Tên lửa tầm xa thay đổi xung đột Nga - Ukraine thế nào?

Anh và Mỹ có thể dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow của Pháp và Anh và tên lửa ATACMS của Mỹ sẽ không phải là giải pháp hoàn hảo.

“Lằn ranh đỏ” cuối cùng bị xoá bỏ?

Washington và London có thể đã quyết định để Kiev sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, Thượng nghị sĩ Nga Aleksey Pushkov cho biết. “Rõ ràng là quyết định tấn công lãnh thổ Nga đang được chuẩn bị”, ông Pushkov viết trên kênh Telegram của mình ngày 11/9.

Anh đã bật đèn xanh cho việc sử dụng tên lửa Storm Shadow, tờ The Guardian của Anh ngày 11/9 đưa tin, trích dẫn các nguồn tin chính phủ ẩn danh. Tuy nhiên, London sẽ không công khai động thái này, các nguồn tin khẳng định.

Kiev từ lâu đã hối thúc các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, cho phép nước này tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, sử dụng các loại tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp như Storm Shadow của Pháp/Anh và ATACMS của Mỹ. Mỹ cho đến nay vẫn ngăn cản Ukraine làm điều đó do lo ngại leo thang xung đột với Nga.

Theo tờ The Guardian, phát biểu trong chuyến thăm Kiev, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã “đưa ra gợi ý mạnh mẽ nhất từ ​​trước đến nay” về việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tầm xa chống lại Nga trong chuyến thăm Kiev hôm 11/9. Quyết định này “được hiểu là đã được đưa ra một cách riêng tư”, tờ báo của Anh tuyên bố.

Ngoại trưởng Anh David Lammy (bên trái) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (ở giữa) đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào ngày 11/9/2024

Trước đó, nhà ngoại giao Mỹ biện minh cho khả năng thay đổi lập trường của Washington là vì Nga đã tiếp nhận hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fath-360 từ Iran và có khả năng sẽ sử dụng chúng ở Ukraine trong vòng vài tuần tới. Ông Blinken gọi động thái này là “sự leo thang đáng kể” của cuộc chiến, mặc dù cả Nga và Iran đều bác bỏ thông tin này.

Cục diện chiến trường liệu có thay đổi?

Theo các chuyên gia, nếu được phép sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công sâu trong lãnh thổ Nga, mục tiêu chính của Ukraine sẽ là các căn cứ không quân cùng máy bay chiến đấu Nga. Ngoài ra, với những cuộc tấn công như vậy, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ cố gắng tước đi cơ hội tấn công bằng bom lượn của Nga, một trong những vũ khí quan trọng nhất dẫn đến thành công của Moscow trên chiến trường. Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã xác định được ít nhất 225 mục tiêu tiềm năng mà Ukraine có thể tấn công ngay lập tức.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow của Pháp và Anh và tên lửa ATACMS của Mỹ sẽ không phải là giải pháp hoàn hảo.

“Chúng ta không nên quá kỳ vọng vào những gì điều này sẽ mang lại”, Matthew Savill, Giám đốc Khoa học quân sự của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh, nói với tờ The Telegraph, “Tôi e rằng một số lời bàn tán về việc xoay chuyển tình thế và những bình luận như vậy chỉ là cường điệu về những gì Storm Shadow sẽ đạt được”.

Hiện có những nghi ngờ về số lượng tên lửa Storm Shadow mà Ukraine còn lại trong kho vũ khí của mình, vốn đã được Kiev sử dụng kể từ mùa xuân năm ngoái.

Trong khi đó, Anh đã không còn sản xuất loại tên lửa này với số lượng lớn nữa, còn việc sản xuất tại Pháp cũng đang trong tình trạng “sống dở chết dở”, Colby Badhwar, một nhà phân tích an ninh và quốc phòng cho biết.

Một tên lửa Storm Shadow được trưng bày tại Triển lãm hàng không thương mại quốc tế Farnborough.

Trong bối cảnh ấy, nếu thực sự thiếu hụt tên lửa, Ukraine sẽ phải lựa chọn mục tiêu rất cẩn trọng để không lãng phí các nguồn lực còn lại, ông Savill cho biết.

Vấn đề thứ hai là phạm vi mà tên lửa Storm Shadow và ATACMS có thể hoạt động. Mặc dù cả hai loại tên lửa này đều có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 300 km, nhưng các quan chức tình báo Mỹ tin rằng Nga đã di chuyển tới 90% máy bay chiến đấu ra khỏi tầm bắn của những loại tên lửa này. Việc Nga phải di dời máy bay chiến đấu đến các sân bay xa hơn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả tác chiến. Không chỉ vậy, việc dỡ bỏ các hạn chế đối với vũ khí cũng có thể dẫn đến các lợi ích chiến thuật và chính trị khác.

Chẳng hạn, quyết định này sẽ gửi đi tín hiệu rằng London và Washington không còn lo lắng về sự trả đũa của Nga nữa và có thể thuyết phục Đức cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Kiev sử dụng trong lãnh thổ Ukraine.

