Tết có bình yên khi pháo nổ? | Hà Nội tin mỗi chiều
Ngăn chặn sản xuất, buôn bán pháo nổ trái phép dịp cuối năm
Cứ vào dịp gần Tết, tình trạng buôn bán, tàng trữ pháo bất hợp pháp lại diễn ra. Không năm nào giống năm nào, năm sau diễn biến phức tạp hơn năm trước. Nhiều vụ tai nạn thương tâm khi vận chuyển, sử dụng pháo nổ gây thương tích, thậm chí thương vong vẫn xảy ra.
Không ít vụ vận chuyển, mua bán tàng trữ pháo đã được phát hiện, xử phạt kể cả bằng biện pháp hình sự. Nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh, răn đe. Trên mạng xã hội vẫn công khai tình trạng mua bán tiền chất chế tạo pháo và tràn lan những video dạy chế tạo pháo. Cách đây ít ngày, Phòng PC02 - Công an thành phố Hà Nội vừa phối hợp với Công an huyện Thường Tín bắt giữ ba đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ. Tang vật thu giữ là gần một tấn pháo nổ.
Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã bắt nhóm thiếu niên tự chế pháo nổ để bán kiếm tiền. Đang tuổi vị thành niên nhưng Đinh Văn Nguyên, sinh năm 2008, trú tại huyện Đông Anh đã lên mạng tìm công thức và chế ra pháo nổ. Ban đầu, Nguyên chế tạo thuốc pháo vì tò mò, nghịch ngợm. Tuy nhiên, sau khi thấy trên mạng xã hội, một số người có nhu cầu mua pháo với giá cao, Nguyên đã quyết định làm và thuê thêm người làm với số lượng lớn và bán cho khách.
Càng gần đến Tết, tai nạn do pháo nổ càng gia tăng. Vụ việc nghiêm trọng xảy ra cách đây ít ngày, tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình, khiến hai người phụ nữ làm thuê thiệt mạng, một cháu nhỏ con một người làm thuê bị mảnh thủy tinh găm vào người. Chỉ trong phút chốc 6 đứa trẻ mất mẹ, chồng mất vợ, gia đình mất con. Những mất mát không bao giờ có thể lấy lại được.
Nhiều vụ tai nạn khác do pháo dù không gây tử vong song cũng khiến nạn nhân chấn thương nặng, mất bàn tay, thủng màng nhĩ… Đau đớn có thể sẽ qua đi, nhưng nỗi ám ảnh về tinh thần hay di chứng, thương tật thể xác do pháo sẽ ở lại suốt đời.
Từ lâu, Nhà nước đã ra quy định cấm buôn bán và sử dụng pháo nổ. Vì nhiều lý do, nguồn pháo lậu, pháo tự chế vẫn tồn tại và âm thầm, lén lút lưu hành. Tết cận kề, bên cạnh sự thường xuyên thường trực của chính quyền trong phát hiện, ngăn ngừa, thì ý thức của mỗi người dân “nói không với pháo nổ” là vô cùng quan trọng và mang tính quyết định.
Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ
Không chỉ với pháo nổ, công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, năm nào cũng vậy lại trở thành vấn đề nóng ở nhiều địa phương, nhất là vào dịp cuối năm. Súng săn, súng hơi, đạn chì, thuốc nổ, đao, kiếm, giáo, mác…vẫn được mua bán tràn lan.
Gần đây nhất, Công an tỉnh Bắc Giang vừa bắt giữ đối tượng chế tạo, mua bán súng săn quy mô lớn. 6 khẩu súng săn, gần 700 linh kiện lắp ráp súng, hơn 4.000 viên đạn chì và những clip quảng cáo, rao bán, dạy cách lắp ráp các loại súng hơi. Đó là những tang vật lực lượng chức năng thu giữ được tại nơi ở của một đối tượng tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Đối tượng khai nhận đã tự quay các clip quảng cáo súng săn để đăng lên mạng xã hội. Trong vòng hơn một tháng đã bán trót lọt gần chục khẩu súng hơi với giá từ hơn 4 triệu đến gần chục triệu đồng mỗi khẩu, tùy loại.
Hiện trên không gian mạng xuất hiện tràn lan những hội nhóm quảng cáo, rao bán, dạy cách làm công cụ hỗ trợ, vũ khí, vật liệu nổ. Nguyên nhân tình trạng này là do sự hạn chế về mặt nhận thức của một bộ phận người sử dụng mạng xã hội, không loại trừ thói hám lợi. Nguyên nhân khác xuất phát từ những đối tượng xấu có tư tưởng cực đoan.
Tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, các loại công cụ gây án đang diễn biến phức tạp có chiều hướng tăng, hoạt động rất manh động, gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng. Điển hình như vụ hàng chục thanh thiếu niên tụ tập hỗn chiến, chạy xe máy tốc độ cao trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội hồi cuối tháng 9 vừa qua. Quá trình gây án, có đối tượng đã mang theo vũ khí nóng, bắn vào những người đi đường. Hậu quả khiến ba người bị thương. Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng vũ khí thô sơ để cướp ngân hàng như hiện nay có xu hướng gia tăng.
Hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144/2021 của chính phủ. Mức phạt tiền cao nhất lên đến 40 triệu đồng. Hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự, mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù. Tuy nhiên, tình trạng tàng trữ, mua bán, sản xuất pháo nổ trái phép vẫn gia tăng ở nhiều địa phương.
