để hỗ trợ đồng minh trong các cuộc xung đột khu vực. Điều này có thể thúc đẩy hàng loạt các động thái chính trị và quân sự khác ở các điểm nóng tiền tàng cũng như tạo ra các cuộc chạy đua vũ trang mới ở quy mô khu vực.

Nếu bạn quan tâm tới thông tin về các loại vũ khí quân sự, hãy theo dõi thêm các bài viết phân tích chuyên sâu của Đài Hà Nội bằng cách bấm VÀO ĐÂY
Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Quốc phòng Nga mới thông báo đã bắn rơi ba máy bay tiêm kích của Ukraine trong vòng 24 giờ đồng hồ trước đó, bao gồm hai chiếc Su-27 và một chiếc MiG-29.

Người phát ngôn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết vào ngày 16 tháng 9, giờ địa phương, rằng Tổng Giám đốc WTO Iweala đã chính thức công bố ý định tái tranh cử.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/9 thông báo các lực lượng nước này đã đẩy lùi quân đội Ukraine theo nhiều hướng ở khu vực Kursk.

Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness vừa phát hành Sách kỷ lục thế giới Guinness phiên bản năm 2025, giới thiệu 2.115 thành tích trên khắp thế giới, trong đó có hơn 80% là thành tích mới.

Cơ quan Cứu trợ và Việc làm cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông của Liên Hợp Quốc (UNRWA) cho biết vào trưa ngày 16/9 ( giờ địa phương), đợt tiêm và uống vaccine phòng bại liệt đầu tiên ở Dải Gaza đã hoàn thành.

Giải vô địch lái xe điện lần thứ 11 đã được tổ chức tại thành phố Frankfurt, Đức, với sự tham gia của 26 đội đến từ 21 quốc gia, với phần thưởng cao nhất là chiếc cúp dành cho đội lái xe điện xuất sắc nhất châu Âu.