Các loại vũ khí khác cũng có thể được mở khóa, chẳng hạn như tên lửa JASSM do Mỹ sản xuất, có thể cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu cách xa tới 300 km vào lãnh thổ Nga, vùng có khoảng 30 căn cứ không quân.

Kiev đã chứng minh rằng họ có thể tấn công sâu vào bên trong nước Nga bằng máy bay không người lái (UAV) được sản xuất nội địa, với hàng trăm cuộc tấn công kể từ mùa thu năm 2022. Tuy nhiên, những chiếc UAV này không mang đầu đạn có khả năng xuyên qua các cấu trúc kiên cố.

Nga thường sử dụng các boongke được gia cố bằng nhiều lớp bê tông dày để bảo vệ đạn dược hoặc máy bay chiến đấu, những vị trí chỉ có đầu đạn của tên lửa tầm xa như Storm Shadow mới có thể xuyên thủng.

Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, gần đây đã nói với tờ The Telegraph của Anh rằng chính lập luận này đã được các quan chức Ukraine đưa ra khi cố gắng thuyết phục Thủ tướng Anh Keir Starmer cho phép Kiev sử dụng tên lửa Storm Shadow tấn công lãnh thổ Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đang ký lên một tên lửa hành trình Storm Shadow vào năm ngoái, đã thúc giục các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Kiev sử dụng vũ khí này.

Trong khi đó, tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp - còn được gọi là Hệ thống tên lửa chiến thuật Lục quân - sẽ được sử dụng theo một cách khác. ATACMS là tên lửa đạn đạo được trang bị đạn chùm, có thể rải hàng nghìn quả đạn nhỏ trên mục tiêu và phù hợp hơn để vô hiệu hóa đường băng tại các sân bay của Nga. Các mẫu được trang bị đầu đạn đơn có khả năng phá hủy các mục tiêu đơn lẻ ít được bảo vệ hơn, như hệ thống phòng không hoặc tác chiến điện tử.

Tuy nhiên, để thực sự phát huy hiệu quả, các vụ phóng tên lửa tầm xa cần phải được kết hợp với các bước tiến của lực lượng bộ binh của Ukraine. “Nếu bạn không đạt được tiến triển trên mặt đất, áp lực phía sau chiến tuyến sẽ rất lớn”, ông Savill nói.

Ukraine đã chứng minh rằng họ có khả năng gây áp lực đáng kể cho lực lượng Nga ở bán đảo Crimea và khu vực Biển Đen thông qua các cuộc tấn công trên không, nhưng chưa bao giờ Kiev có thể gây áp lực với Nga trong các cuộc điều động trên mặt đất.

Các cuộc tấn công tầm xa được tiến hành trước cuộc phản công mùa hè thất bại của Kiev hồi năm ngoái cũng tỏ ra không hiệu quả vì lực lượng Ukraine không thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ trên bộ của Nga.

Mặt khác, các cuộc thảo luận kéo dài về việc có nên dỡ bỏ lệnh cấm Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga cũng phải trả giá. Các cuộc họp báo tại Washington và chuyến thăm thủ đô Kiev của Ngoại trưởng Anh Lammy và Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã đóng vai trò như một dấu hiệu công khai cho thấy quyết định sử dụng tên lửa là rất có thể. Điều này có nghĩa là yếu tố bất ngờ đã bị loại bỏ khỏi phương trình.

Điện Kremlin ngày 11/9 tuyên bố Moscow sẽ đáp trả bằng “một phản ứng thích hợp” nếu Mỹ cho phép Ukraine tấn công sâu vào bên trong nước Nga bằng tên lửa tầm xa.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ngày 17/9, ở Liban xảy ra một loạt vụ nổ gây chấn động, nhắm vào hệ thống thông tin liên lạc được Hezbollah ưa chuộng. Những vụ nổ này không chỉ làm 9 người chết và hàng nghìn người bị thương, mà còn làm dấy lên nhiều câu hỏi về động thái tiếp theo từ cả Hezbollah và Israel.

Theo kế hoạch Thị trưởng London (Anh) vừa công bố, phố Oxford có thể sẽ trở thành phố đi bộ để thu hút nhiều người mua sắm hơn.

Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Sergei Shoigu đã gặp Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tại thủ đô Tehran vào thứ Ba (17/9), sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng.

Lấy động lực từ những trải nghiệm hoá trị của mẹ, một sinh viên người Ireland đã tạo ra một thiết bị làm mát da đầu di động dành cho bệnh nhân điều trị ung thư, với hy vọng giúp cho những bệnh nhân giữ được phần lớn mái tóc của mình.

Quyết định thắt chặt kiểm soát biên giới của Chính phủ Đức kể từ ngày 16/9 đã gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng bên phía biên giới nước láng giềng Ba Lan. Nhiều người dân Ba Lan đã bày tỏ không hài lòng với chính sách của Đức.

Điện Kremlin cho biết sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin nhằm đưa các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga trở thành đội quân có quy mô lớn thứ hai trên thế giới, nhằm đối phó với các mối đe dọa ngày càng gia tăng ở biên giới phía Tây cũng như tình hình bất ổn ở biên giới phía Đông nước này.