Theo Bộ Công an, nguyên nhân là do Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định về các loại vũ khí chưa khái quát, còn tách bạch giữa vũ khí quân dụng với các loại vũ khí khác. Vì vậy, các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển sử dụng trái phép các loại súng tự chế, như súng săn bắn đạn ghém, súng nén ga, súng nén hơi; vũ khí thô sơ như các loại dao, lưỡi lê, đao, kiếm…và linh kiện để lắp ráp vũ khí.
Kẻ hở này khiến hiện trạng trở nên phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các khái niệm cũng như chế tài xử phạt phù hợp với thực tiễn. Được biết, dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2024. Đây là bước sửa đổi cần thiết để từng bước kiềm chế loại tội phạm ngày càng manh động, phức tạp này, vì cuộc sống bình yên của nhân dân.
Hà Nội đề xuất làn đường dành riêng cho xe đạp
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa đề xuất thí điểm tổ chức làn đường riêng cho xe đạp dọc sông Tô Lịch và quanh công viên Hòa Bình, đường Hoàng Minh Thảo, nhằm tạo điều kiện cho người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm ô nhiễm môi trường và tạo sản phẩm phục vụ du lịch.
Tiện lợi, an toàn, văn minh... là nhận định của nhiều người dân khi nghe về đề xuất làn đường riêng dành cho xe đạp ở Hà Nội. Nhiều người dân Hà Nội khi được hỏi quan điểm về đề xuất này cũng đã bày tỏ sự hào hứng và đồng tình. Song, với kinh phí đầu tư gần 10 tỉ đồng, cho hai làn đường dành riêng cho xe đạp, dài khoảng chừng 8km, nhiều người tự hỏi liệu rằng đề xuất này có thực tế và hợp lý?
Nếu theo đúng dự kiến, trong tương lai không xa, khi thành phố Hà Nội triển khai lộ trình cấm xe máy, hạn chế ô tô cá nhân thì rõ ràng nhu cầu sử dụng các phương tiện công cộng, phương tiện giao thông xanh như xe đạp của người dân sẽ tăng lên. Tuy nhiên, bài học từ nhiều đề xuất trước đó vẫn còn hiện hữu, ví dụ như làn đường cho xe buýt nhanh BRT. Từ làn đường riêng trở thành làn đường chung, ùn tắc kéo dài bất chấp giờ cao điểm hay thấp điểm. Theo chuyên gia giao thông, để không lặp lại sai lầm cũ hay phát sinh những vấn đề mới, cơ quan chức năng cần có sự nghiên cứu nghiêm túc, triển khai bài bản.
Giao thông xanh là xu hướng tất yếu trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Hướng tới giao thông xanh không chỉ là giảm bớt khí thải từ phương tiện, mà còn là khuyến khích, hỗ trợ các phương tiện ít hoặc không xả khí thải như xe đạp. Đề xuất làn đường dành riêng cho xe đạp nếu được triển khai tốt chắc chắn sẽ góp phần giải quyết không ít vấn đề giao thông nhức nhối ở Hà Nội.
- Học sinh TP Hồ Chí Minh được học miễn phí | Hà Nội tin mỗi chiều
- Xây dựng, cải tạo chợ - cần các giải pháp đồng bộ | Hà Nội tin mỗi chiều
- Hà Nội sẽ phủ xanh phố phường | Hà Nội tin mỗi chiều
- Tuyển hiệu trưởng – ‘Mở’ mà ‘đóng’? | Hà Nội tin mỗi chiều
- Điệp khúc lát đá vỉa hè cuối năm tại Hà Nội | Hà Nội tin mỗi chiều
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 70 cây cầu vượt bộ hành. Số vốn đầu tư để xây dựng một cầu vượt đường bộ là 3 đến 5 tỷ, thậm chí 10 tỷ. Tuy nhiên, nhiều người dân lại không sử dụng cầu bộ hành, mà băng ngang trực tiếp dưới lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Lý do là bởi các cây cầu này đã trở thành những điểm tụ tập vui chơi, ăn nhậu và xả rác.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn về việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng không khí trên địa bàn thành phố.
Ghé vào nhà sách thân thuộc, tôi bắt gặp từng tốp học sinh tiểu học đang viết nắn nót những dòng chữ đầy yêu thương tới thầy cô giáo của mình. Tấm thiệp nhỏ xinh, dòng chữ ngay ngắn và cả nụ cười của các em giòn râm ran một góc nhỏ. Vậy là một mùa hiến chương nhà giáo nữa lại về.
Tối 17/11, ở chùa Bái Đính, một chương trình đặc biệt - Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với thông điệp "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một lần nữa khiến hàng ngàn khán giả cả nước rơi nước mắt.
Sẽ có gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến hoàn thành giai đoạn 2024 - 2025. Thông tin này được Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra trong phần tham luận tại Diễn đàn “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Hà Nội tổ chức ngày 16/11.
Với những người trẻ, các hoạt động sôi nổi ở phố đi bộ Hồ Gươm có lẽ là điểm đến không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần. Những hoạt động tại phố đi bộ còn có cả các buổi phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội với ekip khá chuyên nghiệp. Thế nhưng, ngay dưới bộ dụng cụ hành nghề của những ekip này đều gắn logo quảng cáo trá hình cho trang web cờ bạc như OK VIP.
0